Trường đại học, bệnh viện hiến kế nâng cao chất lượng nhân lực ngành Điều dưỡng

28/10/2024 06:16
Hồng Linh

GDVN-Cơ sở đào tạo ngành Điều dưỡng cần cải tiến chương trình giảng dạy, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, thiết lập phát triển các trung tâm mô phỏng...

Những năm gần đây, khi chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng cao thì nhu cầu chăm sóc sức khỏe cũng được người dân quan tâm đáng kể. Cùng với việc mở rộng các cơ sở y tế phục vụ người dân, vấn đề nguồn nhân lực Điều dưỡng cũng được đưa ra bàn thảo khi hiện nay số lượng lao động hoạt động trong ngành này đang thiếu hụt nghiêm trọng.

Đào tạo ngành điều dưỡng có nhiều thuận lợi và khó khăn đan xen

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ, Bác sĩ Trần Quốc Hùng - Giám đốc Bệnh viện đa khoa Y học Cổ truyền Hà Nội cho biết: "Theo Thông tư số 03/2023/TT-BYT ngày 17/02/2023 của Bộ Y tế về Hướng dẫn vị trí việc làm, định mức, số lượng người làm việc, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trong đơn vị sự nghiệp y tế công lập, tỉ lệ điều dưỡng chiếm từ 50-52% tại các cơ sở khám, chữa bệnh.

Trước đó, Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc ​và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới, đặt chỉ tiêu đến năm 2025 đạt 25 điều dưỡng/10.000 dân và đến năm 2030 là 33 điều dưỡng/10.000 dân.

Như vậy, Việt Nam hiện đang cần số lượng nhân lực điều dưỡng lớn, đặc biệt là điều dưỡng chuyên nghiệp có trình độ đại học và sau đại học; để tránh công tác chăm sóc người bệnh tại các cơ sở y tế còn phụ thuộc nhiều vào người nhà người bệnh như thời gian qua".

ts bs trần quốc hùng.jpg
Tiến sĩ, Bác sĩ Trần Quốc Hùng - Giám đốc Bệnh viện đa khoa Y học Cổ truyền Hà Nội. Ảnh: NVCC.

Chia sẻ về vấn đề này, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Quốc Huy - Hiệu trưởng Trường Đại học Y - Dược (Đại học Huế) cũng cho biết, việc đào tạo nhân lực ngành điều dưỡng hiện nay ở Việt Nam đang có nhiều thuận lợi. Cụ thể:

Nhu cầu cao từ hệ thống y tế khiến ngành điều dưỡng ngày càng được chú trọng do nhu cầu chăm sóc sức khỏe tăng. Đặc biệt trong bối cảnh già hóa dân số và sự gia tăng các bệnh mạn tính. Điều này tạo điều kiện cho việc phát triển đào tạo nguồn nhân lực điều dưỡng để đáp ứng nhu cầu xã hội.

Các chính sách hỗ trợ phát triển thể hiện thông qua việc Bộ Y tế và các cơ quan liên quan đã ban hành các chính sách và chương trình khuyến khích, hỗ trợ phát triển nhân lực điều dưỡng, bao gồm việc mở rộng hệ thống các trường đào tạo và nâng cao trình độ chuyên môn của điều dưỡng viên.

Hợp tác quốc tế và chương trình đào tạo hiện đại khi nhiều trường đại học và cơ sở đào tạo điều dưỡng đã hợp tác với các tổ chức quốc tế, nâng cao chất lượng đào tạo thông qua các chương trình đào tạo tiên tiến và chuyển giao công nghệ giáo dục.

Cơ hội nghề nghiệp rộng mở vì ngành điều dưỡng mang đến nhiều cơ hội việc làm trong và ngoài nước. Các điều dưỡng viên có thể làm việc tại các bệnh viện, phòng khám, cơ sở chăm sóc sức khỏe, hoặc tham gia các chương trình chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

GDVN-thay-huyy.png
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Quốc Huy - Hiệu trưởng Trường Đại học Y - Dược (Đại học Huế). Ảnh: Doãn Nhàn.

Những thuận lợi này tạo nền tảng tốt cho sự phát triển nguồn nhân lực điều dưỡng tại Việt Nam, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc y tế. Bên cạnh đó, Hiệu trưởng Trường Đại học Y - Dược (Đại học Huế) cũng chỉ ra một số khó khăn đang tồn tại:

Thiếu hụt nguồn lực giảng viên chất lượng: Sự thiếu hụt đội ngũ giảng viên có chuyên môn cao trong ngành điều dưỡng ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo, khi số lượng sinh viên tăng, nhưng đội ngũ giảng dạy không đủ để đáp ứng.

