Dự thảo Luật Nhà giáo: Chính sách nào đã rõ và đề xuất gì còn gây tranh cãi?

18/10/2024 06:46
Bùi Nam

GDVN - Giáo viên vi phạm dạy thêm, học thêm được phụ huynh, học sinh phản ánh, báo chí tiếp cận,...nhưng có bao nhiêu vụ việc được cơ quan kết luận và công khai?

Tại phiên họp thứ 38, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến dự án Luật Nhà giáo.

Dự thảo Luật mới nhất gây chú ý khi đề xuất chính sách hỗ trợ nhà giáo bao gồm chế độ trợ cấp theo tính chất công việc, theo vùng; chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng; chăm sóc sức khỏe định kỳ, chăm sóc sức khỏe nghề nghiệp; miễn học phí cho con đẻ và con nuôi hợp pháp của nhà giáo đang trong thời gian công tác,…

Thực tế những đề xuất này nhằm hướng đến lợi ích của nhà giáo, mong muốn nâng tầm nhà giáo, tuy nhiên đặt vào hoàn cảnh và điều kiện cụ thể nhiều ý kiến trái chiều.

Anhr nhà giáo.jpg
Ảnh minh họa

Nhiều đề xuất về chính sách của nhà giáo được đánh giá hợp lý

Dự thảo Luật Nhà giáo được xây dựng với 5 chính sách quan trọng gồm: định danh nhà giáo; tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo; tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo; đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo; quản lý nhà nước về nhà giáo.

Trong đó qua những lần điều chỉnh, qua theo dõi, tìm hiểu về các chính sách thu hút, đãi ngộ nhà giáo, người viết nhận thấy các chính sách nhận được đồng thuận cao như:

Một là, lương theo bảng lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp

Điều này là hợp lý, cụ thể hóa Nghị quyết 29-NQ/TW, phải có sự ưu tiên nhất định đối với nhà giáo, những người làm công việc trồng người, giáo dục là quốc sách hàng đầu.

Lương nhà giáo cao sẽ thu hút giáo viên trẻ và giữ chân giáo viên giỏi, đồng thời nâng tầm vị thế nhà giáo trong giai đoạn hiện nay.

Hai là, xếp lương bậc 2 giáo viên mới trúng tuyển vào ngành

Người viết cho rằng điều này là hợp lý, hiện nay thu nhập giáo viên trẻ còn thấp, nhiều giáo viên trẻ nghỉ việc do không đủ sống.

Được xếp lương bậc 2 sẽ cải thiện phần nào thu nhập giáo viên trẻ, thu hút được các em sinh viên giỏi tuyển dụng vào ngành sư phạm.

Ba là, tăng phụ cấp ưu đãi giáo viên mầm non

Dự thảo Luật Nhà giáo mới nhất, dự kiến giáo viên mầm non và tiểu học được hưởng ưu đãi nghề cao hơn cấp học khác, tăng thêm lần lượt 10 và 5%.

Điều này nhằm giúp họ có cuộc sống tốt hơn, yên tâm công tác, gắn bó với nghề nhất là giáo viên mầm non hiện nay có thu nhập thấp hơn do giáo viên hạng III chỉ có hệ số lương 2,1-4,89, trong khi đó giáo viên tiểu học đến trung học phổ thông hạng III đều có hệ số lương 2,34-4,98.

Người viết tán đồng với đề xuất tăng phụ cấp ưu đãi với giáo viên mầm non vì họ làm việc vất vả, thời gian làm việc nhiều,...tuy nhiên cũng băn khoăn với việc tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên tiểu học vì hiện nay lương giáo viên tiểu học đến trung học phổ thông gồm 3 hạng với hệ số lương giống nhau, giáo viên tiểu học hưởng lương cao hơn do phụ cấp ưu đãi 35%, cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông có phụ cấp chỉ 30%, mức này đã hợp lý, không nên tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên tiểu học.

