Thông tin tại website của nhà trường cho thấy, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp (Đại học Thái Nguyên) được thành lập ngày 19/8/1965 theo Quyết định số 164/CP Hội đồng Chính phủ. Trường từng có nhiều tên gọi khác nhau như:
Phân hiệu Đại học Bách khoa tại Thái Nguyên (1965-1966); Đại học Cơ Điện (1966-1975); Trường Đại học Kỹ thuật công nghiệp Việt Bắc (1976-1982); Trường Đại học Công nghiệp Thái Nguyên (1982-1994); Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp – Đại học Thái Nguyên (1994 đến nay).
Về Sứ mệnh được nhà trường nêu, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; nghiên cứu khoa học, tư vấn, ứng dụng và chuyển giao công nghệ đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và hội nhập quốc tế.
Tầm nhìn: luôn ở vị thế hàng đầu trong hệ thống các trường đại học công lập thuộc lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ theo định hướng ứng dụng của Việt Nam.
Nhà trường hiện đang đào tạo hệ đại học chính quy, đại học liên kết, đại học từ xa, thạc sỹ, tiến sĩ.
Đối với hệ đại học từ xa, nhà trường đào tạo 4 ngành học gồm: Kỹ thuật xây dựng, Quản lý công nghiệp, Kinh tế công nghiệp và Ngôn ngữ Anh.
Người học lo ngại về chất lượng đào tạo nên xin nghỉ học giữa chừng
Phản ánh đến Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, anh N.H. cho hay: Bản thân đã tốt nghiệp hệ đại học đào tạo từ xa ngành Luật kinh tế. Vì muốn có thêm một văn bằng nữa, anh H. đã tìm hiểu thông tin tuyển sinh của Trường Đại học Kỹ thuật công nghiệp (Đại học Thái Nguyên).
Thông qua quảng bá trên facebook, anh biết đến thông tin tuyển sinh ngành chuyên ngành Xây dựng dân dụng và công nghiệp (ngành Kỹ thuật xây dựng) hệ đào tạo từ xa của Trường Đại học Kỹ thuật công nghiệp (Đại học Thái Nguyên) và đăng ký xét tuyển.
Sau khi nộp hồ sơ, đến 5/7/2024, anh H. nhận được quyết định trúng tuyển tuyển sinh đợt tháng 6/2024. Quyết định do Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Trọng Hải - Hiệu trưởng Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp (Đại học Thái Nguyên) ký.
Trong đợt này có 114 thí sinh trúng tuyển gồm các đối tượng liên thông đại học - đại học, liên thông cao đẳng - đại học, liên thông trung cấp - đại học và đối tượng học hệ đào tạo từ xa (tốt nghiệp trung học phổ thông).
Chương trình đào tạo đợt này gồm 3 ngành: Kỹ sư ngành Kỹ thuật xây dựng (chuyên ngành Xây dựng dân dụng và công nghiệp); Cử nhân ngành Quản lý công nghiệp (chuyên ngành Quản lý công nghiệp); Cử nhân ngành Kinh tế công nghiệp (chuyên ngành Kế toán doanh nghiệp công nghiệp).
Trong số danh sách những thí sinh trúng tuyển cho thấy, người học hệ đào tạo từ xa trẻ tuổi nhất sinh năm 2004 (đối tượng tốt nghiệp trung học phổ thông). Thí sinh lớn tuổi nhất sinh năm 1980.
Về mức học phí, ban đầu anh H. được thông báo đóng 1 học kỳ tương đương 12 tín chỉ (6 triệu đồng) nhưng sau đó lại được yêu cầu đóng thêm 3 tín chỉ (tương ứng 1,5 triệu đồng). Tổng mức học phí, anh đã đóng là 7,5 triệu đồng. Bên cạnh đó, anh H. còn đóng phí 300.000 đồng khoản xét tuyển hồ sơ.
