SGK tiếng Anh theo chương trình mới giúp học sinh phát triển năng lực giao tiếp

12/11/2024 08:27
Trần Trang

GDVN - Các giáo viên cho rằng chương trình tiếng Anh hiện hành rất chú trọng vào kỹ năng sử dụng ngôn ngữ của học sinh.

Theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất của chương trình giáo dục phổ thông 2018, sách giáo khoa tiếng Anh hướng tới mục tiêu chính là tạo ra những đổi mới cho quá trình dạy và học ngoại ngữ trong các nhà trường phổ thông Việt Nam.

Nội dung môn Tiếng Anh được xây dựng trên cơ sở các chủ điểm phù hợp với mỗi cấp học. Các chủ điểm liên quan chặt chẽ với nhau và được thiết kế lặp lại có mở rộng qua các năm học ở mỗi cấp học, theo hướng đồng tâm xoắn ốc nhằm củng cố và phát triển năng lực giao tiếp của học sinh.

Ngoài ra, chương trình cũng tạo điều kiện và là căn cứ để thay đổi phương pháp dạy - học, thay đổi hoạt động của nhà giáo. Trước đây, giáo viên là người truyền thụ kiến thức là chính, còn với chương trình mới, giáo viên là người tổ chức dạy và học, người định hướng, hỗ trợ nên vai trò của giáo viên có nhiều thay đổi theo hướng tăng cường sáng tạo, chủ động.

Chương trình có tính ứng dụng cao, cân bằng cả 4 kỹ năng

Trao đổi cùng phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Thanh Ngọc, giáo viên môn tiếng Anh tại Trường Trung học phổ thông Gia Lộc, tỉnh Hải Dương cho biết nhà trường đang sử dụng bộ sách Global Success của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Cô Ngọc đánh giá bộ sách Global Success khá toàn diện, là phiên bản tinh giản về kiến thức và cập nhật về chủ đề của sách giáo khoa tiếng Anh theo chương trình thí điểm trước đây.

444481220_3623250894590827_3384804644636890297_n.jpg
Cô Nguyễn Thanh Ngọc (hàng đầu) cùng các học sinh Trường Trung học phổ thông Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Ảnh: NVCC

“Về sự nâng cấp, những bộ sách giáo khoa tiếng Anh trước đây chú trọng vào kiến thức trong khi sách giáo khoa hiện hành chú trọng vào kỹ năng sử dụng ngôn ngữ. Ngay từ khi được tập huấn, các giáo viên tiếng Anh đều được nắm rõ điểm này.

Chương trình hiện tại có tính ứng dụng cao hơn, yêu cầu học sinh phải biết ứng dụng và thực hành ngay ngoại ngữ. Sau mỗi bài học đều có phần thực hành nói hoặc viết” - cô Ngọc cho biết.

Nữ giáo viên chia sẻ, sách được thiết kế có tính logic, liên kết cao, dễ dàng giúp học sinh học và ứng dụng được kiến thức (từ vựng, ngữ pháp, phát âm) chuyển hóa vào các hoạt động kỹ năng (nghe, nói, đọc, viết).

Bên cạnh đó, bộ sách Global Success cũng chú trọng việc phát triển kỹ năng 4Cs (Critical thinking - Creativity - Communication - Collaboration). Hiểu chính xác thì đây là các kỹ năng về Tư duy phản biện - Sáng tạo - Giao tiếp - Hợp tác mà mỗi học sinh cần có.

Tiến sĩ Lại Thị Phương Thảo, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Chuyên Ngoại ngữ (Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội) bày tỏ: “Nội dung môn tiếng Anh chương trình giáo dục phổ thông 2018 được cải tiến rõ rệt so với chương trình giáo dục phổ thông 2006.

Sách giáo khoa hiện nay tập trung vào phát triển kỹ năng giao tiếp, giúp học sinh sử dụng tiếng Anh linh hoạt hơn trong đời sống hàng ngày.

So với chương trình trước đó, điểm nổi bật là sự thay đổi trong cấu trúc bài học, cách tiếp cận với ngôn ngữ thực tế và đặc biệt là việc cân bằng cả bốn kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết, thay vì chỉ tập trung vào ngữ pháp và đọc hiểu”.

z4903930437131_5334e4d378b87921a21eb4fde5f34cf2-683x1024.jpg
Tiến sĩ Lại Thị Phương Thảo, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Chuyên Ngoại ngữ (Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh: NVCC

Theo cô Thảo, điểm sáng của sách giáo khoa tiếng Anh là giúp giáo viên có phương pháp giảng dạy chủ động hơn, khuyến khích học sinh tham gia vào các hoạt động nhóm và tương tác nhiều hơn.

