Một số điểm mới của dự thảo quy chế tuyển sinh THPT

20/10/2024 07:40
HƯƠNG GIANG

GDVN - Những điểm mới của dự thảo Thông tư mà Bộ vừa công bố sẽ giúp cho các Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện tốt hơn công tác tuyển sinh 10.

Từ năm học 2015-2014 cho đến năm học 2024-2025, các địa phương thực hiện công tác tuyển sinh 10 theo Thông tư số 11/2014/TT-BGDĐT. Bắt đầu từ năm học 2025-2026 tới đây, kỳ thi tuyển sinh 10 đầu tiên của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ được tổ chức. Việc tuyển sinh khóa đầu tiên của chương trình mới sẽ có nhiều thay đổi.

Chính vì thế, ngày 18/10, Bộ đã công bố dự thảo Thông tư Ban hành Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông. Theo đó, từ kỳ thi 10 cho năm học 2025-2026 , Bộ dự kiến các địa phương sẽ tổ chức theo một trong ba phương thức: xét tuyển, thi tuyển hoặc kết hợp thi tuyển với xét tuyển.

Ba phương thức tuyển sinh 10 trong dự thảo có nét tương đồng với Thông tư số 11/2014/TT-BGDĐT nhưng dự thảo cũng có nhiều điểm mới. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ so sánh nội dung cơ bản của Thông tư số 11/2014/TT-BGDĐT với dự thảo mà Bộ vừa công bố.

gdvn-kv-9053-4334.jpg
Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa

Những điểm mới trong dự thảo

Thông tư số 11/2014/TT-BGDĐT
Dự thảo Thông tư
Điều 5. Đối tượng và phương thức tuyển sinh
1. Đối tượng tuyển sinh là người học đã tốt nghiệp trung học cơ sở Chương trình giáo dục phổ thông hoặc Chương trình giáo dục thường xuyên có độ tuổi theo quy định tại Khoản 2 Điều 2 Quy chế này.
2. Tuyển sinh trung học phổ thông được tổ chức theo một trong ba phương thức sau:
a) Xét tuyển: dựa trên kết quả rèn luyện, học tập của 4 năm học ở trung học cơ sở của đối tượng tuyển sinh, nếu lưu ban lớp nào thì lấy kết quả năm học lại của lớp đó;
b) Thi tuyển;
c) Kết hợp thi tuyển với xét tuyển.
Điều 11. Phương thức tuyển sinh trung học phổ thông
Tuyển sinh trung học phổ thông được tổ chức theo một trong ba phương thức: xét tuyển, thi tuyển hoặc kết hợp thi tuyển với xét tuyển.
1. Xét tuyển: căn cứ để xét tuyển là kết quả rèn luyện và kết quả học tập các năm học chương trình giáo dục phổ thông cấp trung học cơ sở hoặc chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở của đối tượng tuyển sinh, nếu lưu ban lớp nào thì lấy kết quả năm học lại của lớp đó.
2. Thi tuyển: căn cứ để xét tuyển là kết quả thi tuyển theo quy định tại Điều12 Quy chế này.
3. Kết hợp thi tuyển với xét tuyển: căn cứ để xét tuyển là sự kết hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.
Điểm mới của dự thảo: mặc dù cùng hướng dẫn về phương thức tuyển sinh và cùng có 3 phương thức tuyển sinh như nhau nhưng dự thảo Thông tư lần này, chúng ta thấy Bộ hướng dẫn kĩ hơn Thông tư số 11/2014/TT-BGDĐT về số môn thi và cách thức chọn môn thi thứ 3.

Thông tư số 11/2014/TT-BGDĐT không quy định số môn thi nên các địa phương lựa chọn 2 môn; 3 môn và có cả những địa phương lựa chọn 4 môn trong kỳ thi tuyển sinh 10. Bây giờ, dự thảo quy định ngoài 2 môn Toán và Văn thì môn thi thứ ba được lựa chọn trong số các môn học có đánh giá bằng điểm số trong chương trình giáo dục phổ thông cấp trung học cơ sở.

