Môn thi thứ 3 vào lớp 10 thay đổi qua các năm, HS có phải đi học thêm nhiều lên?

21/11/2024 06:42
NHẬT DUY

GDVN - Ở cái tuổi 14,15 nhưng các em phải gánh trên vai nhiều áp lực khi chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh 10 vì kỳ vọng của cha mẹ, thầy cô và nhà trường.

Nhiều năm nay, học sinh lớp 9 thi tuyển sinh 10 rất áp lực vì chủ trương phân luồng sau khi học sinh tốt nghiệp Trung học cơ sở nên tỉ lệ chọi ở một số địa bàn rất cao. Chính vì thế, nhiều học sinh ngoài chuyện học chính khóa, học thêm ở trường còn đi học thêm ở nhà thầy cô giáo.

Ở cái tuổi 14,15 nhưng các em phải gánh trên vai nhiều áp lực khi chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh 10 vì kỳ vọng của cha mẹ, thầy cô và nhà trường. Trong khi, phần lớn các môn thi trong những năm qua chủ yếu là các địa phương lựa chọn môn thi thứ 3 là môn tiếng Anh.

Tuy nhiên, ngày 18/10/2024 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố dự thảo Thông tư ban hành Quy chế tuyển sinh Trung học cơ sở và tuyển sinh Trung học phổ thông đã dự kiến: “Việc lựa chọn môn thi thứ ba có sự thay đổi qua các năm nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện trong giai đoạn giáo dục cơ bản” và công bố trước ngày 31 tháng 3 hằng năm” đã khiến không ít giáo viên, học sinh và phụ huynh băn khoăn.

Bởi lẽ, việc lựa chọn môn thứ 3 “có sự thay đổi qua các năm” vẫn tạo ra những áp lực rất lớn cho học trò và điều này bắt buộc học sinh phải “đi trước, đón đầu” môn thứ 3 bằng cách chuẩn bị chu đáo nhất có thể. Một trong những sự chuẩn bị thường thấy nhất là học sinh phải tăng cường học thêm ở nhà thầy cô hoặc các trung tâm gia sư.

gdvn-thi-vao-10-22-4726.jpg
Ảnh minh họa: Minh Phạm

Áp lực cho học sinh lớp 9 trong năm học 2024-2025 sẽ rất lớn

Năm học 2024-2025 là năm đầu tiên triển khai giảng dạy Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở lớp 9 nên cũng đồng nghĩa khóa học này sẽ là khóa đầu tiên dự thi tuyển sinh 10 thuộc chương trình mới.

Cái mới của chương trình 2018 là đang có 3 bộ sách giáo khoa khác nhau cho từng môn học. Tất nhiên, các môn thi không còn lấy nội dung kiến thức sách giáo khoa làm pháp lệnh khi ra đề mà người ra đề phải bám vào chương trình môn học.

Trong đó, môn Ngữ văn đang được định hướng thực hiện giảng dạy, kiểm tra, thi cử bằng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa. Nghĩa là, những tác phẩm văn học trong 3 bộ sách giáo khoa sẽ không được lấy làm ngữ liệu cho đề kiểm tra định kỳ và thi tuyển sinh 10.

Chính vì thế, học sinh lớp 9 năm nay sẽ đi trên một lộ trình thi cử hoàn toàn mới so với những kỳ thi tuyển sinh 10 trong những năm qua. Cái gì đầu tiên cũng khó, cũng mới và tất nhiên sẽ bỡ ngỡ cho cả thầy và trò.

Trong khi đó, theo dự thảo dự thảo Thông tư mà Bộ vừa công bố thì kỳ thi tuyển sinh 10 từ năm học 2025-2026 tới đây sẽ có 3 môn thi, bao gồm môn gồm Toán, Ngữ văn và 01 (một) môn thi thứ ba hoặc bài thi tổ hợp do Sở Giáo dục và Đào tạo, cơ sở giáo dục đại học lựa chọn 01(một) trong 02 (hai) phương án sau và được công bố trước ngày 31 tháng 3 hằng năm:

Môn thi thứ 3 được lựa chọn trong số các môn học có đánh giá bằng điểm số trong chương trình giáo dục phổ thông cấp trung học cơ sở. Việc lựa chọn môn thi thứ ba có sự thay đổi qua các năm nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện trong giai đoạn giáo dục cơ bản.

Với dự thảo như vậy, các em học sinh lớp 9 tới đây sẽ không dám lơ là môn học nào vì các môn: Ngoại ngữ 1; Giáo dục công dân; Lịch sử và Địa lí; Khoa học tự nhiên; Công nghệ; Tin học đều có khả năng trở thành môn thứ 3 trong kỳ thi lớp 10.

Dĩ nhiên, Văn và Toán sẽ phải đầu tư nhiều nhất, các môn học đánh giá bằng điểm số còn lại cũng phải cân bằng thời gian để hệ thống kiến thức ngay từ đầu năm học vì mọi sự chủ quan, lơ là đều có thể phải nuối tiếc, ân hận về sau.

