Thầy cô và học trò lớp 12 mong ngóng trường ĐH sớm công bố tổ hợp xét tuyển

22/10/2024 06:24
Hà Giang

GDVN - Nhiều thầy cô và các bạn học sinh phổ thông mong muốn cơ sở giáo dục đại học sớm công bố tổ hợp xét tuyển từng ngành để có phương án ôn thi sớm và hiệu quả.

Theo phương án tổ chức kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 của Bộ Giáo dục và Đào tạo thí sinh thi bắt buộc 2 môn Ngữ văn, Toán và 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12, gồm: Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ.

Như vậy, với 2 môn thi bắt buộc và 2/9 môn thi tự chọn, năm 2025 thí sinh sẽ có 36 tổ hợp môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Nhiều học sinh không khỏi băn khoăn trong việc chọn tổ hợp môn thi và phương thức xét tuyển để vừa phù hợp với năng lực của bản thân, vừa đáp ứng được tiêu chí tuyển sinh của các trường đại học. Điều này cũng khiến giáo viên gặp khó khăn trong việc tổ chức ôn tập cho các em.

Học sinh loay hoay lựa chọn tổ hợp thi và xét tuyển, giáo viên mông lung khó tư vấn

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Đỗ Thị Diệu Thuý - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Chuyên Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) cho biết, nhà trường và giáo viên đang triển khai nhiều hoạt động để định hướng cho học sinh trong năm đầu tiên thi tốt nghiệp trung học phổ thông theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.

“Trong nội dung giáo dục hướng nghiệp, nhà trường đã hướng dẫn học sinh tìm hiểu về các ngành nghề phù hợp với năng lực sở trường, điều kiện gia đình, điều kiện kinh tế, thực tế nguồn nhân lực tại địa phương, xu thế xã hội. Từ đó, học sinh, gia đình có những sự lựa chọn đúng đắn.

Để hỗ trợ tốt nhất cho học sinh trong việc lựa chọn tổ hợp xét tuyển cũng như đăng ký phương thức xét tuyển, nhà trường thành lập ban tuyển sinh riêng. Ban tuyển sinh nhà trường có trách nhiệm tìm hiểu, nghiên cứu về hình thức xét tuyển và tổ hợp xét tuyển của các trường đại học. Từ đó nhà trường sẽ có kế hoạch ôn tập cho học sinh về cách thức đăng ký xét tuyển phù hợp với nguyện vọng của từng em”, cô Thuý cho biết thêm.

z5741398041733_a5acaf0fdd08afdeb4b277ab2a93193e.jpg
Cô Đỗ Thị Diệu Thúy - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Chuyên Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh: NVCC)

Theo cô Thuý, những năm trở lại đây, hình thức tuyển sinh và tổ hợp xét tuyển của các trường đại học rất đa dạng. Học sinh cũng có sự chủ động trong việc nắm bắt thông tin cần tìm hiểu. Tuy nhiên, các em cần suy nghĩ thật kỹ, kết hợp với sự tư vấn, định hướng của thầy cô và cha mẹ để đưa ra quyết định cuối cùng.

Trong khi đó, học sinh cuối cấp vẫn không thể tránh khỏi lo lắng về những thay đổi trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2025. Ngô Quang Huy, học sinh lớp 12, Trường Trung học phổ thông Huỳnh Thúc Kháng (tỉnh Nghệ An) cho biết em đang phân vân trong việc lựa chọn thêm 2 môn tự chọn.

Định hướng thi vào các ngành kỹ thuật, công nghệ hoặc y học nên ngay từ năm lớp 10, Huy đã theo học các môn tự nhiên bao gồm: Toán, Lý, Hoá, Sinh. Nếu theo phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2024, Huy sẽ dùng điểm các môn này để xét 2 tổ hợp là A00 (Toán, Lý, Hoá), B00 (Toán, Hoá, Sinh). Tuy nhiên, với phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025, nếu Huy lựa chọn 2 môn Lý, Hóa thì chỉ có thể xét tuyển theo khối A00. Ngược lại, nếu em lựa chọn thêm 2 môn Hóa, Sinh thì chỉ có thể xét tuyển theo khối B00.

