Trường THCS có khó khăn khi triển khai ôn thi học sinh giỏi môn tích hợp

11/10/2024 08:39
Thùy Trang

GDVN - Thi học sinh giỏi môn tích hợp, học sinh phải nắm vững kiến thức chuyên môn từng môn, mà còn phải phát triển kỹ năng tổng hợp, liên hệ giữa các lĩnh vực.

Kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 năm nay tại các địa phương có thêm môn thi tích hợp để phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Với sự thay đổi này, việc tổ chức thi và ôn thi học sinh giỏi lớp 9 cũng có sự thay đổi so với trước đây.

Những thay đổi phù hợp hơn với Chương trình giáo dục phổ thông 2018

Thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo Bà Rịa - Vũng Tàu, hiện nay Sở đã ban hành kế hoạch đã có kế hoạch tổ chức các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Sở Giáo dục và Đào tạo Bà Rịa - Vũng Tàu hướng tới xây dựng nội dung, hình thức tổ chức, cấu trúc, đề thi của các kỳ thi cấp tỉnh theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Bên cạnh đó, chuẩn bị cho giáo viên và học sinh làm quen các dạng thức trắc nghiệm khách quan theo cấu trúc định dạng đề thi kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025.

images1625337-dinh-tien-hoang-trao-doi-3516.jpeg
Kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh lớp 9 trung học cơ sở sẽ có môn thi mới là Khoa học Tự nhiên, Lịch sử và Địa lý. Ảnh minh họa: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu.

Theo đó, kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh lớp 9 trung học cơ sở sẽ có môn thi mới là Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý.

Phòng Giáo dục và Đào tạo Thành phố Bà Rịa cho biết, hai bộ môn tích hợp Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý mang tính mới và lần đầu tiên có trong kỳ thi học sinh giỏi lớp 9, phòng đã tổ chức nghiên cứu Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và lấy ý kiến các trường trên địa bàn và định hướng thực hiện.

Cụ thể, đối với môn Khoa học tự nhiên thì dưới dạng tích hợp căn cứ tỷ trọng kiến thức, số tiết của từng phân môn thống nhất định hướng như sau: môn Khoa học tự nhiên sẽ bao gồm 2 phần: Phần Kiến thức chung (chiếm 25% số điểm), phần kiến thức từng phân môn (chiếm 75% số điểm).

Tương ứng với cấu trúc đề thi gồm 2 phần: phần 1 thi trắc nghiệm (phần chung) chiếm 25% tổng số điểm bài thi, phần 2 thi tự luận gồm 3 mục riêng, nội dung được thiết kế riêng theo mạch kiến thức về vật lí, hoá học, sinh học chiếm 75% tổng số điểm bài thi.

Phòng Giáo dục và Đào tạo Thành phố Bà Rịa cho hay, việc phân bổ cấu trúc đề thi như vậy vẫn theo chương trình giáo dục phổ thông và đảm bảo tính tích hợp của bộ môn. Thứ hai, giáo viên dễ bồi dưỡng theo từng phân môn, nhà trường dễ tổ chức, quản lý chuyên đề giảng dạy bồi dưỡng vì thực tế không có giáo viên nào chuyên sâu 3 phân môn.

Thứ ba, học sinh cụ thể hoá nội dung từng phân môn khi ôn tập, dễ lựa chọn và theo học với phân môn sở trường của mình để khi tham dự kỳ thi vào lớp 10 trường chuyên Lý, Hoá, Sinh và lựa chọn tổ hợp vào lớp 10 sau khi lên trung học phổ thông. Bên cạnh đó, nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo có hướng dẫn khác thì địa phương vẫn sẽ chủ động được khi xây dựng lại kế hoạch từ đầu.

Đối với môn Lịch sử và Địa lý, bố cục chương trình phần kiến thức chung môn Lịch sử và Địa lý của cả 4 năm học ở cấp Trung học cơ sở chỉ có 4 chủ đề chung thời lượng ít. Nội dung thi học sinh giỏi tập trung vào chương trình khối 8 và 9 do vậy định hướng đối với môn Lịch sử và Địa lý đề thi gồm hai phần lịch sử và địa lý, mỗi phần chiếm 50% tổng số điểm bài thi.

Các trường vẫn gặp khó khăn khi triển khai ôn thi học sinh giỏi môn tích hợp

Cô Huỳnh Kim Thành, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Kim Đồng (Thành phố Bà Rịa, Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, việc chuyển sang học và thi các môn tích hợp thay vì chỉ học một môn như trước đây đã nhận được nhiều phản hồi từ cả giáo viên và học sinh.

Với học sinh, đặc biệt là những em đã quen học từng môn riêng lẻ, việc phải ôn tập và thi tích hợp cả Vật lý, Hóa học, Sinh học trong một bài thi ban đầu tạo ra áp lực lớn. Nhiều em cho biết khó khăn trong việc phân bổ thời gian và năng lực học tập khi phải ôn cả ba môn cùng lúc.

