Lớn lên từ tình thương của bà, vào ĐH, nam sinh Thanh Hóa chật vật lo tài chính

10/11/2024 06:48
Thúy Quỳnh

GDVN- Lớn lên trong sự thiếu thốn, khó khăn, Vũ Huy Đức thi đỗ Trường ĐH Luật Hà Nội, song vẫn ấp ủ giấc mơ vào trường quân đội để giảm gánh nặng chi phí học tập.

Với tổng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 là 28,98 (tổ hợp C00), Vũ Huy Đức (sinh năm 2006), quê ở huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa, vừa qua đã trúng tuyển vào ngành Luật - Trường Đại học Luật Hà Nội.

Lớn lên trong hoàn cảnh thiếu thốn sự chăm sóc và tình cảm từ bố mẹ, nam sinh đã vượt qua rất nhiều khó khăn, không ngừng nỗ lực vươn lên trong học tập.

Vượt qua khó khăn, không ngừng cố gắng học tập

Khi được hỏi về hoàn cảnh gia đình, Đức tâm sự, bố mẹ ly hôn từ khi em còn rất nhỏ, sau đó, bố em đi làm xa, mẹ đi thêm bước nữa. Từ đó cho đến khi học trung học phổ thông, Đức lớn lên trong sự nuôi nấng và dạy dỗ của bà nội.

“Sau khi bố em đi làm xa được một thời gian và có gia đình mới rồi chuyển về sống chung, thì gia đình lại không được hòa thuận. Nhiều biến cố xảy ra, nên giữa năm học lớp 9, em chuyển lên sống cùng ông bà ngoại và cậu mợ ở huyện Bá Thước, để tiếp tục việc học tập. Khi em chính thức vào học ở Trường Trung học phổ thông Hà Văn Mao, khoảng cách đến trường đã xa hơn, khiến điều kiện đi lại thật khó khăn. Em may mắn được một người quen cho ở nhờ tại quán - nơi chú ấy thuê để kinh doanh. Em đã ở đó để học tập, ôn thi từ cuối năm lớp 10 đến khi thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Giai đoạn này, chú cũng đã giúp đỡ em rất nhiều”, Huy Đức chia sẻ.

Trong khoảng thời gian Đức học trung học phổ thông, chị ruột của em (lúc đó đang là sinh viên) đã vừa học, vừa làm thêm và lo cho em trai các khoản chi phí học tập cũng như trang trải cuộc sống.

Bên cạnh đó, Đức cũng nhận được nhiều sự hỗ trợ của nhà trường, sự quan tâm của các thầy, cô, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm - cô Trần Thị Oai. Nhờ vậy, Huy Đức đã vượt qua được giai đoạn khó khăn đó.

Nhận xét về cậu học trò, cô Trần Thị Oai - Giáo viên chủ nhiệm chia sẻ: “Sống trong hoàn cảnh nhiều khó khăn, nhưng Huy Đức luôn có sự nỗ lực rất bền bỉ, kiên cường trong việc tự chăm sóc bản thân, tự quản lý thời gian, tự vươn lên để tìm kiếm tài liệu học tập. Với mục tiêu học tập rõ ràng, cùng với sự cố gắng vượt lên hoàn cảnh, Huy Đức là một trong những tấm gương sáng của mái Trường Trung học phổ thông Hà Văn Mao”.

IMG_2447.jpeg
Cô Trần Thị Oai cùng em Vũ Huy Đức (ngoài cùng bên trái) và các bạn. Ảnh: NVCC.

Nhắc đến hoàn cảnh khó khăn của cậu học trò nhỏ, cô Trần Thị Oai chia sẻ thêm: “Bố mẹ của Đức đều đã có gia đình mới, trong khi điều kiện cũng không mấy khá giả, nên không thể quan tâm nhiều đến con trai. Trong suốt 3 năm học trung học phổ thông, toàn bộ những khoản học phí của Đức chủ yếu đều do người chị ruột vừa học, vừa làm để hỗ trợ; còn lại là nhờ sự trợ giúp từ phía ông bà, họ hàng,...

Bên cạnh đó, với những khoản đóng góp không bắt buộc, tôi sẽ hỗ trợ từ kinh phí cá nhân, hoặc có thể vận động từ phía các bậc phụ huynh hỗ trợ cho em phần nào.

