Đánh giá GV dạy giỏi qua 1 tiết học được tập dượt nhiều lần có khách quan?

18/10/2024 09:00
Thu Thuỷ

GDVN - Không thể phủ nhận vai trò của hội thi giáo viên dạy giỏi, tuy nhiên, quá trình triển khai vẫn tồn tại nhiều bất cập, tạo thêm áp lực cho giáo viên.

Trong bối cảnh đổi mới giáo dục hiện nay, yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục vô cùng quan trọng. Trong đó, không thể phủ nhận vai trò của hội thi giáo viên dạy giỏi để đánh giá chất lượng giáo viên. Tuy nhiên, có nhiều vấn đề xung quanh việc tổ chức hội thi cần có đánh giá thấu đáo.

Một tiết dạy thực tế chưa thể đánh giá toàn diện năng lực thực sự của giáo viên

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Việt Nam, một giáo viên tại trường tiểu học và trung học cơ sở tại Văn Chấn (tỉnh Yên Bái) cho rằng, hội thi giáo viên dạy giỏi đóng vai trò quan trọng trong hệ thống giáo dục. Bởi, hội thi này không chỉ nhằm kiểm tra năng lực chuyên môn của giáo viên mà còn góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy.

gdvn-tgiaoducnetvn-asdfg-8637.jpg
Hội thi giáo viên dạy giỏi không chỉ nhằm kiểm tra năng lực chuyên môn của giáo viên mà còn góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy. (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, nữ giáo viên cho biết, hiện tại, hội thi giáo viên dạy giỏi đang đối mặt với một số bất cập như: gắn với đánh giá và thi đua, mất nhiều thời gian, mang tính chất "hình thức" khiến nhiều giáo viên cảm thấy áp lực và thiếu động lực tham gia. Để khắc phục tình trạng này, cần có những cải cách để kỳ thi trở nên thực chất hơn, đồng thời tạo ra môi trường thi cử thân thiện và hấp dẫn, giúp giáo viên phát huy tối đa năng lực và cống hiến cho nghề.

Thứ nhất, các cơ sở giáo dục có thể xem xét thay đổi cách tổ chức và đánh giá kỳ thi giáo viên dạy giỏi. Thay vì chỉ dựa vào một buổi thi tập trung bằng một tiết dạy thực tế, giáo viên có thể được đánh giá qua nhiều hoạt động khác nhau. Điều này không chỉ giúp đánh giá toàn diện hơn về năng lực của giáo viên mà còn tạo cơ hội cho họ thể hiện bản thân trong môi trường tự nhiên, không bị áp lực của việc thi cử.

Thứ hai, nên cân nhắc giãn thời gian giữa các hội thi. Hiện tại, theo Thông tư 22, giáo viên dạy giỏi cấp trường và cấp huyện được tổ chức theo chu kỳ 2 năm/ lần. Việc giáo viên phải dành quá nhiều thời gian chuẩn bị cho một tiết dạy trong khi vẫn phải hoàn thành các nhiệm vụ khác như giảng dạy hàng ngày, tham gia các hoạt động của trường và cả các công tác chuyên môn khác đã tạo ra một gánh nặng không nhỏ. Do đó, nếu thời gian giữa các hội thi được giãn cách hơn, giáo viên vừa có thời gian chuẩn bị kỹ càng, vừa tránh tạo những áp lực cho thầy cô.

Thứ ba, việc lồng ghép kỳ thi giáo viên dạy giỏi vào các hoạt động chuyên môn khác cũng là một cách để nâng cao chất lượng kỳ thi. Đơn cử nhà trường có thể tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm về giáo dục để giáo viên có thể chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi lẫn nhau. Từ đó, các cơ sở giáo dục không chỉ tạo ra môi trường tích cực mà còn làm cho hội thi trở nên gắn bó hơn với thực tiễn giảng dạy.

Thứ tư, nhà trường cần thường xuyên tạo động lực cho giáo viên tham gia hội thi. Hiện nay, nhiều trường hợp giáo viên tham gia thi không phải vì nguyện vọng cá nhân mà còn vì kỳ vọng từ lãnh đạo và đồng nghiệp. Để khắc phục tình trạng trên, nhà trường và các cơ quan quản lý cần xem xét các chính sách khen thưởng phù hợp nhằm khuyến khích cho những giáo viên tham gia và tạo cảm hứng cho những giáo viên khác.

Cần xem xét thay đổi cách thức thi và đánh giá đa chiều hơn

Chia sẻ quan điểm về việc tổ chức hội thi giáo viên dạy giỏi hiện nay, thầy Hồ Quang Tuấn - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đuốc Sống (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, việc thi giáo viên dạy giỏi giúp giáo viên nâng cao trình độ chuyên môn, rèn luyện kỹ năng sư phạm và tạo động lực để thầy cô không ngừng cải thiện chất lượng giảng dạy. Tuy nhiên, hình thức thi này đang tạo ra áp lực lớn và chưa phản ánh toàn diện năng lực chuyên môn của giáo viên.

