Nữ ứng viên PGS duy nhất ngành Cơ khí 2024 được cấp 2 bằng độc quyền sáng chế

17/10/2024 06:42
Thúy Hiền

GDVN - Tiến sĩ Phùng Xuân Lan là nữ ứng viên phó giáo sư duy nhất ngành Cơ khí năm 2024. Hiện cô đang công tác tại Trường Cơ khí, Đại học Bách Khoa Hà Nội.

Trong danh sách ứng viên được Hội đồng giáo sư ngành, liên ngành đề nghị xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2024, Tiến sĩ Phùng Xuân Lan, sinh ngày 19/06/1981 là nữ ứng viên phó giáo sư duy nhất ngành Cơ khí năm 2024.

Cô Lan quê ở xã Bùi La Nhân, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.

Theo bản đăng ký xét công nhận chức danh phó giáo sư năm 2024, cô Lan tốt nghiệp cử nhân ngành Cơ khí, chuyên ngành Công nghệ chế tạo máy tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội (nay là Đại học Bách khoa Hà Nội) năm 2004.

Phung Xuan Lan.png
Tiến sĩ Phùng Xuân Lan, giảng viên nhóm chuyên môn Công nghệ chế tạo máy, Khoa Cơ khí chế tạo máy, Trường Cơ khí, Đại học Bách Khoa Hà Nội. (Ảnh: website nhà trường)

Năm 2007, cô Lan tốt nghiệp thạc sĩ ngành Cơ khí và kỹ thuật công nghiệp, chuyên ngành Công nghệ máy tại Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Pohang (POSTECH), Hàn Quốc.

Năm 2017, cô nhận bằng tiến sĩ ngành Kỹ thuật cơ khí, chuyên ngành Công nghệ chế tạo máy tại Đại học Bách Khoa Hà Nội.

Quá trình công tác của nữ ứng viên phó giáo sư duy nhất ngành Cơ khí như sau:

Từ 11/2004 đến 12/2014, Tiến sĩ Phùng Xuân Lan là giảng viên bộ môn Công nghệ chế tạo máy, Viện Cơ khí, Đại học Bách Khoa Hà Nội.

Từ 12/2014 đến 12/2021, cô đảm nhận vị trí Phó trưởng bộ môn Công nghệ chế tạo máy, Đại học Bách Khoa Hà Nội.

Từ 12/2021 đến 11/2022, cô Lan là giảng viên Bộ môn Công nghệ chế tạo máy, Viện Cơ khí, Đại học Bách Khoa Hà Nội.

Từ 12/2022 đến nay, cô là giảng viên nhóm chuyên môn Công nghệ chế tạo máy, Khoa Cơ khí chế tạo máy, Trường Cơ khí, Đại học Bách Khoa Hà Nội.

Trong quá trình nghiên cứu, Tiến sĩ Phùng Xuân Lan đã công bố 31 bài báo và báo cáo khoa học trên các tạp chí và hội nghị khoa học trong nước lẫn quốc tế.

L1.png
Một số bài báo khoa học đã được công bố của Tiến sĩ Phùng Xuân Lan. (Ảnh chụp màn hình)

Trong đó, 9 bài báo khoa học đăng trên tạp chí quốc tế có uy tín SCIE Q1/Q2 và 1 bài thuộc danh mục Web of Sciences/Scopus Q1; 6 bài báo khoa học được đăng trên tạp chí trong nước; 2 báo cáo khoa học tại hội nghị hàng đầu thế giới (Rank A) về lĩnh vực tương tác Người – Máy (Human-Computer Interaction); 13 báo cáo tại hội thảo quốc tế trong danh mục ISI/Scopus.

Trong nghiên cứu khoa học, Tiến sĩ Phùng Xuân Lan tập trung vào hai hướng nghiên cứu chính. Hướng thứ nhất là nghiên cứu thiết kế quy trình công nghệ và quản lý sản xuất có sự trợ giúp của máy tính. Theo định hướng quản lý sản xuất, ứng viên đã đề xuất phương pháp hình thành tế bào gia công ứng dụng trong hệ thống sản xuất linh hoạt trên cơ sở ghép nhóm, thể hiện tính ưu việt về thời gian xử lý và hiệu suất ghép nhóm. Hướng nghiên cứu này có ý nghĩa quan trọng trong nền sản xuất hiện đại, theo định hướng phát triển tự động hóa thiết kế và quá trình sản xuất, góp phần nâng cao năng suất và hiệu quả sản xuất trong gia công cơ khí.

