Ngày 10/10 hàng năm là “Ngày truyền thống của luật sư Việt Nam”, để tìm hiểu về tính chất công việc của luật sư và yêu cầu của đơn vị tuyển dụng cử nhân ngành luật, phóng viên đã có buổi trao đổi với Luật sư Nguyễn Văn Thái (Luật sư thành viên Công ty Luật Bross và Cộng sự, Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội) và Luật sư Bùi Văn Thành (Giám đốc Công ty luật TNHH Quốc Tế Thái Bình, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội).
Hành trang làm nghề luật sư
Luật sư Nguyễn Văn Thái cho hay, về mặt điều kiện theo quy định của pháp luật, muốn làm luật sư cần cần có bằng Cử nhân luật học, phải hoàn thành chương trình đào tạo nghề luật sư 12 tháng tại Học viện Tư pháp.
Sau khi tốt nghiệp khóa đào tạo nghề luật sư, các học viên sẽ tiếp tục phải đăng ký tập sự hành nghề luật sư tại một tổ chức hành nghề luật sư trong thời hạn 12 tháng.
Tiếp đó, họ phải thi đỗ kỳ thi kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư tại Liên đoàn luật sư Việt Nam, mới đủ điều kiện cơ bản để được cấp chứng chỉ hành nghề và nhận thẻ luật sư khi tham gia vào đoàn luật sư tại một địa phương.
"Sinh viên phải chuẩn bị và tích lũy rất nhiều về kiến thức chuyên môn, hoàn thành các khóa học trước. Sau đó, mới chính thức được tham gia hành nghề luật sư chuyên nghiệp tại Việt Nam", Luật sư Thái chia sẻ.
Luật sư Nguyễn Văn Thái cho rằng, nghề luật sư là một nghề đặc thù với tính chất chủ yếu là đối nhân, tức là bên cạnh việc giao tiếp với các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan nhà nước, thì dù trong trường hợp nào luật sư cũng chủ yếu làm việc và tương tác với con người. Do đó, các kỹ năng “mềm” như các kỹ năng giao tiếp, kỹ năng ngôn ngữ, kỹ năng lắng nghe, kỹ năng tổng hợp phân tích thông tin nhanh chóng là đặc biệt cần thiết.
Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu về công việc văn phòng, các bạn sinh viên cần phải rèn luyện và tích lũy toàn bộ các kỹ năng làm việc trên máy tính cũng như các thiết bị văn phòng khác.
Chia sẻ về nội dung trên, Luật sư Bùi Văn Thành – Giám đốc Công ty luật TNHH Quốc Tế Thái Bình, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, cho hay, hiện nay có nhiều trường đào tạo sinh viên ngành luật, số lượng sinh viên tốt nghiệp ngành luật tăng lên theo xu thế đào tạo và nhu cầu của thị trường lao động.
Về cơ hội việc làm với tân cử nhân ngành luật, nhà tuyển dụng xem xét đến nhiều yếu tố khi tuyển dụng, trong đó có việc xem xét đến những điểm mạnh, điểm yếu của các ứng viên này.
Điểm mạnh của cử nhân mới ra trường là có tinh thần cầu thị, ham học hỏi dễ tiếp thu kiến thức mới. Các em tiếp cận, sử dụng phương tiện điện tử, công nghệ thông tin hiện đại nhanh nhậy.
"Hầu hết các em đều có ý tưởng sáng tạo trong công việc, nên khả năng nắm bắt và hình thành phương án xử lý công việc nhanh nhạy và hiệu quả hơn. Luật sư tập sự cũng hầu như chưa có kinh nghiệm nên nhà tuyển dụng dễ dàng đào tạo, định hướng công việc.
Việc trả lương cho các sinh viên mới ra trường ở mức vừa phải so với những nhân sự có kinh nghiệm, cũng là ưu điểm tiết kiệm chi phí đối với nhà tuyển dụng", Luật sư Bùi Văn Thành nhận định.
Đánh giá về hạn chế của cử nhân mới ra trường, Luật sư Bùi Văn Thành cho rằng, các bạn mới ra trường nói chung, hay cử nhân ngành luật nói riêng, phần lớn họ đều chưa có kinh nghiệm làm việc, trong khi đó nhà tuyển dụng đa phần cần những nhân sự có kinh nghiệm, có thể xử lý những tình huống phát sinh trên thực tiễn.
Bên cạnh đó, trong quá trình còn ngồi trên ghế nhà trường, những sinh viên ngành luật mông lung khi định hướng nghề nghiệp. Nhiều em chưa nhận biết được lợi thế của bản thân, nên sau khi ra trường đã chọn nhầm công việc...
"Công việc thực tế có nhiều sự khác biệt so với những gì các em được học ở nhà trường. Bởi vậy, nhiều em chán nản hoặc kỳ vọng quá cao ở nơi làm việc nhưng không đáp ứng được mong muốn, các em sẽ phải chuyển việc...", Luật sư Thành chia sẻ.
Tuyển dụng luật sư ra sao?
