Tự hào là cựu sinh viên Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội

05/11/2024 09:22
Ngọc Mai

GDVN - Cựu sinh viên thành đạt Trường Đại học Công nghệ đã và đang cống hiến tài năng, tri thức với khát vọng góp phần xây dựng vì sự phát triển cộng đồng xã hội.

Trên chặng đường xây dựng và phát triển, Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã khẳng định được vị thế và nằm trong top những trường đại học hàng đầu Việt Nam về đào tạo nguồn nhân lực công nghệ kỹ thuật. Để có được thành quả đó là nhờ một phần đóng góp quan trọng đến từ các thế sinh viên của nhà trường.

Theo tìm hiểu của phóng viên, nhiều cựu sinh viên thành đạt của Trường Đại học Công nghệ, dù ở vị trí công tác nào, đơn vị nào đều đã và đang cống hiến tài năng, tri thức với khát vọng góp phần xây dựng vì sự phát triển cộng đồng xã hội.

Kiến thức được học tại trường là nền tảng kỹ thuật vững chắc, tư duy công nghệ

Được biết, công tác tạo nguồn cán bộ giảng viên luôn được Trường Đại học Công nghệ đặc biệt quan tâm. Hàng năm, những sinh viên tốt nghiệp xuất sắc luôn được nhà trường mong muốn giữ lại để tiếp tục bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ giảng viên. Anh Nguyễn Quốc An là một trong những sinh viên tốt nghiệp xuất sắc được giữ lại trường công tác. Hiện tại, anh An làm trợ giảng tại Trường Đại học Công nghệ.

Phát biểu tại Gương mặt trẻ tiêu biểu huyện Sóc Sơn năm 2022.jpg
Anh Nguyễn Quốc An phát biểu tại sự kiện Gương mặt trẻ tiêu biểu huyện Sóc Sơn (Hà Nội) năm 2022. (Ảnh: NVCC)

“Tôi sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống giáo dục với nhiều thế hệ làm giáo viên. Được nuôi dưỡng và trưởng thành ở Trường Đại học Công nghệ đã thôi thúc tôi cống hiến cho nền giáo dục sau khi ra trường. Tốt nghiệp thủ khoa ngành Khoa học máy tính với điểm GPA 3.92/4.00, tôi luôn tự hào và may mắn khi được nhà trường tin tưởng, giữ lại trường để tiếp tục học tập, công tác, dẫn dắt sinh viên”

_Anh Nguyễn Quốc An_

Những kiến thức mà anh An được tiếp nhận, trau dồi trong quá trình học tập tại nhà trường đã được anh vận dụng sáng tạo vào thực tế công việc trợ giảng. Đặc biệt, được truyền cảm hứng từ các thầy cô trong quá trình lên lớp, anh An tiếp thu và luôn cố gắng áp dụng phương pháp giảng dạy mới giúp sinh viên dễ dàng đón nhận, chăm chỉ và tự giác học tập hơn.

Được biết, với ước mơ trở thành giảng viên để cống hiến cho nền giáo dục nước nhà, mục tiêu trong thời gian tới của anh An là tiếp tục rèn luyện, học tập để nâng cao năng lực nghiên cứu, nền tảng kiến thức và trang bị kỹ năng giảng dạy.

Một trong những cựu sinh viên thành đạt của Trường Đại học Công nghệ không thể không nhắc đến anh Nguyễn Văn Khánh - Giám đốc Công nghệ thông tin Công ty Cổ phần Khoa học dữ liệu. Trước đây, anh Khánh là sinh viên K57CA ngành Khoa học máy tính, Trường Đại học Công nghệ.

Chia sẻ với phóng viên, anh Khánh nhận định, kiến thức ngành Khoa học máy tính Trường Đại học Công nghệ không chỉ là nền tảng kỹ thuật vững chắc, mà còn là tư duy công nghệ, giúp sinh viên biết cách áp dụng những gì học được vào thực tế.

Sau quá trình làm nghề, anh Khánh nhận ra rằng, đối với doanh nghiệp về công nghệ, điều quý giá nhất là khả năng sử dụng công nghệ để giải quyết các bài toán kinh doanh, tối ưu hóa quy trình và tạo ra các giải pháp cho đối tác, cho xã hội. Việc ứng dụng các nguyên lý về thuật toán, dữ liệu lớn (Big Data) và công nghệ thông tin trong phân tích, tối ưu hóa quy trình vận hành doanh nghiệp đã giúp anh Khánh mang lại giá trị thiết thực trong các dự án mà bản thân tham gia. Đặc biệt, khả năng tư duy hệ thống và phân tích vấn đề từ nhiều góc độ là yếu tố then chốt đã hỗ trợ anh Khánh trong việc định hướng chiến lược cho các dự án lớn.