Như trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, các bạn có bố mẹ đưa đi thi hoặc cho chi phí, nhưng Huy Đức không có ai đồng hành, nên tôi chủ động cho em chút ít để động viên tinh thần. Về khoản phí học thêm ở trường, tôi đề xuất với nhà trường giảm 50% cho em; còn lại 50%, tôi sẽ hỗ trợ. Trong các buổi học kèm, dạy kèm, dạy riêng hoặc những khi cần in tài liệu, tôi đều hỗ trợ em.

Trong đời sống thường ngày, tôi cũng cố gắng để có thể chăm lo cho em từ những điều nhỏ nhất. Với cương vị là giáo viên chủ nhiệm, khi gặp một học sinh có hoàn cảnh thiệt thòi như vậy, có lẽ không riêng tôi, mà bất kỳ thầy cô nào khác cũng sẽ có những sự quan tâm, động viên tương tự”.

Cô Oai cũng không giấu nổi niềm tự hào khi chia sẻ về cậu học trò: Ngoài các thành tích như: 01 giải Nhất, 01 giải Khuyến khích trong kỳ thi học sinh giỏi môn Lịch sử cấp tỉnh; 01 Giải Ba tại Hội thao Giáo dục Quốc phòng và An ninh cấp tỉnh, nam sinh Vũ Huy Đức cũng là một trong số những học sinh đạt điểm số rất cao trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông vừa qua.

Tài sản lớn nhất mà em có được là sức khỏe và thời gian

Nhớ lại hành trình mình đã vượt qua, Đức kể, năm học lớp 8 là khoảng thời gian có khá nhiều biến cố xảy ra với bản thân: “Thời điểm ấy, em cũng trong độ tuổi chưa chín chắn về mặt suy nghĩ, lại cộng thêm hoàn cảnh gia đình lúc đó khá phức tạp, nên em đã từng nghĩ đến việc có thể chọn một con đường khác ngoài con đường học tập.

Nhưng nhờ có sự động viên của chị gái, bà nội và những người thân khác, em đã cố gắng tiếp tục học đến năm lớp 9. Khi em chuyển lên sống cùng ông bà ngoại, nghĩ về chi phí học tập và sinh hoạt, lại một lần nữa làm em “chùn bước”. Sau khi được gia đình và các thầy cô khuyên bảo, tiếp thêm động lực, em mới quyết tâm phải theo đuổi việc học đến cùng”.

Chia sẻ về các thành tích đã đạt được đối với môn Lịch sử, Huy Đức cho hay, bên cạnh việc phục vụ cho thi cử, môn học này cũng là niềm đam mê của em: “Em muốn tìm hiểu về lịch sử thế giới, lịch sử Việt Nam, những giá trị văn hóa, về đề tài quân sự, chính trị thế giới,...

Ngoài việc là môn học bắt buộc của chương trình giáo dục phổ thông 2018, Lịch sử là môn mà bản thân em thấy rất cần thiết. Bởi vì, phải có những thế hệ nối tiếp và hiểu về lịch sử, thì những giá trị văn hóa, lịch sử, giá trị tinh thần của dân tộc, những công lao của thế hệ cha ông... mới được biết đến, ngọn lửa yêu nước của dân tộc mới có thể truyền cho các thế hệ sau”.

Trong quá trình tìm hiểu về lịch sử, Đức cũng gặp khá nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn tài liệu, khi rất có nhiều tài liệu phải trả phí mới có thể tìm hiểu.

Trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024, Huy Đức đã đặt nguyện vọng 1 vào Trường Sĩ quan Chính trị, tuy nhiên, vì thiếu 0,5 điểm nên nam sinh đã chọn học ngành Luật tại Trường Đại học Luật Hà Nội.

Bởi vì phải có những thế hệ nối tiếp nhau, hiểu về lịch sử thì những cái giá trị văn hóa, lịch sử, giá trị tinh thần của dân tộc, những công lao của thế hệ cha ông thì mới được biết đến, ngọn lửa .jpg

Nói về cuộc sống của một tân sinh viên, Huy Đức chia sẻ: “Từ Thanh Hóa ra Hà Nội sinh sống và học tập, em cảm thấy có khá nhiều sự khác biệt từ môi trường sống, đến chi phí sinh hoạt khá đắt đỏ so với khả năng tài chính của em.

Hiện nay, em đang sống cùng với gia đình anh chị họ, cũng với sự hỗ trợ chi phí học tập từ chị gái ruột. Tuy nhiên, em muốn tìm một khu trọ khác ở gần trường và ổn định hơn, để có thể tranh thủ vừa học, vừa kiếm việc làm thêm, có thể tự trang trải chi phí.