Trên thực tế, quy trình của hội thi đòi hỏi giáo viên phải chuẩn bị bài giảng kỹ lưỡng, thường bao gồm các bước như lập kế hoạch bài dạy, thực hiện tiết dạy trước ban giám khảo và nhận các ý kiến đánh giá. Mặc dù đây là một cơ hội để giáo viên thể hiện năng lực, nhưng việc chỉ đánh giá một tiết học ngắn ngủi chưa đủ khách quan và chính xác để phản ánh năng lực toàn diện của giáo viên. Đơn cử một giáo viên có thể chuẩn bị kỹ lưỡng cho một buổi thi nhưng không chắn chắn phản ánh được khả năng giảng dạy thường xuyên trong các điều kiện khác nhau.

Tuy nhiên, đứng ở góc độ quản lý, thầy Tuấn cho rằng, kỳ thi này vẫn cần thiết. Bởi, nó không chỉ giúp các giáo viên có cơ hội trau dồi kỹ năng mà còn giúp các trường kiểm tra chất lượng giáo viên, đảm bảo sự phát triển chuyên môn liên tục. Do đó, để giúp cho kỳ thi này thực chất hơn, các cơ sở giáo dục cần có những điều chỉnh trong quy trình đánh giá. Thay vì chỉ đánh giá một tiết dạy thì có thể kết hợp với việc theo dõi quá trình giảng dạy của giáo viên trong suốt cả năm học hoặc tổ chức các hoạt động liên quan khác để đánh giá thực lực của thầy cô.

“Nên nhìn nhận hội thi giáo viên dạy giỏi là một công cụ tốt để nâng cao chất lượng giáo dục, nhưng cần có sự thay đổi về cách thức tổ chức và đánh giá nhằm giảm bớt áp lực cho giáo viên và đảm bảo việc đánh giá trở nên toàn diện, thực chất hơn. Do đó, các nhà trường nên linh hoạt trong việc tổ chức và việc giáo viên tham gia nên trên tinh thần tự nguyện để tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, góp phần cải thiện chất lượng giáo dục mà không làm ảnh hưởng đến tâm lý và hiệu quả làm việc của giáo viên. Chỉ khi hội thi trở thành một hoạt động hấp dẫn, gắn liền với sự phát triển nghề nghiệp, giáo viên sẽ tự nguyện tham gia và từ đó, chất lượng giáo dục cũng được nâng cao hơn”, thầy Tuân nêu quan điểm.

image(276).png
Một lớp học tham dự thi giáo viên dạy giỏi. (Ảnh minh hoạ: Website Trường Tiểu học Trưng Vương, quận Hoàn Kiếm)

Cùng bàn về vấn đề trên, thầy Lưu Trọng Lư - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bình Dương (huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh) nhận định, hội thi giáo viên dạy giỏi là một hoạt động được tổ chức nhằm khuyến khích giáo viên phát huy năng lực và khả năng sáng tạo trong giảng dạy. Tuy nhiên, hội thi này vẫn cần thay đổi theo hướng thực chất hơn để đảm bảo công bằng và giảm bớt áp lực không cần thiết cho giáo viên.

Một trong những bất cập của hội thi giáo viên dạy giỏi là cách thức thi. Mặc dù hội thi này được tổ chức theo các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhưng quá trình thi thực tế vẫn còn nhiều yếu tố khiến kết quả chưa phản ánh đầy đủ năng lực giảng dạy của giáo viên. Thông thường, giáo viên cần chuẩn bị từ nội dung bài giảng đến các phương pháp truyền đạt, nhằm đạt được kết quả cao nhất. Tuy nhiên, quá trình chuẩn bị có thể khiến giáo viên bị dồn nén vào một buổi học nhất định, dẫn đến áp lực vì thành tích. Đồng thời, trên thực tế, một bài giảng được chuẩn bị kỹ lưỡng cho một buổi thi không thể phản ánh toàn diện khả năng giảng dạy hàng ngày của giáo viên.

Bên cạnh đó, dù hội thi là tự nguyện, giáo viên có thể vẫn cảm thấy áp lực vì nhiều nguyên nhân. Đơn cử nhiều giáo viên không muốn tham gia không phải vì thiếu năng lực hay sự nhiệt huyết, mà vì họ không muốn chịu thêm áp lực chuẩn bị cho buổi thi. Đối với những giáo viên đã có nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy, họ có thể không có nhu cầu tham gia nhưng vẫn cảm thấy khó từ chối nếu lãnh đạo đề xuất, động viên. Từ đó, có thể dẫn đến hội thi sẽ bị mất đi phần nào tính tự nguyện của giáo viên.

“Để chất lượng hội thi đạt hiệu quả, các cơ sở giáo dục cần chú trọng đến tính công bằng và khách quan của hội thi này. Hiện tại, việc chấm thi chủ yếu dựa trên một buổi dạy cụ thể với sự tham gia của ban giám khảo tại lớp học. Tuy nhiên, một buổi dạy có thể chưa đánh giá hết được năng lực giảng dạy toàn diện của giáo viên. Vì vậy, cần có những tiêu chí đánh giá đa chiều hơn, bao gồm cả quá trình giảng dạy hàng ngày của giáo viên, sự phát triển của học sinh và các hoạt động ngoài giờ học nhằm đảm bảo việc đánh giá giáo viên dạy giỏi là toàn diện và chính xác.

Việc đảm bảo tính công bằng, khách quan và toàn diện trong quá trình thi là yếu tố quan trọng để kỳ thi giáo viên dạy giỏi thực sự phản ánh được năng lực và tiềm năng của đội ngũ giáo viên”, thầy Lư bày tỏ.

Thu Thuỷ