Điều dưỡng là một trong trụ cột của hệ thống y tế nhưng còn nhiều khó khăn

25/10/2024 06:22
Thúy Quỳnh

GDVN - Tuy có vai trò quan trọng trong hệ thống y tế, ngành điều dưỡng hiện vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhân lực chưa đủ đáp ứng nhu cầu thực tế. 

Ngày 26/10/1990, Hội Y tá - Điều dưỡng Việt Nam chính thức được thành lập (nay là Hiệp hội Điều dưỡng Việt Nam). Kể từ đó, ngày 26/10 hằng năm được quy định là ngày Điều dưỡng Việt Nam. Đây là dịp nhằm tôn vinh những đóng góp của các điều dưỡng viên trong việc chăm sóc, điều trị và hỗ trợ bệnh nhân.

Nhân lực ngành điều dưỡng đóng vai trò quan trọng trong hệ thống y tế

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Đức Trọng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hòa Bình cho biết: “Ngành điều dưỡng ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc chăm sóc, điều trị và hỗ trợ bệnh nhân. Ngoài kiến thức chuyên môn vững vàng, ngành này còn đòi hỏi sự tận tâm, tinh thần trách nhiệm cao cả và tình yêu thương đối với người bệnh”.

Cũng theo Giáo sư Nguyễn Đức Trọng, với sự phát triển của hệ thống y tế hiện nay, điều dưỡng viên không chỉ là người thực hiện theo các y lệnh của bác sĩ mà là người trực tiếp chăm lo, phục vụ mọi nhu cầu của người bệnh, từ các kỹ thuật chuyên môn cho đến việc chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người bệnh, giúp bệnh nhân làm quen với môi trường bệnh viện,...

“Với vai trò, chức năng quan trọng trong công tác chăm sóc, hồi phục sức khoẻ cho bệnh nhân, có thể nói, chất lượng của một cơ sở y tế phụ thuộc nhiều vào thái độ, sự chuyên tâm, tận tụy của chính những người điều dưỡng”, thầy Trọng nhìn nhận.

Chia sẻ về những tố chất cần có của một điều dưỡng viên, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hòa Bình nhấn mạnh: “Nếu như bác sĩ có nhiệm vụ khám và chẩn đoán bệnh, thì phần lớn công việc chăm sóc, điều trị, hỗ trợ bệnh nhân là của điều dưỡng. Với tính chất nghề nghiệp, công việc nặng nhọc, áp lực như vậy, để làm tốt vai trò của một điều dưỡng viên, người học cần đảm bảo các yếu tố như: sức khoẻ, sự kiên trì và cả tâm - đức”.

Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Đức Trọng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hòa Bình. Ảnh: Website trường.

Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Đức Trọng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hòa Bình. Ảnh: Website trường.

Sinh viên Bùi Khánh Nhi (năm 3, ngành Điều dưỡng, Trường Đại học Hòa Bình) chia sẻ: "Tôi lựa chọn học ngành Điều dưỡng vì có niềm yêu thích với công việc chăm sóc sức khỏe. Theo tôi, ngoài những kiến thức, kỹ năng về chuyên môn, để làm tốt công việc của một người điều dưỡng, cần phải trau dồi các kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống,..

Trong chương trình đào tạo, môn học khiến tôi cảm thấy thích thú nhất là Điều dưỡng cơ sở, chúng tôi sẽ được thực hành trên những mô hình thực tế, từ đó, có thể trau dồi kỹ năng chuyên môn để sẵn sàng đáp ứng công việc sau này".

Cùng chia sẻ về vấn đề này, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Cường - Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược Thái Bình, bên cạnh vai trò chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân, lực lượng điều dưỡng cũng đóng góp vào công tác nghiên cứu và phát triển y tế, đưa ra hoặc áp dụng các phương pháp chăm sóc, điều trị mới, cải tiến quy trình và nâng cao chất lượng chăm sóc y tế. Nhu cầu về chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng cao, đòi hỏi điều dưỡng viên phải liên tục cập nhật kiến thức và kỹ năng, đảm bảo tính chuyên nghiệp.

