HS lớp 12 học tập ở trạng thái thấp thỏm chờ phương án tuyển sinh của trường ĐH

19/10/2024 06:11
Bích Ngọc

GDVN - Các em đang học tập trong tâm trạng chờ đợi phương thức tuyển sinh từ các trường đại học, đồng thời phải liên tục cập nhật thông tin về kỳ thi riêng.

Năm học 2024 - 2025 là năm đầu tiên học sinh thi tốt nghiệp trung học phổ thông theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Kỳ thi này sẽ có những thay đổi lớn so với trước đây cả về số tổ hợp môn thi cũng như cách thức ra đề thi.

Hiện nay, các nhà trường, giáo viên đang đẩy mạnh ôn tập, thay đổi cách kiểm tra, đánh giá với học sinh khối 12 để các em làm quen với đề thi đổi mới, đồng thời chuẩn bị những điều kiện cần thiết cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2025.

Quá nhiều tổ hợp môn thi tốt nghiệp khiến nhà trường khó khăn trong việc ôn tập

Trước những thay đổi trong cấu trúc đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025, thầy Thiều Ánh Dương - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Hàm Rồng (Thanh Hóa) khẳng định, nhà trường đã chủ động xây dựng kế hoạch ôn tập để trang bị cho học sinh kiến thức phù hợp với kỳ thi tốt nghiệp sắp tới.

Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa đã tổ chức nhiều đợt tập huấn cho giáo viên về công tác xây dựng đề kiểm tra, đề thi đánh giá học sinh. Đặc biệt, sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố đề thi minh họa cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025, Trường Trung học phổ thông Hàm Rồng đã tổ chức cho giáo viên tiến hành phân tích đề thi minh họa và xây dựng đề kiểm tra theo cấu trúc và định dạng của đề thi mới. Nhờ đó, giáo viên có thể nắm rõ yêu cầu trong việc xây dựng đề thi, đồng thời thống nhất áp dụng trong toàn trường.

thay-thieu-anh-duong-6821.jpeg
Thầy Thiều Ánh Dương - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Hàm Rồng (Thanh Hóa). Ảnh: NVCC

Song song với đó, Trường Trung học phổ thông Hàm Rồng đã tiến hành kiểm tra đánh giá học sinh ngay từ học kỳ 2 của lớp 11. Học sinh được làm quen với các dạng câu hỏi mới, nhằm giảm bỡ ngỡ khi tham gia kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025.

“Vấn đề quan trọng nhất là hiểu rõ cấu trúc đề thi của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025, từ đó nhà trường sẽ nghiên cứu để rút kinh nghiệm cho những năm tiếp theo”, thầy Dương cho hay.

Tuy nhiên, thầy Dương cũng bày tỏ sự lo ngại về việc học sinh sẽ phải chịu áp lực tâm lý lớn trước kỳ thi quan trọng. Những năm gần đây, nhiều cơ sở đào tạo đại học đang có xu hướng giảm chỉ tiêu xét tuyển dựa vào điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông, tăng chỉ tiêu cho các phương thức như xét tuyển học bạ, xét kết quả thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy.

Một mặt, điều này tạo ra nhiều cơ hội cho thí sinh, giúp các em có thể vào đại học qua nhiều cách khác nhau. Nhưng nó cũng tạo ra ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của học sinh. Các em đang học tập trong tâm trạng thấp thỏm chờ đợi phương thức tuyển sinh từ các trường đại học, đồng thời phải liên tục cập nhật các thông tin về kỳ thi tuyển sinh riêng, dẫn đến tăng áp lực học tập.

"Một số học sinh lớp 12 tại trường lo lắng về khả năng thích ứng với hình thức thi mới của các cơ sở giáo dục đại học. Do đó, các em phải tìm hiểu, chuẩn bị và cân nhắc kỹ lưỡng giữa các phương thức xét tuyển", thầy Thiều Ánh Dương cho biết.