Việc lựa chọn môn thi thứ ba có sự thay đổi qua các năm nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện trong giai đoạn giáo dục cơ bản. Điều này có nghĩa các môn học đánh giá bằng điểm số đều có thể là môn thi thứ 3 và được thay đổi theo từng năm.
Điều 10. Trách nhiệm của sở giáo dục và đào tạo
1. Lập kế hoạch tuyển sinh, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt, bao gồm các nội dung chính sau: địa bàn, phương thức, đối tượng, chế độ ưu tiên và khuyến khích, tổ chức công tác tuyển sinh trung học phổ thông.
Riêng đối với những địa phương chọn phương thức thi tuyển hoặc kết hợp thi tuyển với xét tuyển cần có thêm các nội dung sau:
a) Môn thi, ra đề thi, hình thức thi, thời gian làm bài, hệ số điểm bài thi, điểm cộng thêm;
b) Tổ chức, nhiệm vụ và hoạt động, quyền hạn và trách nhiệm của hội đồng ra đề thi, hội đồng coi thi, hội đồng chấm thi, hội đồng phúc khảo bài thi; công tác ra đề thi, sao in, gửi đề thi.
2. Hướng dẫn công tác tuyển sinh cho các phòng giáo dục và đào tạo, trường trung học phổ thông.
3. Ra quyết định thành lập hội đồng tuyển sinh; quyết định phê duyệt kết quả tuyển sinh của từng trường trung học phổ thông. Tiếp nhận hồ sơ của các hội đồng tuyển sinh, hội đồng coi thi, hội đồng chấm thi.
4. Tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác tuyển sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông.
Điều 12. Tổ chức thi tuyển
1. Môn thi
a) Số môn thi: 03 (ba) môn gồm Toán, Ngữ văn và 01 (một) môn thi thứ ba hoặc bài thi tổ hợp do Sở Giáo dục và Đào tạo, cơ sở giáo dục đại học lựa chọn 01(một) trong 02 (hai) phương án sau và được công bố trước ngày 31 tháng 3 hằng năm:
- Môn thi thứ ba được lựa chọn trong số các môn học có đánh giá bằng điểm số trong chương trình giáo dục phổ thông cấp trung học cơ sở. Việc lựa chọn môn thi thứ ba có sự thay đổi qua các năm nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện trong giai đoạn giáo dục cơ bản;
- Bài thi tổ hợp các môn học được lựa chọn trong số các môn học có đánh giá bằng điểm số trong chương trình giáo dục phổ thông cấp trung học cơ sở.
b) Thời gian làm bài thi: Ngữ văn là 120 phút; Toán là 90 phút hoặc 120 phút; môn thi thứ ba là 60 phút hoặc 90 phút; bài thi tổ hợp là 90 phút hoặc 120 phút.
c) Nội dung thi: nằm trong chương trình giáo dục phổ thông cấp trung học cơ sở, chủ yếu là chương trình lớp 9.
d) Đối với việc tuyển sinh trường trung học phổ thông chuyên, sử dụng kết quả các môn thi quy định tại điểm a của khoản này và có thêm 01 (một) môn thi chuyên. Mỗi môn chuyên có một đề thi riêng theo chương trình môn học cấp trung học cơ sở, có nội dung phù hợp với môn chuyên, bảo đảm lựa chọn được những học sinh có năng khiếu về môn chuyên đó. Thời gian làm bài thi môn chuyên là 150 phút.
2. Ra đề thi
a) Công tác ra đề thi phải bảo bảo đảm an toàn, bảo mật ở tất cả các khâu: ra đề, in sao đề thi, vận chuyển, bàn giao và bảo quản đề thi; đề thi bảo đảm chính xác, khoa học và tính sư phạm; có đề thi chính thức và đề thi dự bị; mỗi đề thi có đáp án kèm theo, riêng đề thi tự luận có thêm hướng dẫn chấm thi.
b) Thành phần Hội đồng ra đề thi gồm Chủ tịch Hội đồng, Phó Chủ tịch Hội đồng là lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo hoặc lãnh đạo các phòng trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo (đối với cơ sở giáo dục đại học là lãnh đạo cơ sở giáo dục đại học hoặc lãnh đạo các phòng trực thuộc cơ sở giáo dục đại học), Thư kí, người soạn thảo đề thi, người phản biện đề thi, cán bộ công an, nhân viên phục vụ, nhân viên y tế, lực lượng bảo vệ. Người soạn thảo đề thi và người phản biện đề thi là chuyên viên, cán bộ quản lí, giảng viên, giáo viên có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực chuyên môn phù hợp, am hiểu chương trình môn học ở cấp trung học cơ sở. Mỗi môn thi có ít nhất 01 (một) người soạn thảo đề thi hoặc người phản biện đề thi là giáo viên cấp trung học cơ sở.
