Xóa bỏ ban đại diện cha mẹ học sinh, lạm thu có chấm dứt?

14/10/2024 08:46
Đỗ Quyên

GDVN - Xử phạt thật nghiêm người đứng đầu khi để xảy ra tình trạng thu sai, chi sai theo hướng dẫn trong Thông tư 55, chắc chắn sẽ làm gương cho nhiều trường học khác.

Hàng năm cứ vào đầu năm học, phụ huynh học sinh lại bức xúc về tình trạng trạng lạm thu ở nhiều trường học. Nhiều người cho rằng, nguyên nhân gây ra tình trạng lạm thu trong nhà trường đều bắt nguồn từ Ban đại diện cha mẹ học sinh. Vì thế, không ít ý kiến đòi xóa bỏ Ban đại diện cha mẹ học sinh để chất dứt tình trạng lạm thu trong nhà trường.

hop_phu_huynh.jpg
Ảnh minh họa.

Lạm thu xảy ra, do phụ huynh cam chịu?

Là người công tác trong ngành giáo dục trên 30 năm, người viết cho rằng, để xảy ra tình trạng lạm thu không phải lỗi một mình ban đại diện cha mẹ học sinh.

Một phần là do hiệu trưởng nhà trường, phần khác do đa phần phụ huynh cam chịu, không dám lên tiếng hoặc lên tiếng chưa đúng nơi đúng chỗ.

Một lần đi họp phụ huynh cho con ở một trường trung học trên địa bàn, khi giáo viên chủ nhiệm (không phải Ban đại diện cha mẹ học sinh) thông báo tiền hội phí của học sinh năm nay là 300 ngàn đồng và tiền mua ti vi phục vụ học tập cho các em cũng là 300 ngàn đồng/học sinh.

Giáo viên vừa dứt lời, nhiều tiếng xì xào nổi lên. Một phụ huynh ngồi kế bên thở dài thườn thượt và than rằng: “Chết rồi! Nhà em có 3 con đi học, giờ lấy tiền đâu mà đóng nhiều như vậy”. Người ngồi sau cũng thì thầm: “Tiền hội phí nghe nói là tự nguyện mà sao lại đổ đồng cả lớp buộc phải đóng như nhau?”.

Sau phần thông báo của giáo viên là đến phần có ý kiến của phụ huynh. Dù giáo viên đã lên tiếng: “Bây giờ đến ý kiến của phụ huynh? Ai có thắc mắc gì cứ nói để ghi vào biên bản”.

Cả lớp học lặng như tờ, nghe được cả những tiếng thở mạnh. Giáo viên gợi mở tiếp: “Phụ huynh nào có ý kiến về các khoản thu thì cứ mạnh dạn trình bày”. Tôi nhận thấy, thầy giáo có ý khuyến khích phụ huynh bày tỏ suy nghĩ của mình. Tuy thế, vẫn không một ai lên tiếng dù trước đó khi nghe mức tiền phải ủng hộ đã có nhiều tiếng xì xào, bàn tán nổi lên.

Để xóa tan bầu không khí khá ngột ngạt, tôi giơ tay xin nói: “Cả 2 khoản tiền nhà trường vừa phổ biến cần được xem xét lại. Hội phí không nên cào bằng, cũng không ép phụ huynh phải đóng. Thông tư 55 quy định, kinh phí này do phụ huynh ủng hộ tự nguyện.

Nếu bắt buộc phải đóng sẽ làm khó những gia đình đông con, có hoàn cảnh vô cùng khó khăn.

Còn khoản tiền 300 ngàn đồng/em để mua ti vi phục vụ cho việc học. Năm nay, các con đã học lớp 12 rồi. Đóng số tiền lớn mà chỉ học một năm cũng thấy tội”.

