Đầu tư nền tảng trực tuyến giúp vượt “rào cản” thiếu GV tiếng Anh ở vùng khó

03/11/2024 06:36
Ngọc Huyền - Hà Giang

GDVN-Phổ cập tiếng Anh toàn dân là bước đi thiết thực, nhưng để lan tỏa xa và rộng, cần chú trọng đầu tư nền tảng học tập online, vượt ra khỏi “rào cản” thiếu GV.

Tại Hội nghị của Thường trực Chính phủ tổ chức với sự góp mặt của nhiều doanh nghiệp lớn như: Tập đoàn Vingroup, Hòa Phát, Thaco, Sungroup, TH..., ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Vingroup đề xuất Chính phủ phổ cập tiếng Anh không chỉ ở trường công lập mà còn cho toàn dân.

Thêm vào đó, vị này cũng cho biết, Vingroup và các doanh nghiệp sẵn sàng tài trợ cho giáo viên lên vùng sâu vùng xa: “Đẩy mạnh đào tạo tiếng Anh từ vùng sâu, vùng xa đến thành thị sẽ tạo ‘cần câu cơm’ tốt hơn cho trẻ, góp phần phát triển những nơi khó khăn này trong tương lai”.

Trước đó, tại Kết luận số 91-KL/TW, Bộ Chính trị đề nghị các cấp nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.

Phổ cập tiếng Anh toàn dân là đề xuất thiết thực

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Vũ Diệu Trang - Tổng Giám đốc Trung tâm Anh ngữ Apollo English khu vực miền Bắc nhận định: “Phổ cập tiếng Anh toàn dân là một bước đi thiết thực, thể hiện tầm nhìn quốc gia về hội nhập quốc tế.

Ngôn ngữ là cầu nối quan trọng trên toàn cầu, đặc biệt với thế hệ trẻ. Việc biết nhiều ngôn ngữ là lợi thế và sẽ là xu hướng phổ biến trong tương lai. Học ngoại ngữ không làm mất bản sắc, mà còn giúp người học trân trọng và hiểu rõ hơn về sự khác biệt văn hóa. Do đó, phổ cập tiếng Anh toàn dân là đề xuất thiết thực, là bước đi quan trọng, thể hiện tầm nhìn quốc gia nhằm thúc đẩy hội nhập quốc tế”.

ceo-vu-dieu-trang.jpg
Bà Vũ Diệu Trang - Tổng Giám đốc Trung tâm Anh ngữ Apollo English khu vực miền Bắc. Ảnh: NVCC.

Tuy nhiên, từ kinh nghiệm thực tế, bà Vũ Diệu Trang chia sẻ, việc phổ cập tiếng Anh tại Việt Nam hiện đang gặp nhiều thách thức, đặc biệt là sự chênh lệch giữa các thành phố lớn và khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Nguyên nhân chính thường do thiếu giáo viên có trình độ, cơ sở vật chất hạn chế, tài liệu học tập còn thiếu phong phú và nhận thức chưa đầy đủ từ chính địa phương.

“Trong thời đại ngày nay, việc học tiếng Anh đã trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Học sinh không còn bị ràng buộc bởi phương pháp học truyền thống trên lớp, hoặc hoàn toàn phụ thuộc vào giáo viên.

Tùy vào điều kiện của từng địa phương và độ tuổi người học, việc giảng dạy có thể linh hoạt điều chỉnh: 100% trực tiếp, 100% trực tuyến hoặc kết hợp cả hai. Điều này tạo ra nhiều cơ hội học tập hơn cho học sinh ở mọi nơi, bất kể điều kiện địa lý hay kinh tế.

Điều quan trọng là các địa phương cần quyết tâm và tin rằng, ngay cả ở những vùng khó khăn, học sinh vẫn có thể tiếp cận với tiếng Anh. Chỉ cần một chiếc máy tính kết nối Internet và một phương pháp học phù hợp, các em hoàn toàn có thể tự học hoặc tham gia các khóa học và đạt kết quả tương đương với các bạn ở thành phố”, bà Diệu Trang nói thêm.

Chia sẻ về chương trình liên kết tiếng Anh tại một số trường phổ thông, bà Vũ Diệu Trang cho biết: “Để đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong nhà trường, ngoài việc đào tạo nguồn lực giáo viên, việc xây dựng hệ thống đánh giá chất lượng minh bạch, có đo lường là vô cùng quan trọng. Việc này đòi hỏi sự đầu tư nghiêm túc về cả thời gian, tài chính cùng kinh nghiệm tích lũy”.

Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn nhất định khi thực hiện chương trình liên kết này. Theo đó, hệ thống kiểm tra và đánh giá chất lượng học tập, cũng như cơ sở vật chất giữa các trường vẫn chưa có quy chuẩn chung. Trong một lớp học, dù học sinh cùng độ tuổi, nhưng có sự khác biệt về trình độ và tâm lý, dẫn đến khó khăn trong việc giảng dạy để đạt kết quả đồng đều.

Bà Trang bày tỏ, một phương pháp hiệu quả giúp học sinh tiến bộ nhanh chóng là xây dựng lộ trình học “đo ni đóng giày”, tức giảng dạy dựa trên tiềm năng riêng của từng người học.

Chia sẻ về giải pháp nâng cao hiệu quả giảng dạy tiếng Anh, bà Vũ Diệu Trang chia sẻ, nhà trường cần ưu tiên việc tăng cường giờ học với giáo viên nước ngoài, đồng thời, có sự phân loại trình độ theo lớp rõ ràng. Việc sắp xếp giờ dạy, cần tinh chỉnh hợp lý, quá ít sẽ không hiệu quả, nhưng quá nhiều tiết học liên tiếp có thể gây áp lực cho học sinh, vì khả năng tiếp thu của trẻ có giới hạn.

Ngoài ra, phương pháp dạy truyền thống hiện nay chủ yếu tập trung vào ngữ pháp, bằng hình thức đọc - viết, chưa có nhiều bài giảng luyện kỹ năng nghe - nói. Học sinh cần được trang bị sự tự tin, khả năng giao tiếp, tư duy và kỹ năng áp dụng thực tế. Vì vậy, nhà trường cần thay đổi cách tổ chức học tiếng Anh phù hợp hơn.

Tương tự, chia sẻ về vấn đề này, ông Phạm Hồng Sơn - Giám đốc EIV Education nhận định: “Học sinh Việt Nam nói chung, kể cả ở các vùng thành phố lớn có điều kiện học nhiều tiếng Anh, thì kỹ năng nghe nói và giao tiếp vẫn còn là một hạn chế.

Học sinh chưa tự tin và chủ động nhiều trong giao tiếp, gặp nhiều trở ngại khi sử dụng tiếng Anh như một công cụ tìm hiểu các bộ môn khác như Toán, Khoa học... Việc thiếu hụt môi trường thực hành trong và ngoài lớp là một lý do chính ảnh hưởng đến sự tương tác, giao tiếp của học sinh.

Ngoài ra, học sinh phổ thông còn thiếu sự sáng tạo trong việc học và khai thác môn học này. Các hình thức tiếp cận đều khá truyền thống như qua bài tập, thi cử, lớp học, chưa có nhiều kênh học giúp nâng cao sự chủ động và sáng tạo”.

Chia sẻ thêm về việc thực hiện chương trình tiếng Anh liên kết, ông Sơn cũng nhấn mạnh, sẽ góp phần tạo môi trường học tập tự nhiên, thực tiễn. Chương trình liên kết thường chú trọng vào kỹ năng nghe - nói thực tế, từ đó, tạo động lực cho học sinh học tập chủ động, có thói quen sử dụng ngôn ngữ thường xuyên hơn với giáo viên nước ngoài và bạn bè.

Tuy nhiên, ông Phạm Hồng Sơn cũng đánh giá, chương trình này đang gặp nhiều bất cập: “Để thực hiện chương trình tiếng Anh liên kết, phải xin phê duyệt đề án tại địa phương tổ chức dạy liên kết. Tuy nhiên, khi đã xin được đề án duyệt chương trình ở nơi này, nhưng đến thành phố khác, các trung tâm tiếng Anh buộc phải nộp xin đề án lại từ đầu.

Bên cạnh đó, mô hình này thường thu thêm học phí, đăng ký lớp dựa vào nhu cầu của phụ huynh, học sinh, dẫn đến trình độ tiếng Anh không đồng đều giữa các học sinh.

Việc đưa giáo viên bản ngữ vào trường công lập cũng còn khó khăn. Họ không thể trực tiếp vào trường giảng dạy mà phải thông qua đề án. Tôi cho rằng, để phổ cập tiếng Anh, trước tiên, các trường công có thể tính đến tuyển giáo viên bản ngữ vào trường và dạy theo chương trình tiếng Anh của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bởi, chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo hiện nay rất tốt và đầy đủ, chỉ cần chú trọng giao tiếp nhiều hơn, sẽ đạt được kết quả cao”.

z4159348801548_9ec22e382bc46172c6e528fcb3547bde.jpg
Một buổi học trong chương trình tiếng Anh liên kết tại một trường phổ thông Hà Nội. Ảnh: NVCC.

