SGK được xây dựng theo hướng mở, yêu cầu giáo viên và học sinh phải đọc nhiều

21/11/2024 08:52
ĐÀO HIỀN

GDVN - Nếu người dạy và người học không chủ động cập nhật, bổ sung thêm kiến thức bên ngoài thì sẽ không thể đáp ứng yêu cầu, mục tiêu của Chương trình GDPT 2018.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã đề ra tiêu chuẩn, yêu cầu và mục tiêu là tiếp cận phẩm chất, năng lực người học. Theo đó, việc đọc sách được đánh giá là một hoạt động quan trọng góp phần hoàn thiện các mục tiêu, định hướng của chương trình mới.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Thị Xuân Hương - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn (Đắk Lắk) cho biết: Ngay cả khi không đổi mới chương trình thì việc đọc sách vẫn luôn là hoạt động cần thiết, nên được duy trì và phát triển ngày càng mạnh mẽ hơn.

Có thể khẳng định rằng, bất kỳ một cuốn sách, tài liệu nào cũng đều chứa đựng kiến thức trong đó. Vậy nên, đọc sách là cách dễ dàng nhất để chúng ta dung nạp thêm kiến thức và duy trì thói quen đọc sách mỗi ngày sẽ giúp bản thân trau dồi một lượng tri thức lớn.

Đối với học sinh, cô Hương nhấn mạnh đọc sách là hoạt động không thể thiếu để phát triển năng lực, phẩm chất và tri thức.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay đã phản ánh, văn hoá đọc tại các trường học và đối với học sinh chưa thật sự được đẩy mạnh. Lý do là vì đa phần học sinh được tiếp cận mạng xã hội từ sớm nên cơ hội tiếp cận của các con đối với sách chưa nhiều. Và hơn hết, phong trào đọc sách tại các trường vẫn chưa được thực hiện tốt, nhà trường vẫn chưa tìm được giải pháp để kích thích sự hứng thú của học sinh đối với việc đọc.

Cô Hương cho hay: Nói đến đọc sách, mọi người có thể sẽ nghĩ ngay đến những bộ sách tầm cỡ như sách nghiên cứu, sách chuyên khảo .. vì cho rằng những bộ sách đặc biệt này mới đủ sức trong việc cung cấp kiến thức giá trị cho người đọc.

Trong khi đó, vai trò của mỗi một bộ sách là như nhau. Tại trường học, bộ sách thân thuộc nhất đối với học sinh là sách giáo khoa, sách tham khảo, sách kỹ năng. Như vậy, muốn kích thích văn hoá đọc cho học sinh thì ngay từ việc lựa chọn bộ sách mà các con tiếp xúc hàng ngày cũng cần phải được chú trọng.

Theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo là một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa. Khi đó, việc lựa chọn bộ sách giáo khoa để đưa vào giảng dạy được giao quyền cho các trường.

1-3380.jpg
Chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo khi đổi mới là một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa.
Ảnh minh hoạ

Đứng trước nhiều sự lựa chọn, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn (Đắk Lắk) cho hay, nhà trường rất coi trọng việc lựa chọn bộ sách giảng dạy trong trường. Theo đó, để thống nhất và lựa chọn được bộ sách cuối cùng, toàn thể cán bộ giáo viên đã dành nhiều thời gian nghiên cứu cả 3 bộ sách, sau đó dựa theo những tiêu chí của chương trình mới và đánh giá sự phù hợp của từng bộ sách đối với đối tượng học sinh của mình.

Theo sự đề xuất của tổ, nhà trường sẽ tổ chức một cuộc họp bao gồm Ban giám hiệu, các tổ trưởng, tổ phó, tổ chuyên môn cùng bàn thảo và sẽ thực hiện dạy thử, sau đó mới có sự đánh giá khách quan để đưa ra quyết định cuối cùng là sử dụng bộ sách nào cho hiệu quả.

Sách giáo khoa mới thúc đẩy phong trào đọc sách đối với cả giáo viên và học sinh

Thầy Phạm Văn Đông, Tổ trưởng tổ Lý - Công nghệ, Trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn (Đắk Lắk) chia sẻ, quá trình nghiên cứu để lựa chọn bộ sách giáo khoa phù hợp đòi hỏi rất nhiều công sức của giáo viên.

Theo đó, khối lượng kiến thức ở từng bộ sách là khác nhau nên đòi hỏi giáo viên phải thật công tâm, nghiêm túc tìm hiểu để phân tích và đánh giá những ưu - nhược điểm của từng bộ sách.

Ngay khi mới nhận được thông tin về việc đổi mới chương trình, thầy Đông đã dành thời gian nghiên cứu cả 3 bộ sách giáo khoa. Cuối cùng thầy quyết định sử dụng sách Vật lý trong bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống để giảng dạy học sinh tại trường.

“Trong cả 3 bộ sách, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống để lại cho mình ấn tượng và đánh giá tốt nhất khi khối lượng kiến thức rất bài bản, rõ ràng. Bố cục thiết kế khoa học, phân chia theo từng chủ đề nên người học và người dạy rất dễ dàng hệ thống kiến thức.

Đặc biệt, các hình ảnh minh hoạ được sử dụng trực quan, những câu hỏi đều có tính gợi mở nên sẽ kích thích được người đọc tìm hiểu, khám phá thêm nhiều kiến thức liên quan.