Hướng thứ hai là nghiên cứu phát triển các công nghệ in 3D và sản xuất bồi đắp. Ứng viên đã nghiên cứu, phát triển và ứng dụng các công nghệ in 3D vật liệu sinh học trong kỹ thuật mô và y học tái tạo.

Với mỗi công nghệ in, các ảnh hưởng của chế độ in tới chất lượng sản phẩm đã được nghiên cứu để xác định chế độ in phù hợp với từng công nghệ, loại vật liệu và kết cấu mẫu in. Một số thử nghiệm đánh giá đặc tính của mẫu in trong lĩnh vực kỹ thuật mô và y học tái tạo đã được tiến hành và kết quả cho thấy tiềm năng của các phương pháp và vật liệu trong lĩnh vực này.

Ngoài ra, nữ ứng viên đã được cấp 2 bằng độc quyền sáng chế tại Việt Nam; hoàn thành 2 đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở và 1 dự án do Quỹ đổi mới sáng tạo Vingroup (VINIF) tài trợ; xuất bản 1 cuốn sách tham khảo tại Nhà xuất bản Bách Khoa Hà Nội với vai trò đồng tác giả.

L2.png
Danh mục các nhiệm vụ khoa học và công nghệ Tiến sĩ Phùng Xuân Lan đã nghiệm thu. (Ảnh chụp màn hình)

Tiến sĩ Phùng Xuân Lan cũng đạt nhiều thành tích xuất sắc trong quá trình công tác như: bằng khen của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội đạt tốt nghiệp thủ khoa Cơ khí năm 2004; Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở năm học 2014 - 2015 và năm học 2017 - 2018; danh hiệu giảng viên tiêu biểu trong giảng dạy của Đại học Bách Khoa Hà Nội năm học 2019-2020; giấy chứng nhận giảng viên hướng dẫn sinh viên đạt giải Nhất sinh viên nghiên cứu khoa học cấp Đại học Bách Khoa Hà Nội và giải Ba cấp Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2023.

Đồng thời, cô đã hướng dẫn 3 học viên cao học bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ và đang hướng dẫn 1 nghiên cứu sinh gắn kết với định hướng nghiên cứu.

Trong bản đăng ký xét công nhận chức danh phó giáo sư năm 2024, Tiến sĩ Phùng Xuân Lan cho biết: “Trong suốt thời gian giảng dạy bộ môn Công nghệ chế tạo máy tại Trường Cơ khí, Đại học Bách Khoa Hà Nội, tôi luôn không ngừng nỗ lực phấn đấu để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao và tự nhận thấy bản thân đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn và nhiệm vụ của một giảng viên đại học.

Đồng thời, tôi ý thức rằng công tác giảng dạy là một nhiệm vụ quan trọng của giảng viên nên luôn đầu tư thời gian và tâm huyết vào công tác này. Tôi không ngừng trau dồi kiến thức chuyên môn và kỹ năng sư phạm, biên soạn, cập nhật thường xuyên các bài giảng, tiếp cận các phương pháp giảng dạy mới để người học tiếp thu hiệu quả nhất.

Ngoài ra, ngay từ khi được nhận vào vị trí giảng viên tại nhóm chuyên môn Công nghệ chế tạo máy, Trường Cơ khí, Đại học Bách Khoa Hà Nội, tôi xác định rằng nghiên cứu là một nhiệm vụ bắt buộc, bên cạnh công tác giảng dạy. Hai hướng nghiên cứu khoa học chính của tôi có tính liên ngành và ứng dụng cao giữa lĩnh vực kỹ thuật cơ khí với công nghệ thông tin và công nghệ y sinh".

Bên cạnh đó, Tiến sĩ Phùng Xuân Lan đã có hơn 16 năm thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng từ trình độ đại học trở lên.

Hai bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích của nữ ứng viên phó giáo sư duy nhất ngành Cơ khí năm 2024 bao gồm:

1. Bằng độc quyền sáng chế số 37907 - Máy in 3D tích hợp nhiều dạng đầu in được Cục sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp theo Quyết định số 97812/QĐ-SHTT, ngày 14 tháng 11 năm 2023.

2. Bằng độc quyền sáng chế số 38052 - Máy in 3D tích hợp nhiều dạng đầu in có cơ cấu dịch chuyển thay đổi đầu in được Cục sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp theo Quyết định số 105349/QĐSHTT, ngày 24 tháng 11 năm 2023.

Thúy Hiền