Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Anh Đức, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Quản lý Đào tạo Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, về phương thức tuyển sinh năm 2025, nhà trường giữ nguyên 3 phương thức gồm: tuyển thẳng (2%), xét tuyển kết hợp (83%) và xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông (15%).
Trong đó, với phương thức xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân giảm 3% chỉ tiêu so với năm 2024, từ 18% xuống còn 15%.
Bên cạnh đó, nhà trường chuyển sang xét tuyển 4 tổ hợp A00 (Toán - Vật lý - Hóa học), A01 (Toán - Vật lý - Tiếng Anh), D01 (Toán - Ngữ văn - Tiếng Anh), D07 (Toán - Hóa học - Tiếng Anh), thay vì 5 tổ hợp B00 (Toán - Hóa học - Sinh học), C03 (Ngữ Văn - Toán - Lịch sử), C04 (Ngữ văn - Toán - Địa lý), D09 (Toán - Tiếng Anh - Lịch sử), D10 (Toán - Tiếng Anh - Địa lý) như năm 2024. Các môn thi đều tính hệ số 1 khi xét tuyển.
Phương thức xét tuyển kết hợp chiếm 83% chỉ tiêu, tăng thêm 3% so với năm 2024. Trong đó nhà trường chia thành 3 nhóm:
Nhóm 1 gồm các thí sinh đạt mức SAT từ 1200 điểm trở lên hoặc ACT từ 26 điểm trở lên (chỉ tiêu 5%).
Nhóm 2 gồm các thí sinh đạt HSA từ 85 điểm trở lên hoặc APT từ 700 điểm trở lên hoặc TSA từ 60 điểm trở lên; hoặc thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế đạt IELTS 5.5 hoặc TOEFL iBT 46 (không gồm TOEFL home edition) hoặc TOEIC (4 kỹ năng: L&R 785, S 160 & W 150) trở lên kết hợp với điểm HSA/APT/TSA nêu trên (chỉ tiêu 48%).
Nhóm 3 gồm các thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế đạt IELTS 5.5 hoặc TOEFL iBT 46 (không gồm TOEFL home edition) hoặc TOEIC (4 kỹ năng: L&R 785, S 160, W 150) trở lên và có điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 của môn toán và 1 môn khác môn tiếng Anh thuộc các tổ hợp xét tuyển của trường (chỉ tiêu 30%).
Còn với phương thức xét tuyển thẳng, nhà trường dành 2% chỉ tiêu trên tổng chỉ tiêu và theo mã tuyển sinh, xét tuyển theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo và thông báo của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.
Đối với xét tuyển các chương trình Tiên tiến, Chất lượng cao, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân sử dụng 5 mã tuyển sinh với chỉ tiêu riêng, điểm xét tuyển riêng cho mỗi mã tuyển sinh, gồm 2 mã đối với chương trình Tiên tiến và 3 mã chương trình Chất lượng cao.
Sinh viên trúng tuyển vào từng mã tuyển sinh được lựa chọn chương trình đào tạo cụ thể trong mã tuyển sinh đó theo nguyện vọng cá nhân.
Với 15% chỉ tiêu cho phương thức xét bằng điểm thi tốt nghiệp 2025, như vậy tỷ lệ này của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân so với mặt bằng chung các cơ sở giáo dục đại học hiện nay là khá thấp. Trong khi đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhiều lần truyền đi thông điệp khuyến khích cơ sở giáo dục đại học tăng tỷ lệ sử dụng kết quả thi tốt nghiệp để xét tuyển đầu vào đại học, bởi đây theo Bộ đây là một trong những nguồn tin cậy để tuyển sinh đại học; đồng thời giúp giảm áp lực và giảm tốn kém cho xã hội.
Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, Tiến sĩ Lê Anh Đức cho hay, thực tế, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân dành 15% chỉ tiêu xét tuyển thuần túy dựa vào điểm thi tốt nghiệp. Bên cạnh đó, trong phương thức xét tuyển kết hợp, nhà trường dành 30% chỉ tiêu xét tuyển dựa vào điểm thi 2 môn cùng với chứng chỉ tiếng Anh quốc tế.
Theo đó, Tiến sĩ Lê Anh Đức khẳng định như vậy thực tế Trường Đại học Kinh tế Quốc dân vẫn dựa chủ yếu vào điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông với tổng chỉ tiêu chiếm khoảng 45%.
Trả lời về vấn đề tổ chức kỳ thi riêng, Tiến sĩ Lê Anh Đức cho biết hiện Trường Đại học Kinh tế Quốc dân chưa có chủ trương tổ chức.
“Mặc dù các kỳ thi đánh giá năng lực/đánh giá tư duy của các trường mấy năm gần đây cũng đã rất tốt, giúp cho các cơ sở giáo dục đại học có thêm căn cứ để xét tuyển. Tuy nhiên Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông vẫn có vai rất quan trọng đối đối với công tác tuyển sinh của các trường đại học vì tính phổ quát của kỳ thi, góp phần đảm bảo công bằng xã hội.
Trường Đại học Kinh tế Quốc dân hiện chưa có chủ trương tổ chức kỳ thi riêng”, Tiến sĩ Lê Anh Đức bày tỏ.