Thầy Khang gợi ý các bước để đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học

13/10/2024 06:20
Thúy Hiền

GDVN - Theo Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang, việc đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học cần xây dựng một lộ trình đồng bộ và bền vững.

Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI "Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế" nhấn mạnh một trong những nhiệm vụ quan trọng trong giai đoạn mới là "tập trung nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học".

Mới đây, tại Hội nghị của Thường trực Chính phủ tổ chức với sự góp mặt của nhiều doanh nghiệp, Chủ tịch Tập đoàn VinGroup đề xuất Chính phủ đẩy mạnh đào tạo và phổ cập tiếng Anh không chỉ ở các trường công lập mà còn đào tạo cho toàn dân, để hướng tới một xã hội công dân toàn cầu.

Tập đoàn VinGroup và các doanh nghiệp sẽ sẵn sàng tham gia tài trợ cho giáo viên tăng cường lên vùng sâu vùng xa. Nếu chúng ta đẩy mạnh đào tạo tiếng Anh từ vùng sâu vùng xa đến các thành thị thì giống như chúng ta tạo "cần câu cơm tốt hơn cho trẻ ở những vùng khó khăn, góp phần phát triển các vùng này trong tương lai. [1]

Với kinh nghiệm thực hiện "dự án đưa tiếng Anh lên Mèo Vạc", thầy Nguyễn Xuân Khang - Chủ tịch Hội đồng Trường Marie Curie (Hà Nội) hoàn toàn ủng hộ việc đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học. Tuy nhiên, theo thầy Khang việc này không nên thực hiện vội vàng mà cần xây dựng một lộ trình phù hợp tùy theo đặc điểm và điều kiện cụ thể của từng địa phương.

Bài học kinh nghiệm từ dự án đưa tiếng Anh lên Mèo Vạc

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, nhà giáo Nguyễn Xuân Khang cho biết, mặc dù có nhiều lựa chọn ngôn ngữ nhưng thực tế trên toàn quốc có hơn 95% học sinh vẫn chủ yếu học tiếng Anh, điều này cho thấy sự ưu tiên lớn của hệ thống giáo dục và xã hội đối với ngôn ngữ này.

Tuy nhiên, việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã gặp không ít thách thức, đặc biệt là tình trạng thiếu hụt giáo viên trên diện rộng. Tình trạng thiếu giáo viên nghiêm trọng nhất là ở các tỉnh miền núi, đặc biệt đối với môn Tiếng Anh và Tin học.

thầy Khang.jpg
Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang, Chủ tịch Hội đồng Trường Marie Curie (Hà Nội). Ảnh: Thùy Linh

Trong bối cảnh đó, “dự án đưa tiếng Anh lên Mèo Vạc” của Trường Marie Curie (Hà Nội) đã tạo dấu ấn sâu sắc và mang lại những suy nghĩ tích cực về việc cải thiện chất lượng giáo dục ở các vùng khó khăn.

Thời điểm chuẩn bị bước vào năm học 2022-2023, khi tiếng Anh trở thành môn học bắt buộc từ lớp 3, huyện Mèo Vạc có tổng số 2.609 học sinh với 76 lớp 3 tại 18 trường tiểu học. Tổng số tiết tiếng Anh cần giảng dạy là 10.640 tiết/năm học.

Tuy nhiên, toàn huyện Mèo Vạc chỉ có 25 giáo viên tiếng Anh, trong đó chỉ có duy nhất một giáo viên tiếng Anh ở cấp tiểu học. Dù đã tăng mức lương hợp đồng cho giáo viên tiếng Anh, huyện Mèo Vạc vẫn gặp khó khăn trong việc tuyển dụng.

Trong bối cảnh của ngành giáo dục Mèo Vạc như thế, “dự án đưa tiếng Anh lên Mèo Vạc” với hàng chục giáo viên của thầy Nguyễn Xuân Khang đã để lại dấu ấn mạnh mẽ.

Với thời lượng 3 tiết/tuần/lớp x 35 tuần thực học x 76 lớp, hệ thống Marie Curie đã hỗ trợ dạy tiếng Anh trực tuyến cho tất cả học sinh lớp 3 các trường của huyện Mèo Vạc.

Trường Marie Curie đã thống nhất phương án giảng dạy trực tuyến 3 tiết tiếng Anh mỗi tuần cho học sinh, các tiết học còn lại sẽ do huyện tự sắp xếp. Để hỗ trợ cho việc này, huyện Mèo Vạc đã quyết định điều động các giáo viên tiếng Anh trung học cơ sở xuống các trường tiểu học để tăng cường lực lượng, chủ yếu đảm nhận vai trò kiểm tra định kỳ và hỗ trợ quá trình học tập của học sinh.

Việc điều động này nhằm khắc phục tình trạng thiếu hụt giáo viên tiếng Anh tiểu học tại địa phương và đảm bảo học sinh vẫn nhận được sự theo dõi, đánh giá chất lượng học tập một cách đầy đủ và hiệu quả.