“Em nghĩ giảm 1 tổ hợp xét tuyển, đồng nghĩa với việc cơ hội cũng giảm đi một nửa. Vì vậy, để tăng thêm lựa chọn cho bản thân, em đã đăng ký tham gia kỳ thi đánh giá năng lực”, Quang Huy cho biết thêm.

Ngoài việc ôn thi đánh giá năng lực, Quang Huy chia sẻ rằng vẫn phải cố gắng phấn đấu học đều tất cả các môn ở trường vì nam sinh dự định dùng kết quả học bạ để đăng ký xét tuyển vào một số trường khối kỹ thuật.

Mặc dù lựa chọn học khối ngành kỹ thuật nhưng Quang Huy không chọn môn Tin học hay Công nghệ là môn thi tốt nghiệp. Huy cho biết các trường đại học em muốn đăng ký hiện vẫn chưa công bố tổ hợp xét tuyển. Vì vậy, Huy cho rằng lựa chọn tổ hợp truyền thống là sự lựa chọn an toàn hơn.

Trong khi đó, Tổ trưởng tổ Tin học - Vật lý của một trường trung học phổ thông tại tỉnh Bình Phước cho biết, qua khảo sát tại trường thầy đang giảng dạy, có hơn 20 học sinh trên tổng số gần 200 học sinh lớp 12 chọn môn Tin học là môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025. Đây cũng là năm đầu tiên môn Tin học và môn Công nghệ được đưa vào làm môn tự chọn trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

“Trong số hơn 20 học sinh này, có khoảng 7 em muốn sử dụng điểm thi Tin học để xét tuyển đại học. Trong quá trình tìm hiểu, các em có tìm đến thầy, cô ở bộ môn xin tư vấn. Tuy nhiên, bản thân giáo viên chúng tôi cũng đang chờ phương án tuyển sinh từ các trường đại học nên chưa thể có định hướng cụ thể cho học sinh. Nhiệm vụ của giáo viên ở thời điểm hiện tại là tập trung dạy học, ôn tập, chuẩn bị kiến thức vững vàng cho học sinh để các em tự tin trong quá trình chọn tổ hợp, chọn nguyện vọng vào đại học”, nam giáo viên cho biết thêm.

gdvn-thi-tot-nghiep-2022-169-8409-4255-9336.jpg
Thí sinh làm thủ tục thi tốt nghiệp trung học phổ thông. (Ảnh minh họa: PM)

Giáo viên, học sinh mong trường đại học sớm công bố tổ hợp xét tuyển

Mặc dù mới học lớp 11 nhưng Nguyễn Hải Đăng - học sinh Trường Trung học phổ thông Chuyên Ngoại ngữ, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, em đã sở hữu chứng chỉ IELTS và SAT, sẵn sàng nộp hồ sơ xét tuyển sớm tại một số trường đại học vào năm 2026.

“Tại trường em đang theo học, thầy, cô giáo không chỉ định hướng cho học sinh khối 12 mà tổ chức hướng nghiệp cho học sinh tất cả các khối, lớp. Các hoạt động thường diễn ra trong giờ sinh hoạt lớp, giờ chào cờ đầu tuần và thông qua một số hoạt động giáo dục khác. Ngoài ra, nếu có thắc mắc thêm, học sinh có thể tìm gặp cô chủ nhiệm hoặc thầy, cô giáo bộ môn để được nghe tư vấn”, Hải Đăng cho biết thêm.

Hiện tại, Hải Đăng đang tập trung ôn tập các môn Lý, Hoá, Sinh, Tin tại trường. Tuy nhiên, Hải Đăng dự định sẽ chọn Tiếng Anh và Vật lý là hai môn tự chọn, bên cạnh hai môn thi bắt buộc là Toán và Ngữ Văn.