Anh Nguyễn Văn Khánh - Giám đốc Công nghệ thông tin Công ty Cổ phần Khoa học dữ liệu (đứng thứ 2, từ trái sang). Ảnh: NVCC.
Anh Nguyễn Văn Khánh - Giám đốc Công nghệ thông tin Công ty Cổ phần Khoa học dữ liệu (đứng thứ 2, từ trái sang). Ảnh: NVCC.

Trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, anh Khánh cho rằng, để sinh viên ngành Khoa học máy tính có thể đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động hiện đại, nhà trường cần trang bị cho các em những kiến thức mang tính ứng dụng cao.

Đầu tiên, nhà trường nên tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp để tổ chức các hội thảo, tư vấn hướng nghiệp về các xu hướng công nghệ mới nhất như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), và an toàn thông tin (Cybersecurity). Các buổi hội thảo này không chỉ giúp sinh viên cập nhật kiến thức mới mà còn giúp các em hiểu rõ nhu cầu thực tế của doanh nghiệp.

Thứ hai, nhà trường cũng nên khuyến khích sinh viên tham gia vào các dự án thực tế từ sớm, hoặc có thể kết hợp với các doanh nghiệp để tổ chức chương trình thực tập tại doanh nghiệp. Việc trải nghiệm môi trường làm việc thực tế sẽ giúp sinh viên hiểu được cách áp dụng kiến thức đã học vào công việc cụ thể, đồng thời phát triển những kỹ năng mềm quan trọng như làm việc nhóm, giao tiếp, và quản lý thời gian.

Thứ ba, sinh viên cũng cần được định hướng để tự học và nghiên cứu thêm ngoài giáo trình, đặc biệt là các công nghệ đang phát triển nhanh chóng. Nhà trường có thể tạo ra một môi trường khuyến khích sự sáng tạo, đổi mới và tinh thần khởi nghiệp, giúp sinh viên không chỉ nắm vững kiến thức chuyên môn mà còn sẵn sàng đối mặt với những thách thức trong thời đại số.

Anh Lê Phan Giang – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Mac Service là cựu sinh viên K47ĐB ngành Điện tử viễn thông Trường Đại học Công nghệ. Được biết đến là cựu sinh viên thành đạt của nhà trường, anh Giang có những chia sẻ về kiến thức cũng như ứng dụng kiến thức được học vào thực tiễn công việc của anh.

Anh Giang.jpg
Anh Lê Phan Giang – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Mac Service là cựu sinh viên K47ĐB ngành Điện tử viễn thông Trường Đại học Công nghệ. (Ảnh: NVCC)

“Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi từng nghĩ "Mình học mấy cái này để làm gì nhỉ? Mọi thứ lúc đó thật là khó khăn và mơ hồ. Thời điểm năm 2002, công nghệ rất thiếu thốn và đắt đỏ, sinh viên chúng tôi chỉ được thực hành 1 lần/tuần trên máy tính, Internet thì chập chờn và tốc độ như con rùa.

Hay những kiến thức về tổng quát, mạng Lan, IP, bảo mật,... thời điểm đó chưa có nhiều thiết bị và ứng dụng thực tiễn. Những kết nối mạng “mạng nhện” hay kết nối “vòng” đều chỉ là lý thuyết,... Khi đó, chúng tôi chỉ biết học, học và nhớ những khối kiến thức khổng lồ, mới mẻ mà không biết học để làm gì.

Nhưng khi tốt nghiệp, đi làm, tôi mới nhận ra rằng, những kiến thức đã được học trên ghế nhà trường giống như một chiếc “hộp công cụ” đa năng – cứ gặp vấn đề gì là lại được tôi lôi một “dụng cụ” phù hợp ra để giải quyết vấn đề trong công việc.

Đặc biệt, kiến thức về “mạng nhện” chính xác là chiếc búa đinh trong hộp công cụ của tôi – vì mọi thứ về công nghệ đều cần đến nó”

_Anh Lê Phan Giang_

Với anh Giang, chỉ cho đến khi đi làm, được trải nghiệm với nghề thì anh mới cảm thấy bản thân may mắn vì được học những kiến thức và kỹ năng về điện tử viễn thông. Có được những kiến thức này khiến cho anh gặp nhiều thuận lợi trong công việc và cuộc sống trở nên lãng mạn, nhẹ nhàng hơn.

