GĐ Sở GD TPHCM: 4 giải pháp để đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 ở trường

11/10/2024 13:35
Việt Dũng

GDVN - Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, một trong những giải pháp đó chính là khuyến khích học sinh sử dụng tiếng Anh trong giao tiếp hàng ngày.

Ngày 11/10, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo "Một số giải pháp đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học học tại Việt Nam".

Tham dự hội thảo có Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng, lãnh đạo các Cục, Vụ chuyên môn trực thuộc Bộ; ông Nguyễn Văn Hiếu – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh; bà Lê Chi Lan – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sài Gòn; lãnh đạo các Phòng Giáo dục và Đào tạo, hiệu trưởng các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông trên địa bàn thành phố.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Văn Hiếu – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, kết luận số 91-KL/TW ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo” nêu một trong nội dung quan trọng là tập trung nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.

gdvn_NVhieutiengAnh.jpg
Ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu khai mạc (ảnh: V.D)

Đây là mục tiêu quan trọng, mang tính chất chiến lược, góp phần tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ hội nhập. Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang triển khai thành công việc đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.

Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, các quốc gia này đã đạt được những thành tựu đáng kể trong việc nâng cao năng lực tiếng Anh cho học sinh, sinh viên từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc cho việc học tập, nghiên cứu, làm việc và hội nhập quốc tế.

Từ kinh nghiệm của quốc tế, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, có 4 giải pháp để đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học, đó là:

Xây dựng môi trường học tập và sử dụng tiếng Anh thuận lợi, khuyến khích học sinh sử dụng tiếng Anh trong giao tiếp hàng ngày.

Đổi mới phương pháp dạy và học tiếng Anh, chú trọng phát triển năng lực giao tiếp, ứng dụng tiếng Anh trong thực tế.

Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên tiếng Anh, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên các môn học có trình độ tiếng Anh đáp ứng được yêu cầu dạy và học trong môi trường hội nhập quốc tế.

Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục tiếng Anh, học tập kinh nghiệm tiên tiến từ các nước đã thực hiện thành công trong việc phát triển các chương trình giảng dạy tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai trong trường học, và các nước có nền giáo dục phát triển.

gdvn_NVHieutiengAnhb.jpg
Toàn cảnh hội thảo (ảnh: V.D)

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh rằng, để triển khai thực hiện thành công mục tiêu đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học ở Việt Nam, cần có sự chung sức đồng lòng của các cơ sở giáo dục, các nhà khoa học, các chuyên gia, các doanh nghiệp cùng với sự hỗ trợ của cha mẹ học sinh và toàn xã hội.

Để đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học tại Thành phố Hồ Chí Minh, ông Hồ Tấn Minh – Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất: Cần đầu tư phát triển hạ tầng số, trong đó nâng cấp hạ tầng công nghệ trong trường học là nền tảng, bao gồm đảm bảo kết nối internet tốc độ cao, trang bị lớp số theo tiêu chuẩn trường học số do Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành

Triển khai tích hợp tiếng Anh vào chương trình học thông qua công nghệ; đào tạo giáo viên và phát triển chuyên môn, trong đó giáo viên đóng vai trò then chốt trong việc tích hợp thành công công nghệ trong giáo dục; tham gia và tổ chức các hoạt động giáo dục có yếu tố quốc tế.

Triển khai các khung đánh giá, xây dựng các tiêu chuẩn để công nhận, đánh giá các tiến độ và hiệu quả của việc đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai tại trường học, triển khai các khung năng lực ngôn ngữ chuẩn quốc tế để đo lường khả năng tiếng Anh ở mỗi cấp lớp; chính sách hỗ trợ; xây dựng tài liệu học tập các môn như giáo dục địa phương, lịch sử địa lý bằng tiếng Anh trên môi trường ảo hóa giúp học sinh trải nghiệm một cách chân thực; từ đó hỗ trợ việc tiếp thu kiến thức môn học, song song đó tạo bối cảnh, ngữ cảnh cho việc học tiếng Anh của học sinh.

Việt Dũng