Ngành Nông học đào tạo thích ứng nông nghiệp thông minh, công nghệ cao

14/10/2024 06:36
Thu Trang

GDVN - Việc cần một đội ngũ có trình độ là rất cần thiết để đảm bảo năng suất sản xuất được bền vững, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.

Ngày 14/10/1930, Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam họp tại Hương Cảng (Trung Quốc) đã thông qua Nghị quyết về thành lập Tổng Nông hội Đông Dương (tên gọi đầu tiên của Hội Nông dân Việt Nam ngày nay).

Tại phiên họp ngày 17/01/1991, Bộ Chính trị quyết định lấy ngày 14/10/1930 làm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam. Đây là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp nông dân do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo và là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. [1]

Ở Việt Nam, nông nghiệp – nông dân – nông thôn có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, là cơ sở và lực lượng để phát triển kinh tế – xã hội bền vững, đòi hỏi cần có một lực lượng nhân lực chất lượng cao có trình độ chuyên môn, tinh thần làm việc hăng say, cống hiến hết mình cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn Việt Nam.

Ngành Nông học hiện nay cũng đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển nền nông nghiệp. Hiện nay, nhu cầu tuyển dụng kỹ sư nông học rất lớn từ các công ty, các xí nghiệp hoặc các thương nghiệp hỗn hợp hay các công ty có vốn nước ngoài hoặc các trang trại ở miền Đông Nam bộ, Nam Tây nguyên...

Vai trò của ngành Nông học trong bối cảnh biến đổi khí hậu

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Cao Thị Làn - Trưởng Khoa Nông lâm, Trường Đại học Đà Lạt chia sẻ, trong tương lai, nhu cầu về lương thực, thực phẩm an toàn ngày càng tăng cao sẽ thúc đẩy sự phát triển của ngành.

Các chuyên gia nông nghiệp sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng. Bên cạnh đó, xu hướng nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ cũng tạo ra nhiều cơ hội việc làm mới mẻ, thu hút cho các bạn trẻ đam mê lĩnh vực này.

Điều này cũng sẽ nâng cao vai trò, vị thế của ngành Nông học, bởi muốn và muốn đẩy mạnh, tăng cường năng suất chất lượng, sản xuất ra những sản phẩm sạch thì cần ngành này luôn cần những đội ngũ cao trình độ cao.

Cũng theo cô Làn, sinh viên khi tốt nghiệp ngành này sẽ có cơ hội việc làm cao bởi hiện nay các công ty, doanh nghiệp nào muốn sản xuất nông nghiệp, đưa sản phẩm vào thị trường đều cần có đội ngũ có kiến thức để quản lý nông trại, xử lý các tình huống có thể xảy ra như sâu, bệnh, hại, phân bón.

Khi có kiến thức chuyên môn về nông nghiệp nói chung và nông học nói riêng sẽ dễ dàng tìm kiếm giải pháp các phương pháp canh tác hữu cơ, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Đặc biệt, trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay, sẽ có nhiều tình huống xảy ra.

Sự thay đổi của hệ thống khí hậu như hiện tượng nóng lên toàn cầu dẫn đến sự dịch chuyển dần những trạng thái khí hậu mới, có thể thuận lợi hoặc không thuận lợi đối với sản xuất nông nghiệp. Ví dụ, nhiệt độ tăng cao hơn, đối với một số cây trồng hiện nay, không còn phù hợp điều kiện khí hậu thời điểm nắng nóng, dẫn đến sâu bọ, dịch bệnh phát triển, thoái hóa đất, nước biển dâng gây ngập lụt… cùng những ảnh hưởng khác đến sản xuất nông nghiệp.

Vì vậy, việc cần một đội ngũ có trình độ là rất cần thiết để đảm bảo năng suất sản xuất được bền vững, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.

Ảnh minh hoạ. Website Trường Đại học Đà Lạt
Ảnh minh hoạ. Website Trường Đại học Đà Lạt

Cùng bàn về vấn đề này, theo Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Thị Mộng Điệp, Trưởng bộ môn Sinh học ứng dụng - Nông nghiệp, Khoa Khoa học Tự nhiên, Trường Đại học Quy Nhơn, hiện nay nhu cầu nhân lực chất lượng cao của ngành này là rất lớn. Ngày nay, để sản xuất được một sản phẩm sạch, doanh nghiệp cần thực hiện nhiều hoạt động như: chọn giống, cung cấp nguyên vật liệu, nghiên cứu công nghệ sản xuất, chế biến và bảo quản,…

Đặc biệt khi các doanh nghiệp đầu tư hơn cho nghiên cứu và phát triển giúp đảm bảo sức khỏe con người, thì nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển và đổi mới công nghệ ngày càng cần thiết hơn.