Đến khi vào học, nhà trường cử một giảng viên chủ nhiệm nhóm lớp gần 100 người (gồm hệ đại học liên thông đại học, cao đẳng liên thông đại học, trung cấp liên thông đại học và phổ thông học đại học từ xa). Các thành viên được add vào trong một nhóm Zalo tên là "TNUT-A0224HN".
Những sinh viên trên thuộc Trạm đào tạo từ xa tại Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội và Trạm đào tạo từ xa tại Trường Cao đẳng Nông nghiệp Nam Bộ phân hiệu Thành phố Hồ Chí Minh. Tại mỗi trạm đào tạo từ xa, có 1 lớp trưởng.
Sinh viên có trình độ đầu vào khác nhau, học ngành khác nhau, đáng lẽ nhà trường phải bố trí riêng lớp để gửi bài giảng, bài thi vào nhóm đó. Tuy nhiên, lớp học lại không được tổ chức theo ngành.
Bức xúc về tình trạng này, sinh viên đã phản ánh và sau đó các lớp theo đúng ngành học mới được bố trí lại.
Chưa kể, theo anh H., ban đầu việc tổ chức học Zoom rất lộn xộn khi những học viên có đầu vào tốt nghiệp trung học phổ thông học cùng học viên có đầu vào tốt nghiệp cao đẳng.... Sau khi mọi người ý kiến về việc này, lớp học Zoom mới được tách ra.
Đáng nói, công ty liên kết tuyển sinh cho nhà trường (Công ty Cổ phần tư vấn dịch vụ đào tạo AUM Việt Nam - gọi tắt là AUM Việt Nam) trước khi vào trường tư vấn hỗ trợ sinh viên nhiệt tình. Tuy nhiên, khi người học phản ánh các vấn đề trong quá trình học để mong có sự hỗ trợ thì nhân viên của đơn vị nói chỉ tuyển sinh và sau đó bàn giao học viên cho nhà trường quản lý.
Trong quá trình học qua video trên phần mềm của nhà trường, anh H. cho hay, bản thân được học những bài giảng qua slide trình chiếu file PDF. Khi học những môn học nhập môn, anh cảm thấy không nhận được nhiều kiến thức. Vì vậy, anh H. lo việc sau này học các môn kỹ thuật chuyên ngành liệu có đảm bảo được chất lượng.
Lúc này, anh H. xin bảo lưu kết quả và hoàn lại một phần học phí nhưng không được chấp thuận. Vì vậy, anh H. quyết định nghỉ học.
Trước phản ánh của người học, để đảm bảo khách quan các thông tin, ngày 25/9, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã gửi nội dung câu hỏi kèm Giấy giới thiệu đến các bên liên quan.
Đến ngày 30/10, Tạp chí nhận được phản hồi từ Viện trưởng Viện Công nghệ giáo dục và đào tạo mở, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp (Đại học Thái Nguyên) - Tiến sĩ Nguyễn Minh Cường.
Trước thông tin nhà trường đã bố trí 99 người học của cả khóa (đầu vào là thí sinh tốt nghiệp trung học phổ thông, trung cấp, cao đẳng) vào trong một nhóm để gửi các thông tin, mà không phân lớp riêng, Tiến sĩ Nguyễn Minh Cường cho hay, hiện tại sau mỗi đợt tuyển sinh nhà trường có quyết định tổ chức lớp học theo đợt và ngành riêng, mỗi lớp học có giáo viên chủ nhiệm - cố vấn học tập và quản lý học tập riêng để kịp thời thông tin và hỗ trợ sinh viên.
Ngoài kênh thông tin qua điện thoại, e-mail và tài khoản học tập trên hệ thống, để có thêm kênh thông tin phổ biến (không bắt buộc), các cán bộ đã lập thêm nhóm Zalo để hổ trợ sinh viên có thêm thông tin một cách nhanh chóng.