Cơ sở vật chất và trang thiết bị chưa đồng bộ: Nhiều cơ sở đào tạo còn hạn chế trang thiết bị, cơ sở vật chất hiện đại để thực hành. Điều này có thể làm hạn chế khả năng học tập và phát triển kỹ năng thực tế của sinh viên điều dưỡng.

Vị trí lâm sàng: Sinh viên điều dưỡng gặp khó khăn trong việc tiếp cận các vị trí lâm sàng để thực hành. Sự thiếu hụt các cơ sở thực hành hoặc điều kiện thực hành không đảm bảo có thể ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo và sự sẵn sàng của sinh viên khi ra trường.

Hình ảnh và quan niệm xã hội: Ngành điều dưỡng có thể không được đánh giá cao như một số ngành khác trong hệ thống y tế, điều này ảnh hưởng đến sự thu hút và duy trì nhân lực trong ngành.

Việc duy trì phát triển nghề nghiệp liên tục và học tập suốt đời: Sự thiếu hụt các cơ hội học tập và phát triển nghề nghiệp liên tục có thể dẫn đến sự lạc hậu trong kỹ năng và kiến thức của điều dưỡng viên.

Còn dưới góc nhìn của Tiến sĩ, Bác sĩ Vũ Đình Tuyên - Trưởng phòng Quản lý Đào tạo, Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương: “Sinh viên điều dưỡng đang có chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu thực tiễn, được thiết kế để cung cấp kiến thức lý thuyết vững chắc kết hợp với các kỹ năng thực hành, giúp sinh viên đáp ứng tốt nhu cầu của ngành y tế.

Các chương trình đào tạo thường xuyên cập nhật và điều chỉnh để phản ánh các tiến bộ và xu hướng mới trong ngành điều dưỡng, chú trọng đến việc phát triển kỹ năng mềm như giao tiếp, quản lý thời gian và làm việc nhóm.

Nhiều cơ sở giáo dục đã áp dụng công nghệ học tập trực tuyến và tài nguyên số, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên trong việc học tập và nghiên cứu”.

Thầy Tuyên thông tin thêm, mặc dù vậy, vẫn còn những vướng mắc khi các cơ sở đào tạo gặp khó khăn trong việc cập nhật giáo trình và tài liệu học tập phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.

Một số chương trình đào tạo có thể thiếu linh hoạt trong việc điều chỉnh để phù hợp với sự thay đổi nhanh chóng của ngành y tế, không kịp thời cập nhật và tích hợp công nghệ mới vào chương trình giảng dạy.

Cần có thay đổi mang tính chiến lược để nâng cao chất lượng đào tạo

Ở góc độ đơn vị sử dụng nhân lực ngành điều dưỡng, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Y học Cổ truyền Hà Nội phân tích: "Thu nhập của điều dưỡng còn khá thấp, trong khi phải chịu áp lực công việc lớn. Vì vậy, các điều dưỡng thường không mấy mặn mà với các bệnh viện công lập. Thay vào đó, họ có xu hướng đến làm việc ở các phòng khám, bệnh viện tư nhân.

Để giải quyết tình hình này, theo tôi, cần đảm bảo thu nhập cho nhân viên ngành y tế nói chung và điều dưỡng nói riêng (tăng hệ số lương khởi điểm, tăng tỷ lệ phụ cấp và ưu đãi nghề, hỗ trợ thu nhập tăng thêm); thu hút các điều dưỡng có trình độ thông qua chính sách tuyển thẳng; tạo điều kiện để các điều dưỡng có môi trường làm việc tốt, giảm áp lực, cải thiện điều kiện làm việc".

Còn Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Quốc Huy nhấn mạnh, ngoài kiến thức lý thuyết, chương trình đào tạo cần hướng tới phát triển các kỹ năng thực hành và năng lực cốt lõi mà điều dưỡng viên cần có. Các cơ sở giáo dục đại học cần cập nhật giáo trình để tích hợp các kiến thức về công nghệ y tế hiện đại, trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data) và hệ thống bệnh án điện tử (EMR). Điều này giúp sinh viên điều dưỡng làm quen với công nghệ ngay từ khi còn trên ghế nhà trường.

Ngoài ra, nên áp dụng phương pháp học tập dựa trên thực tế, khuyến khích sinh viên giải quyết các vấn đề thực tế trong ngành y, giúp sinh viên phát triển tư duy phản biện và khả năng ra quyết định lâm sàng hiệu quả.

Đối với vấn đề nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, Hiệu trưởng Trường Đại học Y - Dược (Đại học Huế) đề cập đến đào tạo liên tục về các xu hướng mới nhất trong y tế, công nghệ y tế và phương pháp giảng dạy hiện đại nhằm giúp giảng viên cập nhật kiến thức và truyền tải đúng thông tin cho sinh viên.

