Học sinh chủ động khám phá, liên hệ thực tiễn khi sử dụng SGK chương trình mới

27/10/2024 08:12
Ngọc Mai

GDVN - 2 bộ sách giáo khoa chú trọng đến việc truyền đạt kiến thức, phát triển kỹ năng như giao tiếp, làm việc nhóm, tư duy phản biện và thực hành.

Để có được bộ sách giáo khoa chất lượng, đáp ứng được yêu cầu của đổi mới chương trình phổ thông, các nhà xuất bản phải huy động đông đảo các nhà sư phạm, nhà giáo, nhà khoa học tham gia.

Dựa trên những đặc điểm như mức độ phong phú, đa dạng của sách giáo khoa, tình hình phát triển kinh tế - xã hội, đặc thù vùng miền và đối tượng người học,... các địa phương, trường học, giáo viên có thể đưa ra được sự lựa chọn sách giáo khoa của từng môn, từng bộ sao cho phù hợp.

Sách giáo khoa có nội dung phong phú và gắn liền thực tiễn

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Đồng Văn Hương - Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Cẩm Lý (tỉnh Bắc Giang) nhận định, sự phong phú, đa dạng của sách giáo khoa theo chương trình mới có thể mở ra khả năng phát triển nền giáo dục mở. Từ đó, góp phần thay đổi tư duy, thúc đẩy đổi mới phương pháp dạy học và đánh giá cho giáo viên, phát huy được năng lực của học sinh.

Chia sẻ ưu điểm của Bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống Bộ sách Chân trời sáng tạo, thầy Hương cho biết, thứ nhất, về cách thức trình bày và nội dung, cả 2 bộ sách đều có cách trình bày đẹp mắt, sinh động với nhiều hình ảnh, biểu đồ, bảng biểu minh họa phong phú, giúp thu hút sự chú ý của học sinh. Đơn cử, môn Địa lý lớp 10 Bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống sử dụng nhiều bản đồ màu, sơ đồ và hình ảnh thực tế để học sinh dễ hình dung về các hiện tượng địa lý và kinh tế toàn cầu.

Ảnh: Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam
Ảnh: Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam

Nội dung sách giáo khoa Bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống có ưu điểm nổi bật là cách trình bày nội dung gắn liền với thực tế cuộc sống. Các bài học thường đi từ những ví dụ thực tế hoặc vấn đề mà học sinh có thể bắt gặp trong cuộc sống hàng ngày. Ví dụ, môn Toán lớp 10 Bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống có nhiều bài toán liên quan đến các tình huống tài chính, tiêu dùng và kinh doanh, giúp học sinh áp dụng kiến thức vào giải quyết các vấn đề thực tế.

Bộ sách Chân trời sáng tạo tập trung vào phát triển khả năng sáng tạo và tư duy của học sinh thông qua việc đặt ra nhiều câu hỏi mở và khuyến khích các hoạt động trải nghiệm. Cụ thể như môn Ngữ văn của Bộ sách Chân trời sáng tạo thường yêu cầu học sinh sáng tác hoặc liên hệ với cuộc sống của bản thân khi phân tích các tác phẩm văn học.

Thứ hai, đối với giáo viên, cả hai bộ sách đều mang tính chất mở, giúp giáo viên có nhiều lựa chọn hơn trong việc triển khai bài giảng. Giáo viên không bị bó buộc phải theo trình tự nhất định mà có thể điều chỉnh nội dung phù hợp với năng lực của học sinh. Ví dụ như, môn Sinh học lớp 11 của Bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống cho phép giáo viên linh hoạt tổ chức các thí nghiệm, từ những thí nghiệm đơn giản đến những bài kiểm tra nâng cao tùy theo điều kiện của trường và khả năng của học sinh.

Chưa kể, các bài học trong sách giáo khoa của 2 bộ đều khuyến khích giáo viên áp dụng phương pháp giảng dạy hiện đại như học tập dựa trên dự án, học nhóm, và thực hành trải nghiệm. Với môn Lịch sử của Bộ sách Chân trời sáng tạo, giáo viên có thể tổ chức các buổi thảo luận, đóng vai lịch sử hoặc sử dụng tư liệu trực quan để học sinh tự nghiên cứu và trình bày về các sự kiện lịch sử.

“Hai bộ sách giáo khoa có hệ thống tài liệu tham khảo đa dạng, giúp giáo viên dễ dàng tìm thêm các nguồn tài liệu để bổ sung và mở rộng kiến thức cho học sinh. Với sách giáo khoa Văn học của Bộ sách Chân trời sáng tạo, giáo viên có thể khai thác nhiều bài đọc thêm, liên kết với các tác phẩm văn học nước ngoài để mở rộng kiến thức cho học sinh”, thầy Hương chia sẻ.

Thứ ba, đối với học sinh, 2 bộ sách giáo khoa không chỉ chú trọng đến việc truyền đạt kiến thức mà còn phát triển các kỹ năng như giao tiếp, làm việc nhóm, tư duy phản biện và kỹ năng thực hành. Các bài học không chỉ dừng lại ở việc học thuộc lòng mà yêu cầu học sinh tự nghiên cứu và sáng tạo ra các ý tưởng mới.