"Tuy nhiên do mỗi khối có nhiều đối tượng đầu vào khác nhau, các em cần biết chọn lọc thông tin cho mình, nếu sinh viên nào cảm thấy xáo trộn có thể không tham gia nhóm và chủ động cập nhật thông tin bằng các kênh khác đã nêu ở trên", Tiến sĩ Nguyễn Minh Cường thông tin.
Tư vấn thiếu tổ hợp xét tuyển
Trong vai thí sinh có nhu cầu tìm hiểu về đào tạo từ xa ngành Kỹ thuật xây dựng (Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp, Đại học Thái Nguyên), ngày 13/9, nhân viên tư vấn tuyển sinh đã dùng số điện thoại 09434102XX để gọi cho phóng viên. Nhân viên này thừa nhận, bản thân trực thuộc một đơn vị tuyển sinh cho nhà trường.
Khi được hỏi về bằng cấp, thí sinh (phóng viên) nói bản thân có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông và kết quả học bạ trung bình khá. Đáp lại, nữ nhân viên hỏi: “Bằng, học bạ, căn cước công dân, giấy khai sinh, bốn loại giấy tờ này em còn đầy đủ hết đúng không”.
Được thí sinh trả lời là còn đầy đủ bốn loại giấy tờ trên, nữ nhân viên tiếp tục thông tin, nhà trường xét tuyển 3 tổ hợp môn như Toán - Lý - Hóa; Toán - Văn - Anh; Toán - Lý - Anh. Và nếu thí sinh đạt trên 15 điểm trở lên sẽ trúng tuyển.
Trong khi đó, theo tìm hiểu của phóng viên, Đề án tuyển sinh đào tạo từ xa năm 2024, nhà trường xét tuyển 4 tổ hợp (không phải 3 tổ hợp như nhân viên tư vấn). Cụ thể, nhân viên tư vấn tuyển sinh còn nêu thiếu 1 tổ hợp là Toán - Hóa - Anh.
Nhân viên này còn cho hay, đối với chương trình đào tạo hệ từ xa, người học không phải đến trường học, chỉ học online tại nhà. Thời gian đào tạo kỹ sư là từ 4-4,5 năm, số lượng tín chỉ dao động từ 141-161 tín chỉ, học phí là 500 nghìn đồng/tín chỉ.
“Em cần chụp lại hồ sơ và gửi qua Zalo để chị xem thông tin hồ sơ. Khi đã đủ hồ sơ mềm, em cần chuẩn bị luôn học phí. Số tiền học phí đợt này là 6,2 triệu đồng, trong đó có 6 triệu cho 12 tín chỉ đào tạo và 200 nghìn đồng lệ phí xét tuyển hồ sơ”, nữ nhân viên thông tin.
Theo nhân viên này, trước ngày khai giảng, thí sinh được nhận quyết định trúng tuyển và kèm tài khoản dùng để đăng nhập vào học các môn học qua video giảng dạy quay sẵn.
Trong mỗi môn học, sẽ có những bài kiểm tra 15 phút, 1 tiết, học viên được giới hạn 3 lần kiểm tra và nhà trường sẽ lưu lại số điểm cao nhất của sinh viên, để sinh viên đủ điều kiện thi hết môn.
Nhà trường ở Thái Nguyên, nhưng người học không phải lên đây, các bạn sẽ thi hết môn tại trạm thi của nhà trường ở Hà Nội (Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội). Một năm có hai đến ba lần thi kết thúc môn tại trạm thi, sinh viên sẽ được thông báo để chủ động sắp xếp.
Theo đó, khi vào học, người học sẽ được phân lớp và có giáo viên quản lí học tập cho tới khi ra trường.
“Đối với việc học trực tiếp qua Zoom với thầy cô, mỗi môn chỉ tối đa được 2 lần, học ngoài giờ hành chính. Việc học qua Zoom không bắt buộc người học phải tham gia, họ có thể chủ động học lại qua hệ thống của nhà trường”, nữ nhân viên cho hay.
