11 giảng viên tại Indonesia bị thu hồi chức danh GS do gian lận học thuật

15/10/2024 10:24
Tường San (theo universityworldnews.com)

GDVN- Để gia tăng cơ hội thu hút nguồn tài chính và các dự án học thuật lớn, nhiều trường ĐH đang khuyến khích giảng viên đẩy nhanh hành trình đạt được chức danh GS.

Mới đây, 11 học giả tại Đại học Lambung Mangkurat, Indonesia đã bị thu hồi chức danh giáo sư do cáo buộc gian lận học thuật, một hiện tượng có xu hướng ngày càng gia tăng đang gây tổn hại đến hệ thống giáo dục đại học của Indonesia.

Theo đó, sau khi nhận được báo cáo từ một người tố giác ẩn danh, Bộ Giáo dục, Văn hóa, Nghiên cứu và Công nghệ Indonesia đã cử một nhóm điều tra khoảng 11 giáo sư của Đại học Lambung Mangkurat.

Những giáo sư này chủ yếu đến từ Khoa Luật, đã xuất bản các bài báo học thuật trên "predatory journals - tạp chí săn mồi", những tạp chí chủ yếu xuất bản các bài báo để lấy tiền, với quá trình bình duyệt hầu như đều được chấp nhận. Nhóm điều tra đã phát hiện ra những giáo sư này đã trả từ 70 đến 135 triệu rupiah (tương đương 4.500 đến 8.640 đô la Mỹ) để xuất bản các bài báo của mình.

kedokteran-ulm-mm-m.jpg
Khuôn viên một khoa đào tạo tại Đại học Lambung Mangkurat, Indonesia (Ảnh: Website nhà trường).

Được biết, tại Indonesia, số lượng giáo sư, và đặc biệt là tỷ lệ giáo sư-sinh viên là một chỉ số chất lượng quan trọng đối với các trường đại học.

Trong số những quy định do Bộ Giáo dục, Văn hóa, Nghiên cứu và Công nghệ Indonesia đặt ra để nộp đơn xin chức danh giáo sư, mỗi ứng viên phải có ít nhất một bài báo được công bố trên một tạp chí khoa học quốc tế được liệt kê trong chỉ mục Scopus và ít nhất 10 năm kinh nghiệm giảng dạy. Cơ sở dữ liệu đa ngành Scopus về các ấn phẩm được bình duyệt ngang hàng được coi là tiêu chuẩn toàn cầu đối với các tạp chí học thuật, sách và tài liệu chất lượng cao có liên quan. Tuy nhiên, theo nhóm điều tra phát hiện ra, 11 giáo sư của Đại học Lambung Mangkurat đã không đáp ứng tiêu chuẩn này.

Kết quả, 11 học giả nói trên đã bị thu hồi chức danh giáo sư. Hiện các học giả này vẫn đang giảng dạy tại trường đại học của mình.

Cuộc điều tra của Bộ Giáo dục, Văn hóa, Nghiên cứu và Công nghệ Indonesia cũng phát hiện ra một số thành viên trong nhóm đánh giá của Bộ chịu trách nhiệm giới thiệu và đánh giá các đơn xin chức giáo sư đã vi phạm đạo đức, bao gồm cả việc nhận hối lộ từ ứng viên để chấp thuận chức danh giáo sư của họ mặc dù họ chưa có những công bố trên các tạp chí được Scopus lập chỉ mục.

Hiện, 20 giáo sư đến từ các khoa khác nhau của Đại học Lambung Mangkurat cũng đang bị tổng thanh tra vì những cáo buộc tương tự. Dự kiến ​​sẽ có thêm nhiều học giả nữa bị Bộ Giáo dục, Văn hóa, Nghiên cứu và Công nghệ Indonesia triệu tập để điều tra. Cuộc điều tra của Bộ sẽ bao gồm việc chứng minh họ đã trải qua các thủ tục đúng để đạt được chức danh giáo sư.