Cả hai bộ sách đều sử dụng ngôn ngữ dễ hiểu, nội dung không quá nặng về lý thuyết mà luôn gắn với các tình huống thực tiễn, giúp học sinh tiếp thu kiến thức một cách tự nhiên và hiệu quả. Ví dụ, sách giáo khoa Tiếng Anh trong Bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống thường đưa ra các tình huống giao tiếp hàng ngày, giúp học sinh thực hành các kỹ năng ngôn ngữ trong đời sống.

Thứ tư, cả hai bộ sách giáo khoa đều hướng tới phát triển kỹ năng sống. Cụ thể, đối với Bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống tập trung vào việc giúp học sinh phát triển kỹ năng sống và ứng dụng kiến thức vào các hoạt động thường nhật. Trong khi đó, Bộ sách Chân trời sáng tạo mang đến môi trường khuyến khích học sinh khám phá, phát triển tư duy sáng tạo.

Ví dụ, với sách giáo khoa môn Toán lớp 11 của Bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống, học sinh có thể học cách tính toán lãi suất, quản lý tài chính cá nhân – những kỹ năng thực sự cần thiết trong cuộc sống.

“Với cách thiết kế hiện đại, nội dung phong phú và gắn liền thực tiễn, 2 bộ sách giáo khoa đã góp phần phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh một cách toàn diện. Cả hai bộ sách đều chú trọng đến việc phát triển tư duy sáng tạo, kỹ năng giải quyết vấn đề, và tư duy phản biện thông qua các bài học đa dạng và câu hỏi mở. Học sinh được khuyến khích tự học, tự khám phá, và liên hệ kiến thức vào thực tế cuộc sống. Sự linh hoạt trong cách trình bày nội dung giúp giáo viên dễ dàng cá nhân hóa giảng dạy, từ đó phát huy tối đa năng lực của từng học sinh. Điều này không chỉ giúp học sinh nắm vững kiến thức mà còn rèn luyện các kỹ năng sống cần thiết cho tương lai”, thầy Hương chia sẻ.

Cũng theo thầy Hương, thầy cô giáo nhà trường đã sử dụng sách giáo khoa theo hướng linh hoạt và sáng tạo, tập trung vào phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh. Giáo viên đã áp dụng các phương pháp dạy học mới như học tập theo dự án, thảo luận nhóm, và học qua trải nghiệm thực tế, giúp học sinh phát huy khả năng tư duy độc lập và sáng tạo. Các bài học được điều chỉnh để phù hợp với nhu cầu, năng lực của học sinh, tạo ra môi trường học tập tích cực và chủ động. Học sinh không chỉ học lý thuyết mà còn rèn luyện kỹ năng giải quyết vấn đề và áp dụng kiến thức vào cuộc sống, đáp ứng mục tiêu giáo dục toàn diện của chương trình mới.

Một số góp ý của giáo viên

Chia sẻ với phóng viên, một hiệu trưởng trường phổ thông ở Hà Nội nhận xét, sách giáo khoa Bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống và Bộ sách Chân trời sáng tạo được biên soạn đã và đang góp phần chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học.

Cùng với đó, một số nội dung bài học trong sách giáo khoa cần cập nhật thông tin thành tựu khoa học mới, hàng năm khi tái bản để đảm bảo tính thời sự.

Ngoài ra, cần đẩy mạnh học liệu số (kênh chữ, kênh hình ảnh, video) để giáo viên và học sinh có thể khai thác đơn giản và sử dụng hiệu quả trong quá trình học tập.

Trong khi đó, một số giáo viên Trường Trung học phổ thông Cẩm Lý cũng có góp ý.

Theo đó, sách giáo khoa nên tăng cường nội dung tích hợp liên môn. Cụ thể, sách nên xây dựng nhiều bài học liên kết giữa các môn học để học sinh có cái nhìn toàn diện hơn, từ đó phát triển khả năng tư duy đa chiều và giải quyết vấn đề phức tạp.

Mặc dù đã có những nội dung gắn liền thực tiễn, sách nên thêm nhiều hơn các bài tập thực hành và tình huống gần gũi với cuộc sống hàng ngày, giúp học sinh dễ dàng liên hệ và áp dụng kiến thức. Bổ sung các phần mở rộng và bài tập nâng cao, đa dạng hóa mức độ khó để đáp ứng nhu cầu và năng lực khác nhau của học sinh, tạo điều kiện cho cả học sinh giỏi và yếu đều có thể tiến bộ, từ đó giúp cá nhân hóa việc học.

“Những góp ý trên đây sẽ giúp cả giáo viên và học sinh dễ dàng đạt được các mục tiêu phát triển năng lực và phẩm chất của chương trình giáo dục mới”, thầy Hương chia sẻ.

Ngọc Mai