c) Trách nhiệm và quyền hạn của các thành viên Hội đồng ra đề thi
- Chủ tịch Hội đồng: điều hành toàn bộ công việc của Hội đồng; xây dựng quy định làm việc, phân công công việc cho các thành viên của Hội đồng; kí duyệt các đề thi chính thức và đề thi dự bị, hướng dẫn chấm thi của đề thi chính thức và đề thi dự bị; xem xét, báo cáo cấp có thẩm quyền phương án xử lí sự cố về đề thi; xem xét,quyết định hoặc đề nghị khen thưởng, kỉ luật đối với các thành viên trong Hội đồng;
- Phó Chủ tịch Hội đồng: giúp Chủ tịch Hội đồng trong công tác điều hành theo phân công của Chủ tịch Hội đồng;
- Người soạn thảo đề thi, người phản biện đề thi: thực hiện soạn thảo, phản biện đề thi theo phân công của Chủ tịch Hội đồng ra đề thi; thực hiện các công việc khác do Chủ tịch Hội đồng phân công;
- Thư kí: giúp lãnh đạo Hội đồng xây dựng kế hoạch làm việc của Hội đồng,soạn thảo văn bản, lập bảng biểu, ghi biên bản các cuộc họp của Hội đồng; chuẩn bị các số liệu, tài liệu, điều kiện và phương tiện để Hội đồng làm việc; thực hiện các công việc khác do Chủ tịch Hội đồng phân công;
- Lực lượng công an: có trách nhiệm xây dựng, triển khai phương án, bảo đảm an ninh an toàn, cách li thông tin, kiểm soát người, đồ vật ra/vào, các cuộc liên lạc bằng điện thoại cố định tại khu vực làm việc của Hội đồng ra đề thi; tham mưu Chủ tịch Hội đồng ra đề thi xử lí các tình huống về an ninh, an toàn và thực hiện các nhiệm vụ khác do Chủ tịch Hội đồng ra đề thi phân công;
- Người làm nhiệm vụ bảo vệ, y tế, nhân viên phục vụ: thực hiện các công việc do Chủ tịch Hội đồng phân công.
3. Coi thi
a) Công tác coi thi phải bảo đảm công bằng, an toàn, nghiêm túc. Quy trình coi thi và phân công trách nhiệm các thành phần tham gia coi thi phải đầy đủ, rõ ràng, bảo đảm tính độc lập, khách quan giữa các khâu; có biện pháp hiệu quả để chống gian lận trong thi cử. Bố trí cơ cấu giám thị, cán bộ giám sát coi thi phù hợp với số lượng phòng thi; số lượng thí sinh trong mỗi phòng thi không quá 24 (hai mươi bốn) thí sinh, mỗi phòng thi bố trí 02 (hai) giám thị.
b) Thành phần Hội đồng coi thi gồm: Chủ tịch Hội đồng là Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng trường trung học phổ thông; Phó Chủ tịch là Phó hiệu trưởng, Tổ trưởng chuyên môn trường trung học phổ thông; Thư kí và giám thị là giảng viên, giáo viên; cán bộ công an, nhân viên phục vụ, nhân viên y tế, lực lượng bảo vệ.
c) Trách nhiệm và quyền hạn của các thành viên Hội đồng coi thi:
- Chủ tịch Hội đồng: điều hành toàn bộ công việc của Hội đồng; tổ chức cho các thành viên của Hội đồng và thí sinh học tập, nắm vững, thực hiện đúng Quy chế thi, Hướng dẫn tổ chức thi và các văn bản khác liên quan; xử lí các sự cố bất thường trong quá trình coi thi; xem xét, quyết định hoặc đề nghị hình thức khen thưởng, kỉ luật đối với các thí sinh và các thành viên của Hội đồng;
- Phó Chủ tịch Hội đồng: giúp Chủ tịch Hội đồng trong công tác điều hành theo phân công của Chủ tịch Hội đồng;
- Thư kí: giúp Chủ tịch Hội đồng soạn thảo các văn bản, lập bảng biểu và ghi biên bản các cuộc họp của Hội đồng; thực hiện các công việc khác do Chủ tịch Hội đồng phân công;- Giám thị: thực hiện nhiệm vụ coi thi theo phân công của Chủ tịch Hội đồng;
- Công an, bảo vệ, nhân viên y tế và nhân viên phục vụ kì thi: thực hiện nhiệm vụ theo phân công của Chủ tịch Hội đồng; không được vào phòng thi trong thời gian thí sinh làm bài thi. Trong trường hợp thí sinh có sự cố về sức khỏe trong phòng thi, nhân viên y tế chỉ được vào phòng thi để xử lí khi nhận được sự đồng ý của Chủ tịch Hội đồng coi thi.
4. Chấm thi