Theo Arief Anshory - giảng viên cao cấp kinh tế tại Đại học Padjadjaran (Bandung, Indonesia), vụ việc này chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm". Có thể nói, hiện tượng gian lận bài báo học thuật đang trở thành vấn đề mang tính hệ thống tại các trường đại học của Indonesia.

Trong khi đó, ông Anshory - thành viên của Nhóm Tự do Học thuật Indonesia (KIKA) cho biết, hiện tượng các giáo sư gian lận như vụ việc trên cũng đang xảy ra tại nhiều trường đại học khác.

"Nếu chúng tôi xem xét tất cả các giáo sư ở Indonesia, một nửa trong số họ có thể bị loại. Bản thân các hiệu trưởng trường đại học đang khuyến khích các giảng viên đẩy nhanh hành trình đạt được chức danh giáo sư để nâng cao danh tiếng của trường. Từ đó, nhà trường sẽ có nhiều cơ hội để thu hút nguồn tài chính và các dự án học thuật lớn hơn.

Hầu hết trường đại học đều muốn nằm trong tốp 10 hoặc tốp 20 của cả nước. Không những vậy, một số trường trong số đó còn tham vọng trở thành những trường đại học mang “đẳng cấp thế giới. Chính vì vậy, họ đã làm mọi thứ có thể để đạt được điều đó, thậm chí là đánh đổi cả đạo đức học thuật và sự chính trực", ông Anshory nói.

Chia sẻ từ ông Ahmad Alim Bahri – Hiệu trưởng Đại học Lambung Mangkurat cho biết, trường đại học của ông đã đặt mục tiêu trở thành một trong 20 trường đại học hàng đầu của Indonesia vào năm 2025. Và trường hợp của 11 bị thu hồi chức danh giáo sư không làm ngăn cản trường đạt được mục tiêu đó. Bởi năm nay, trường có tới 124 giáo sư mới.

Theo Asep Saeful Muhtadi – một giáo sư truyền thông tại Đại học Hồi giáo Nhà nước Sunan Gunung Djati Bandung (Indonesia) cho biết, sự cạnh tranh giữa các trường đại học để tăng số lượng “guru besar” , tức giáo sư là một hiện tượng mới ở Indonesia.

Ông cho rằng, cuộc chạy đua tăng số lượng giáo sư đang diễn ra ngoài tầm kiểm soát, đòi hỏi phải có biện pháp nhanh chóng để đưa việc công nhận chức danh giáo sư này trở lại đúng hướng. Nếu không, chất lượng giáo sư sẽ ngày càng giảm nghiêm trọng. Các quy định và thủ tục để có được chức danh giáo sư cần được củng cố, thực hiện hiệu quả hơn trước. Cơn sốt trở thành “guru besar” đang lan rộng trong giới tinh hoa của Indonesia, nhiều người dễ dàng trở thành giáo sư mà không chú trọng đến đạo đức và sự chính trực trong học thuật.

Diễn đàn Giáo sư Viện Công nghệ Bandung (The Bandung Institute of Technology Professors' Forum, Indonesia) cũng chỉ ra một lỗ hổng trong Luật Giáo dục Đại học của quốc gia này đã vô tình “cho phép” các giảng viên không thường trực trong một số điều kiện nhất định được cấp chức giáo sư dựa trên sự giới thiệu của các trường đại học mà họ làm việc. Thực tế này đã dẫn đến tình trạng nhiều người có được chức giáo sư mặc dù không làm toàn thời gian tại một trường đại học.

Thông tin thêm, Diễn đàn này cho biết, việc dùng đến các hoạt động phi đạo đức để đạt được chức giáo sư có thể làm giảm tiêu chuẩn học thuật của đất nước, đồng thời làm “xói mòn” lòng tin vào các tổ chức giáo dục của Indonesia.

Tài liệu dịch:

[1]: https://www.universityworldnews.com/post.php?story=20241010134907586

Tường San (theo universityworldnews.com)