Sau hơn 1 năm triển khai dự án đưa tiếng Anh lên Mèo Vạc, nhà giáo Nguyễn Xuân Khang cho biết: “Ngay khi kết thúc năm học đầu tiên thực hiện, dự án đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang đánh giá đạt chuẩn.

Chúng tôi tiếp tục dạy lứa học sinh này thêm 2 năm, cho đến khi hết bậc tiểu học".

Đáng nói, các lứa học sinh tiếp theo tại Mèo Vạc cũng được hưởng lợi từ phương pháp giảng dạy theo mô hình của Trường Marie Curie. Chưa kể, cách tổ chức giảng dạy tiếng Anh này không chỉ giới hạn ở huyện Mèo Vạc mà còn lan tỏa đến một số tỉnh khác, nhất là khu vực miền núi và vùng sâu vùng xa, nơi thiếu giáo viên tiếng Anh trầm trọng.

Tuy nhiên, theo thầy Khang, giải pháp đó là tạm thời, chỉ có thể áp dụng trong một khoảng thời gian nhất định và không thể kéo dài mãi mãi. Vấn đề cốt lõi là nhiều địa phương hiện nay không có nguồn giáo viên tiếng Anh để tuyển dụng mặc dù chỉ tiêu biên chế đã được bổ sung. Điều này dẫn đến việc các trường học ở khu vực khó khăn phải vật lộn để tìm kiếm giải pháp bền vững.

“Để giúp huyện Mèo Vạc đạt được sự ổn định lâu dài, tôi đã đề xuất với Ủy ban nhân dân huyện Mèo Vạc một giải pháp là đào tạo giáo viên tiếng Anh từ chính người địa phương.

Theo đó, sau khi tốt nghiệp đại học, các giáo viên sẽ trở về và giảng dạy cho học sinh trong huyện. Cách tiếp cận này kết hợp giữa hình thức “cử tuyển” và “xã hội hóa”. Cụ thể, huyện sẽ tuyển chọn những sinh viên có nguyện vọng theo học ngành Sư phạm tiếng Anh để cử đi học. Sau khi hoàn thành chương trình học, những sinh viên này sẽ trở về quê hương để đóng góp vào sự phát triển giáo dục của huyện. Trong thời gian các em học đại học, Trường Marie Curie sẽ hỗ trợ học bổng trị giá 5.000.000 đồng/tháng/sinh viên trong 4 năm học cho các em. Việc này không chỉ giúp sinh viên giảm bớt gánh nặng tài chính mà còn khuyến khích họ theo đuổi nghề giáo, từ đó góp phần giải quyết tình trạng thiếu giáo viên tiếng Anh tại huyện Mèo Vạc một cách bền vững”, thầy Khang thông tin.

Thay Khang 2.jpg
Hiện nay đã có 33 sinh viên tham gia dự án "Đào tạo giáo viên tiếng Anh cho huyện Mèo Vạc". (Ảnh: Website Trường Marie Curie)

Thầy Khang cho biết, dự án đào tạo giáo viên tiếng Anh cho huyện Mèo Vạc (Hà Giang) đã đi vào hoạt động được hơn một năm và có 33 sinh viên hiện đang tham gia dự án. Dự kiến đến tháng 6/2028, dự án sẽ cung cấp cho huyện tổng cộng 33 giáo viên tiếng Anh, vượt chỉ tiêu 3 giáo viên so với định mức ban đầu. Qua đó, đội ngũ giáo viên tiếng Anh tại huyện Mèo Vạc sẽ đảm bảo ổn định, đáp ứng nhu cầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 một cách hiệu quả.

Để tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học cần một lộ trình bền vững

Tại Kết luận số 91-KL/TW, Bộ Chính trị đề nghị các cấp tập trung nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học. Tuy nhiên, theo thầy Khang, nhiệm vụ đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học từ miền xuôi tới miền ngược, từ đồng bằng tới vùng núi là điều không dễ dàng.

“Để thực hiện Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị cần có nhiều năm nghiên cứu và phát triển mô hình phù hợp bởi mỗi địa phương sẽ có những điều kiện và đặc thù riêng. Chúng ta cần làm từng bước để đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học, sau đó mới tiến tới việc phổ cập tiếng Anh toàn dân”, thầy Khang nhận định.

Từ kinh nghiệm thực hiện "dự án đưa tiếng Anh lên Mèo Vạc", nhà giáo Nguyễn Xuân Khang cho rằng, việc đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học có thể được triển khai thông qua những bước sau:

Thứ nhất, cần tiến hành “luật hóa” môn tiếng Anh trong hệ thống giáo dục. Việc sửa đổi Luật Giáo dục và các văn bản dưới luật để quy định môn ngoại ngữ 1 (bắt buộc) trong các trường phổ thông phải là môn tiếng Anh rất cần thiết. Đồng thời, các ngoại ngữ khác sẽ được coi là ngoại ngữ 2, dạy cho những học sinh có nhu cầu trong điều kiện nhà trường có đủ khả năng.

