Học viện Tài chính được thành lập theo Quyết định số 120/QĐ-TTg ngày 17/8/2001 của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở sáp nhập 3 đơn vị là Trường Đại học Tài chính - Kế toán Hà Nội, Viện Nghiên cứu Khoa học tài chính và Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ - Bộ Tài chính. Năm 2003, Học viện Tài chính tiếp nhận thêm Viện nghiên cứu Khoa học thị trường giá cả. Học viện Tài chính là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Tài chính.
Không tìm thấy báo cáo 3 công khai năm học 2023-2024
Theo thông tin đăng tải trên website, sứ mệnh của học viện là: "Cung cấp các sản phẩm đào tạo và nghiên cứu khoa học tài chính - kế toán chất lượng cao cho xã hội".
Học viện có chức năng, nhiệm vụ đào tạo cán bộ trình độ đại học, sau đại học về các lĩnh vực tài chính, kế toán, quản trị kinh doanh, tiếng Anh Tài chính và Tin học Tài chính kế toán với 4 loại hình đào tạo (đại học chính quy, đại học vừa làm vừa học, đại học bằng 2, liên thông đại học); Nghiên cứu khoa học và bồi dưỡng công nghệ quản lý về lĩnh vực tài chính, kế toán, quản trị kinh doanh phục vụ hoạch định chính sách tài chính, kinh tế cho ngành và cho đất nước; phục vụ giảng dạy và quản lý; Bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh và chuyên môn, nghiệp vụ, công nghệ quản lý về tài chính - kế toán.
Hiện, Tiến sĩ Nguyễn Văn Bình là Chủ tịch hội đồng trường; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đào Tùng là Giám đốc Học viện Tài chính.
Thông tư 36/2017/TT-BGDĐT ban hành quy chế thực hiện công khai đối với các cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân có hiệu lực thi hành kể từ ngày 13 tháng 02 năm 2018. Trong đó, Thông tư nêu rõ mục tiêu thực hiện công khai là để người học, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và xã hội tham gia giám sát và đánh giá các cơ sở giáo dục và đào tạo theo quy định của pháp luật. Đồng thời, thực hiện công khai nhằm nâng cao tính minh bạch, phát huy dân chủ, tăng cường tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục và đào tạo trong quản lý nguồn lực và đảm bảo chất lượng giáo dục và đào tạo.
Các nội dung cơ sở giáo dục đại học cần công khai bao gồm:
Biểu mẫu 18: Công khai thông tin chất lượng đào tạo thực tế của cơ sở giáo dục đại học;
Biểu mẫu 19: Công khai thông tin cơ sở vật chất của cơ sở giáo dục đại học;
Biểu mẫu 20: Công khai thông tin về đội ngũ giảng viên cơ hữu của cơ sở giáo dục đại học;
Biểu mẫu 21: Công khai tài chính của cơ sở giáo dục đại học.
Điểm a, khoản 1, Điều 8 Thông tư 36/2017/TT-BGDĐT quy định các cơ sở giáo dục cần công khai trên trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục và đào tạo vào tháng 6 hằng năm, đảm bảo tính đầy đủ, chính xác và kịp thời trước khi khai giảng năm học hoặc khi có thay đổi nội dung liên quan.
Tuy nhiên, vào đầu tháng 7/2024, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam tìm trên website Học viện Tài chính nhưng không thấy nội dung báo cáo 3 công khai năm học 2023-2024. Đến tháng 9, phóng viên tiếp tục truy cập website của Học viện Tài chính nhưng vẫn không tìm thấy báo cáo 3 công khai năm học này. Đến ngày 15/10, website học viện vẫn chỉ hiển thị báo cáo 3 công khai năm học gần nhất là năm học 2021-2022.
Trả lời quanh co, bất nhất
Liên quan đến nội dung này, để có thông tin khách quan, ngày 13/9/2024, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã liên hệ Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đào Tùng - Giám đốc Học viện Tài chính để gửi một số câu hỏi phỏng vấn về việc thực hiện báo cáo 3 công khai theo Thông tư 36/2017/TT-BGDĐT.
Ngày 24/9/2024, phóng viên liên hệ lại Giám đốc Học viện Tài chính đề nghị cung cấp thông tin thì được phản hồi là nội dung này đã giao cho các bộ phận chuyên môn phụ trách và học viện sẽ rà soát lại để phản hồi tới phóng viên.
Ngày 30/9/2024, phóng viên tiếp tục liên hệ Giám đốc Học viện Tài chính thì được phản hồi nội dung này đã được giao cho Tiến sĩ Lưu Hữu Đức - Trưởng ban Quản lý đào tạo Học viện Tài chính tổng hợp thông tin và trả lời phóng viên.
Ngày 2/10/2024, phóng viên liên hệ Tiến sĩ Lưu Hữu Đức về nội dung này thì nhận được câu trả lời: Nội dung về việc thực hiện báo cáo 3 công khai đang được thầy tổng hợp thêm thông tin từ 1,2 đơn vị và sẽ thông tin đến phóng viên vào sáng ngày 3/10/2024.