Tính đến nay, anh Giang đã tốt nghiệp ra trường được 18 năm. Xuất phát từ kinh nghiệm thực tiễn của bản thân, anh Giang cho rằng, cùng với trang bị kiến thức chuyên môn, các sinh viên cần rèn luyện nhiều kỹ năng mềm thông qua hoạt động võ thuật, thể thao, giao tiếp, âm nhạc, khiếu hài hước,... Đặc biệt, trong cuộc sống có nhiều vấn đề mà cách giải quyết không chỉ gói gọn bằng 1-2 câu trả lời như trong bài kiểm tra. Do đó, sinh viên cũng nên chủ động, trau dồi kỹ năng làm việc và giải quyết vấn đề.

Bên cạnh đó, các em cũng cần rèn luyện khả năng giao tiếp và tinh thần làm việc nhóm, có chính kiến khi làm việc nhóm. Ngoài ra, kỹ năng giúp sinh viên ghi điểm lớn nhất với nhà tuyển dụng là khả năng tự học và cầu thị vì công nghệ luôn thay đổi và thay đổi rất nhanh chóng.

Vậy, làm thế nào để sinh viên có được những kỹ năng, kinh nghiệm để gia tăng cơ hội trúng tuyển vào các vị trí việc làm có mức thu nhập hấp dẫn, anh Giang nhắn nhủ:

“Sinh viên cần mạnh dạn tham gia thực tập, đừng ngại dấn thân vào những trải nghiệm khó khăn ban đầu – cà phê phin ngon là phải mất thời gian nhỏ giọt.

Chưa kể, việc xây dựng mạng lưới quan hệ cũng cực kỳ quan trọng. Do đó, sinh viên nên tham gia các sự kiện công nghệ để cập nhật, học hỏi xu hướng công nghệ mới. Thêm nữa, sinh viên cũng cần rèn luyện tính kỷ luật trong sinh hoạt, học tập, tạo thói quen “ra lệnh và nhận lệnh”; linh hoạt trong xử lý tình huống và nên gặp càng nhiều thất bại càng tốt vì có thất bại, sinh viên mới rút ra bài học và hoàn thiện hơn”.

Nhiều cảm xúc khó quên và tự hào

Khi được hỏi về kỷ niệm đáng nhớ nhất gắn với giảng viên của nhà trường trong quá trình còn là sinh viên, anh Khánh chia sẻ, đó là khi anh học năm 2 đại học, lần đầu tiên anh được các thầy hướng dẫn tham gia vào một dự án nghiên cứu khoa học. Dự án đầu tay của anh là về giải pháp công nghệ cho thư viện điện tử, sau đó anh chuyển hướng nghiên cứu sang lĩnh vực xử lý ngôn ngữ tự nhiên. Tham gia làm nghiên cứu khoa học không chỉ mang lại cơ hội học hỏi và phát triển về mặt học thuật, mà còn giúp anh đạt được giải thưởng nghiên cứu khoa học cấp trường.

“Chính sự tận tâm của các thầy cô bộ môn, luôn tạo điều kiện tốt nhất cho sinh viên, đã giúp tôi không chỉ hoàn thành dự án mà còn có được học bổng du học thạc sĩ tại Nhật Bản ngay sau khi tốt nghiệp. Sự hỗ trợ từ các giảng viên không chỉ dừng lại ở việc dạy kiến thức chuyên môn, mà còn là sự định hướng tương lai cho sinh viên, điều này đã để lại ấn tượng sâu sắc trong tôi cho đến tận bây giờ”

_Anh Nguyễn Văn Khánh_

Chia sẻ thêm, anh Khánh cho biết, ấn tượng và niềm tự hào khi là sinh viên của Trường Đại học Công nghệ đối với anh còn xuất phát từ những ngày đầu nhập học vào trường. Khi nhìn vào danh sách thành viên lớp, anh Khánh ngỡ ngàng khi hơn một nửa lớp là học sinh giỏi quốc gia và quốc tế. Anh Khánh nghĩ bản thân chỉ là cậu học sinh trường làng, ở quê ra thành phố nên càng thêm choáng ngợp. Tuy nhiên, học trong lớp có nhiều bạn giỏi đã trở thành động lực mạnh mẽ để anh Khánh phấn đấu và phát triển.

“Trong môi trường sư phạm được học với nhiều thành viên xuất sắc đã giúp tôi duy trì được động lực và nhiệt huyết suốt năm tháng học đại học. Bởi, tôi hiểu rằng, bản thân phải không ngừng nỗ lực để theo kịp và vượt lên chính mình. Nhìn lại chặng đường đã qua, tôi thật sự rất tự hào vì đã được học tập trong môi trường nhiều người tài năng và đam mê ở Trường Đại học Công nghệ”, anh Khánh bày tỏ.