Thứ hai, việc xây dựng đội ngũ giáo viên có năng lực tiếng Anh không chỉ cần thiết cho môn tiếng Anh mà còn rất quan trọng cho nhiều môn học khác như Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học và Công nghệ. Đội ngũ giáo viên này cần được đào tạo bài bản, có thể thông qua các chương trình đào tạo trong nước hoặc cử đi học ở nước ngoài.

Bên cạnh đó, việc "mở cửa" thu hút các chuyên gia giáo dục từ nước ngoài cũng là một giải pháp khả thi. Cần có cơ chế thông thoáng để thu hút những chuyên gia này bao gồm việc cấp thị thực và giấy phép hành nghề một cách nhanh chóng, dễ dàng. Điều đó không chỉ giúp nâng cao chất lượng giảng dạy mà còn tạo ra cơ hội giao lưu, học hỏi giữa các giáo viên trong nước và quốc tế. Từ đó cải thiện chất lượng giáo dục, nâng cao trình độ tiếng Anh cho học sinh.

Thứ ba, cần áp dụng phương pháp thí điểm và nhân rộng dần việc giảng dạy các môn học bằng tiếng Anh. Tinh thần chung là khuyến khích những địa phương và môn học có khả năng triển khai trước thì thí điểm trước, thay vì chờ đợi tất cả cùng bắt đầu một lúc.

Đặc biệt, các thành phố lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh nên được khuyến khích đi đầu trong việc này. Trong đó, nên thí điểm cho một số trường đủ điều kiện để triển khai dạy các môn học như: Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học bằng tiếng Anh. Đồng thời, khi đã dạy bằng tiếng Anh, các trường không nên tiếp tục giảng dạy bằng tiếng Việt cho cùng một môn học, nhằm tạo ra sự nhất quán và rõ ràng trong phương pháp dạy học.

Việc kiểm tra và thi tuyển sinh cũng nên tuân theo ngôn ngữ giảng dạy của môn học đó. Nếu môn học được dạy bằng tiếng Anh đồng nghĩa với việc các bài kiểm tra và thi tốt nghiệp cũng nên được thực hiện bằng tiếng Anh.

Thứ tư, một số ngành nghề nên được giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh ở bậc đại học, cao đẳng như Công nghệ thông tin, Công nghệ bán dẫn, Hàng hải, Hàng không, Du lịch và Quản trị khách sạn.

Việc giảng dạy bằng tiếng Anh đối với các ngành này không chỉ giúp sinh viên tiếp cận với tài liệu và kiến thức mới nhất từ quốc tế mà còn nâng cao khả năng giao tiếp và sử dụng tiếng Anh trong môi trường chuyên môn.

Thầy Khang 3.jpg
Thầy Khang và 33 “người con” là sinh viên dân tộc Mông, Tày, Giáy, Xuồng, Dao, Lô Lô ở huyện Mèo Vạc (Hà Giang) mà thầy nhận nuôi trong dự án "Đào tạo giáo viên Tiếng Anh cho huyện Mèo Vạc". (Ảnh: Website Trường Marie Curie)

Đánh giá chung dựa trên tình hình thực tế, theo thầy Khang, xuất phát điểm của Việt Nam hiện nay còn rất thấp so với mục tiêu và yêu cầu của Kết luận 91-KL/TW.

Các chính sách hiện hành như luật, nghị định, thông tư…triển khai còn nhiều bất cập. Đồng thời, thực tiễn cho thấy đang có sự “đánh đồng” giữa tiếng Anh và các ngoại ngữ khác; đội ngũ giáo viên còn thiếu trình độ, nhiều người không đủ khả năng giảng dạy; chuẩn đầu ra về tiếng Anh của học sinh phổ thông còn thấp. Bên cạnh đó, điều kiện cơ sở vật chất chưa đáp ứng yêu cầu và nhu cầu sử dụng tiếng Anh không đồng đều giữa các vùng miền và lĩnh vực.

“Trường Marie Curie là trường tư thục ở Hà Nội, có cơ sở vật chất khá tốt và đã đầu tư mạnh mẽ vào môn tiếng Anh trong hơn 10 năm qua. Nhờ đó, trình độ tiếng Anh của học sinh ở trường tương đối cao, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, để thực hiện được yêu cầu đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học, nhà trường vẫn chưa thể đạt được mục tiêu này. Trong thời gian sắp tới, trường sẽ nỗ lực từng bước đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học”, Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang cho hay.

Tài liệu tham khảo:

[1]:https://baochinhphu.vn/cac-doanh-nghiep-tu-nhan-hien-ke-chung-tay-phat-trien-kinh-te-dat-nuoc-102240921114544608.htm

Thúy Hiền