Luật sư Nguyễn Văn Thái cho biết, công ty không có quy định cụ thể về việc tuyển dụng đối với cứ nhân vừa ra trường, bởi các bạn mới chỉ có những kiến thức cơ bản về ngành luật, nhưng chưa thể áp dụng, vận dụng vào thực tiễn khi hành nghề.
Về kinh nghiệm làm việc, ứng viên sẽ được đào tạo trực tiếp sau khi được tiếp nhận thử việc, hoặc tuyển dụng chính thức.
"Vì vậy, việc tuyển dụng của chúng tôi ngoài việc đảm bảo bằng cấp của ứng viên tốt nghiệp ngành luật, thường có thêm các đánh giá về kỹ năng mềm, định hướng phát triển, đam mê với nghề luật", Luật sư Nguyễn Văn Thái chia sẻ.
Chia sẻ về việc tuyển dụng luật sư, Giám đốc Công ty luật TNHH Quốc Tế Thái Bình - Bùi Văn Thành cho rằng, đơn vị sẽ tập trung vào các yếu tố như thái độ, đạo đức nghề nghiệp, điều kiện hành nghề luật sư và kinh nghiệm.
Cụ thể, về thái độ của ứng viên, đây là điều kiện đầu tiên và không thể thiếu đối với nhân sự ứng tuyển. Một nhân sự không có thái độ nghiêm túc khi làm việc, không tuân thủ nội quy, quy định của công ty, không làm tròn trách nhiệm với công việc, sẽ không có nhà tuyển dụng nào có thể chấp nhận tuyển dụng.
Về đạo đức nghề nghiệp, đối với nghề luật sư đã có riêng Bản quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam. Khi ứng viên là luật sư không nắm được quy tắc trên, cũng như thực tế không tuân thủ quy tắc đạo đức nghề nghiệp sẽ khó trở thành luật sư chính trực, và có nguy cơ ảnh hưởng lớn đến uy tín của tổ chức hành nghề luật sư.
Về điều kiện hành nghề luật sư, luật sư phải có thẻ hành nghề luật sư và phải tham gia vào một đoàn luật sư nhất định theo quy định của pháp luật.
Về kinh nghiệm, nhà tuyển dụng sẽ ưu tiên những luật sư có kinh nghiệm làm việc, hơn nữa những ứng viên thể hiện được kinh nghiệm thông qua việc cung cấp danh sách những công việc đã giải quyết, kết quả đạt được sẽ được nhà tuyển dụng lưu ý khi tuyển dụng.
Ngoài ra còn các tiêu chuẩn khác do mỗi tổ chức hành nghề luật sư đưa ra, nhằm đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của từng tổ chức.
"Mức thu nhập của tân luật sư có thể khác nhau, tùy thuộc vào quy mô của tổ chức hành nghề luật sư, năng lực của họ tại nơi làm việc.
Thực tế hiện nay, tân luật sư có thể hưởng mức lương từ 6-8 triệu đồng/ tháng, có thể thấp hoặc cao hơn tùy thuộc vào các yếu tố như đã nêu ở trên. Nếu làm việc tốt, họ có thể được tổ chức hành nghề thưởng tương xứng", Giám đốc Công ty luật TNHH Quốc Tế Thái Bình chia sẻ.
Những áp lực đối với tân luật sư là gì?
Luật sư Nguyễn Văn Thái nhận định, thông thường khi chính thức trở thành luật sư, họ đều đã trải qua giai đoạn tập sự và thực hiện các công việc của chuyên viên pháp lý, hoặc trợ lý luật sư trước khi chính thức trở thành luật sư.
Trong giai đoạn này, họ sẽ vẫn được tiếp cận và trực tiếp tham gia thực hiện các công việc với vai trò hỗ trợ luật sư chính. Trong giai đoạn này, họ chưa thể trau dồi hoặc phát triển như kỹ năng giao tiếp với khách hàng, kỹ năng giao tiếp với cơ quan nhà nước … và quen phụ thuộc vào các quyết định của luật sư chính, dẫn đến tư duy làm việc thụ động và không có chính kiến riêng.
"Do đó, áp lực công việc đối với một tân luật sư là họ phải tự nghiên cứu, tự đề xuất phương án giải quyết, thậm chí chủ động làm việc, giao tiếp, tư vấn trực tiếp cho khách hàng...", Luật sư Thái nhận định.
Về mức lương của các tân luật sư, tùy mỗi tổ chức hành nghề luật sư sẽ có những phương thức áp dụng chính sách lương khác nhau. Đa số các tổ chức hành nghề sẽ thỏa thuận mức lương với luật sư dựa trên năng lực làm việc; những đóng góp thực tế; và giá trị thặng dư của luật sư đó tạo ra cho tổ chức hành nghề luật sư và khách hàng trong quá trình làm việc.
"Với tôi kinh nghiệm không bao giờ là đủ, kiến thức thì luôn vô hạn. Mỗi vụ việc tôi tham gia đều có những điểm đặc riêng, có cái khó riêng.