Về nội dung nêu trên, Tiến sĩ Nguyễn Minh Cường thông tin, để nâng cao chất lượng của phương thức đào tạo E-learning, ngoài hệ thống học liệu số trên phần mềm đào tạo hiện nay nhà trường đang bố trí mỗi tín chỉ có thêm 3 tiết học trực tuyến qua phần mềm Zoom/Google Meet để giảng viên tổng hợp, mở rộng, tổng kết và giải đáp, từ đó giúp cho sinh viên nắm vững hơn kiến thức.
Đơn vị tuyển sinh cho nhà trường có vai trò ra sao?
Thông tin về đơn vị tuyển sinh đào tạo từ xa cho nhà trường, Tiến sĩ Nguyễn Minh Cường - Viện trưởng Viện Công nghệ giáo dục và đào tạo mở thông tin, hiện tại AUM Việt Nam đang hợp tác với nhà trường thông qua Hợp đồng số 202210.01/HETNUT-AUM.
Theo đó về hoạt động đào tạo AUM Việt Nam phối hợp, cung cấp phần mềm quản lý đào tạo, ấn phẩm học liệu điện tử,... và dịch vụ tuyển sinh các chương trình đào tạo từ xa trình độ đại học của Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp theo phương thức đào tạo E-learning.
Về mức lệ phí hồ sơ và xét tuyển, đơn vị căn cứ vào khối lượng công việc cần xử lý và mặt bằng lệ phí của các trường đại học khác trên toàn quốc (mức lệ phí hiện tại là bằng hoặc thấp hơn hầu hết các trường đang thu với hình thức đào tạo từ xa). Lệ phí này 1 phần thuộc về TNUT (Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp - Đại học Thái Nguyên) và 1 phần thuộc về AUM Việt Nam.
Theo Đề án tuyển sinh, năm 2023 hệ đào tạo từ xa có mức điểm chuẩn với ba ngành Kỹ thuật xây dựng, Quản lý công nghiệp, Kinh tế công nghiệp qua hình thức xét tuyển học bạ (PT1) đều là 15 điểm.
Trong khi đó, theo điểm chuẩn đại học chính quy vào năm 2023 với hình thức xét tuyển học bạ, ngành Quản lý công nghiệp có điểm trúng tuyển là 21 điểm, ngành Kinh tế công nghiệp là 20 điểm và ngành Kỹ thuật xây dựng là 18 điểm.
Trả lời về sự chênh lệch lớn về điểm chuẩn giữa hệ đào tạo từ xa với hệ đại học chính quy, Tiến sĩ Nguyễn Minh Cường thông tin, đối tượng tuyển sinh của hình thức đào tạo từ xa hầu hết là thí sinh đã tốt nghiệp nhiều năm trước, vì vậy mức điểm xét tuyển có thấp hơn so với thí sinh đăng ký dự tuyển hình thức chính quy tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023.
Theo tìm hiểu của phóng viên, tại Khoản 3 Điều 7 của Thông tư số 10/2017/TT-BGDĐT quy định: “Việc tổ chức thi kết thúc học phần phải được thực hiện tập trung tại cơ sở giáo dục đại học hoặc tại Trạm đào tạo từ xa, được giám sát bởi cán bộ của cơ sở giáo dục đại học”.
Về nội dung nêu trên, phóng viên đã đặt câu hỏi, với hình thức thi kết thúc học phần của hệ đào tạo từ xa tại nhà trường được thực hiện tại trường hay tại trạm đào tạo từ xa? Nhà trường giám sát việc thực hiện nội dung này như thế nào?
Trả lời thông tin nêu trên, Tiến sĩ Nguyễn Minh Cường cho hay: "Việc tổ chức thi kết thúc học phần, chúng tôi đang thực hiện theo Thông tư số 28/2023 TT BGDĐT ngày 28/12/2023 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế đào tạo từ xa trình độ đại học và các văn bản liên quan.
Tùy thuộc học phần mà tổ chức tại Trường hoặc trạm đào tạo từ xa với đầy đủ thành phần và bộ phận kiểm tra, giám sát".