Đây chính là một trong những yếu tố mà bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống có thể phát triển, kích thích văn hoá đọc của học sinh trong nhà trường", thầy Đông chia sẻ.

vli12kn.jpeg
Sách Vật lý 12 bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống

Không chỉ với đối tượng học sinh, thầy Đông còn cho rằng việc đổi mới chương trình và sử dụng sách giáo khoa theo chương trình mới còn thúc đẩy phong trào đọc sách đối với cả giáo viên.

Trên thực tế, khối lượng kiến thức ở sách giáo khoa không thể đáp ứng đủ nhu cầu, định hướng, mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông 2018. Muốn chất lượng giảng dạy được nâng cao, người học được phát triển toàn diện thì bản thân giáo viên phải tự cập nhật thêm kiến thức bên ngoài.

Đối với bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống, ở những câu hỏi mở, nếu giáo viên không chủ động đọc thêm và cập nhật kiến thức liên quan thì sẽ không thể giải thích một cách chi tiết, cặn kẽ các nội dung đó cho người học.

“Như vậy có thể thấy, ưu điểm lớn nhất của bộ sách giáo khoa chương trình mới là đã tăng tính chủ động của cả giáo viên và học sinh, đặc biệt là việc kích thích, khơi dậy văn hoá đọc sách trong nhà trường”, thầy Đông nêu quan điểm.

Ảnh chụp Màn hình 2024-10-19 lúc 13.58.35.png
Infographic giới thiệu SGK Vật lí 12 bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống. Nguồn NXBGDVN

Đồng tình với quan điểm trên, cô Phạm Thị Hương Thảo – giáo viên Ngữ văn – Tổ trưởng tổ Xã hội, Trường Trung học cơ sở Lê Lợi (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng cho rằng, việc dạy và học sách giáo khoa chương trình mới đòi hỏi giáo viên và học sinh phải “siêng" đọc sách hơn.

Không thể phủ nhận rằng, chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã ảnh hưởng, làm thay đổi bản chất chương trình dạy học trong các cơ sở giáo dục.

Đối với chương trình cũ, việc ra đề thi sẽ xoay quanh các tác phẩm, bài học có sẵn trong sách giáo khoa. Còn hiện nay, chương trình mới đã nêu rõ yêu cầu về mục tiêu là phát triển phẩm chất, năng lực người học, giúp học sinh nâng cao khả năng sáng tạo, tìm hiểu, khám phá.

Thậm chí đối với đề thi môn Ngữ Văn theo chương trình mới sẽ không được sử dụng ngữ liệu trong sách giáo khoa.

Với những yêu cầu đó, theo cô Hương, cả giáo viên và học sinh sẽ không thể thụ động mà buộc phải thích nghi, thay đổi để đáp ứng những tiêu chí đó.

Như vậy, thay vì lối tư duy cũ là học và ôn tập theo định hướng của giáo viên và chỉ chú trọng các nội dung có sẵn trong sách giáo khoa thì hiện nay, học sinh phải có sự chủ động trong việc tìm hiểu thêm các kiến thức bên ngoài. Và muốn có thêm kiến thức mới thì bắt buộc phải đọc sách.

Đối với giáo viên cũng không ngoại lệ khi phải trau dồi kỹ năng chuyên môn và tích lũy kinh nghiệm để tìm ra phương pháp dạy học hiệu quả, phù hợp với chương trình mới thay vì dạy nhiều lần 1 nội dung.

“Trước đây, giáo viên dạy Ngữ Văn chỉ dạy các tác phẩm trong sách giáo khoa thì bây giờ sẽ phải chủ động cập nhật thêm nhiều kiến thức, nội dung từ các tác phẩm khác để lấy ngữ liệu ví dụ, minh chứng cho học sinh vận dụng.

Chẳng hạn, trong sách giáo khoa Ngữ Văn 6 thuộc bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống có đoạn trích trong tác phẩm Cô Tô của nhà văn Nguyễn Tuân.

Khi dạy bài học này, giáo viên không chỉ dạy những nội dung trong đoạn trích mà còn phải giới thiệu đến nhà văn Nguyễn Tuân, giải thích khái niệm thể loại “Kí" cho học sinh hiểu được bản chất của tác phẩm.

Vì các đề thi, đề kiểm tra không được sử dụng ngữ liệu trong sách giáo khoa nên giáo viên phải lấy ví dụ thêm một số tác phẩm khác của nhà văn Nguyễn Tuân. Chính từ việc giới thiệu, lấy ví dụ từ những tác phẩm liên quan sẽ kích thích sự tò mò, hứng thú tìm hiểu của người học, qua đó phát triển văn hoá đọc trong nhà trường”, cô Thảo cho hay.

SHS Ngu van 6 tap 1 Bia.jpeg
Ảnh minh hoạ

Nhận xét về sách Ngữ Văn - bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống mà cô Thảo đang dạy tại trường, cô dành lời khen cho bộ sách khi dung lượng kiến thức vừa phải, được hệ thống rõ ràng và sắp xếp một cách khoa học, giúp người dạy và cả người học dễ dàng nắm bắt kiến thức.

Ngoài việc kế thừa từ chương trình và sách giáo khoa cũ, sách giáo khoa mới được thiết kế với hướng mở, giúp giáo viên được thăng hoa trong từng tiết dạy, tự do trong việc sử dụng ngữ liệu cũng như lựa chọn các phương pháp giảng dạy phù hợp với đối tượng học sinh của mình.

Mặt khác, sách giáo khoa mới còn kết hợp và cập nhật kiến thức một cách có chọn lọc, gần gũi với nhận thức của từng lứa tuổi, qua đó giúp người học dễ dàng nắm bắt và vận dụng trong thực tế.

ĐÀO HIỀN