Chính vì vậy, xã hội hiện nay và tương lai sẽ có nhu cầu rất lớn về nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực Nông học nói riêng và nông nghiệp nói chung.

Đào tạo ngành Nông học ở mỗi vùng đều có thế mạnh riêng

Tiến sĩ Cao Thị Làn chia sẻ, Nông học bao gồm các ngành di truyền học về thực vật, sinh lý thực vật, khí tượng học và khoa học về đất trồng trọt. Đây là ngành ứng dụng của các ngành khoa học như sinh học, hóa học, sinh thái học, đất học và di truyền học.

Chương trình đào tạo ngành Nông học cung cấp cho sinh viên kiến thức tổng quát và cơ bản về cây trồng và các biện pháp kỹ thuật canh tác, lập kế hoạch và tổ chức sản xuất nông nghiệp an toàn và bền vững, phát hiện vấn đề trong sản xuất nông nghiệp.

Theo cô Làn, hiện nay có một số trường đang đào tạo ngành Nông học như Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Quy Nhơn, Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên tuỳ theo đặc điểm của từng vùng, chương trình đào tạo ngành Nông học sẽ có những thế mạnh riêng.

Như ở Cần Thơ là vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có thế mạnh về cây lúa. Ngoài ra, , khu vực này cũng phát triển mạnh trong trồng trọt các loại trái cây, cây ăn quả.Còn tại Thành phố Hồ Chí Minh sẽ có thế mạnh về các loại cây ở miền Đông Nam Bộ.

Tại Đà Lạt, dựa vào đặc điểm riêng của vùng. Nhà trường sẽ có thế mạnh trong các loại rau, hoa, cây công nghiệp. Đồng thời các loại cây ăn quả cũng bắt đầu phát triển, đây cũng là một điểm mạnh bởi sinh viên sẽ được thực hành, thực tập, tiếp xúc với các loại rau, hoa, cây công nghiệp.

Bên cạnh đó, lĩnh vực Nông học nói riêng và nông nghiệp nói chung ở Đà Lạt được tiếp cận, ứng dụng những thiết bị công nghệ cao. Ứng dụng công nghệ thông minh giúp cây trồng, vật nuôi sinh trưởng tối ưu cho năng suất cao, chất lượng sản phẩm đảm bảo an toàn và hiệu quả kinh tế; góp phần hiện đại hóa ngành nông nghiệp của tỉnh.

Ảnh minh hoạ. Website VNUA
Ảnh minh hoạ. Website VNUA

Còn theo Tiến sĩ Nguyễn Lộc Hiền - Trưởng khoa Di truyền và chọn giống cây trồng - Trường Đại học Cần Thơ, Ngành Nông học tại trường đào tạo kỹ sư có chuyên môn ở 3 lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản, có khả năng thực hành và huấn luyện các kỹ thuật canh tác cây trồng, kỹ thuật chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản; có khả năng tổ chức và quản lý hệ thống nông nghiệp phục vụ cho sự phát triển nông nghiệp bền vững.

Ngành Nông học trang bị cho người học những kiến thức chuyên môn và kỹ năng chung của quá trình sản xuất và chọn giống cây trồng; các nguyên lý về kỹ thuật chăn nuôi thú y và nuôi trồng thủy sản.

Đồng thời trang bị cho người học những biện pháp quản lý dịch hại cây trồng, bệnh trên vật nuôi và thủy sản; các kiến thức về hệ thống sản xuất và phát triển nông thôn, quản lý nông trại tổng hợp; các kỹ năng áp dụng công nghệ mới trong canh tác cây trồng, sản xuất vật nuôi và nuôi trồng thủy sản.

Còn theo cô Điệp, Nông học là ngành học ứng dụng khoa học và công nghệ vào các lĩnh vực sinh học, hóa học, kinh tế, sinh thái vào việc quản lý và cải tiến các loại cây lương thực.