Screenshot_2.jpg
Học sinh lớp 12 Trường Trung học phổ thông Hàm Rồng trong tiết học. Ảnh: Trang thông tin điện tử thành phố Thanh Hóa.

Cùng bàn về vấn đề này, thầy Lê Tiến Dũng - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Quế Võ 3 (Bắc Ninh) cho biết, nhà trường đã nghiên cứu tất cả các mẫu đề thi minh họa của Bộ Giáo dục và Đào tạo theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, từ đó tích cực xây dựng các đề kiểm tra theo cấu trúc và định dạng của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025.

“Nhà trường hiện có một số cán bộ quản lý và giáo viên tham gia các khóa tập huấn xây dựng đề thi, đề kiểm tra đổi mới tại Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Ninh. Sau khi được tập huấn, các giáo viên được hướng dẫn ra đề thi phù hợp với khung chương trình và bám sát ma trận đề. Công tác coi thi, kiểm tra và chấm bài cũng được chú trọng nhằm đảm bảo tính khách quan và chính xác”, thầy Dũng cho hay.

Đồng thời, nhà trường đã tổ chức cho học sinh thi thử nhằm đánh giá mức độ phù hợp của đề thi với năng lực học sinh. Dựa trên kết quả thi thử, nhà trường sẽ tăng cường giải pháp phù hợp để nâng cao chất lượng ôn tập cho học sinh.

Tuy nhiên, thầy Dũng cho biết nhà trường vẫn dựa vào các khối thi đại học truyền thống để tổ chức ôn tập. Nếu mở rộng thêm nhiều tổ hợp môn thi, nhà trường sẽ phải xem xét điều chỉnh thời khóa biểu giảng dạy và sắp xếp số lượng giáo viên cho phù hợp. Khi tập trung quá nhiều giáo viên vào một số môn cơ bản, sẽ dẫn đến sự thiếu hụt giáo viên cho các môn học khác.

“Nhiều học sinh và phụ huynh bày tỏ sự lo ngại, các giáo viên cũng có những thắc mắc về cách thức tuyển sinh của nhiều trường đại học năm nay. Công tác ôn thi, định hướng tổ hợp môn thi năm 2025 khiến nhà trường gặp khó khăn vì thông thường sau Tết Nguyên đán trường đại học mới công bố phương án tuyển sinh.”, thầy Lê Tiến Dũng cho biết.

Thầy Dũng bày tỏ mong muốn các cơ sở đào tạo đại học nhanh chóng công bố đề án tuyển sinh chính thức, giúp học sinh hiểu rõ hơn về phương thức, chỉ tiêu, các điều kiện tuyển sinh cụ thể và tiêu chí phụ. Từ đó các em được chủ động hơn trong việc lựa chọn môn học phù hợp để vừa thi tốt nghiệp vừa xét tuyển vào đại học.

Đổi mới kiểm tra đánh giá nhằm phát triển năng lực học sinh

Thầy Lê Văn Triều, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông số 1 Nghĩa Hành (Quảng Ngãi) chia sẻ, vào đầu năm học, nhà trường đã thông báo cho phụ huynh và học sinh về sự thay đổi cấu trúc đề thi của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Đối với môn trắc nghiệm, hình thức ra đề đã được điều chỉnh. Cụ thể, từ năm 2025, đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ bổ sung thêm hai dạng câu hỏi mới là trắc nghiệm đúng/sai và câu trả lời ngắn.

Bám sát Chương trình giáo dục phổ thông 2018, trọng tâm là lớp 12, nhà trường tổ chức cho học sinh ôn thi theo dạng đề mở, tích hợp, tập trung rèn luyện cho học sinh phát huy tư duy, năng lực sáng tạo, liên hệ và giải quyết vấn đề trong thực tế, kỹ năng làm bài thi tốt nghiệp trung học phổ thông với thời gian quy định cụ thể.