điều dưỡng việt nam (2).png

Đánh giá về vai trò và tầm quan trọng của nguồn nhân lực điều dưỡng trong hệ thống y tế, ông Nguyễn Việt Thắng - Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế tỉnh Hà Tĩnh kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều dưỡng Việt Nam, Chủ tịch Hội Điều dưỡng Hà Tĩnh cho biết: “Các dịch vụ chăm sóc sức khỏe do điều dưỡng cung cấp là thường xuyên, liên tục, trực tiếp tác động tới chất lượng chăm sóc sức khỏe, chất lượng khám chữa bệnh, an toàn người bệnh và sự hài lòng của người dân.

Trong các cơ sở khám chữa bệnh, điều dưỡng viên đóng góp rất quan trọng vào kết quả và thành công điều trị; chăm sóc điều dưỡng liên quan trực tiếp tới sự sống còn và sự phục hồi của người bệnh. Với xu hướng già hóa dân số, gia tăng bệnh mãn tính không lây nhiễm và nhu cầu chăm sóc sức khỏe tăng cao, dịch vụ điều dưỡng ngày càng trở nên thiết yếu và phổ biến trong việc chăm sóc sức khỏe cho người dân. Đồng thời, góp phần nâng cao vị thế nghề nghiệp, hình ảnh của người điều dưỡng”.

Nhân lực ngành điều dưỡng hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế

Một thực tế chỉ ra rằng, hiện nay, các bệnh viện đang thiếu hụt nhân lực ngành điều dưỡng, trong khi đó, lượng thí sinh theo học ngành này lại sụt giảm. Không ít trường đào tạo ngành Điều dưỡng gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh, trong đó có Trường Đại học Hòa Bình.

Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hòa Bình lý giải: “Một trong những nguyên nhân chính gây khó khăn trong việc thu hút nhân lực điều dưỡng chính là do công việc vất vả, áp lực. Trong khi đó, thu nhập chưa tương xứng, điều này dẫn đến số lượng điều dưỡng nghỉ việc nhiều, các trường đào tạo ngành Điều dưỡng vì thế cũng khó tuyển sinh”.

Giáo sư Nguyễn Đức Trọng cũng chỉ ra, mặc dù hiện nay, nguồn nhân lực ngành điều dưỡng tại Việt Nam đang tăng dần, được quan tâm đào tạo và tuyển dụng hơn, song, vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.

Chính vì vậy, sinh viên ngành Điều dưỡng sau khi ra trường, có rất nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm tại các cơ sở y tế trong và ngoài nước. Cụ thể, sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành Điều dưỡng có thể làm việc ở các cơ sở khám chữa bệnh từ tuyến xã tới tuyến trung ương; các địa chỉ liên quan tới lĩnh vực y tế; các trung tâm, trạm y tế, dự án chăm sóc sức khỏe cộng đồng; phòng khám tư nhân; điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân tại nhà theo yêu cầu,...

Còn theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Cường: “Ngoài việc làm theo giờ hành chính, điều dưỡng viên còn làm việc theo ca, phải trực đêm, luôn phải sẵn sàng các trường hợp cấp cứu khẩn cấp, nguy cơ lây nhiễm cao, áp lực công việc lớn.

Vì vậy, họ cần được tạo cơ hội để học tập, nâng cao khả năng hành nghề, cải thiện thu nhập để phát triển toàn diện, gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo và thực hành, đồng thời rất cần sự quan tâm từ Chính phủ, các cấp ngành và đơn vị quản lý”.

Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược Thái Bình cũng nhìn nhận, khó khăn của nhà trường hiện nay là sự cạnh tranh giữa các cơ sở đào tạo, khi ngày càng có nhiều trường mở ngành đào tạo Điều dưỡng, nhất là các trường ngoài công lập triển khai mô hình đào tạo liên kết.

Để nâng cao chất lượng tuyển sinh và đào tạo, Trường Đại học Y Dược Thái Bình thực hiện khảo sát nhu cầu của các bên liên quan, xác định chỉ tiêu hợp lý, trên cơ sở đó đổi mới, cập nhật chuẩn đầu ra, chương trình đào tạo và các hoạt động đảm bảo chất lượng giáo dục nhằm nâng cao chất lượng.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Cường - Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược Thái Bình. Ảnh: NTCC.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Cường - Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược Thái Bình. Ảnh: NTCC.