Học sinh Nguyễn Mai Chi - Trường Trung học cơ sở Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: “Hiện tại, nhà cũng triển khai chương trình liên kết tiếng Anh bên cạnh các giờ học chính khóa. Chính vì vậy, chúng em hiện đang có điều kiện tốt để có thể theo học và trau dồi ngoại ngữ. Tuy nhiên, với các bạn học sinh tại vùng miền khác, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, việc tiếp cận với tiếng Anh sẽ có phần khó khăn hơn.

Theo em, để phổ cập tiếng Anh đến nhiều đối tượng khác nhau, các đơn vị, trung tâm có thể tổ chức những buổi trải nghiệm, giao lưu miễn phí. Như vậy, sẽ giúp nhiều học sinh có cảm hứng hơn trong việc học tiếng Anh”.

Phát triển nền tảng trực tuyến, để vượt ra khỏi “rào cản” thiếu giáo viên

Ông Phạm Hồng Sơn đánh giá: “Hiện tại, rất khó để giáo viên nước ngoài có hợp đồng với các trung tâm tiếng Anh, chịu đi dạy ở vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa.

Tại Nghị định số 70/2023/NĐ-CP ngày 18/9/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 152/2020/NĐ-CP ngày 30/12/2020 của Chính phủ quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam, có đề cập đến quy định: Trường hợp người lao động nước ngoài làm việc cho một người sử dụng lao động tại nhiều địa điểm thì trong văn bản đề nghị cấp giấy phép lao động phải liệt kê đầy đủ các địa điểm làm việc.

Trong khi đó, trung tâm không có cơ sở tại các điểm vùng sâu, vùng xa, nên không thể phân công hay xin phép cho giáo viên người nước ngoài đi công tác”.

Từ đó, vị này cho rằng, phát triển các nền tảng trực tuyến, ứng dụng và phần mềm học tập sẽ giúp học sinh có nhiều cơ hội tiếp cận đến tri thức, mà không bị giới hạn bởi khoảng cách địa lý. Khi đó, giáo viên sẽ đóng vai trò là người hướng dẫn, định hướng.

Chỉ có cách đó, mới đưa được tiếng Anh tới xa và rộng, từ vùng thành thị đến nông thôn, từ đồng bằng tới miền núi. Bên cạnh đó, nếu đưa nguồn lực giáo viên đến các vùng sâu, vùng xa, nên tạo điều kiện cho các đơn vị quản lý, điều phối giáo viên với thời hạn hợp đồng ngắn, ví dụ như một học kỳ, hoặc một năm học.

Vị Giám đốc cũng đề xuất, nên có hành lang pháp lý thuận lợi, tạo điều kiện cho các chương trình đào tạo có chất lượng được tiếp cận đến học sinh các vùng. Đặc biệt, nên có các chính sách mở cửa để thu hút nguồn giáo viên/chuyên gia nước ngoài uy tín, có chất lượng về làm việc và cống hiến.

Ông Phạm Hồng Sơn - Giám đốc EIV Education. Ảnh: NVCC.

Ông Phạm Hồng Sơn - Giám đốc EIV Education. Ảnh: NVCC.

Chia sẻ về giải pháp giúp phổ cập tiếng Anh toàn dân hiệu quả, bà Vũ Diệu Trang nhận định, tại các khu vực còn khó khăn, hạn chế lớn nhất là nguồn lực giáo viên, cơ sở vật chất cũng như nhận thức của địa phương về phương pháp dạy tiếng Anh chưa đáp ứng yêu cầu hiện nay.

Do đó, bà Diệu Trang cho rằng, các địa phương cần tận dụng phương pháp học trực tuyến, học kết hợp trực tiếp - trực tuyến, để vượt ra “rào cản” của việc thiếu giáo viên, mà vẫn mang lại hiệu quả tương đương.

“Về mặt chính sách, chúng ta cần rà soát đồng bộ các quy chuẩn đầu ra của việc học ngoại ngữ. Bên cạnh đó, nên tạo điều kiện chuyển giao công nghệ và đưa ra các chính sách liên quan đến hỗ trợ, đầu tư trang thiết bị học tập tại vùng miền còn khó khăn.

Đồng thời, khuyến khích người dân học tiếng Anh thông qua nhiều hình thức, phương tiện, giúp phổ cập tiếng Anh toàn dân, không phân biệt độ tuổi, vùng miền.

Tôi tin rằng, với sự chung tay của cộng đồng, việc phổ cập tiếng Anh sẽ sớm trở thành hiện thực, mở ra tương lai vững chắc cho thế hệ trẻ Việt Nam”, bà Vũ Diệu Trang chia sẻ.

Ngọc Huyền - Hà Giang