Mong nhà giáo sớm được ưu tiên xếp lương cao nhất, GV hạn chế dạy thêm thu tiền

04/10/2024 06:50
Mỹ Tiên

GDVN - Tăng lương phải đi kèm với việc siết chặt quy định, quản lý giáo viên dạy thêm thu tiền, học sinh không phải là công cụ kiếm tiền của giáo viên.

Thông tin trong thời gian tới dự kiến nhà giáo sẽ được ưu tiên xếp lương cao nhất, đa số nhà giáo đều vui mừng, chờ đợi, tuyển sinh ngành sư phạm năm học này cũng tăng sức hút nhiều so với các năm trước.

Đa số cán bộ quản lý, giáo viên, người dân đồng thuận với việc cải thiện môi trường làm việc, nhưng cũng mong khi tăng lương đi kèm trách nhiệm, hạn chế dạy thêm.

Muốn giảm dạy thêm phải bằng hành lang quy định quản lý hiệu quả chứ khó mong giáo viên được tăng lương sẽ hạn chế dạy thêm. Một số người cho rằng lương giáo viên có được đến 20 triệu/tháng thì dạy thêm cũng không giảm vì nguồn lợi thu nhập từ dạy thêm quá lớn.

6-mot-gio-hoc-7041-3263.jpg
Ảnh minh họa.

Dự thảo Luật Nhà giáo lần 3 cụ thể chủ trương ưu tiên xếp lương nhà giáo cao nhất trong thang bảng lương

Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI "Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế" trong đó có việc nhà giáo được ưu tiên xếp lương cao nhất trong đơn vị sự nghiệp hành chính.

Ngày 12/8/2024, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành kết luận số 91-KL/TW về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế đều hướng tới: “thực hiện chủ trương lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tuỳ theo tính chất công việc, theo vùng.”

Tại khoản 1 Điều 43 dự thảo Luật Nhà giáo mới nhất (lần 3) đã cụ thể hóa rõ hơn về chế độ cho nhà giáo theo Nghị quyết của Trung ương.

“Điều 43. Tiền lương và phụ cấp đối với nhà giáo

1. Nhà giáo ở cơ sở giáo dục công lập được hưởng lương và phụ cấp như sau:

a) Lương theo bảng lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp;

b) Phụ cấp thâm niên;

c) Phụ cấp ưu đãi nghề cao nhất trong các ngành, lĩnh vực được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề;

d) Phụ cấp khác theo quy định của pháp luật.”

Theo đó, tại dự thảo mới nhất, đã dự kiến nhà giáo vẫn được hưởng lương theo bảng lương được xếp cao nhất trong thang bậc lương hành chính sự nghiệp và được hưởng phụ cấp thâm niên, phụ cấp ưu đãi nghề cao nhất trong các ngành, lĩnh vực được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề và các khoản phụ cấp khác.

Ngày 25/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp cho ý kiến vào Dự thảo Luật Nhà giáo. So với quy định hiện hành tại các luật liên quan, Dự thảo Luật Nhà giáo có nhiều điểm mới, trong đó có quy định chính sách tiền lương, đãi ngộ với nhà giáo.

Trình bày tờ trình của Chính phủ, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu nhiều bất cập để cho thấy sự cần thiết xây dựng Luật Nhà giáo trong bối cảnh hiện nay.

So với quy định hiện hành tại các luật liên quan, Dự thảo Luật Nhà giáo có nhiều điểm mới, trong đó có quy định chính sách tiền lương, đãi ngộ với nhà giáo.

Dự thảo quy định lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và được hưởng các phụ cấp ưu đãi nghề và các phụ cấp khác tùy theo tính chất công việc, theo vùng theo quy định của pháp luật.

Chính sách này nhằm giúp nhà giáo yên tâm làm việc, cống hiến và phát triển nghề nghiệp; thu hút, trọng dụng và ưu đãi với người có tài năng làm nhà giáo; thu hút nhà giáo về công tác và công tác lâu dài trong ngành giáo dục, đặc biệt ở các vùng khó khăn...[1]

Hầu hết chỉ đạo, thông tin gần đây đều hướng tới việc cải thiện thu nhập, nâng cao vị thế nhà giáo, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục ổn định và lâu dài.