Đặc biệt, thông qua các bài tập dự án, học sinh không chỉ nâng cao kỹ năng sử dụng ngôn ngữ mà còn rèn các kỹ năng mềm như kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng lập kế hoạch, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng thuyết trình,…

Nội dung bài học hiện đại, phản ánh những vấn đề toàn cầu, giúp học sinh phát triển tư duy phản biện.

Chẳng hạn như, các chủ đề về công nghệ, các vấn đề toàn cầu, giao tiếp liên văn hóa… với các câu hỏi phát triển khả năng tư duy phản biện giúp cho học sinh tự khám phá, tìm hiểu sâu hơn về những vấn đề đương đại, tăng cơ hội thể hiện quan điểm cá nhân và khả năng thuyết phục người khác bằng các lập luận, dẫn chứng cụ thể.

Phó Hiệu trưởng bày tỏ: “Chương trình mới với trọng tâm là giao tiếp và phát triển cả bốn kỹ năng đã giúp học sinh có khả năng sử dụng tiếng Anh một cách tự tin hơn. Học sinh không chỉ học ngữ pháp mà còn biết cách áp dụng nó vào thực tế, từ đó nâng cao kỹ năng sản sinh ngôn ngữ (kỹ năng nói và viết).

Kỹ năng nghe và đọc cũng được cải thiện khi các bài học yêu cầu học sinh phải tiếp cận với nhiều loại tài liệu khác nhau, từ văn bản học thuật đến hội thoại đời thường.

Điều này giúp học sinh sử dụng tiếng Anh linh hoạt hơn trong các tình huống giao tiếp hàng ngày, phát triển kỹ năng tư duy và khả năng phản xạ ngôn ngữ nhanh hơn, tăng sự tự tin khi nói tiếng Anh trước đám đông hoặc giao tiếp với người nước ngoài”.

Yêu cầu học sinh phải chủ động, tự học nhiều hơn

Theo Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Chuyên Ngoại ngữ, trong môn tiếng Anh theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, học sinh phải tự học nhiều hơn so với chương trình trước đây.

Các bài học thiết kế theo hướng gợi mở, yêu cầu học sinh tự nghiên cứu và tìm hiểu thêm ngoài giờ học trên lớp.

Điều này giúp tăng tính chủ động trong học tập và khả năng phát triển tư duy độc lập, học sinh phát triển kỹ năng tự nghiên cứu, tự quản lý thời gian và có khả năng tự học tốt hơn. Học sinh cũng biết cách giải quyết vấn đề một cách sáng tạo và không bị phụ thuộc hoàn toàn vào giáo viên.

b14b8fddb33b4d65142a (1).jpg
Một giờ học tiếng Anh tại phòng ngoại ngữ của học sinh Trường Trung học cơ sở Hoàn Kiếm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ảnh: Website trường.

Dù vậy, với những học sinh chưa quen với phương pháp học tự chủ, đặc biệt là những học sinh có năng lực tự học chưa cao, đây có thể sẽ là một áp lực với các em. Giáo viên và phụ huynh phải đóng vai trò định hướng, giúp các em tháo gỡ khó khăn.

Cùng với đó, thiếu tài liệu hoặc phương tiện học tập có thể là rào cản đối với nhiều học sinh ở vùng sâu, vùng xa.

Bên cạnh đó, cô Nguyễn Thanh Ngọc chỉ ra rằng vẫn đang có sự chênh lệch giữa thi cử và học tập. Sách giáo khoa tiếng Anh đã hướng trọng tâm vào giao tiếp và thực hành, trong khi kỳ thi tuyển sinh lớp 10, thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn tiếng Anh vẫn chủ yếu kiểm tra đọc hiểu, ngữ pháp.

“Trong giáo dục có một thuật ngữ gọi là “hiệu ứng dội ngược” (washback effect), ám chỉ tác động của các kỳ thi lên thái độ học tập của học sinh, đặc biệt đối với việc học ngoại ngữ. Học sinh thấy kỳ thi môn tiếng Anh chỉ chủ yếu xoay quanh đọc hiểu, ngữ pháp, sẽ không có hứng thú học kỹ năng nghe và nói” - cô Ngọc bày tỏ.

Theo cô Ngọc, để đạt được mục tiêu đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học, các kỳ thi cũng nên đổi mới theo hướng phát triển đồng đều cả 4 kỹ năng, giúp học sinh không còn mang tâm lý “thi gì học nấy”.

Trần Trang