Việc triển khai ôn luyện cho các môn tích hợp tạo ra một số khó khăn cho nhà trường, đặc biệt là về vấn đề bố trí thời gian và giáo viên. Môn tích hợp yêu cầu học sinh phải nắm vững kiến thức từ nhiều môn như Vật lý, Hóa học, Sinh học, nên đòi hỏi nhiều thời gian ôn luyện hơn. Thời gian cũng cần phải được điều chỉnh hợp lý, tránh ảnh hưởng đến chương trình học chính khóa. Đồng thời, việc ôn luyện đòi hỏi giáo viên từ nhiều môn phối hợp chặt chẽ, xây dựng bài giảng phù hợp với yêu cầu kỳ thi, làm cho lịch trình thêm phức tạp.

Đối với các môn tích hợp như Khoa học tự nhiên, nhà trường phải huy động giáo viên từ nhiều bộ môn như Vật lý, Hóa học, Sinh học để đảm bảo học sinh được ôn luyện đầy đủ. Việc phân công giáo viên phụ trách từng phần kiến thức và phối hợp giảng dạy gặp khó khăn, đặc biệt khi lịch dạy chính khóa của họ đã dày đặc.

Nhiều giáo viên chưa quen với mô hình dạy tích hợp, khi trước đây họ chỉ tập trung vào từng môn riêng lẻ. Việc phối hợp để dạy theo chương trình mới đòi hỏi giáo viên phải tự học hỏi, tìm hiểu thêm, gây áp lực không nhỏ.

Một giáo viên môn Sinh học tại Trường Trung học cơ sở Châu Thành (Thành phố Vũng Tàu, Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, hiện nay ban giám hiệu nhà trường phân công 3 giáo viên môn Vật lý, Hóa học và Sinh học có chuyên môn cứng để giảng dạy các chủ đề Năng lượng, Chất và sự biến đổi của chất, Vật sống sao cho phù hợp, sau mỗi chủ đề sẽ có tiết ôn tập để củng cố cho học sinh kiến thức trọng tâm.

Tuy nhiên, giáo viên này cũng chỉ ra nhiều khó khăn trong quá trình ôn tập cho học sinh giỏi môn tích hợp. Hầu hết giáo viên chỉ chuyên sâu một phân môn, việc giảng dạy thêm một đến hai phân môn khác khiến họ thiếu tự tin. Không có giáo viên nào am hiểu sâu cả ba phân môn, dẫn đến việc phải bố trí ba giáo viên cho mỗi lớp, khiến lịch ôn tập trở nên phức tạp, với một đến ba buổi học mỗi tuần cho từng môn.

Ngoài ra, sách giáo khoa Khoa học tự nhiên vẫn được biên soạn theo từng phân môn riêng, không thực sự tích hợp. Điều này khiến giáo viên phải cùng dạy, cùng chấm bài, gây khó khăn trong việc phân chia thời khóa biểu.

“Một khó khăn khác là không có học sinh nào giỏi đều cả ba phân môn, mỗi em thường chỉ mạnh ở một môn, trong khi phải thi tích hợp cả ba môn là gánh nặng lớn. Để ôn tập hiệu quả, học sinh phải tự học và làm thêm bài tập nâng cao, tập trung vào phân môn mạnh nhất, đồng thời cố gắng cải thiện hai môn còn lại. Sự tích hợp trong đề thi khiến việc đánh giá không khách quan và khó đạt giải cao”, giáo viên môn Sinh học đánh giá.

Tương tự tại Trường Trung học cơ sở Nguyễn An Ninh (Thành phố Vũng Tàu, Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), cô Nguyễn Thị Sông Thương, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, việc ôn tập các môn tích hợp hiện nay phức tạp hơn so với trước đây. Thay vì chỉ tập trung vào một môn, học sinh phải nắm vững kiến thức của ba phân môn trong Khoa học tự nhiên hoặc hai phân môn trong Lịch sử và Địa lý. Thực tế, không phải học sinh nào cũng giỏi đều tất cả các phân môn này. Số lượng học sinh đăng ký tham gia thi học sinh giỏi môn tích hợp giảm, do các em lo ngại về khối lượng kiến thức lớn.

Việc sắp xếp giáo viên dạy bồi dưỡng các môn tích hợp cũng gặp nhiều khó khăn. Nhà trường phải bố trí ba giáo viên chuyên sâu cho từng phân môn, đồng thời yêu cầu mỗi giáo viên có cái nhìn tổng quát để tổng hợp kiến thức chung của môn tích hợp.

Phòng Giáo dục và Đào tạo Thành phố Bà Rịa cũng nhận định, đối với 2 bộ môn tích hợp mang tính mới và lần đầu tiên thực hiện dẫn đến khó khăn trong việc định hướng thực hiện về cấu trúc, tỷ trọng, ma trận, đề thi…. Đến nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa có văn bản chính thức triển khai vì thế các địa phương lúng túng trong khâu thực hiện.

gdvn-anh-hs-9684.jpg
Học sinh trung học cơ sở trong giờ Khoa học tự nhiên. Ảnh minh họa: M.T.

