Hiệu trưởng ĐH Võ Trường Toản là ứng viên PGS, nhiều bài báo đăng 2 năm gần đây

30/10/2024 06:28
Hồng Mai

GDVN - Tiến sĩ Dương Đăng Khoa (55 tuổi) là 1 trong hai ứng viên phó giáo sư lớn tuổi nhất ngành Kinh tế năm 2024 vượt qua vòng Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành.

Hội đồng Giáo sư Nhà nước đã công bố danh sách 582 ứng viên được Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành đề nghị xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2024.

Trong đó, thầy Dương Đăng Khoa sinh ngày 12/12/1969 là một trong hai ứng viên phó giáo sư lớn tuổi nhất ngành Kinh tế.

Theo bản đăng ký xét công nhận đạt chuẩn chức danh phó giáo sư năm 2024, thầy Dương Đăng Khoa quê ở phường 6, quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh. Hiện ứng viên là Hiệu trưởng Trường Đại học Võ Trường Toản.

unnamed (23).jpg
Tiến sĩ Dương Đăng Khoa hiện là Hiệu trưởng Trường Đại học Võ Trường Toản. (Ảnh: website nhà trường)

Năm 1998, thầy Khoa được cấp bằng đại học ngành Kinh tế, chuyên ngành Kinh tế phát triển tại Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh.

Tháng 3/2005, ứng viên được cấp bằng thạc sĩ ngành Kinh tế, chuyên ngành Kinh tế học tại Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Tháng 8/2009, thầy Khoa được cấp bằng tiến sĩ ngành Kinh tế, chuyên ngành Kinh tế học tại Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Quá trình công tác của ứng viên Dương Đăng Khoa như sau:

Từ tháng 1/1998 đến tháng 8/1999, ứng viên đảm nhiệm vị trí Trưởng phòng Nhân sự tại Công ty Liên doanh VIANCO, quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh.

Từ tháng 9/1999 đến tháng 9/2001, thầy Dương Đăng Khoa là giảng viên tập sự tại khoa Kinh tế học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

Từ tháng 10/2001 đến tháng 1/2002 thầy Khoa giữ vai trò là giảng viên tại khoa Kinh tế chính trị, Học viện Chính trị Khu vực II (trực thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh).

Từ tháng 2/2002 đến tháng 1/2008 ứng viên tiếp tục công tác tại khoa Kinh tế chính trị, Học viện Chính trị Khu vực II và kiêm nhiệm Trưởng Ban Quản lý đào tạo tại Viện Nghiên cứu Kinh tế phát triển, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh.

Từ tháng 2/2008 đến tháng 9/2009, thầy Dương Đăng Khoa giữ chức Chủ tịch Hội đồng Quản trị (nay là Hội đồng trường) Trường Đại học Võ Trường Toản.

Từ tháng 10/2009 đến tháng 6/2020, ứng viên tiếp tục công tác tại Trường Đại học Võ Trường Toản với vai trò chủ tịch hội đồng quản trị kiêm hiệu trưởng nhà trường.

Từ tháng 7/2020 đến nay, thầy Khoa là Hiệu trưởng Trường Đại học Võ Trường Toản.

Trong nghiên cứu khoa học, thầy Dương Đăng Khoa theo đuổi 2 hướng nghiên cứu chính. Hướng nghiên cứu thứ nhất là phát triển doanh nghiệp, phát triển ngành/khu vực kinh tế, năng lượng bền vững, tăng trưởng và phát triển bền vững. Hướng nghiên cứu thứ hai là phát triển nguồn nhân lực, kinh tế nông hộ gắn với phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Trong công tác đào tạo, tiến sĩ đã hướng dẫn 5 học viên bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ và 1 nghiên cứu sinh hoàn thành bảo vệ luận án cấp cơ sở.

Sau khi được cấp bằng tiến sĩ, thầy Dương Đăng Khoa đã hoàn thành 3 đề tài nghiên cứu khoa học bao gồm: 2 đề tài cấp trường đạt loại giỏi là “Các nhân tố tác động đến mức độ hài lòng của sinh viên đến các trường đại học tại Đồng bằng sông Cửu Long” và “Mức độ ảnh hưởng của các nhân tố đến sự hài lòng của bệnh nhân đối với chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh theo mô hình nhân quả tại các bệnh viện khu vực Đồng bằng sông Cửu Long năm 2016”; 1 đề tài cấp trường đạt loại khá là “Phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định chọn trường đại học, cao đẳng của học sinh trung học phổ thông ở Đồng bằng sông Cửu Long”.

unnamed (40).png
Danh sách 3 nhiệm vụ khoa học ứng viên Dương Đăng Khoa đã thực hiện. (Ảnh chụp màn hình bản đăng ký xét công nhận chức danh phó giáo sư của ứng viên)

Bên cạnh đó, thầy Khoa đã công bố 29 bài báo khoa học (6 bài báo khoa học đăng tải trước khi thầy được công nhận tiến sĩ, 23 bài báo được đăng tải sau khi thầy được công nhận tiến sĩ). Trong số 23 bài báo được đăng tải sau khi thầy Khoa được công nhận tiến sĩ có 6 bài đăng trên tạp chí khoa học quốc tế có uy tín mà thầy là tác giả chính.

