Nếu có danh sách trường nghề trong hệ thống tuyển sinh lớp 10 sẽ lợi đủ đường

12/10/2024 06:18
Tường San

GDVN-Thực tế hiện nay, chưa nhiều học sinh, phụ huynh biết thông tin về hệ thống GDNN dẫn đến mục tiêu phân luồng học sinh sau THCS còn khó khăn, hạn chế. 

Tại Hội nghị đánh giá chương trình phối hợp về định hướng phân luồng và giáo dục nghề nghiệp giữa Sở Lao động – Thương binh và xã hội cùng với Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, hiệu trưởng một trường trung cấp đã đề xuất về việc nên có thêm nguyện vọng 4 vào trường nghề dành cho học sinh khi thi vào lớp 10 trung học phổ thông công lập của thành phố. Bởi thực tế hiện nay, hệ thống đăng ký nguyện vọng tuyển sinh vào lớp 10 công lập tại Thành phố Hồ Chí Minh hàng năm không hề có tên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Đây không phải chuyện của riêng Thành phố Hồ Chí Minh. Tại Hà Nội, theo quy định hiện hành, mỗi học sinh cũng có 3 nguyện vọng vào lớp 10 công lập không chuyên và sẽ đăng ký qua hệ thống đăng ký trực tuyến. Tại Nghệ An, trên cổng đăng ký trực tuyến, mỗi thí sinh được đăng ký tối đa 3 nguyện vọng trường trung học phổ thông công lập/ ngoài công lập hoặc trung tâm giáo dục thường xuyên hoặc trung tâm giáo dục nghề nghiệp -giáo dục thường xuyên, tức không có lựa chọn nguyện vọng cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Theo chia sẻ của lãnh đạo một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp, công tác tuyển sinh hiện nay chủ yếu do nhà trường tự đi tư vấn, tuyển sinh nên các em học sinh không nắm được nhiều thông tin về các trường nghề, không mạnh dạn đăng ký lựa chọn vào học.

Trước đề xuất trên, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Đặng Văn Sáng - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ, việc có tên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong hệ thống đăng ký nguyện vọng tuyển sinh vào lớp 10 là rất quan trọng và cần thiết. Bởi phải có tên trường, học sinh và phụ huynh mới biết đến những trường trung cấp, cao đẳng, từ đó tìm hiểu thông tin và đưa ra lựa chọn phù hợp cho mình. Việc làm này cũng mang đến một cái nhìn tổng thể hơn về các lựa chọn cho các em sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở.

Ngoài ra, thầy Sáng thông tin, tại hầu hết các trường trung học cơ sở hiện nay còn nhiều khó khăn trong công tác tư vấn hướng nghiệp khi những tiết học về định hướng nghề nghiệp còn hạn chế, không có đội ngũ chuyên biệt để tư vấn đầy đủ, … Cộng thêm việc không có thông tin của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên các cổng thông tin đăng ký tuyển sinh.

DSC00230.JPG
Ảnh minh họa: Phạm Minh.

Theo thầy Sáng, với cách làm như hiện nay, chúng ta rất khó thực hiện được mục tiêu “Phấn đấu ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 30%” theo Quyết định số 522/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025". Do đó, hiện tại chỉ còn 1 năm nữa để thực hiện mục tiêu phân luồng theo Quyết định này thì càng phải quyết liệt, sớm đưa ra các giải pháp mạnh mẽ hơn nữa.

Thầy Sáng bày tỏ, việc gia tăng số lượng học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở vào học tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp là xu thế tất yếu, vốn được nhiều nước trên thế giới thực hiện từ lâu nhằm có lượng nhân lực đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.

Cùng bày tỏ quan điểm về vấn đề trên, Thạc sĩ Trần Phương - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Việt Giao cho hay, nếu thực hiện được đề xuất trên sẽ rất tốt vì tránh tình trạng hiểu sai về hệ thống giáo dục nghề nghiệp trong nhận thức của xã hội hiện nay rằng đây là loại hình đào tạo ở mức thấp hơn so với trường trung học phổ thông. Trong khi đó, mỗi loại hình đào tạo đều có giá trị.

Bên cạnh đề xuất trên, thầy Phương bày tỏ, nếu có một cẩm nang tuyển sinh được thể hiện tổng quan về những hướng đi của học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở là tốt nhất. Đơn cử như sau khi tốt nghiệp các em có thể lựa chọn vào học trường trung học phổ thông công lập, ngoài công lập, quốc tế hay vào học tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục thường xuyên, du học,…Từ đó, mỗi học sinh sẽ dựa trên mục tiêu, tài chính, định hướng,… của mình để chọn được hệ đào tạo phù hợp.