Vì vậy dù hành nghề lâu năm, nhưng tôi vẫn luôn củng cố kiến thức, cập nhật văn bản, quy định mới thường xuyên, trau dồi kiến thức, kỹ năng, đúc rút kinh nghiệm qua mỗi vụ việc, mỗi tình huống mình được tiếp cận.
Với luật sư dày dặn kinh nghiệm, nếu đặt câu hỏi họ có phải trau dồi thêm kỹ năng nào không, thật sự rất khó. Bởi theo tôi, việc trau dồi kỹ năng, kinh nghiệm là việc bất kỳ luật sư nào cũng phải thực hiện xuyên suốt quá trình hành nghề luật sư, không giới hạn", Luật sư Thái chia sẻ.
Cử nhân ngành luật chọn công việc khác đỡ áp lực hơn?
Trả lời câu hỏi về việc, có những tân cử ngành luật tốt nghiệp và đi làm ở văn phòng công chứng, phải chăng tính chất của công việc này đỡ áp lực và thu nhập tốt hơn so với nghề luật sư, Giám đốc Công ty luật TNHH Quốc Tế Thái Bình cho rằng, tổ chức hành nghề luật sư và tổ chức hành nghề công chứng có những đặc thù công việc khác nhau, nhưng không phải nơi nào đỡ áp lực hơn.
Việc có những người mới ra trường và đi làm ở văn phòng công chứng không hẳn là do vấn đề áp lực công việc, nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Giả dụ, định hướng từ khi đi học chuyên ngành luật; lựa chọn nhất thời khi chưa có sự tìm hiểu, định hướng nghề nghiệp rõ ràng….
Yếu tố phù hợp giữa người lao động (tân cử nhân) với công việc là yếu tố tác động lớn để quyết định lựa chọn nghề nghiệp, duy trì làm việc ổn định, lâu dài với công việc dù là nghề luật sư hay công chứng.
Theo Luật sư Thành, khi khách hàng đến nhờ luật sư bảo vệ quyền lợi cho họ thì đều là những tình huống pháp lý phức tạp, khó khăn mà khách hàng không thể tự giải quyết được. Do vậy, khi nhận bảo vệ quyền lợi cho khách hàng, luật sư sẽ nhận biết được những áp lực, khó khăn đối với công việc khách hàng giao cho và phải đặt trách nhiệm công việc lên hàng đầu, để bảo vệ quyền, lợi ích tốt nhất cho khách hàng.
Giả dụ như áp lực về thời gian, về việc di chuyển, áp lực khi làm việc với các cơ quan có thẩm quyền, áp lực từ chính khách hàng.
Cụ thể, áp lực về việc di chuyển, khi luật sư tiếp nhận vụ việc của khách hàng, đặc biệt là những khách hàng ở địa phương xa văn phòng luật sư, việc phải di chuyển thường xuyên là điều khó tránh khỏi.
Theo đó là việc chủ động tìm kiếm, thu thập chứng cứ, làm việc với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền để giải quyết công việc. Tuy nhiên áp lực hơn nữa là việc di chuyển của luật sư phụ thuộc vào thời gian do cơ quan tiến hành tố tụng sắp xếp, nhiều trường hợp đột xuất (giả dụ, vào trại tạm giam gặp bị can)...
Nghề luật sư cho chúng tôi nhiều điều
Theo quan điểm của Luật sư Nguyễn Văn Thái, đa số những người hành nghề luật, họ đều lựa chọn và theo đuổi sự nghiệp luật sư vì đam mê cá nhân. Bởi nếu không có đam mê, chỉ tính riêng việc theo học và đáp ứng toàn bộ các điều kiện cần và đủ để hành nghề luật sư đã là rất gian nan và khó thực hiện.
"Do đó điều đáng quý đầu tiên mà nghề luật sư mang lại cho tôi đó là đáp ứng được nhu cầu thỏa mãn đam mê.
Ngoài ra là một luật sư tranh tụng, trong quá trình làm nghề, tôi được tiếp cận với rất nhiều các vụ án lớn, vụ án khó giúp tôi thăng hoa trong từng vụ việc được tham gia.
Đặc biệt, tôi được va chạm nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác qua mỗi vụ việc, mỗi khách hàng sẽ trở thành một người thầy giúp tôi được mở mang kiến thức chuyên môn trong những lĩnh việc chuyên ngành đặc thù.
Bên cạnh đó, tôi được cảm nhận sâu sắc các vấn đề về về xã hội, quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, quan hệ giữa con người với con người, quan hệ giữa tổ chức này và tổ chức khác, … Do đó, các kiến thức mới, những mối quan hệ, những trải nghiệm về con người, xã hội, chính trị, đem lại rất nhiều những điều đáng quý mà chỉ khi hành nghề luật sư mới có được.
Cuối cùng đó là, việc hành nghề luật sư giúp tôi tiếp cận, giao tiếp và học hỏi được với trí tuệ tuyệt vời từ những luật sư đồng nghiệp, những người thầy đi trước, để tiếp tục trau dồi, đúc kết thành những điều tốt đẹp phục vụ cho xã hội và chia sẻ cho thế hệ kế cận", Luật sư Nguyễn Văn Thái chia sẻ.