Lương nhà giáo không thấp, vì sao dự định “mở” dạy thêm để GV tăng thu nhập?

01/11/2024 06:52
Mỹ Tiên

GDVN - Người viết khảo sát 85% học  sinh học thêm với giáo viên chính khóa và đa số là từ “gợi ý” của giáo viên.

Tiếp tục góp ý về dự thảo Thông tư quy định dạy thêm học thêm do Bộ Giáo dục và Đào tạo, bài viết này người viết phân tích về nhu cầu dạy thêm học thêm và vì sao nên “siết” dạy thêm thay vì “mở”, “thoáng” như dự thảo Thông tư dạy thêm học thêm do Bộ Giáo dục công bố.

gdvn-day-them-hoc-them-tai-truong-tieu-hoc-ngoc-khanh-14-9963.jpg
Hình ảnh tại một lớp học thêm. Ảnh: Mạnh Đoàn

Lương, thu nhập giáo viên hiện nay cao hay thấp?

Thực tế hiện nay cùng với việc tăng lương cơ sở lên 2,34 triệu từ 01/7, giáo viên được giữ lại phụ cấp thâm niên và các khoản phụ cấp khác thì theo thống kê chưa đầy đủ, tổng thu nhập không thấp hơn mức lương trung bình viên chức các đơn vị sự nghiệp công lập khác, thậm chí có phần nhỉnh hơn.

Về lương thì cơ bản viên chức các đơn vị sự nghiệp công lập giống nhau, được tính bằng hệ số lương nhân với mức lương cơ sở (hiện nay là 2,340,000 đồng), người nào có hệ số lương cao thì lương sẽ cao hơn.

Tuy nhiên, về phụ cấp thì theo tìm hiểu của người viết, giáo viên có nhiều ưu đãi hơn như:

Đối với giáo viên công tác ở vùng khó khăn sẽ được hưởng phụ cấp thu hút 70% (không quá 5 năm), điều này cơ bản giống với các công chức, viên chức khác công tác ở vùng đặc biệt khó khăn.

Tuy nhiên, giáo viên còn được hưởng thêm phụ cấp ưu đãi 70%, mức ưu đãi này đa số viên chức khác không có.

Ngoài ra giáo viên công tác ở vùng đặc biệt khó khăn còn được hưởng phụ cấp, trợ cấp khác như: phụ cấp thâm niên vượt khung, trợ cấp lâu năm, chuyển vùng,...

Giáo viên công tác ở vùng đặc biệt khó khăn, nếu công tác lâu năm tổng thu nhập có thể từ 20-30 triệu/tháng.

Đối với giáo viên công tác ở vùng điều kiện bình thường, có thể sẽ được hưởng phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp dạy trẻ khuyết tật, phụ cấp dạy trường chuyên,...

Về cơ bản, thu nhập của giáo viên hiện nay so với các đơn vị sự nghiệp công lập khác chưa thể nói là cao nhất nhưng so với mặt bằng chung là không thấp trong điều kiện hiện nay.

Giáo viên nhất là giáo viên phổ thông về thời gian làm việc có sự ưu tiên hơn so với các ngành nghề khác, chỉ giảng dạy theo tiết định mức tuần hoặc năm học, như giáo viên trung học phổ thông dạy định mức 17 tiết/tuần, 595 tiết/năm, mỗi tiết 45 phút, tính ra thời gian giảng dạy của giáo viên trung học phổ thông chưa đến 500 giờ/năm, tất nhiên giáo viên còn thực hiện các công việc khác như chấm bài, ra đề, giáo dục, phụ đạo học sinh,...Tuy nhiên, đây là công việc không thường xuyên và không chiếm quá nhiều thời gian của giáo viên.

Viên chức các ngành nghề khác làm việc giờ hành chính, nên thời gian làm việc nhiều hơn giáo viên khá nhiều, giáo viên còn được nghỉ hè 8 tuần, các ngành khác chỉ được nghỉ phép hàng năm theo Luật Lao động.

Dạy thêm học thêm là nhu cầu của giáo viên hay học sinh?

Thực tế hiện nay, thu nhập của đa số giáo viên nhất là giáo viên trẻ mới đi làm, chưa thể nói là cao, chưa thể nói là đủ sống bằng lương nhưng so với các ngành nghề khác là đã có sự ưu đãi nhất định, không thấp hơn nhiều viên chức ở các đơn vị sự nghiệp công lập khác.

Dự thảo Thông tư dạy thêm dạy thêm của Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến có nhiều điểm “thoáng” so với Thông tư 17 hiện hành như không cấm giáo viên tiểu học dạy thêm ngoài nhà trường, cho phép dạy học sinh chính khóa, học sinh không cần viết đơn,...nhiều người cho rằng quá thoáng, dễ dẫn đến dạy thêm học thêm nhiều trong thời gian tới.

Trước đây, có thể nói thu nhập của giáo viên còn thấp, chưa đủ sống nên giáo viên có nhu cầu dạy thêm để kiếm thêm thu nhập nhằm cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Cách đây khoảng 20 năm về trước, thời tôi học phổ thông, giáo viên rất khó khăn nhưng rất ít giáo viên dạy thêm, học sinh ít học thêm, chất lượng thời đó vẫn tốt, học sinh tự học tốt. Nếu học sinh yếu thì thường được phụ đạo miễn phí, dạy thêm thời đó cũng có nhưng rất ít, không có việc giáo viên làm giàu, mua nhà, đất, xe ô tô nhờ dạy thêm như hiện nay.

