GV đánh giá đề tham khảo môn Toán phân hóa cao, câu hỏi mang tính liên môn

23/10/2024 09:15
Thu Trang

GDVN -Giáo viên đánh giá đề tham khảo môn Toán thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2025 mang tính ứng dụng, có sự phân hóa mạnh với các thí sinh.

Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố đề thi tham khảo của 18 môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2025, trong đó có môn Toán.

So với những năm trước, năm nay đề thi tham khảo được công bố sớm hơn gần 5 tháng; qua đó, giúp nhà trường, giáo viên, học sinh chủ động trong quá trình dạy, học và ôn tập chuẩn bị cho Kỳ thi đầu tiên của chương trình giáo dục phổ thông mới.

Nâng cao khả năng phân loại thí sinh

Đánh giá về đề thi tham khảo môn Toán, thầy Nguyễn Quang Thi, giáo viên Toán, Trường Trung học phổ thông Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng nhận xét: “Đề thi tham khảo môn Toán tốt nghiệp trung học phổ thông khá hay, phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới, phân loại từng đối tượng học sinh”.

Về cấu trúc, đề Toán chủ yếu sử dụng kiến thức lớp 11 và 12, được chia thành 3 phần. Dạng câu hỏi trong đề thi không có gì lạ so với chương trình giáo dục phổ thông mới mà học sinh đang theo học nhưng vẫn phân loại được từng đối tượng học sinh.

Bộ Giáo dục và Đào tạo thiết kế đề thi với độ khó tăng dần, câu hỏi nâng cao để phân loại chủ yếu ở phần 2 và ở phần 3. Với những câu hỏi ở phần này là một chuỗi kiến thức đòi hỏi học sinh biết lập luận, suy đoán và tính toán mới làm được.

Phần 1 trong đề thi tham khảo môn Toán của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025
Phần 1 trong đề thi tham khảo môn Toán của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025

Với phần 1, gồm 12 là câu hỏi, mỗi câu có 4 lựa chọn, học sinh chỉ chọn một đáp án cho mỗi câu và được 0,25 điểm.

Với Chương ứng dụng đạo hàm để khảo sát và vẽ đồ thị có 2 câu (câu 5 và câu 12). Chương nguyên hàm, tích phân và ứng dụng có 2 câu (câu 1 và câu 2). Chương phương trình mặt phẳng, đường thẳng và mặt cầu có 2 câu (câu 4 và câu 7). Chương thống kê có 1 câu (câu 3). Chương vectơ và hệ toạ độ trong không gian có 1 câu (câu 11).

Đối với chương trình lớp 11, phần phương trình - bất phương trình mũ và lôgarit có 2 câu (câu 6 và câu 9), phần quan hệ vuông góc trong không gian có 1 câu (câu 8), phần cấp số cộng có 1 câu (câu 10).

“Với phần 1 như vậy, học sinh yên tâm không bị điểm liệt và coi như hưởng trọn 3 điểm. Phần này đã quen thuộc và học sinh cũng được rèn luyện trong một thời gian dài nên rất nhuần nhuyễn. Đây là phần dễ nhất của đề thi, tạo điều kiện lấy điểm cho phần lớn học sinh”, thầy Thi chia sẻ.

Phần 2 gồm 4 câu hỏi, mỗi câu có 4 ý a), b), c) và d). Đây là dạng câu hỏi trắc nghiệm nói về đúng sai. Số điểm được luỹ tiến theo từng ý và tối đa 1 điểm cho 1 câu hỏi.

Cụ thể, câu 1 thuộc chương ứng dụng đạo hàm để khảo sát và vẽ đồ thị, cho câu hàm lượng giác nên học trở ngại trong tính toán và giải phương trình nhưng học sinh vẫn vượt qua nhẹ nhàng. Câu 2 thuộc chương nguyên hàm, tích phân và ứng dụng là câu hỏi thực tế nhưng học sinh hoàn toàn làm được vì ở trường luyện dạng này rất nhiều.

Câu 3 thuộc chương xác suất, mặc dù câu dễ nhưng nhiều học sinh vẫn mắc lỗi sai do xác suất. Câu 4 thuộc hai chương, gồm chương vectơ và hệ toạ độ trong không gian và chương phương trình mặt phẳng, đường thẳng và mặt cầu là câu hỏi thực tế. Tuy nhiên lời dẫn trong đề khá dài, ít nhiều gây khó khăn cho học sinh, nhưng nếu nắm chắc kiến thức, các em vẫn có thể hoàn thành được.

“Dạng câu hỏi này trong quá trình dạy học và kiểm tra giáo viên cũng chú trọng rèn luyện cho học sinh. Cái hay ở đây là điểm tăng lên theo từng ý của mỗi câu và làm trọn vẹn 1 câu thì được 1 điểm.

Tổng điểm phần này là 4 điểm nhưng để làm được đòi hỏi thí sinh phải có năng lực, kiến thức kỹ năng toàn diện mới đạt được điểm tối đa, nó hạn chế được việc "khoanh bừa" chọn đáp án từ các phương án nhiễu như của dạng trắc nghiệm nhiều lựa chọn.