Theo Bác sĩ Trần Thị Liên - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Vô Tranh (Hạ Hoà, Phú Thọ), nhân lực ngành điều dưỡng ngày càng đóng vai trò quan trọng và thiết thực trong công tác chăm sóc bệnh nhân. Tuy vậy, hiện nay, Trạm Y tế xã Vô Tranh vẫn thiếu nhân lực điều dưỡng, dẫn đến chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của đơn vị.

Theo bác sĩ Liên, để hỗ trợ các cơ sở y tế tuyển đủ nhân sự điều dưỡng, cần căn cứ vào tình hình dân số của địa phương và số lượng biên chế để tính toán số lượng hợp lý. Bác sĩ Liên cũng bày tỏ mong muốn Bộ Y tế cùng các bộ, ngành khác tiếp tục quan tâm, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực điều dưỡng, đồng thời căn cứ tình hình thực tế để phân bổ nhân sự hợp lý, đảm bảo đáp ứng nhu cầu của các địa phương.

Hồng Linh

Cần thay đổi nhìn nhận của xã hội về nghề điều dưỡng

Bàn về những khó khăn và thách thức của ngành điều dưỡng, ông Nguyễn Việt Thắng cho biết, thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách có tác động tới đội ngũ điều dưỡng như: tỷ lệ điều dưỡng/vạn dân, xét tặng danh hiệu thầy thuốc ưu tú, thầy thuốc nhân dân; xét chức danh giáo sư, phó giáo sư đối với điều dưỡng; quy định xếp hạng các đơn vị sự nghiệp y tế; quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, quy định danh mục kỹ thuật chuyên môn khám chữa bệnh của điều dưỡng,….

Từ đó, động viên đội ngũ điều dưỡng viên phát huy vai trò trách nhiệm, phấn đấu học tập để chuẩn hóa và nâng cao trình độ.

Mặc dù được xem là một trong những trụ cột của hệ thống chăm sóc sức khỏe, nhưng nghề điều dưỡng thường xuyên phải đối mặt với những áp lực về kinh tế và sự ghi nhận chưa đúng mức so với cống hiến của nhân lực ngành.

Ông Nguyễn Việt Thắng nhận định, nhân lực ngành Điều dưỡng Việt Nam nói chung và ngành Điều dưỡng tỉnh Hà Tĩnh nói riêng đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức như:

Già hóa dân số tăng nhanh, dẫn đến sự gia tăng nhu cầu chăm sóc sức khỏe và yêu cầu cao hơn cả về chất lượng dịch vụ. Đầu tư cho lĩnh vực điều dưỡng chưa tương xứng với dịch vụ do điều dưỡng cung cấp, ảnh hưởng tới chất lượng chăm sóc người bệnh. Tỷ lệ điều dưỡng/vạn dân còn thấp; thiếu điều dưỡng tại các cơ sở khám chữa bệnh dẫn đến quá tải, không cung cấp dịch vụ kịp thời làm người bệnh, người nhà người bệnh bức xúc.

Sự gia tăng chi phí chăm sóc sức khỏe, không chỉ do nguyên nhân gánh nặng bệnh tật làm nhu cầu chăm sóc tăng cao mà còn có nhiều yếu tố khác như: tăng sử dụng vật tư y tế đắt tiền, tăng áp dụng kỹ thuật cao, tăng chi phí đơn thuốc và tăng chi phí ngoài y tế.

Tuyển sinh điều dưỡng trình độ cao đẳng của một số trường khó khăn dẫn tới không cung ứng đủ nhân lực điều dưỡng cho các cơ sở y tế.

Bởi việc thiếu điều dưỡng trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt trầm trọng ở Nhật, Mỹ và khối EU dẫn đến buộc phải thay đổi Luật Cư trú để tuyển điều dưỡng nước ngoài. Vì vậy, việc công nhận văn bằng đào tạo giữa các quốc gia và sự dịch chuyển nhân lực ngành điều dưỡng đi làm việc, định cư ở các nước phát triển là thách thức đối với hệ thống y tế, nhưng đồng thời cũng là cơ hội đối với điều dưỡng.