Hiện nay, tại các trung tâm, thành phố lớn, giáo viên dạy thêm thu nhập từ 50 – 100 triệu đồng mỗi tháng không còn là chuyện hiếm, dạy thêm chỉ 1 tháng hơn cả 1 năm lương của một giáo viên mới ra trường.

Vì thu nhập từ dạy thêm cao, nên giáo viên đua nhau dạy thêm, kiếm nhiều học sinh, kiếm thật nhiều tiền từ dạy thêm, muốn học sinh học thêm nhiều thì giáo viên phải dùng đến chiêu trò như o ép, dọa nạt,...bằng lời nói, điểm số,... dẫn đến nhiều hệ lụy như học sinh học vẹt, thụ động, thiếu tư duy, thiếu tự học, mất đi thời gian vui chơi, thiếu kỹ năng sống,...

Nếu thu nhập thấp thì giáo viên có thể dạy thêm một vài nhóm để kiếm thêm thu nhập có thể chấp nhận được, tuy nhiên lấy lý do học sinh cần phụ đạo, bồi dưỡng để dạy thêm là vô lý, giáo viên đã nhận lương, nhiệm vụ là phải dạy cho học sinh tốt lên, không nên dạy thêm để thu tiền chính đối tượng mà mình đang dạy trên lớp. Phải làm cho học sinh học tốt hơn từ học trong lớp chứ không phải từ dạy thêm.

Nơi nào giáo viên dạy thêm nhiều thì giáo viên dạy thêm có thu nhập cao, giàu lên nhưng học sinh chưa chắc học tốt hơn và chắc chắn phụ huynh nơi đó khổ.

Tôi đang chủ nhiệm một lớp tại trường trung học cơ sở tại vùng nông thôn một địa phương phía Nam, tại lớp tôi khảo sát có đến trên 70% học sinh học thêm Toán, Ngoại ngữ và các môn Ngữ Văn, Khoa học tự nhiên (chủ yếu học thêm phân môn Vật lý, Hóa học),...và có đến 85% học với giáo viên chính khóa. Đáng nói, đa số học sinh cho biết là từ “gợi ý” của giáo viên. Tôi hỏi nếu nhà trường cấm dạy thêm học sinh chính khóa thì đến trên 90% học sinh đều đồng ý. Học sinh không có nhu cầu học thêm nhiều, các em cần hoạt động thể lực, thẩm mỹ, trải nghiệm nhiều hơn,...

Tôi cũng khảo sát phụ huynh, đa số phụ huynh cũng muốn con họ ít học thêm, muốn họ không phải tốn kém quá nhiều tiền để lo cho con em đi học nhưng cũng lo lắng với việc bị “đì, “ép”,..nếu không học thêm. Trên 90% phụ huynh cho biết, nếu nhà trường cấm dạy thêm học sinh chính khóa họ sẽ ủng hộ, tán thành, để có môi trường giáo dục thực chất, công bằng,...

Cả phụ huynh, học sinh đều không có nhiều nhu cầu học thêm nhiều, chương trình mới đã xây dựng công phu, cẩn trọng theo hướng tinh giản, phát triển năng lực, phẩm chất, người học, không thể nói chương trình mới nặng hay khó để dạy thêm nhiều được.

Như vậy, người viết cho rằng thực chất, việc dạy thêm nhiều xuất phát từ nhu cầu của người dạy thêm, không phải của học sinh hay phụ huynh và nhu cầu đó là kiếm thêm thu nhập, kiếm thêm nhiều tiền không phải với mục đích nâng cao chất lượng, vì hiện nay chất lượng học sinh khá, giỏi ở các trường học đã có tỷ lệ khá cao.

Dạy chương trình mới năm nay là năm thứ 4 ở bậc trung học cơ sở, người viết thấy rằng chương trình mới có nhiều điểm hay, mới, bài tập vừa phải,...chỉ rắc rối phức tạp ở các môn “tích hợp”, còn việc dạy trên lớp chỉ là kiến thức cơ bản. Vì dạy thêm nên nhiều giáo viên biến điều đơn giản thành phức tạp để “lôi kéo” học sinh thu tiền, nhiều bài toán “khó” được giáo viên đưa vào dạy chính khóa, vào đề kiểm tra để học sinh “sợ” điểm thấp phải đi học thêm,...làm môi trường giáo dục méo mó, mất công bằng.

Giai đoạn hiện nay, rất mong khi Bộ Giáo dục và Đào tạo tổng hợp ý kiến của nhân dân về dạy thêm nên nghiên cứu việc dạy thêm ở các nước có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới, hạn chế bất cập dạy thêm học thêm thời gian qua, nghiên cứu cẩn trọng những hệ lụy nếu để dạy thêm quá “thoáng”, vì dạy thêm “thoáng” thì chỉ có một bộ phận giáo viên giàu lên nhưng rất nhiều gia đình sẽ khổ.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Mỹ Tiên