Đôi khi em cảm thấy hơi nản về kinh phí học tập, nên em cũng đang suy nghĩ về việc bảo lưu qua học kỳ I, để tìm đường hướng ổn định tài chính. Mặt khác, em sẽ ôn và thi lại kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 để có thể đăng ký vào trường quân đội, để giảm bớt gánh nặng chi phí”.

Chia sẻ thêm về điều này, nam sinh cho biết, ước mơ được vào quân đội của cậu đã có từ khi còn rất nhỏ. Hồi đó, Đức thường theo bà nội đi bán rượu, bán than ở một cảng cá vào buổi chiều và đi qua một doanh trại quân đội. Được các chú bộ đội giúp đỡ, động viên rất nhiều, nên cậu học trò đã dần nuôi ước mơ từ thuở ấy. Sau này, khi lớn lên, nhận thấy hoàn cảnh còn nhiều khó khăn về tài chính, khát khao vào trường quân đội của Huy Đức càng lớn hơn bao giờ hết. Đức cho hay, khi tìm hiểu về lịch sử, em lại càng cảm thấy quyết tâm theo đuổi con đường này.

“Em nghĩ, điều kiện của em bây giờ còn khó khăn, nên phải dự tính nhiều con đường khác nhau, để không bị mất đi cơ hội của mình. Đối với em bây giờ, tài sản lớn nhất mà em có được là sức khỏe và thời gian, cho nên em muốn tận dụng tốt nhất những gì mình có”, nam sinh bày tỏ.

Cô Lê Nguyệt Nga - Hiệu Trưởng Trường Trung học phổ thông Hà Văn Mao (tỉnh Thanh Hóa) chia sẻ, Huy Đức ở trường là một học sinh chăm ngoan, luôn cố gắng trong học tập. Do hoàn cảnh gia đình, em thiếu đi sự chăm sóc đầy đủ của cả bố và mẹ như bao bạn bè khác.

Cô Lê Nguyệt Nga - Hiệu Trưởng Trường Trung học phổ thông Hà Văn Mao (Thanh Hóa). Ảnh: NVCC.

Cô Lê Nguyệt Nga - Hiệu Trưởng Trường Trung học phổ thông Hà Văn Mao (Thanh Hóa). Ảnh: NVCC.

“Cùng với sự nỗ lực của học sinh Vũ Huy Đức, các thầy cô nhà trường cũng thường xuyên quan tâm, động viên, giúp đỡ và chia sẻ, do vậy, kết quả học tập qua các năm của Đức rất nổi bật.

Trong kỳ thi học sinh giỏi môn Lịch sử cấp tỉnh, Đức đạt giải Nhất. Đây là một trong các môn mà đa phần các bạn học sinh khác ngại học, lười học, nhưng nhờ sự chăm chỉ học tập và niềm đam mê lịch sử, Đức đã đạt được kết quả rất tốt”, cô Nga cho hay.

IMG_2446.jpeg
Cựu học sinh Trường Trung học phổ thông Hà Văn Mao (Thanh Hóa) tặng đồ dùng học tập cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp khai giảng năm học 2024 - 2025. Ảnh: NTCC.

Theo cô Nga, đối với Đức cũng như những học sinh có hoàn cảnh khó khăn khác nói chung, Trường Trung học phổ thông Hà Văn Mao luôn cố gắng hỗ trợ, động viên các em, không chỉ về mặt tinh thần mà cả vật chất.

“Từ lâu, khi thu các khoản tiền học thêm hay các khoản đóng góp khác, thầy cô nhà trường luôn luôn tạo điều kiện cho các em có hoàn cảnh khó khăn, chỉ mong các em được đến trường, được học tập một cách đầy đủ, trọn vẹn. Cách đây 2 năm, nhà trường kêu gọi các cựu học sinh, những học sinh ưu tú đã ra trường và trưởng thành lập “quỹ khuyến học” để động viên các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp ngày lễ, Tết...

Thực tế, Trường Trung học phổ thông Hà Văn Mao ở huyện Bá Thước - nơi điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, do vậy, việc hỗ trợ trực tiếp và thường xuyên cho học sinh chưa thể thực hiện được, mà chỉ triển khai được vào các dịp lễ, Tết, để động viên tinh thần cho các em học sinh. Hiện nay, nhà trường vẫn đang duy trì công tác kêu gọi, vận động các cựu học sinh ủng hộ cho “quỹ khuyến học” của nhà trường, để có thể hỗ trợ, giúp đỡ nhiều hơn nữa cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn”, nữ hiệu trưởng cho hay.

Thúy Quỳnh