Ngoài ra, các cơ sở đào tạo có thể mời các điều dưỡng viên giỏi, có nhiều năm kinh nghiệm từ các bệnh viện và cơ sở y tế tham gia giảng dạy hoặc tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn với sinh viên.

"Các cơ sở giáo dục đại học nên thiết lập mối quan hệ đối tác với các bệnh viện, để tạo điều kiện cho sinh viên thực tập trong môi trường thực tế.

Thời gian thực tập lâm sàng nên được kéo dài và đa dạng hơn để sinh viên có cơ hội tiếp cận với nhiều khoa, phòng khác nhau trong bệnh viện, từ đó, tích lũy kinh nghiệm phong phú" - Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Quốc Huy nêu quan điểm.

Còn Tiến sĩ Nông Phương Mai - Trưởng khoa Điều dưỡng, Trường Đại học Y - Dược (Đại học Thái Nguyên) thì cho rằng: "Các cơ sở giáo dục đại học nên đưa ra những tiêu chuẩn cụ thể và dành một khoảng tài chính thích hợp cho công tác nâng cao trình độ đội ngũ giảng viên, tích cực cử giảng viên tham gia các chương trình đào tạo nâng cao, nghiên cứu khoa học và cập nhật kiến thức mới trong lĩnh vực điều dưỡng. Có thể tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn hoặc hợp tác với các tổ chức quốc tế, để nâng cao năng lực chuyên môn của giảng viên.

Bên cạnh giảng viên cơ hữu, cần tăng cường bổ sung thêm đội ngũ giảng viên kiêm nhiệm, giảng viên thỉnh giảng là những chuyên gia có kinh nghiệm thực tế tại các bệnh viện lớn, các điều dưỡng viên có thâm niên làm việc, để truyền đạt kiến thức thực tiễn cho sinh viên".

ts-nong-phuong-mai-3272.jpg
Tiến sĩ Nông Phương Mai - Trưởng khoa Điều dưỡng, Trường Đại học Y - Dược (Đại học Thái Nguyên). Ảnh: NVCC.

Tiến sĩ Nông Phương Mai bổ sung: "Các nhà trường cũng cần dành nguồn kinh phí nhất định, đầu tư vào cơ sở vật chất và trang thiết bị đào tạo hiện đại, đáp ứng yêu cầu của ngành điều dưỡng trong thời đại công nghệ. Điều này giúp sinh viên có cơ hội tiếp xúc với các thiết bị y tế tiên tiến ngay từ sớm. Đặc biệt, đầu tư vào các trung tâm mô phỏng hiện đại, để sinh viên có thể thực hành trên các mô hình người bệnh giả hoặc thiết bị mô phỏng các tình huống lâm sàng. Đây là cách an toàn và hiệu quả để sinh viên rèn luyện kỹ năng trước khi tiếp xúc với người bệnh trên thực tế lâm sàng".

Trưởng khoa Điều dưỡng, Trường Đại học Y - Dược (Đại học Thái Nguyên) cũng nhấn mạnh, cần giáo dục đạo đức nghề nghiệp, giúp sinh viên phát triển tinh thần trách nhiệm, lòng tận tụy với nghề và sự tôn trọng đối với người bệnh. Đây là một trong những yếu tố cốt lõi đảm bảo chất lượng của một điều dưỡng viên chuyên nghiệp.

Sinh viên khoa Điều dưỡng, Trường Đại học Y - Dược (Đại học Thái Nguyên) trong giờ thực hành. Ảnh: NTCC.

Sinh viên khoa Điều dưỡng, Trường Đại học Y - Dược (Đại học Thái Nguyên) trong giờ thực hành. Ảnh: NTCC.

Cần cung cấp thêm học bổng và trợ cấp tài chính cho sinh viên

Để nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực ngành điều dưỡng, Tiến sĩ, Bác sĩ Vũ Đình Tuyên kiến nghị: "Cần cung cấp thêm học bổng và trợ cấp tài chính cho sinh viên có thành tích học tập tốt hoặc gặp khó khăn tài chính; tạo cơ hội cho sinh viên tiếp cận các nguồn tài nguyên học tập miễn phí hoặc giá ưu đãi.

Các cơ sở đào tạo cũng nên chú ý đến việc xây dựng mạng lưới kết nối giữa sinh viên, cựu sinh viên và các chuyên gia trong ngành, để chia sẻ kinh nghiệm và cơ hội nghề nghiệp; tổ chức các sự kiện nghề nghiệp và hội thảo chuyên môn để tạo cơ hội giao lưu và học hỏi.

Đồng thời, xây dựng các chương trình đào tạo liên tục và các khóa học cập nhật kiến thức cho cựu sinh viên và nhân viên điều dưỡng hiện tại. Khuyến khích sinh viên và nhân viên tham gia vào các hoạt động học tập suốt đời và cập nhật chứng chỉ chuyên môn".

Hồng Linh