Sáng kiến kinh nghiệm ở đâu ra mà người ta mua - bán nhiều thế?

05/11/2024 09:58
Lê Mai

GDVN -Sáng kiến kinh nghiệm giờ đây không còn là "tiêu chí" bắt buộc với giáo viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khi muốn xét Chiến sĩ thi đua cơ sở.

Sáng kiến kinh nghiệm của mỗi giáo viên phải là những đúc rút từ thực tế được khái quát hóa thành đề tài nghiên cứu, được giáo viên thực hiện, nhằm cải tiến, đổi mới phương pháp giảng dạy và quản lý giáo dục.

Sáng kiến kinh nghiệm không chỉ giúp giáo viên hoàn thiện chuyên môn, mà còn có vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện.

Sáng kiến kinh nghiệm giờ đây không còn là "tiêu chí" bắt buộc với giáo viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khi xét Chiến sĩ thi đua cơ sở.

Tuy nhiên, số lượng giáo viên hoàn thành xuất sắc nhiệm không quá 20%, nên sáng kiến kinh nghiệm vẫn là “phao” của giáo viên hoàn thành tốt nhiệm vụ khi mong muốn đạt được kết quả tốt khi xét danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở.

Giáo viên vì áp lực thành tích, hoặc do không đủ thời gian và năng lực thực hiện, thiếu trung thực, đã lựa chọn con đường "mua bán" sáng kiến kinh nghiệm.

Với sự phát triển của mạng xã hội, đặc biệt là Facebook, các hội nhóm có “dịch vụ mua bán sáng kiến kinh nghiệm” ngày càng nhộn nhịp.

Chỉ cần tìm kiếm với từ khóa như “mua sáng kiến kinh nghiệm”, “bán sáng kiến kinh nghiệm”, “viết hộ sáng kiến kinh nghiệm” … sẽ tìm được hàng loạt nhóm có cung cấp dịch vụ này.

sangkienkinhnghiem-giaoducnetvn-2831-6569.jpg
Ảnh minh họa

Mua - bán sáng kiến kinh nghiệm cẩn thận tiền mất tật mang

Trong vai muốn tham khảo và cần mua sáng kiến kinh nghiệm dạy môn Toán lớp 6, người viết đã liên hệ với một tài khoản bán sáng kiến kinh nghiệm quảng cáo trên mạng xã hội.

Người này cho biết với giá 300.000 đồng/sáng kiến, đảm bảo không trùng lặp trong tỉnh, vì mỗi tỉnh chỉ bán cho một người, chuyển trước 100.000 ngàn đồng bằng thẻ cào điện thoại, số còn lại chuyển đủ sau khi chỉnh sửa đạt theo yêu cầu của người mua.

Sau khi chuyển thẻ cào điện thoại, người viết nhận được cú lừa từ người bán. Tài khoản của người viết bị chặn, không liên lạc được với người giao bán kia.

Được biết, có trường hợp người bán thông báo cho xem trước, chỉ cần bấm vào đường link gửi kèm để đọc, ưng ý thì trả tiền. Sau khi bấm vào đường link gửi kèm đã bị chiếm mất tài khoản, kẻ xấu đã sử dụng tài khoản vay mượn tiền của người khác.

Không ít giáo viên mua sáng kiến kinh nghiệm trên mạng đã bị lừa, ngậm bồ hòn làm ngọt, rút ra “sáng kiến kinh nghiệm” cho chính bản thân mình.

Nói thẳng là việc mua bán, xin cho, sáng kiến kinh nghiệm là hành vi gian dối, xấu xí. Dùng sáng kiến kinh nghiệm có được từ mua bán, xin cho để xét thi đua lại càng xấu xí hơn bội phần.

Việc mua bán sáng kiến kinh nghiệm để xét thi đua, thi giáo viên dạy giỏi không chỉ là hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp, mà còn mang lại nhiều hệ lụy tiêu cực cho ngành giáo dục và xã hội.

Nhận diện một sáng kiến kinh nghiệm mua bán, xin cho có khó không?

Để có một sáng kiến kinh nghiệm, giáo viên phải trải qua cả một quá trình trăn trở về đề tài đó trong quá trình dạy học. Sáng kiến, kinh nghiệm đó là trí tuệ của người viết chứ không phải chỉ học thuộc là “diễn” được.

Nếu giám khảo thật sự có năng lực, phẩm chất, trình độ chuyên môn tốt, khi quan sát, nghe giáo viên trực tiếp thuyết trình là nhận ra ngay và luôn người báo cáo sáng kiến kinh nghiệm đó có "chính chủ" không. Nếu muốn, giám khảo chỉ cần vài câu hỏi là lật tẩy sự gian dối.