Bên cạnh đó, nhà trường tổ chức lớp học ôn tập theo hướng phân hóa năng lực học sinh, đảm bảo phù hợp với mục đích chỉ để xét tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc vừa xét tốt nghiệp trung học phổ thông vừa xét tuyển vào đại học, cao đẳng năm 2025.

Thay Lê Văn Triều.jpg
Thầy Lê Văn Triều, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Số 1 Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: website nhà trường.

Về việc đổi mới kiểm tra đánh giá nhằm phát triển năng lực học sinh, thầy Lê Văn Triều chia sẻ, nhà trường đã chỉ đạo và tổ chức một cách chặt chẽ, nghiêm túc, tuân thủ đúng quy chế trong tất cả các khâu ra đề, coi thi, chấm điểm và nhận xét, đánh giá học sinh. Mục tiêu là đảm bảo tính thực chất, khách quan, trung thực và công bằng, đánh giá chính xác năng lực cùng sự tiến bộ của các em.

Thay cho bài kiểm tra truyền thống, giáo viên áp dụng đa dạng hình thức đánh giá thông qua các hoạt động trên lớp, hồ sơ học tập và vở ghi, kết quả báo cáo của học sinh về dự án học tập, nghiên cứu khoa học kỹ thuật hoặc thực hành, thí nghiệm, bài thuyết trình (bài viết, bài trình chiếu, video…) liên quan đến nhiệm vụ học tập.

Ngoài ra, nhà trường huy động giáo viên tham gia đóng góp nguồn học liệu để chia sẻ dùng chung, xây dựng nguồn học liệu mở về câu hỏi, bài tập, kế hoạch bài học, tài liệu tham khảo có chất lượng. Qua đó nâng cao vai trò của tổ chuyên môn trong đánh giá, lựa chọn học liệu số trước khi đưa vào sử dụng ở nhà trường.

Theo Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông số 1 Nghĩa Hành, việc đổi mới kiểm tra, đánh giá theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 giúp việc tiếp thu kiến thức của học sinh trở nên thuận lợi và nhẹ nhàng hơn. Các em sẽ được tham gia vào các hoạt động tự khám phá kiến thức, phát triển kỹ năng và áp dụng vào thực tế. Sự đa dạng hóa các hình thức kiểm tra, đánh giá cũng trao cơ hội để giáo viên ghi nhận khách quan, đầy đủ nhất quá trình phấn đấu của học sinh.

Đặc biệt, sự đổi mới trong phương pháp kiểm tra cũng giúp giáo viên cải thiện năng lực sư phạm. Để đáp ứng yêu cầu về kỹ năng của học sinh, giáo viên cần chủ động đổi mới bản thân, tư duy sáng tạo và tích cực nhằm đáp ứng các tiêu chí trong việc đánh giá qua nhiều hình thức khác nhau.

Tuy nhiên, thầy Lê Văn Triều cho biết, việc chuyển đổi thói quen của học sinh từ trắc nghiệm 4 lựa chọn sang các dạng thức khác cũng gây khó khăn cho các em. Dạng thức câu hỏi mới yêu cầu học sinh phát huy nhiều năng lực, trong khi các em vẫn chưa quen nên còn lúng túng. Tuy nhiên, theo thầy Triều, khó khăn cũng là cơ hội để học sinh, giáo viên tìm hiểu và thích ứng với sự đổi mới.

Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông số 1 Nghĩa Hành nhận định, nếu các trường thực hiện đúng theo định hướng của Bộ Giáo dục và Đào tạo, điều này sẽ thúc đẩy đổi mới toàn diện trong phương pháp dạy học, quản lý và tổ chức hoạt động giảng dạy, từ đó phát huy tính chủ động, khả năng tự học và sự sáng tạo của học sinh. Với hình thức ra đề mới, tình trạng học tủ, học lệch hoặc dự đoán nội dung thi sẽ giảm thiểu.

Bích Ngọc