Đội ngũ thầy cô giáo chủ yếu có năng lực sâu về từng phân môn, do đó công tác bồi dưỡng, phân công các giáo viên bồi dưỡng cho bộ môn tích hợp khó khăn hơn các đơn môn. Mặt khác, Sách giáo khoa lớp 9 mới ban hành, vì thế sách tham khảo về các môn tích hợp rất ít gần như không có dẫn đến nguồn tài liệu nghiên cứu bị giới hạn trong năm đầu tiên thực hiện.

Cô Kim Thanh cũng chia sẻ thêm, dù ban đầu gặp khó khăn, cả giáo viên và học sinh đều nhận thấy rằng việc dạy và học tích hợp là một bước tiến tích cực, giúp mở rộng chuyên môn và cải thiện kỹ năng.

Trường THCS thay đổi để chuẩn bị cho kỳ thi học sinh giỏi

Nhằm đảm bảo hiệu quả của dạy bồi dưỡng học sinh giỏi theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trên cơ sở định hướng về cấu trúc từng bộ môn, tỷ lệ đề thi. Phòng Giáo dục và Đào tạo Thành phố Bà Rịa chỉ đạo Hội đồng bộ môn thành phố biên soạn bộ tài liệu kiến thức trọng tâm các bộ môn trong chương trình trung học cơ sở, biên soạn ma trận chung và bộ đề tham khảo cho các trường và định hướng tổ chức bồi dưỡng giảng dạy và cho kỳ thi chính thức.

Hiện nay, Phòng Giáo dục và Đào tạo Thành phố Bà Rịa đang biên soạn ngân hàng câu hỏi để bồi dưỡng học sinh giỏi với các môn học tích hợp theo từng phân môn, giao cho giáo viên giỏi từng phân môn, biên soạn theo các mức độ từ dễ đến khó (thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao). Sau khi hoàn chỉnh sẽ hoàn thiện và thẩm định đưa vào sử dụng từ năm học 2024-2025.

Cô Huỳnh Kim Thành cho rằng, điểm khác biệt lớn nhất so với trước đây là việc các môn tích hợp yêu cầu học sinh không chỉ nắm vững kiến thức chuyên môn từng môn, mà còn phải phát triển kỹ năng tổng hợp, liên hệ giữa các lĩnh vực.

Nhà trường đã có có những thay đổi và chuẩn bị kỹ lưỡng cho việc ôn tập học sinh giỏi theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đặc biệt là đối với các môn tích hợp như Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý.

Ngoài những buổi ôn luyện cho từng môn riêng biệt như trước đây, chúng tôi còn tổ chức các buổi học tích hợp, trong đó giáo viên của các bộ môn như Vật lý, Hóa học, Sinh học phối hợp cùng nhau để giúp học sinh hiểu mối liên hệ giữa các kiến thức. Điều này giúp học sinh có cách tiếp cận toàn diện hơn đối với các môn khoa học tự nhiên từ đó có thể đáp ứng được yêu cầu của phần thi chung

Giáo viên đã chuyển từ việc truyền đạt kiến thức thuần lý thuyết sang cách tiếp cận thực hành, giúp học sinh áp dụng kiến thức vào thực tế. Ví dụ, học sinh không chỉ học các công thức vật lý, mà còn phải biết cách áp dụng vào các thí nghiệm cụ thể.

Đề thi môn Khoa học tự nhiên năm nay kết hợp giữa phần trắc nghiệm và tự luận, do đó quá trình ôn tập cũng phải thay đổi để học sinh quen với hình thức thi mới. Nhà trường đã tổ chức các buổi thi thử với cả hai hình thức này, giúp học sinh làm quen với việc chuyển từ kiến thức rộng (trắc nghiệm) sang giải quyết vấn đề chuyên sâu (tự luận).

Nhà trường đã tích cực áp dụng các phần mềm hỗ trợ học tập và các tài liệu số hóa để tạo ra các bài giảng sinh động, giúp học sinh có trải nghiệm học tập trực quan hơn, đặc biệt là đối với các môn tích hợp.

Ngoài việc nắm vững kiến thức, học sinh cần được rèn luyện kỹ năng phân tích, so sánh và tổng hợp thông tin từ nhiều lĩnh vực khác nhau. Điều này là một trong những yêu cầu quan trọng của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Cô Nguyễn Thị Sông Thương, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn An Ninh, cho biết nhà trường đã triển khai kế hoạch thi học sinh giỏi của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Kế hoạch này được thông báo đến giáo viên và học sinh, nhằm giúp các em có kế hoạch ôn tập và học tập cụ thể cho các môn tích hợp như Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý.

"Vì đây là năm đầu tiên học sinh thi các môn tích hợp, tài liệu và đề thi tham khảo còn hạn chế. Tuy nhiên, dựa trên ma trận hướng dẫn của Sở, nhà trường đã cô đọng kiến thức, ra các đề mẫu để học sinh tham khảo, giúp các em ôn tập và chuẩn bị tốt cho kỳ thi, vì vậy các em không cần quá lo lắng" cô Thương cho biết thêm.

Thùy Trang