Đáng chú ý sau khi được công nhận tiến sĩ (2009), số bài báo khoa học của Hiệu trưởng Trường Đại học Võ Trường Toản chủ yếu tập trung trong năm 2022 và 2023 (có tháng đăng 2 bài báo khoa học). Cụ thể, năm 2022, thầy Khoa công bố 7 bài báo khoa học lần lượt vào các tháng: tháng 3, tháng 6, tháng 12, mỗi tháng 1 bài báo khoa học. Riêng tháng 7 và tháng 9/2022 mỗi tháng thầy có 2 bài báo khoa học.

Năm 2023 thầy Khoa cũng công bố 9 bài báo khoa học. Trong đó, hầu như tháng nào ứng viên cũng công bố bài báo khoa học. Cụ thể, 1 bài đăng từ tháng 1-3/2023; 1 bài đăng từ tháng 1-4/2023; 2 bài đăng trong tháng 4/2023; 1 bài đăng trong tháng 5/2023; 1 bài đăng trong tháng 8/2023; 1 bài đăng trong tháng 9/2023; 1 bài đăng trong tháng 10/2023; 1 bài đăng trong tháng 12/2023.

Năm 2024 thầy Khoa công bố 3 bài báo khoa học bao gồm: 1 bài đăng trong tháng 2/2024; 1 bài đăng trong tháng 4/2024; 1 bài đăng trong tháng 6/2024.

unnamed (41).png
Một số bài báo khoa học Tiến sĩ Dương Đăng Khoa đã công bố. (Ảnh chụp màn hình bản đăng ký xét công nhận chức danh phó giáo sư của ứng viên)

Trong quá trình công tác tại Trường Đại học Võ Trường Toản, ứng viên Dương Đăng Khoa đã xuất bản hai cuốn sách chuyên khảo với vai trò là chủ biên và thành viên. Cả hai cuốn sách đều được nhà xuất bản Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh xuất bản. Cụ thể, thầy Khoa là đồng tác giả sách chuyên khảo “Kinh tế không chính thức ở Thành phố Hồ Chí Minh (lý luận và thực tiễn)” xuất bản năm 2009. Đồng thời thầy là chủ biên cuốn sách chuyên khảo “Mô hình tăng trưởng kinh tế cấp tỉnh, nghiên cứu thực nghiệm tại tỉnh Cà Mau” xuất bản năm 2015.

Ngoài ra, Hiệu trưởng Trường Đại học Võ Trường Toản đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc xây dựng và phát triển chương trình đào tạo và nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ tại trường. Nổi bật trong đó, thầy chủ trì chương trình “Rà soát, đánh giá và cập nhật chương trình đào tạo ngành Kế toán trình độ đại học, hình thức đào tạo chính quy của khoa Kinh tế Trường Đại học Võ Trường Toản và triển khai đề án tổ chức đào tạo” các năm học 2017–2018, 2018-2019, 2019-2020; chủ trì chương trình “Xây dựng chương trình đào tạo ngành Tài chính - Ngân hàng, trình độ đại học, hệ chính quy tại Trường Đại học Võ Trường Toản” và nhiều chương trình quan trọng khác tại trường.

Tại bản đăng ký xét công nhận chức danh phó giáo sư của mình, thầy Khoa nêu: “Trong quá trình công tác hơn 08 năm tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Phân viện Thành phố Hồ Chí Minh và hơn 16 năm tại Trường Đại học Võ Trường Toản, tôi đã luôn nỗ lực, chủ động, cố gắng và không ngừng học tập, nghiên cứu và phấn đấu để đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn của một nhà giáo, hoàn thành tốt nhiệm vụ của một giảng viên đại học, bên cạnh nhiệm vụ quản lý, điều hành Trường Đại học Võ Trường Toản với các vai trò chủ tịch hội đồng quản trị và hiệu trưởng nhà trường.

Tôi nhận thấy bản thân đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn của một nhà giáo theo quy định của chức danh phó giáo sư. Tôi sẽ tiếp tục phấn đấu, không ngừng học tập và rèn luyện để nâng cao phẩm chất đạo đức, năng lực giảng dạy, nâng cao chất lượng của các nghiên cứu khoa học cũng như năng lực lãnh đạo, quản lý nhằm đáp ứng tốt hơn nữa những yêu cầu đổi mới của đất nước, của ngành giáo dục và của Trường Đại học Võ Trường Toản”.

6 bài báo khoa học đăng trên tạp chí khoa học quốc tế có uy tín mà thầy Dương Đăng Khoa là tác giả chính:

1. The Role of Corporate Social Responsibilities and Personnel Risk Management in Business Management in Vietnam.

2. Impact of Energy Consumption and Agriculture Growth on the Environmental Degradation: Evidence from ASEAN Countries.

3. Association Between Post-Covid Socio-Economic Development and Energy-Growth-Environment Nexus from Developing Economy.

4. The Impact of Information Technology Adoption, Government Policies, and Effective Labor Force on the Financial Performance of Manufacturing Companies in Vietnam: Moderating Role of Organizational Support.

5. The Role of Community Participation and Digital Technologies in Sustainable Development of Coastal Areas in Vietnam: Assessment of The National Tourism Development Strategy and Green Social Awareness.

6. Do ecotourism, green construction, environmental education, and sustainable behaviour lead to sustainable development? A mediation-moderation approach.

Hồng Mai