SGK Ngữ văn chương trình mới: Học sinh không thể học tủ, học vẹt

16/10/2024 06:38
Thanh Thúy

GDVN - Sách giáo khoa Ngữ Văn theo chương trình mới không chỉ giải quyết tình trạng học vẹt, học tủ...

Năm học 2024-2025 là năm thứ ba, chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn được giảng dạy ở bậc trung học phổ thông.

Kế thừa và phát triển

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Đỗ Thị Tình, giáo viên Ngữ Văn Trường Trung học phổ thông Mỹ Văn, Phú Thọ cho biết, Môn Ngữ văn Chương trình giáo dục phổ thông 2018 vừa có sự kế thừa những ưu điểm vừa đổi mới so với chương trình năm 2006.

Về sách giáo khoa Chương trình giáo dục phổ thông 2018, điểm khác nhất là nếu như trước đây lấy sách giáo khoa làm trung tâm, thì bây giờ chương trình là trung tâm, và chương trình mới thiên về phát huy năng lực, phẩm chất của học sinh

Đối với chương trình cũ, học sinh đã học những tác phẩm nào có thể đề thi sẽ ra đúng vào một trong những bài đó, có tình trạng học thuộc văn mẫu, “học vẹt”, “học tủ” hay học theo định hướng, phân tích của thầy cô.

Còn hiện nay, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 chú trọng về yêu cầu và mục tiêu đề ra là tiếp cận phẩm chất, năng lực người học. Học sinh sẽ được bày tỏ theo cách hiểu của mình, giúp học sinh nâng cao khả năng sáng tạo, tự học, cảm nhận văn chương.

Học sinh sẽ phải học để hiểu vấn đề, để biết cách phân tích được vấn đề... Sau này, tiếp cận với các thể loại văn học khác, các em cũng có thể biết cách để đọc và hiểu văn bản đó, biết cách phân tích văn bản…

111-1689474567.jpg
Ảnh minh họa.

Đồng quan điểm, thầy Trần Văn Toản, Tổ trưởng tổ Ngữ văn, Trường Trung học phổ thông Chuyên Quốc học Huế chia sẻ, theo mục tiêu của chương trình Ngữ văn 2018, bộ sách được thiết kế nhằm phát triển thuận lợi và hiệu quả nhất ở người học các năng lực đặc thù của môn học, gồm năng lực ngôn ngữ và năng lực văn học.

Hiện nay, học sinh được bày tỏ ý kiến, phát huy rất tốt tư duy sáng tạo, tạo điều kiện và cơ hội cho học sinh nói lên tâm tư, suy nghĩ về vấn đề đang tìm hiểu. Điều này tránh được tình trạng học sinh chỉ thụ động nghe thầy, cô giảng truyền thụ kiến thức một chiều

Đây là điểm sáng đáng kể của chương trình giáo dục phổ thông mới, tạo cơ hội cho học sinh khai mở tư duy, tự do khám phá và phát triển năng lực của bản thân.

Còn theo cô Việt Hà, Tổ trưởng tổ Văn, Trường Trung học phổ thông Tây Thạnh, Hồ Chí Minh, sách giáo khoa là nguồn tài liệu chính thống để học tập và rèn luyện các yêu cầu cần đạt của chương trình mới. Ngữ liệu trong sách được cập nhật phù hợp với nhận thức, trình độ tiếp thu của học sinh, phát huy được năng lực, phẩm chất người học.

Với người dạy, sách giáo khoa là tài liệu để hiện thực hóa chương trình giáo dục, phục vụ trực tiếp cho việc phát triển các phẩm chất và năng lực theo mục tiêu, yêu cầu cần đạt của chương trình.

Lựa chọn sách giáo khoa chú trọng phát triển năng lực người học

Theo thầy Toản, từ năm lớp 10 hội đồng lựa chọn sách đã nhất trí bầu bỏ phiếu quyết định lựa chọn bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống.

Sách giáo khoa chương trình 2018 đã tạo được một đột phá quan trọng là dạy đọc hiểu văn bản theo thể loại, chủ đề và dạy cảm thụ văn học. Văn bản văn học trong chương trình được lựa chọn để minh họa cho thể loại. Vì thế, người học sớm được tiếp cận với những văn bản văn học có giá trị nghệ thuật của giai đoạn trung đại bên cạnh hiện đại.

Với sách giáo khoa Ngữ Văn - bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống, nội dung bài học được chia theo thể loại, đồng thời chú trọng vào từng kỹ năng, truyền đạt kiến thức để các em có thể nâng cao năng lực tự học, tự tiếp cận tác phẩm.

Các bài học trong sách có cấu trúc thống nhất: Mạch nội dung chính của mỗi bài được thiết kế dựa vào các hoạt động giao tiếp đọc, viết, nói và nghe; bám sát yêu cầu cần đạt của môn học.

Đây cũng là cái hay của bộ sách mới bởi không soạn theo từng giai đoạn lịch sử văn học mà được soạn theo từng thể loại, chủ đề. Điều này sẽ giúp học sinh nắm được những tác phẩm hay trong từng chủ đề, đặc trưng cơ bản của thể loại, dạng bài để có thể vận dụng với 1 bài mới hoàn toàn và buộc người học phải chủ động hơn trong việc tự học, tư duy.

Cũng theo thầy Toản, Sách giáo khoa Ngữ Văn - bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống có dụng lượng vừa phải, các chủ đề được soạn rõ ràng, có tính chất hệ thống. Các phần đọc, viết, nghe và nói tổ chức liền mạch theo quy trình.

Ngoài việc kế thừa kế thừa từ chương trình và sách giáo khoa cũ, sách giáo khoa mới đã có sự kết nối giữa văn học trung đại, đương đại, hiện đại, những văn bản tươi mới, chưa từng được đưa vào chương trình giảng dạy trong nhà trường như: Nỗi buồn chiến tranh (Trích – Bảo Ninh), Muối của rừng (Trích – Nguyễn Huy Thiệp).