Một số ảnh kỷ yếu lớp K57CA ngành Khoa học máy tính, Trường Đại học Công nghệ vẫn được anh Khánh lưu giữ. (Ảnh: Anh Nguyễn Văn Khánh cung cấp)
Một số ảnh kỷ yếu lớp K57CA ngành Khoa học máy tính, Trường Đại học Công nghệ vẫn được anh Khánh lưu giữ. (Ảnh: Anh Nguyễn Văn Khánh cung cấp)

Nhắc nhớ về thời gian học tại Trường Đại học Công nghệ, anh Giang cũng có nhiều cảm xúc khó quên và tự hào.

“Thời điểm tôi học đại học, cách đây cũng hơn 18 năm, ấn tượng vô cùng lớn đối với tôi cho đến hiện tại đó là phong cách mới mẻ của đội ngũ giảng viên nhà trường như: sơ vin áo phông với quần soóc; giảng viên môn tiếng Anh thật trẻ trung và xinh đẹp. Thầy hiệu trưởng ấm áp và luôn tạo mọi điều kiện hỗ trợ sinh viên hay hình ảnh một đồng chí bí thư đoàn rất hài hước, dễ gần vẫn còn đọng lại trong tâm trí tôi mỗi khi nhắc về nhà trường.

Hồi đó, điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường còn thiếu thốn, không khang trang như bây giờ. Tôi còn nhớ, tôi đi học ở nhiều địa điểm khác nhau như học các môn đại cương tại Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội); học thể dục tại Học viện Mật mã;... Nhờ đó mà chúng tôi cũng được học bởi nhiều giảng viên đến từ Đại học Quốc gia Hà Nội, các viện nghiên cứu, giúp sinh viên chúng tôi có được những trải nghiệm, kiến thức rất thú vị, đa dạng”, vị Chủ tịch Hội đồng quản trị chia sẻ.

Một trong những kỷ niệm khó quên gắn với Trường Đại học Công nghệ của anh Giang là những đợt thi cử. Tốt nghiệp ra trường đến nay đã 18 năm nhưng anh Giang vẫn nhớ những buổi thức trắng đêm, uống cà phê như nước lọc để thức, ôn thi, làm đồ án.

“Qua các đợt thi cử nghiêm túc của nhà trường đã giúp tôi mạnh mẽ và cực kỳ lạc quan. Mỗi lần gặp vấn đề trong công việc, tôi lại nghĩ bản thân đã “sống sót” qua các kỳ thi khó nhằn ở Trường Đại học Công nghệ thì chẳng có gì là không thể vượt qua. Tôi mong rằng, các bạn sinh viên sẽ học được cách biến áp lực thành động lực. Mỗi ngày, các em hãy tìm sự thú vị trong những thử thách mà cuộc sống mang lại”, anh Giang chia sẻ.

Còn đối với anh An, một trong những điều mà anh luôn cảm thấy ấn tượng nhất khi gắn bó với Trường Đại học Công nghệ là sự nỗ lực của đội ngũ giảng viên nhà trường trong thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học cho sinh viên.

“Trong suốt quãng thời gian gắn bó với Trường Đại học Công nghệ, cho dù bản thân là sinh viên hay trợ giảng, tôi đều cảm thấy các thầy cô luôn cố gắng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Các thầy cô luôn sẵn sàng đầu tư thời gian nhiều hơn so với quy định về định mức để giảng dạy và hướng dẫn sinh viên làm nghiên cứu. Bên cạnh đó, các thầy cô cũng luôn cố gắng linh hoạt khắc phục những khó khăn để tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các bạn sinh viên. Tôi tin rằng, với trách nhiệm và đam mê như vậy, mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học cho sinh viên sẽ sớm đạt được”, anh An chia sẻ.

Sự thành công của cựu sinh viên là niềm tự hào, mong muốn của tập thể sư phạm Trường Đại học Công nghệ. Tin tưởng rằng, thế hệ cựu sinh viên thành đạt của nhà trường sẽ là cầu nối giữa nhà trường với doanh nghiệp, là đại sứ thương hiệu lan tỏa giá trị của nhà trường và truyền cảm hứng cho thế hệ sinh viên. Từ đó, giúp nâng cao chất lượng, thực hiện thắng lợi mục tiêu chiến lược phát triển mà Trường Đại học Công nghệ đặt ra.

Ngọc Mai