Những chính sách còn tranh luận trái chiều

Tuy đa số chính sách trong dự thảo Luật Nhà giáo mới nhất đều hướng đến có lợi cho giáo viên, nâng tầm vị thế nhà giáo, tuy nhiên vẫn còn một số chính sách, quy định trong dự thảo Luật Nhà giáo chưa nhận được đồng thuận cao như:

Thứ nhất, miễn học phí từ mầm non đến đại học cho con nhà giáo

Để thực hiện chính sách miễn học phí cho con giáo viên, giảng viên cần khoảng hơn 9.200 tỉ đồng/năm đây là con số không hề nhỏ trong giai đoạn hiện nay.

Nhà giáo đã được hưởng nhiều ưu đãi từ khi học sư phạm đến giai đoạn hiện nay được hưởng các chế độ phụ cấp ưu đãi, thâm niên nên nếu miễn học phí cho con nhà giáo dễ dẫn tới “đặc quyền, đặc lợi”, không cần thiết.

Nếu có miễn học phí thì nên miễn cho con nhà giáo khi nhà giáo bị bệnh hiểm nghèo, tai nạn nặng mất khả năng lao động,...có lẽ sẽ hợp lý hơn.

Thứ hai, nhà giáo được hưởng phụ cấp thâm niên

Được hưởng phụ cấp thâm niên cũng là một cách tri ân những nhà giáo có thời gian cống hiến, là động lực để họ tiếp tục gắn bó với nghề, nên nhiều ý kiến đề nghị giữ lại phụ cấp thâm niên.

Tuy nhiên, theo Nghị quyết 27-NQ/TW, khi thực hiện cải cách tiền lương trong thời gian tới nhà giáo là đối tượng sẽ không còn phụ cấp thâm niên, nên đây cũng là băn khoăn của mọi người khi dự kiến đưa phụ cấp thâm niên nhà giáo vào dự thảo Luật Nhà giáo.

Khi cải cách tiền lương, trả lương theo vị trí việc làm, hiệu quả công việc thì việc bỏ phụ cấp thâm niên là hợp lý, giảm chênh lệch giữa người công tác lâu năm và giáo viên trẻ, ai công tác tốt thì có thêm các khoản thưởng tương xứng.

Thứ ba, không công khai thông tin về sai phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận của cơ quan có thẩm quyền

Người viết cho rằng dự thảo điều này không phù hợp. Ví dụ, trường hợp giáo viên vi phạm dạy thêm, học thêm nhiều lần, thách thức dư luận, được phụ huynh, học sinh phản ánh, báo chí tiếp cận,...nhưng có bao nhiêu vụ việc được cơ quan kết luận và công khai đến dư luận. Và nếu đợi kết luận của cơ quan có thẩm quyền mới được thông tin thì sự việc đã mất tính thời sự, mất đi tính phản ánh của phương tiện truyền thông, không công khai thông tin cá nhân nhưng thông tin về dấu hiệu vi phạm thì không thể cấm được.

Hay vụ việc giáo viên vi phạm pháp luật, nếu đợi kết luận của cơ quan có thẩm quyền (có thể là tòa án) đôi khi mất cả năm hoặc hơn, đôi khi những kết luận được công khai nội bộ, người dân cũng khó biết được sai phạm.

Mọi người đều phải bình đẳng, nếu làm sai thì phải bị xử lý, công khai theo quy định của pháp luật, báo chí cũng được tiếp cận công khai theo Luật Báo chí, nhà giáo không thể có “đặc quyền, đặc lợi” quá lớn.

Hiện nay, vi phạm trong ngành giáo dục còn nhiều, nhiều vụ việc vi phạm được phát hiện, xử lý hoặc ngăn chặn tái diễn, răn đe nhờ sự tiếp cận phản ánh của nhân dân, báo chí, nên nhà giáo cũng phải bình đẳng như mọi đối tượng khác, nếu hạn có thể sẽ dễ dẫn đến sai phạm sẽ càng nặng nề hơn.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Bùi Nam