Xác suất khoanh ngẫu nhiên để đạt điểm tối đa nhỏ hơn 4 lần so với dạng thức trắc nghiệm nhiều lựa chọn hiện nay. Theo tôi, học sinh không dễ để đạt điểm tối đa phần này”, thầy Thi thông tin thêm.

Phần 2 chiếm 4 điểm, gồm các câu trắc nghiệm đúng sai, mỗi câu 4 ý và được sắp xếp tăng dần độ khó từ cấp độ nhận biết - thông hiểu - vận dụng.
Phần 2 chiếm 4 điểm, gồm các câu trắc nghiệm đúng sai, mỗi câu 4 ý và được sắp xếp tăng dần độ khó từ cấp độ nhận biết - thông hiểu - vận dụng.

Sang đến Phần 3, phần này chiếm 3 điểm, gồm 6 câu trắc nghiệm trả lời ngắn ở cấp độ vận dụng. Đây được đánh giá là phần khó nhất của đề thi.

Với mỗi câu được 0,5 điểm. Đây là dạng câu hỏi mà học sinh giải theo kiểu tự luận rồi ghi kết quả cuối cùng vào phiếu trả lời. Với loại câu hỏi này giáo viên cho học sinh tương tác liên tục trong quá trình học nên không có gì bất ngờ.

Nhận xét về phần này, thầy Thi cho biết: “Đây là phần hướng đến đánh giá năng lực, nâng cao khả năng phân loại thí sinh.

Như vậy, muốn làm được dạng câu hỏi này đòi hỏi thí sinh phải có kiến thức, kĩ năng, đề không có sẵn đáp án mà học sinh phải giải nên không có tính "may rủi" để chọn như phần 1.

Dạng này rất phù hợp với học sinh trong quá trình học để hướng đến đánh giá năng lực, đồng thời nâng cao khả năng phân loại thí sinh.

Như vậy, đề tham khảo môn Toán khá hay, phù hợp với chương trình mới. Học sinh trung bình và yếu làm được từ 3 điểm đến 5 điểm, học sinh khá làm được từ 5 điểm đến 7 điểm, học sinh giỏi làm được từ 7 điểm đến 9 điểm, còn lại dành cho học sinh xuất sắc. Đề thi có tính phân loại từng đối tượng học sinh và cung cấp dữ liệu cho các trường đại học xét tuyển”.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Cùng nhận xét về đề tham khảo môn Toán, cô Nguyễn Thị Lan Anh, giáo viên Toán tại một trường trung học phổ thông tại Hà Nội đánh giá, so với các năm trước, độ khó của đề tương đối cao. Đề xuất hiện nhiều câu hỏi thực tế, đúng với tinh thần của chương trình giáo dục phổ thông mới.

Điểm mới của đề thi là không có câu hỏi chứa tham số, không có hàm hợp và có thêm phần thống kê. Điều chỉnh này phù hợp với hình thức câu hỏi, giảm độ phức tạp để học sinh dễ dàng nắm bắt và xử lý các dạng bài tập hơn.

Tuy nhiên, học sinh sẽ khó lấy điểm ở phần bài tập yêu cầu trả lời ngắn, bởi không thể chọn bừa và trông chờ may mắn. Các em phải thực sự hiểu đề bài và biết cách làm mới làm được.

Cần nắm vững kiến thức để đạt điểm cao

Trong khi đó, theo đánh giá của Thạc sĩ Nguyễn Thị Hoài Thu - Tổ trưởng Tổ Toán, Trường Trung học phổ thông Phú Bài, Thừa Thiên Huế, đề tham khảo môn Toán có nhiều thay đổi theo hướng thực tế hơn, không còn câu hỏi tính toán phức tạp. Các ý hỏi ở cấp độ vận dụng tập trung vào bài toán ứng dụng thực tế, liên môn.

Để ôn thi hiệu quả và đạt kết quả tốt, giáo viên cần tìm những phương pháp mới, thay đổi cách dạy truyền thống, không còn dạy phân dạng các bài toán, mà bám sát lý thuyết nhiều hơn.

Bên cạnh đó, học sinh cũng cần phải thay đổi cách học, chú trọng học để hiểu chắc lý thuyết, nắm vững toàn diện kiến thức nền tảng; đồng thời tiếp cận thường xuyên những bài toán liên quan đến thực tế từ dễ tới khó.

Còn theo cô Lan Anh, đề thi khó hơn nên có sự phân hoá cao hơn, là căn cứ tốt để các trường đại học, cao đẳng xét tuyển. Học sinh cần có sự điều chỉnh việc ôn tập, bám sát tinh thần của Chương trình giáo dục phổ thông mới nhằm có sự chuẩn bị sớm và tốt nhất cho kì thi .

Để làm được 6-7 điểm, học sinh cần thực sự hiểu đề, đọc kỹ giả thiết cho, nắm vững kiến thức, thông thạo công thức, ứng dụng toán học vào thực tế mới làm được.

Bên cạnh đó, cần có kỹ năng đọc đề, phân tích đề và lên phương án giải quyết vấn đề. Rèn kỹ năng tính toán nhanh và chính xác. Tăng cường luyện tập, rèn luyện khả năng tư duy với các bài toán thực tế.

Thu Trang