Mong nhà giáo sớm được xếp lương cao nhất trong thang bảng lương, hạn chế dạy thêm thu tiền

Như vậy, lương nhà giáo cải thiện, tăng chỉ là vấn đề thời gian, đây là tín hiệu đáng mừng đối với hàng triệu giáo viên, sinh viên sư phạm và cả các em học sinh có mong muốn trở thành nhà giáo trong tương lai.

Thực tế, từ 01/7/2024, sau khi có Nghị định 73/2024/NĐ-CP về tăng lương cơ sở lên 2,34 triệu, đồng thời được giữ lại tất cả các khoản phụ cấp hiện hành, đồng thời bổ sung 10% tiền thưởng trong tổng quỹ lương thì cơ bản thu nhập giáo viên các cấp cải thiện đáng kể, có sự ưu đãi so với nhiều đơn vị hành chính sự nghiệp công lập khác, nhiều đơn vị khác đã cắt giảm thu nhập đặc thù.

Bên cạnh đó, nhiều địa phương đã tiến hành bổ nhiệm lương từ hạng cũ sang hạng mới theo các Thông tư 01-04/2021/TT-BGDĐT được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT, khá nhiều giáo viên ở bậc phổ thông được bổ nhiệm hạng II cũ có hệ số lương 2,34-4,98 sang hạng II mới có hệ số lương 4,0-6,38 bởi theo Công văn số 64/BNV-CCVC của Bộ Nội vụ về việc xác định cơ cấu ngạch công chức và cơ cấu hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, chức danh hạng II được bổ nhiệm không quá 50%, các trường phổ thông bổ nhiệm gần 50% hạng II có hệ số lương 4,0-6,38 là con số không hề nhỏ.

Khi chuyển sang hạng II mới có hệ số lương khá cao thì thu nhập giáo viên cải thiện đáng kể, bên cạnh đó giáo viên còn cơ hội tăng lương, tăng lương trước hạn,…nói chung được chuyển sang hạng II mới, giáo viên được nhiều lợi ích.

Do đó, sắp tới thực hiện chủ trương lương nhà giáo cao nhất sẽ là tín hiệu đáng mừng, nhằm nâng cao vai trò, vị thế nhà giáo, thực hiện đúng chủ trương giáo dục là quốc sách hàng đầu, đây cũng là cơ sở để ngành sư phạm có sức hút lớn, tuyển sinh những em học sinh, sinh viên giỏi để trở thành những giáo viên giỏi trong tương lai, hàng triệu giáo viên đều mong điều này sớm thành hiện thực.

Tuy vậy, cũng có nhiều ý kiến khi thực hiện chủ trương lương nhà giáo cao nhất phải đi kèm trách nhiệm, hiệu quả và thời gian làm việc, tránh tình trạng tăng lương không đi kèm chất lượng và hiệu quả công việc, tránh tình trạng lương đã cao nhưng dạy thêm thu tiền vẫn nhiều, giáo viên vẫn chưa tập trung toàn tâm toàn ý cho công việc.

Tăng lương nhà giáo là điều vô cùng hợp lý, là giải pháp tốt nhất để giữ chân giáo viên giỏi, hạn chế giáo viên bỏ việc, nhưng cũng phải gắn với trách nhiệm, bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh giỏi, dạy kiến thức cho học sinh là trách nhiệm của giáo viên. Tăng lương phải đi kèm với việc siết chặt quy định, quản lý giáo viên dạy thêm thu tiền, dành những điều tốt cho học sinh, môi trường giáo dục, học sinh không phải là công cụ kiếm tiền của giáo viên.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://nhandan.vn/de-xuat-luong-nha-giao-duoc-xep-cao-nhat-va-co-phu-cap-uu-dai-nghe-post833052.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Mỹ Tiên