a) Việc chấm thi phải bảo đảm an toàn, bảo mật bài thi ở tất cả các khâu: nhận bàn giao bài thi, bảo quản bài thi, làm phách, tổ chức chấm thi. Với bài thi tự luận, phải tổ chức cho giám khảo nghiên cứu, thảo luận vận dụng đáp án và hướng dẫn chấm; tổ chức chấm chung ít nhất 10 (mười) bài thi; tổ chức chấm hai vòng độc lập. Với bài thi trắc nghiệm, phải tổ chức tập huấn cho giám khảo về sử dụng phần mềm chấm thi. Phần mềm chấm thi phải bảo đảm chính xác, khoa học; được nghiệm thu trước khi đưa vào sử dụng chấm thi.
b) Thành phần Hội đồng chấm thi gồm: Chủ tịch Hội đồng, Phó chủ tịch Hội đồng là lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo hoặc lãnh đạo các phòng trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo (đối với cơ sở giáo dục đại học là lãnh đạo cơ sở giáo dục đại học hoặc lãnh đạo các phòng trực thuộc cơ sở giáo dục đại học), Thư kí, giám khảo,cán bộ công an, nhân viên phục vụ, nhân viên y tế, lực lượng bảo vệ; giám khảo là giảng viên, giáo viên am hiểu chương trình môn học ở cấp trung học cơ sở.
c) Trách nhiệm và quyền hạn của các thành viên Hội đồng chấm thi
- Chủ tịch Hội đồng: điều hành toàn bộ công việc của Hội đồng chấm thi; đình chỉ việc chấm thi của giám khảo khi giám khảo vi phạm Quy chế thi; xây dựng phương án xử lí kết quả thi; xem xét và kết luận các hình thức kỉ luật đối với những người vi phạm Quy chế thi;
- Phó Chủ tịch Hội đồng: chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo phân công hoặc ủy nhiệm của Chủ tịch Hội đồng;
- Thư kí: chịu trách việc soạn thảo các văn bản, lập các bảng, biểu theo quy định, ghi biên bản các cuộc họp Hội đồng; ghép phách, lên điểm thi; thực hiện các công việc khác do Chủ tịch Hội đồng phân công;
- Giám khảo: thực hiện nhiệm vụ chấm thi và các nhiệm vụ khác theo phân công của Chủ tịch Hội đồng;
- Công an, bảo vệ, nhân viên phục vụ: thực hiện các công việc theo sự điều hành của Chủ tịch Hội đồng.
5. Phúc khảo bài thi
a) Việc phúc khảo bài thi phải bảo đảm an toàn, bảo mật bài thi ở tất cả các khâu: rút bài thi, bàn giao bài thi, bảo quản bài thi, chấm phúc khảo bài thi; quy trình chấm phúc chấm phúc khảo thực hiện như quy trình chấm thi.Với bài thi trắc nghiệm, thực hiện đối chiếu từng câu trả lời đã tô trên phiếu trả lời trắc nghiệm với hình ảnh đã quét lưu trong máy tính. Nếu có những sai lệch giữa phiếu trả lời trắc nghiệm và kết quả lưu trên máy tính, phải xác định rõ nguyên nhân để tìm ra kết quả chính xác; thực hiện in kết quả chấm từ phần mềm chấm thi trước và sau khi sửa lỗi để lưu hồ sơ.
b) Thành phần, trách nhiệm và quyền hạn của các thành viên Hội đồng phúc khảo bài thi thực hiện như thành phần, trách nhiệm và quyền hạn của các thành viên Hội đồng chấm thi quy định tại khoản 4 Điều này. Thành phần giám khảo chấm phúc khảo không được trùng với giám khảo Hội đồng chấm thi.
6. Điểm xét tuyển vào lớp 10 trung học phổ thông là tổng điểm của các môn thi, bài thi tính theo thang điểm 10 với mỗi môn thi, bài thi. Việc công bố điểm chuẩn được thực hiện đồng thời với công bố điểm thi.

Điểm mới của dự thảo Thông tư: Nếu như Thông tư số 11/2014/TT-BGDĐT chỉ quy định mang tính khái quát thì dự thảo Thông tư Ban hành Quy chế tuyển sinh Trung học phổ thông lần này có tính cụ thể hơn.

Dự thảo đã hướng dẫn rõ môn thi bắt buộc, lựa chọn và trách nhiệm của Hội đồng ra đề thi; Hội đồng coi thi; Hội đồng chấm thi rất chi tiết, rõ ràng. Đặc biệt, thành phần giám khảo chấm phúc khảo không được trùng với giám khảo Hội đồng chấm thi. Với quy định này, sẽ giúp cho công tác phúc khảo thuận lợi và công bằng cho thí sinh.

Những điểm mới của dự thảo sẽ giúp cho các Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện tốt hơn công tác tuyển sinh 10. Từ đó, tránh được những hạn chế, sai sót (nếu có) nhằm mang lại quyền lợi, sự công bằng tối đa có các thí sinh dự thi.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

HƯƠNG GIANG