Ngay cả những văn bản từng quen thuộc với nhiều thế hệ học sinh khi được đưa vào sách giáo khoa Ngữ văn phần nào cũng mang diện mạo khác do cách giới thiệu, tiếp cận, khám phá văn bản, bám sát yêu cầu cần đạt của mỗi bài học theo tinh thần của sách giáo khoa mới.

Cùng sử dụng bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống, cô Tình chia sẻ, ưu điểm bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống là những hệ thống kiến thức trong sách được sắp xếp hợp lý, theo đúng lộ trình để đến năm lớp 12 học sinh có thể có được cái nhìn toàn diện nhất về nền văn học cũng như là các kỹ năng cần có trong việc tiếp cận một tác phẩm văn học.

Khác với sách giáo khoa theo chương trình cũ, sách giáo khoa mới được sắp xếp theo một cách khác, giống như một chiều học. Kiến thức của một thể loại không tập trung ở một bài hay một khối lớp mà được rải đều theo khối lớp học. Khối lớp sau được học nâng cao, mở rộng kiến thức của khối lớp học trước

Sách giáo khoa Ngữ Văn theo chương trình mới không chỉ giải quyết tình trạng học vẹt, học tủ, thụ động của học sinh mà còn phát huy được năng lực sáng tạo qua nhiều tác phẩm khác nhau.

Đồng thời, bộ sách này đã kế thừa những ưu điểm của chương trình cũ và phát huy những điểm hay, điểm mới .

Điển hình như việc giữ nguyên các tác phẩm kinh điển từ bộ sách giáo khoa cũ, đồng thời kết hợp và cập nhật nhiều tác phẩm mới một cách có chọn lọc: Tuyên ngôn Độc lập,, Cảnh khuya (Hồ Chí Minh), Chí Phèo (Nam Cao), Vợ Nhặt (Kim Lân) hay Ai đã đặt tên cho dòng sông (Hoàng Phủ Ngọc Tường)...những tác phẩm hay, giá trị vẫn tiếp tục được đưa vào sách.

Còn theo cô Mộng Thu, giáo viên Ngữ Văn tại một trường trung học phổ thông chia sẻ, sách giáo khoa Ngữ Văn theo chương trình mới giúp cho học độc lập, sáng tạo trong suy nghĩ, tránh học vẹt, học tủ, tuy nhiên việc này đòi hỏi các em nắm vững từng đặc trưng của thể loại và đặc trưng của từng phương pháp làm bài.

Đồng thời, việc này giúp học sinh có được kỹ năng tư duy, hướng đến 4 kỹ năng đọc, viết, nói, nghe, tránh tình trạng học theo văn mẫu hay học theo các bài viết có sẵn

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Cũng sử dụng bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống, cô Thu chia sẻ, ở phần Tri thức ngữ văn sẽ trình bày khái quát về những đơn vị kiến thức mang tính chất công cụ, giúp học sinh nhận biết được từng phần, đọc hiệu quả các văn bản chính của bài học và thực hiện các hoạt động viết, nói và nghe một cách thuận lợi.

Như khi học về truyện ngắn hoặc thơ, khi học sinh đã nắm được những kiến thức được học ở phần tri thức ngữ văn cùng đặc trưng, đặc điểm của từng thể loại. Vì vậy, từ việc khai thác một văn bản trong sách giáo khoa có thể giúp học sinh khai thác một văn bản khác.

Bên cạnh đó, nội dung chương trình được cập nhật, gắn nhiều với đời sống thực tế của học sinh, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý học sinh; phù hợp với định hướng phát triển giáo dục đào tạo và với năng lực của giáo viên.

Nội dung của sách cũng chú trọng đến việc rèn luyện cho học sinh khả năng tự học, tự tìm tòi kiến thức, bồi dưỡng phẩm chất, năng lực, vận dụng kiến thức thông qua giải quyết nhiệm vụ học tập đặt ra trong mỗi bài học.

Theo cô Việt Hà, sách giáo khoa theo chương trình đã kế thừa những ưu điểm, thành tựu từ chương trình giáo dục 2006 như việc giữ nguyên các tác phẩm kinh điển từ bộ sách giáo khoa cũ, đồng thời kết hợp và cập nhật nhiều tác phẩm mới một cách có chọn lọc, gần gũi hơn với thực tế cuộc sống. Đồng thời, giáo viên vẫn có thể phát huy năng lực của mình, làm cho tiết học sinh động hơn

Ví dụ khi dạy bài đọc, giáo viên có thể khơi gợi cho học sinh cảm nhận, phát hiện rồi cho các em bình luận trong tương quan đối thoại với giáo viên.

Chẳng hạn dạy Hai đứa trẻ, giáo viên yêu cầu học sinh tìm và phân tích ý nghĩa của một số hình ảnh, chi tiết xuất hiện nhiều lần (như tiếng trống, bóng tối, ánh đèn...) trong văn bản. Học sinh bình luận theo suy nghĩ chủ quan, sau đó giáo viên nhận xét, giảng bình thêm, mở rộng kiến thức về những hình ảnh đối lập nhưng có ý nghĩa khắc họa cuộc sống vật vờ, tối tăm, tù túng của người dân nghèo phố huyện.

Với mục tiêu của chương trình giáo dục 2018, học sinh sẽ được gợi mở, hướng dẫn để chủ động mở rộng tầm hiểu biết và phát triển tư duy; giáo viên trong vai trò là người thiết kế sẽ chủ động trong việc thiết kế và tổ chức thực hiện kế hoạch dạy học.

Thanh Thúy