Môn học nào cũng có khả năng phải học thêm

Người viết là giáo viên trung học cơ sở băn khoăn, học sinh những khu vực có tỉ lệ chọi cao chỉ cần học thêm môn Toán; Ngữ văn; Tiếng Anh; Khoa học tự nhiên và mỗi môn chỉ cần 2 ca/tuần thì mỗi tuần ít nhất cũng phải học thêm 12 ca.

Bởi lẽ, môn Khoa học tự nhiên đang là 1 môn học nhưng thực tế nó đang có tới 3 phân môn và hiện nay rất hiếm thấy 1 giáo viên dạy và ôn thi cả môn Khoa học tự nhiên. Vì thế, có thể học sinh phải học thêm 3 thầy cô khác nhau.

Với giá học thêm đại trà hiện nay đối với lớp 9 dao động khoảng 3-5 trăm ngàn đồng/ tháng/ môn thì mỗi tháng phụ huynh phải chi ra vài triệu đồng cho con học thêm. Những gia đình khá giả có thể họ trang trải dễ dàng nhưng những gia đình phụ huynh khó khăn sẽ là khoản chi rất lớn.

Trong bối cảnh thi cử căng thẳng của kỳ thi tuyển sinh 10 hiện nay ở một số địa bàn, học sinh và gia đình đa số đều cho con đi học thêm ôn luyện ở lớp 9.

Môn thứ 3 có sự thay đổi qua các năm sẽ khiến cho học sinh áp lực hơn khi học chương trình 2006

Về lý thuyết, cấp Trung học cơ sở là giai đoạn giáo dục cơ bản nên môn học nào cũng có vị trí như nhau thì môn nào là môn thi thứ 3 cũng được. Nhưng, trong thực tế không hẳn là như vậy. Tư tưởng môn chính, môn phụ vẫn hiện hữu trong các nhà trường và trong suy nghĩ của phụ huynh.

Hơn nữa, cấp Trung học phổ thông là giai đoạn định hướng nghề nghiệp nên phụ huynh và học sinh luôn có sự chuẩn bị cho những môn học cần thiết để sau này thuận lợi cho việc lựa chọn nghề nghiệp. Vì thế, ngay từ cấp Trung học cơ sở thì phụ huynh đã định hướng cho con em mình tăng cường những môn học cần thiết, phù hợp với năng lực, sở trường của học sinh để chuẩn bị cho tương lai.

Việc lựa chọn môn thứ 3 có sự thay đổi qua các năm sẽ khó phù hợp với định hướng nghề nghiệp ở cấp Trung học phổ thông.

Theo người viết, Bộ cần định hướng những môn thi tuyển sinh 10 nên là những môn học bắt buộc, môn học chung của 2 cấp học sẽ phù hợp hơn.

Những môn chung và là môn học bắt buộc của cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông ở chương trình 2018 hiện nay bao gồm các môn học và hoạt động giáo dục sau: Toán; Ngữ văn; Ngoại ngữ 1; Nội dung giáo dục địa phương; Thể dục; Hoạt động trải nghiệm-hướng nghiệp.

Nhưng, các môn học và hoạt động giáo dục, như: Nội dung giáo dục địa phương; Thể dục; Hoạt động trải nghiệm-hướng nghiệp sẽ rất khó đưa vào kỳ thi tuyển sinh 10 và đây là những môn đánh giá bằng nhận xét nên không nằm trong dự kiến thi tuyển sinh 10.

Vì thế, phương án lựa chọn phù hợp nhất sẽ là 3 môn thi trong kỳ thi tuyển sinh 10, bao gồm: Toán; Ngữ văn; Ngoại ngữ 1. Thậm chí, chỉ cần thi 2 môn thi: Toán và Ngữ văn cũng là phương án chấp nhận được. Nếu sử dụng phương án có sự thay đổi qua các năm thì nên thực hiện ngay ở đầu năm học để học sinh chủ động cho việc học tập và ôn thi.

Việc định hướng cụ thể, rõ ràng ngay từ đầu năm học và duy trì lâu dài cho kỳ thi tuyển sinh 10 là cần thiết để tạo tính ổn định và chủ động cho học sinh và các nhà trường.

Kỳ thi tuyển sinh 10 những năm vừa qua cho thấy rất áp lực bởi đang có sự cạnh tranh căng thẳng giữa các thí sinh để có 1 suất vào lớp 10 công lập.

Thiết nghĩ, kết thúc cấp Trung học cơ sở là kết thúc giai đoạn giáo dục cơ bản để học sinh bước vào giai đoạn định hướng nghề nghiệp, ngay cả môn học mà Bộ đang triển khai cũng có môn học bắt buộc và môn học lựa chọn thì phương án lựa chọn môn thứ 3 có sự thay đổi qua các năm trong kỳ thi tuyển sinh 10 là không cần thiết.

Năm học 2024-2025 là năm đầu tiên học sinh lớp 9 học chương trình mới và tham gia kỳ thi tuyển sinh 10 nên việc quan trọng nhất là giảm áp lực cho học trò. Mọi thứ cần ổn định để các nhà trường, học sinh “làm quen” với cách thi cử mới theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học. Và thực tế, mỗi năm học đều có các kỳ kiểm tra đánh giá chỉ cần nghiêm túc trong kiểm tra đánh giá định kỳ thì việc học lệch, học tủ sẽ của học sinh sẽ không thể xảy ra.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NHẬT DUY