Ngành Nông học cần những kiến thức sâu rộng về khoa học và công nghệ trong canh tác, đồng thời đòi hỏi sự linh hoạt cập nhật theo nhu cầu thay đổi của thị trường lao động. Vì vậy, Trường Đại học Quy nhơn thường xuyên cải tiến chương trình đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội

Mục tiêu đào tạo ngành này là đào tạo kỹ sư Nông học theo định hướng nghề nghiệp có đầy đủ chuyên môn, kiến thức và kỹ năng về nông nghiệp; có khả năng nắm bắt được những tiến bộ khoa học trong nước và thế giới trong lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản, trồng trọt, công nghệ sinh học ứng dụng trong nông nghiệp.

Bên cạnh đó, mục tiêu của ngành còn là đào tạo sinh viên những kỹ năng thực hành gắn liền với thực tiễn sản xuất để có thể thích ứng tốt với công việc sau khi ra trường. Sinh viên còn có khả năng vận dụng sáng tạo kiến thức trong nghiên cứu và ứng dụng; có năng lực nghiên cứu khoa học, có kỹ năng lập dự án và quản lý dự án trong lĩnh vực nông nghiệp

Còn hiểu lầm khiến học sinh, phụ huynh sợ học ngành Nông học

Theo cô Làn, hiện nay nhiều phụ huynh và học sinh thường sợ học Nông học, Nông nghiệp do vẫn còn những hiểu lầm về công việc đồng áng vất vả, thu nhập thấp,… từ nền nông nghiệp truyền thống.

Tuy nhiên, thực tế ngành học này lại đang có nhiều triển vọng phát triển. Với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, nông nghiệp đang chuyển mình theo hướng công nghệ cao, thông minh hơn, mở ra cơ hội việc làm hấp dẫn cho sinh viên tốt nghiệp ngành Nông học.

“Cũng như bao ngành nghề khác, ngành học nào cũng cần sinh viên có niềm yêu thích. Ngành Nông học yêu cầu sinh viên cần có niềm đam mê và những tố chất khác để có thể phát triển, thành công trong các lĩnh vực cây trồng, chăn nuôi, thuỷ sản”, cô Làn chia sẻ.

Với khối lượng kiến thức đa dạng như vậy, cô Làn chia sẻ, sau khi hoàn thành chương trình đào tạo ngành Nông học, sinh viên sẽ được cung cấp đầy đủ kiến thức và năng lực chuyên môn để đáp ứng yêu cầu công việc

Sinh viên tốt nghiệp có thể công tác tại các cơ quan quản lý nhà nước về nông nghiệp như: Ban nông nghiệp xã, phòng nông nghiệp quận/huyện, các Sở nông nghiệp, khoa học công nghệ, các cơ quan khuyến nông, bảo vệ thực vật..

Đồng thời làm việc tại các công ty giống cây trồng, các công ty chuyên khoa học đời sống, công ty phân bón, những trang trại, hợp tác xã nông nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước các cấp về nông nghiệp và phát triển nông thôn, các công ty chăm sóc cây trồng, công ty hóa chất nông nghiệp...

Anh Lê Tiến Đăng, Quản lý trang trại tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn ChiFarm, Đà Lạt chia sẻ, việc tuyển dụng với nhân sự ngành Nông học đang ngày càng cần thiết bởi ngành này đang có nhu cầu tuyển dụng những nguồn nhân lực có kiến thức bài bản.

Đưa ra lời khuyên cho sinh viên, anh Đăng chia sẻ, sinh viên nên tìm hiểu về niềm đam mê, định hướng của mình trước khi quyết định theo học ngành gì. Bởi ngành Nông học phụ thuộc nhiều yếu tố khách quan để đạt được thành công.

Đồng thời sinh viên có sự cần cù, chịu khó, chủ động trong công việc. Tiếp theo là tuân theo các quy chuẩn, quy trình kỹ thuật trong sản xuất cũng rất quan trọng để đảm bảo kế hoạch sản xuất không bị đình trệ.

Tài liệu tham khảo:

[1]: https://www.qdnd.vn/tu-lieu-ho-so/ngay-nay-nam-xua/vi-sao-14-10-1930-la-ngay-thanh-lap-hoi-nong-dan-viet-nam-673981

Thu Trang