Tuy nhiên, ngày 7/10/2024, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được công văn số 1459/HVTC-VP ngày 3/10/2024 của Học viện Tài chính về việc từ chối tiếp xúc và cung cấp thông tin báo chí với phóng viên. Lý do được Học viện Tài chính đưa ra là việc phóng viên tìm hiểu học viện thực hiện báo cáo 3 công khai theo Thông tư 36/2017/TT-BGDĐT là không đúng tôn chỉ, mục đích của Tạp chí.
Căn cứ Giấy phép hoạt động Báo điện tử số 74/GP-BTTTT, ngày 26 tháng 2 năm 2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp cho Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam; Giấy phép sửa đổi, bổ sung những quy định ghi trong giấy phép hoạt động Tạp chí Điện tử số 50/GP-BTTTT, ngày 05 tháng 3 năm 2024 của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp cho Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, tôn chỉ mục đích của Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam là: "...Định kỳ cập nhật thông tin theo quy định pháp luật để thông tin chuyên sâu, chuyên ngành; giới thiệu, đăng tải kết quả nghiên cứu khoa học; tham gia tư vấn phản biện chính sách về giáo dục đào tạo, trọng tâm về đại học, cao đẳng góp phần phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo Việt Nam”.
Với tôn chỉ, mục đích này, việc Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam tìm hiểu về vấn đề các cơ sở giáo dục thực hiện báo cáo 3 công khai theo quy định tại Thông tư 36/2017/TT-BGDĐT ngày 28/12/2017 là hoàn toàn phù hợp, thể hiện chức năng giám sát xã hội đối với trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục đại học. Từ đó có kiến nghị với cơ quan quản lý để đảm bảo minh bạch, công bằng.
Từ việc Học viện Tài chính quanh co hẹn thời gian cung cấp thông tin rồi lại từ chối cung cấp thông tin khiến Tạp chí băn khoăn về tính công khai, minh bạch của đơn vị này đối với việc thực hiện trách nhiệm giải trình đối với xã hội.
Khoản 12, Điều 4 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật số: 34/2018/QH14) quy định: "Trách nhiệm giải trình là việc cơ sở giáo dục đại học có trách nhiệm báo cáo, minh bạch thông tin đối với người học, xã hội, cơ quan quản lý có thẩm quyền, chủ sở hữu và các bên liên quan về việc tuân thủ quy định của pháp luật và thực hiện đúng quy định, cam kết của cơ sở giáo dục đại học”.
Đối chiếu theo Luật 34 cho thấy, Học viện Tài chính chưa tuân thủ đúng quy định của pháp luật khi các thông tin theo Thông tư 36 phóng viên thấy không nhà trường công khai, vậy trách nhiệm giải trình ở đâu?
Đáng chú ý, đây cũng không phải năm đầu tiên Học viện Tài chính không thực hiện báo cáo 3 công khai trên website. Trước đó, báo cáo 3 công khai năm học 2022-2023 cũng không được học viện đăng tải trên trang thông tin điện tử của trường vào thời điểm mà Thông tư 36 quy định. Bởi lẽ, vào tháng 1/2024, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thạch - Trưởng ban Quản lý đào tạo, Ủy viên thường trực Hội đồng tuyển sinh (Học viện Tài chính) từng lý giải nguyên nhân với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam như sau: “Nhìn chung, có thể khẳng định, Học viện Tài chính luôn bám sát và thực hiện đúng, đầy đủ các quy định của Nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo về công bố công khai thông tin hoạt động, tuyển sinh.
Báo cáo 3 công khai năm học 2019-2020 và 2022-2023 hiện nay (thời điểm tháng 1/2024 - phóng viên) chưa hiển thị trên website do lỗi file cập nhật lên và lỗi kỹ thuật hiển thị website, học viện sẽ rà soát những file tổng hợp này để cập nhật, ngoài ra sẽ cập nhật thêm các thông tin còn thiếu để báo cáo hoàn chỉnh hơn nữa”. [1]
Dù Học viện Tài chính khẳng định sẽ rà soát và cập nhật từ tháng 1/2024 đối với các báo cáo 3 công khai còn thiếu nhưng tới nay là tháng 10/2024, nội dung hiển thị trên website của học viện về việc thực hiện báo cáo 3 công khai vẫn chưa có báo cáo công khai của năm học 2022-2023 và 2023-2024.
Điều này dẫn đến việc người học, xã hội muốn tìm hiểu, giám sát các thông tin về đào tạo, đội ngũ giảng viên, số lượng kí túc xá, hoạt động nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo... của Học viện Tài chính nhưng hoàn toàn không có thông tin.
Khoản 1, Điều 7, Nghị định 04/2021/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục nêu rõ: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Công khai không đầy đủ các nội dung theo quy định tại quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và các văn bản pháp luật khác có liên quan;
b) Thực hiện không đầy đủ hoặc không đúng chế độ thông tin báo cáo theo quy định của pháp luật hiện hành;
c) Lập báo cáo định kỳ, báo cáo đột xuất có nội dung không chính xác;
d) Sử dụng tên hoặc đặt trụ sở không đúng địa điểm theo quyết định thành lập, quyết định cho phép thành lập;
đ) Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng trách nhiệm giải trình theo quy định của pháp luật hiện hành.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://giaoduc.net.vn/3-cong-khai-hv-tai-chinh-thieu-do-loi-cap-nhat-sai-sot-trong-tap-hop-du-lieu-post240562.gd