Từ việc ứng phó với dịch bệnh và tình trạng khẩn cấp về y tế, đặc biệt qua thực tế phòng chống đại dịch Covid-19 cho thấy nhân lực điều dưỡng không đủ; thiếu điều dưỡng chuyên khoa hồi sức tích cực; người bệnh nặng và tử vong chưa được chăm sóc đầy đủ; điều dưỡng là lực lượng tuyến đầu dễ bị tổn thương. Ông Thắng nhấn mạnh, đây là bài học kinh nghiệm cần được nhìn nhận để có chiến lược phù hợp trong tương lai.

IMG_2719.jpeg
Ông Nguyễn Việt Thắng - Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế tỉnh Hà Tĩnh kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều dưỡng Việt Nam, Chủ tịch Hội Điều dưỡng Hà Tĩnh. Ảnh: NVCC.

Để tháo gỡ những khó khăn, đồng thời nâng cao chất lượng nhân lực, góp phần giúp ngành điều dưỡng Việt Nam ngày càng phát triển, Chủ tịch Hội Điều dưỡng Hà Tĩnh đề xuất: "Trước hết, cần thay đổi nhận thức về vai trò, vị trí của đội ngũ điều dưỡng trong hệ thống y tế.

Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh việc xây dựng, ban hành định mức kinh tế kỹ thuật và thực hiện thanh toán đầy đủ dịch vụ kỹ thuật chuyên môn đối với điều dưỡng.

Tuyển dụng đủ nhân lực để triển khai chăm sóc người bệnh toàn diện, phát huy vai trò Phòng Điều dưỡng và Điều dưỡng trưởng khoa tại các bệnh viện; tăng cường tính chuyên nghiệp của điều dưỡng viên; nâng cao năng lực cho giảng viên điều dưỡng và nhân lực để làm nền tảng cho các chương trình giáo dục đào tạo có chất lượng.

Đẩy mạnh các chương trình đào tạo điều dưỡng chuyên ngành như ICU, nhi khoa, sơ sinh, lão khoa, sức khỏe tâm thần đáp ứng yêu cầu năng lực làm việc các chuyên khoa.

Tiếp tục phát triển năng lực lãnh đạo của Hiệp hội Điều dưỡng Việt Nam và hệ thống quản lý điều dưỡng các cấp để thể hiện tiếng nói của nhân lực trong ngành.

Thực hiện tốt công tác tư vấn tuyển sinh, đồng thời có chính sách hỗ trợ đối với sinh viên hệ chính quy theo học các ngành Điều dưỡng trên địa bàn tỉnh như tỉnh Bình Dương (ngày 08/12/2023, Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Dương ban hành Nghị quyết số 24/2023/NQ-HĐND quy định chế độ hỗ trợ đối với sinh viên hệ chính quy theo học các ngành Điều dưỡng, Hộ sinh trên địa bàn tỉnh) nhằm đảm bảo số và chất lượng sinh viên ngành điều dưỡng trình độ cao đẳng và đại học".

Để nâng cao chất lượng tuyển sinh và đào tạo ngành Điều dưỡng, tạo ra nguồn nhân lực chất lượng, có trình độ chuyên môn cho đất nước, Giáo sư Nguyễn Đức Trọng đề xuất: "Cần có cơ chế, chính sách tạo điều kiện về tiền lương, phụ cấp để đảm bảo đời sống cơ bản cho điều dưỡng viên, giúp họ yên tâm cống hiến.

Về phía các trường đại học, cần cải tiến và tăng cường hỗ trợ sinh viên có nhiều cơ hội thực hành.

Ngoài ra, cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức đối với các cấp quản lý trong lĩnh vực y tế, xã hội, để từ đó, đề cao vai trò quan trọng của ngành điều dưỡng, tạo điều kiện, động viên cho nhân lực ngành"

Còn Phó Giáo sư Nguyễn Duy Cường bày tỏ: "Đề nghị Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm, ban hành một số chính sách như: hệ thống văn bản hướng dẫn công tác tuyển sinh, đào tạo; xem xét các chế độ hỗ trợ đối với sinh viên khối ngành sức khỏe; tổ chức các hoạt động chuyên môn tăng cường các hoạt động đảm bảo chất lượng, sớm ban hành chuẩn chương trình đào tạo ngành Điều dưỡng trình độ đại học".

Thúy Quỳnh