“Tiếng Anh là lợi thế của em. Ngoài ra, em chọn thêm môn Vật lý để có thể xét 2 tổ hợp là D01 (Toán, Văn, Anh) và A01 (Toán, Lý, Anh)”, Hải Đăng chia sẻ.

Trong khi đó, Tổ trưởng tổ Tin học - Vật lý của một trường trung học phổ thông tại tỉnh Bình Phước cho biết, việc bổ sung thêm môn thi vào kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2025 là đáp ứng mục tiêu phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.

“Giáo dục hiện nay đang đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Để đáp ứng yêu cầu đổi mới, nhà trường đã trang bị nhiều cơ sở vật chất, nâng cấp phòng học cho học sinh. Ví dụ ở môn Tin học, hiện nay số lượng máy tính của trường đảm bảo mỗi học sinh đều có thể thực hành trên thiết bị cá nhân. Tất cả máy tính đều được kết nối internet tốc độ cao.

Về đội ngũ giáo viên, nhà trường thường xuyên tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực, cập nhật kiến thức mới cho các thầy, cô giáo để giáo viên có những định hướng đúng đắn cho học sinh”, nam giáo viên cho biết.

Tuy nhiên, thầy giáo này cũng chỉ ra một thực trạng đó là nhiều học sinh lựa chọn môn học theo cảm tính, theo hứng thú nhất thời mà chưa có sự cân nhắc rõ ràng.

“Nhiều em vì thích ngồi máy tính, thích chơi game nên lựa chọn Tin học làm môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Có học sinh vì thấy môn Tin học và Công nghệ được đưa vào làm môn thi mới nên cho rằng dễ lấy điểm hơn những môn thi truyền thống.

Học sinh nên hiểu rằng, lựa chọn môn thi xét tốt nghiệp và phương thức xét tuyển là các em đang quyết định nghề nghiệp và tương lai của chính mình. Học sinh cần xác định điểm mạnh, đam mê của bản thân để đưa ra quyết định sáng suốt nhất”, thầy giáo này chia sẻ.

Học sinh Trường Trung học phổ thông Chuyên Ngoại ngữ tham gia Chương trình Định hướng và phát triển tân học sinh.

Học sinh Trường Trung học phổ thông Chuyên Ngoại ngữ tham gia Chương trình Định hướng và phát triển tân học sinh.

Nam giáo viên cũng bày tỏ mong muốn các trường đại học sớm công bố tổ hợp xét tuyển các ngành. Từ đó, giáo viên và học sinh sẽ có sự tham khảo, hiểu rõ hơn về những tổ hợp và phương thức xét tuyển mới. Giáo viên sẽ có định hướng ôn tập cụ thể hơn, học sinh sẽ mạnh dạn, yên tâm với tổ hợp xét tuyển đã lựa chọn.

Hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng việc chọn tổ hợp môn thi khiến học sinh và phụ huynh lúng túng. Trong khi đó, việc tổ chức nhiều kỳ thi riêng như thi đánh giá năng lực hay đánh giá tư duy có thể tạo thêm áp lực thi cử cho học sinh, tốn kém chi phí, thời gian.

Bàn về vấn đề này, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Chuyên Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) bày tỏ mong muốn các trường đại học nên có sự thống nhất chung về thời điểm tổ chức xét tuyển. Các trường không nên tổ chức xét tuyển quá sớm, gây ảnh hưởng tới tâm lý học tập của học sinh cuối cấp nhưng tất nhiên cũng không nên công bố phương án xét tuyển quá muộn khiến giáo viên và học sinh thiếu chủ động.

Ngoài ra, theo cô Thúy cách thức thi các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy cần cân nhắc tổ chức sao cho phù hợp, không gây mất thời gian, tốn kém để học sinh ở các vùng miền đều có cơ hội tham gia thi.

Hà Giang