Không những vậy, cuốn cẩm nang này cũng giúp cho phụ huynh hiểu rõ hơn về việc hệ thống giáo dục nghề nghiệp hiện nay. Đơn cử như sau khi tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng, học sinh hoàn toàn có thể liên thông lên những trình độ cao hơn khi có nhu cầu.

Để ban hành được cuốn cẩm nang này, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cần bàn thảo, thống nhất.

Cũng theo thầy Phương, trên thực tế, việc phải vào website của từng cơ sở giáo dục nghề nghiệp để tìm hiểu thông tin gây ra sự rối rắm, lúng túng cho nhiều học sinh và phụ huynh, khiến họ ngại đăng ký vào hệ đào tạo này.

Tại nhiều trường trung học cơ sở hiện nay khi tư vấn hướng nghiệp cũng không nói nhiều thông tin về hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp mà chủ yếu nói về các trường trung học phổ thông, trường đại học. Điều này đã vô tình gây ra định kiến đối với nhiều học sinh, phụ huynh là học kém mới vào học ở cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Theo thầy Phương, trên vai trò là giáo viên, mỗi thầy/cô phải làm sao để học sinh phát huy được năng lực, khả năng sáng tạo,… của mình qua công tác phân luồng, định hướng, tránh để xảy ra tình trạng nhiều em còn bối rối, lúng túng khi lựa chọn hướng đi cho mình như hiện nay.

"Thực hiện được những giải pháp trên, chúng ta sẽ sớm thực hiện được mục tiêu phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở đã đặt ra. Đồng thời, sớm giải quyết được bài toán thiếu hụt lực lượng lao động nghề theo đúng độ tuổi trong tương lai", thầy Phương nói.

Đồng tình với đề xuất trên, Nhà giáo Ưu tú, Tiến sĩ Phạm Xuân Khánh – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội bày tỏ, nếu các địa phương đều thực hiện được việc này sẽ góp phần tiến gần hơn đến mục tiêu phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở được nước ta đặt ra tại Quyết định số 522/QĐ-TTg.

DSC05386.JPG
Ảnh minh họa: Phạm Minh.

Theo thầy Khánh, việc có thêm thông tin về cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong lựa chọn nguyện vọng vào lớp 10 cho các em học sinh là rất tốt. Bởi, khi đó căn cứ theo năng lực, mục tiêu, sở trường của bản thân, các em sẽ đưa ra được lựa chọn phù hợp nhất cho mình, trong đó có lựa chọn vào trường nghề là một con đường đi ngắn nhưng vẫn hiệu quả.

Hơn nữa, cách làm này cũng không khó thực hiện mà còn giúp cho xã hội nói chung, phụ huynh và học sinh nói riêng có niềm tin hơn vào các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khi nhìn thấy có nguyện vọng được lựa chọn các cơ sở này trên hệ thống tuyển sinh.

Thầy Khánh thông tin thêm, việc học sinh biết thông tin về các trường nghề hiện vẫn còn hạn chế. Thực tế hiện nay, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải tự đi tuyển sinh tại các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông. Đơn cử như Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội, sau khi đến tận nơi để tư vấn, nhiều phụ huynh mới biết thông tin, thấy hấp dẫn nên đăng ký cho con vào học.

Cũng theo thầy Khánh, hiện nay tỷ lệ phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở vẫn có xu hướng tăng nhưng còn chậm, khả năng cao sẽ khó đạt được mục tiêu như Quyết định 522 đặt ra. Chủ trương phân luồng của Chính phủ đã được biểu thị rất rõ ràng qua nhiều văn bản nhưng thực tế triển khai ở nhiều địa phương còn bị khó khăn, hạn chế.

Thầy Khánh cho rằng, để cho công tác phân luồng được thực hiện tốt hơn nữa, cần mở cửa hơn cho giáo dục nghề nghiệp. Theo đó, nên cho phép các trường nghề được tổ chức giảng dạy cả văn hóa theo chương trình 9+ (hệ đào tạo vừa học văn hóa vừa học nghề) nhằm giảm bớt sự trùng lặp trong công tác quản lý. Đồng thời, bản thân các trường cao đẳng, trung cấp cũng phải nâng cao cơ sở vật chất, chất lượng đội ngũ, phương pháp giảng dạy, … để đáp ứng số lượng người học tăng lên trong tương lai.

Tường San