Khi chấm sáng kiến trên bản cứng, giám khảo chỉ cần nhìn vào những hình ảnh, số liệu minh chứng người viết làm cơ sở cho báo cáo của mình là biết ngay.

Người thực sự có sáng kiến kinh nghiệm họ sẽ thu thập hình ảnh, số liệu minh chứng theo khung thời gian năm học, như bài học sinh làm trong vở, hình ảnh học sinh viết trên bảng … để minh chứng cho báo cáo của mình.

Một báo cáo sáng kiến kinh nghiệm mà không có hình ảnh cụ thể theo thời gian, tiến trình năm học của chính cơ sở giáo dục đã áp dụng, hình thành sáng kiến đó thì khó có thể là sản phẩm "chính chủ" được.

Ảnh chụp màn hình 2024-11-05 091533.png
Ảnh chụp màn hình.

Sáng kiến kinh nghiệm ở đâu ra mà người ta mua bán nhiều thế?

Phải khẳng định rằng, giáo viên đúc rút kinh nghiệm qua quá trình dạy học, viết thành sáng kiến, không ai đi bán sản phẩm tâm huyết của mình trên mạng xã hội.

Có tài khoản mạng xã hội bán sáng kiến kinh nghiệm đủ mọi môn học, cấp học, lớp học, công tác quản lý ...giống như "kho" sáng kiến. Người viết được đọc một phần các đề tài này khi đóng vai người đặt mua, thấy một thực tế, có những sáng kiến thực sự có chất lượng, viết đúng quy định.

Vấn đề đặt ra, các sáng kiến kinh nghiệm có chất lượng này ở đâu ra, người bán viết ư, không thể có chuyện đó. Một số ý kiến cho rằng, rất có thể có nơi tổ chức chấm sáng kiến kinh nghiệm đã bị lộ, lọt các sáng kiến kinh nghiệm ra ngoài, vì các tác giả ngoài nộp bản cứng còn phải nộp bản mềm cho các cấp chấm sáng kiến kinh nghiệm.

Từ thực tế nhiều năm tham gia giám khảo chấm sáng kiến kinh nghiệm, chấm giáo viên dạy giỏi, người viết bài có một số đề xuất sau.

Thứ nhất, tăng cường kiểm soát, giám sát. Các hội đồng xét duyệt sáng kiến kinh nghiệm cần phải chặt chẽ hơn trong việc kiểm tra tính xác thực của đề tài, yêu cầu giáo viên phải thực hiện báo cáo và chứng minh hiệu quả thực tiễn của sáng kiến tại nơi mình công tác.

Chủ tịch chấm sáng kiến kinh nghiệm phải nêu rõ quan điểm, chỉ chấm và công nhận sáng kiến thực sự trung thực, của giáo viên đúc rút, kiên quyết loại bỏ sáng kiến vay mượn, thiếu trung thực.

Thứ hai, các trường học cần thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền, nâng cao ý thức về đạo đức nghề nghiệp cho giáo viên, nhấn mạnh đến giá trị thực sự của sáng kiến kinh nghiệm và trách nhiệm của giáo viên trong việc nghiên cứu, cải tiến phương pháp dạy học.

Thứ ba, nhà trường phải là “cánh cửa” ngăn chặn sáng kiến kinh nghiệm mua bán đầu tiên.

Giáo viên trong tổ, trong trường sẽ là giám khảo chính xác nhất, biết chắc chắn sản phẩm sáng kiến kinh nghiệm của đồng nghiệp có thực sự đúc rút trong quá trình dạy học hay do mua bán.

Nếu ban giám hiệu không mua bán sáng kiến kinh nghiệm, trung thực khi chấm sáng kiến kinh nghiệm cấp trường, không dung túng cho hành vi mua bán, xin cho sáng kiến kinh nghiệm, giáo viên có muốn cũng không dám sử dụng sáng kiến không phải của mình.

Thứ tư, đồng loạt công khai toàn bộ sáng kiến kinh nghiệm từ cấp huyện, cấp tỉnh để giáo viên học hỏi, áp dụng. Chính vì sáng kiến kinh nghiệm chấm xong, công nhận, cất vào kho, không được công khai để phát huy, áp dụng, nên "chợ" sáng kiến kinh nghiệm mới có nguồn cung cấp, có cơ hội tồn tại và phát triển.

Bên cạnh đó, cần có kênh an toàn, bí mật, để giáo viên tố giác những người thiếu trung thực khi sử dụng sáng kiến kinh nghiệm mua bán để xét thi đua.

Thứ năm, khi phát hiện sáng kiến kinh nghiệm sao chép, không trung thực, cần phải xử lý nghiêm cả giáo viên vi phạm và cơ sở giáo dục đã tổ chức chấm sáng kiến kinh nghiệm; không xét thi đua cho cá nhân và cơ sở giáo dục có người vi phạm trong 05 năm.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Lê Mai