Sau phần ý kiến của người viết, giáo viên hỏi cả lớp có ai có thêm ý kiến gì không? Lúc này, tôi rất cần những cánh tay giơ lên và nói đồng ý với ý kiến của tôi. Nếu có sự đồng tình cao của tất cả phụ huynh thì chắc chắn việc thu hội phí và thu kinh phí mua ti vi sẽ phải dừng lại.

Thế nhưng dù đã được giáo viên khuyến khích nói nhưng không một ai dám lên tiếng kể cả một số người mới thở than trước đó. Thấy không ai có ý kiến, giáo viên đã chốt vấn đề, vậy tất cả đều thống nhất, lớp mình vẫn thu như dự kiến.

Tan họp, một số người lại nói với tôi, cũng muốn có ý kiến như thế nhưng ngại, sợ thầy cô sẽ để ý con mình thì tội bé ra.

Một đồng nghiệp của người viết cũng đi họp phụ huynh về lại hồ hởi khoe lớp con bạn đã không phải đóng tiền mua ti vi do có khá nhiều phụ huynh phản đối. Lúc đầu, chỉ một ý kiến không đồng tình, sau đó hàng loạt cánh tay đưa ra ủng hộ. Trước sự cương quyết của nhiều phụ huynh nên việc thu kinh phí đã không thể triển khai.

Không có ban đại diện cha mẹ học sinh thì lạm thu vẫn sẽ tồn tại

Lạm thu ở trường học là do hiệu trưởng có lòng tham, hoàn toàn không do ban đại diện cha mẹ học sinh như nhiều người vẫn nghĩ. Mọi khoản thu và khoản chi trong nhà trường thường hiệu trưởng có chủ trương.

Nếu theo quy định của Thông tư 55, kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh chỉ dành cho hoạt động của hội phụ huynh, phục vụ một số nội dung liên quan trực tiếp đến học sinh trong lớp nhưng có trường yêu cầu giáo viên phải nộp lại số tiền quỹ thu được lên tới 70% về trường để dùng khoản tiền này chi cho nhiều hoạt động của nhà trường.

Khi đã nộp về trường tới 70% thì lớp buộc phải nâng mức thu của học sinh lên nhiều lần mới đủ kinh phí dành cho lớp hoạt động.

Khi lạm thu xảy ra, dư luận thường đổ thừa cho ban đại diện cha mẹ học sinh. Khách quan nhìn nhận, đa phần ban đại diện cha mẹ học sinh đều đồng ý với những khoản dự thu, dự chi mà hiệu trưởng đưa ra.

Thế nhưng dù cho ban đại cha mẹ học sinh đồng ý mà mỗi phụ huynh trong lớp đều không nhất trí thì các mức thu vẫn không thể triển khai.

Vì những điều này, có xóa bỏ ban đại diện cha mẹ học sinh thì lạm thu vẫn sẽ xảy ra như bình thường.

Cách nào ngăn chặn lạm thu?

Theo người viết viết, muốn ngăn chặn lạm thu thì vai trò của phụ huynh trong nhà trường vô cùng quan trọng. Phụ huynh cần đồng lòng phản đối với những khoản thu cao, những khoản chi bất minh. Tránh trường hợp, một người có ý kiến nhưng tất cả lại ngồi lặng im chỉ đến khi về nhà bức xúc trút giận lên mạng xã hội thì đã muộn.

Dẹp bỏ suy nghĩ, có ý kiến thì con mình sẽ bị để ý, sẽ bị làm khó. Bởi, nhiều thầy cô giáo cũng không đồng tình với những khoản thu cao, thu không đúng quy định nhưng lại không dám phản đối.

Cuối cùng, cơ quan có thẩm quyền địa phương mỗi năm cần thanh kiểm tra thu chi tài chính tại mỗi trường học đặc biệt lưu ý đến việc huy động sự ủng hộ các khoản tiền hội phí từ phụ huynh để chấn chỉnh kịp thời.

Phạt thật nghiêm khắc người đứng đầu khi để xảy ra tình trạng thu sai, chi sai sẽ làm gương cho nhiều trường học khác.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Đỗ Quyên