Chỉ CSGDĐH theo định hướng nghiên cứu và đủ điều kiện mới nên đào tạo tiến sĩ

08/11/2024 06:30
Thái Vân

GDVN-Theo GS.TS Vũ Hoàng Linh, chỉ những trường đại học theo định hướng nghiên cứu và đủ điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, mới nên đào tạo tiến sĩ.

Theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đào tạo trình độ tiến sĩ còn nhiều hạn chế, tồn tại khi tốc độ tăng quy mô trong giai đoạn gần đây không ổn định, có những thời điểm giảm. Việc mở rộng quy mô đào tạo của một số cơ sở chưa tương xứng với năng lực và điều kiện đảm bảo chất lượng.

Nguồn tuyển ngày càng khan hiếm, chất lượng đào tạo không đồng đều

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hoàng Linh - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến chất lượng đào tạo tiến sĩ không đồng đều, điều kiện đảm bảo chất lượng ở một số cơ sở đào tạo chưa tốt, yêu cầu chất lượng trong một số ngành, lĩnh vực chưa cao, thậm chí có thể nói còn “dễ dãi”.

Theo Giáo sư Vũ Hoàng Linh, một trong những nguyên nhân khiến số lượng nghiên cứu sinh giảm sút là do yêu cầu đầu vào và đầu ra ngày càng cao. Cụ thể, các tiêu chí về ngoại ngữ, công bố khoa học và người hướng dẫn đã được nâng lên đáng kể.

Bên cạnh đó, thực tế đa số nghiên cứu sinh Việt Nam vừa làm vừa học, thậm chí phải đi làm thêm để trang trải cuộc sống, dẫn đến gặp nhiều khó khăn trong việc tập trung vào nghiên cứu. Số lượng học bổng dành cho nghiên cứu sinh còn hạn chế, cũng là một trở ngại lớn.

Đặc biệt, với những người có năng lực và mong muốn học tiến sĩ trong lĩnh vực khoa học cơ bản, cơ hội nhận được học bổng tiến sĩ tại các trường đại học danh tiếng nước ngoài đang mở rộng. Điều này càng làm giảm sức hấp dẫn của các chương trình đào tạo tiến sĩ trong nước.

GDVN_GS Vũ Hoàng Linh.jpg
Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hoàng Linh - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh: M.T.

Thầy Linh thông tin, trong giai đoạn 2022-2024, tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), số nghiên cứu sinh nhập học vào các chương trình đào tạo tiến sĩ của trường lần lượt các năm là 34, 31, 38. So với giai đoạn trước năm 2015, con số này đã giảm khoảng 40-45%. Đặc biệt, khi so sánh với số lượng giáo sư, phó giáo sư (khoảng 140 người) của nhà trường, tỷ lệ nghiên cứu sinh còn khá khiêm tốn.

Cùng bàn về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Thơ - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Nông Lâm (Đại học Thái Nguyên) cho hay: “Thực tế trong công tác đào tạo tiến sĩ, nguồn tuyển chủ yếu từ các trường hoặc viện nghiên cứu khác (nguồn tuyển từ các cơ quan, đơn vị rất ít), do vậy, với yêu cầu đầu vào như hiện nay (chủ yếu là điều kiện ngoại ngữ), người học có nhiều sự lựa chọn làm nghiên cứu sinh tại nước ngoài. Chính yếu tố này đã khiến công tác tuyển sinh đào tạo trình độ tiến sĩ tại trường gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, công tác tuyển sinh, đào tạo tiến sĩ tại trường đang đối mặt với nhiều thách thức: Nguồn tuyển sinh hạn chế khiến việc huy động đội ngũ giảng viên cao cấp tham gia hướng dẫn và giảng dạy gặp khó khăn. Chính sách hỗ trợ kinh phí đào tạo cho các ngành đặc thù như khối nông lâm nghiệp còn chưa đầy đủ. Cơ hội học tập tại nước ngoài với yêu cầu đầu vào tương đối cao đã thu hút một phần không nhỏ ứng viên tiềm năng. Số lượng nghiên cứu sinh ít ỏi gây ảnh hưởng đến việc tổ chức các hoạt động đào tạo hiệu quả”.

Thầy Lê Văn Thơ cho biết thêm, mặc dù Trường Đại học Nông Lâm (Đại học Thái Nguyên) đang tuyển sinh 9 chương trình đào tạo tiến sĩ, song, số lượng nghiên cứu sinh nhập học trong 3 năm gần đây (2021-2023), chỉ dao động từ 8-10 người mỗi năm.

NCS-Trần-Trung-Mỹ-Trường-Đại-học-Nông-Lâm-Thái-Nguyên_-bảo-vệ-thành-công-luận-án-tiến-sĩ-ngành-Ký-si.jpg
Lễ bảo vệ luận án tiến sĩ tại Trường Đại học Nông Lâm (Đại học Thái Nguyên).

Trong khi đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Hiếu - Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) cho rằng, rào cản lớn nhất đối với công tác tuyển sinh, đào tạo tiến sĩ hiện nay, không xuất phát từ công tác tổ chức đào tạo hay yêu cầu đầu ra, mà là vấn đề hỗ trợ cho nghiên cứu sinh trong học tập, nghiên cứu, đặc biệt là các nghiên cứu sinh làm về kỹ thuật.

Theo đó, nguồn lực nghiên cứu còn hạn chế. Đa số nghiên cứu sinh phải tự tìm kiếm máy móc, vật tư thực hành thí nghiệm, phục vụ đề tài, hoặc tranh thủ từ các dự án của giảng viên hướng dẫn. Điều này không chỉ gây tốn kém mà còn khiến quá trình nghiên cứu trở nên không ổn định, gây ảnh hưởng đến tâm lý của người học.

Ngoài ra, sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ đòi hỏi các thiết bị nghiên cứu hiện đại, trong khi nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực này còn hạn hẹp. Điều này khiến các nghiên cứu khó có thể đạt được tính đột phá đồng thời, các luận án sẽ có tính mới, nhưng rất khó để cạnh tranh trên trường quốc tế.

Hiện tại, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) đang có 15 chương trình đào tạo tiến sĩ; luôn tập trung nguồn lực và chú trọng đối với công tác đào tạo bậc học này.

Bên cạnh đó, vị Hiệu trưởng cho biết, công tác đào tạo tiến sĩ tại nhà trường cũng có những điểm thuận lợi. Trong những năm gần đây, quy mô đào tạo tiến sĩ của trường tiếp tục tăng, số lượng nghiên cứu sinh nhập học không ngừng được cải thiện, chất lượng đào tạo nghiên cứu sinh được nâng cao rõ rệt.

Quy mô đào tạo tiến sĩ trong 3 năm gần đây của Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng):

Screenshot 2024-10-30 175755.png

Thầy Hiếu cho biết, mặc dù tình hình tuyển sinh, đào tạo tiến sĩ có những khởi sắc, tuy nhiên, cũng giống như các cơ sở đào tạo tiến sĩ khác trên cả nước, công tác tuyển sinh và đào tạo của trường còn gặp những khó khăn nhất định. Cụ thể, trong công tác tuyển sinh, những năm gần đây, do quy chế tuyển sinh, đào tạo tiến sĩ có những thay đổi nhất định, nên cũng ảnh hưởng phần nào đến công tác tuyển sinh, đào tạo.

“Các quy định về đào tạo tiến sĩ hiện nay có sự khác biệt đáng kể, từ điều kiện đầu vào, đến quy trình tổ chức đào tạo và tiêu chuẩn đầu ra. Việc yêu cầu năng lực ngoại ngữ ngay từ đầu là một bước đi tích cực, tạo điều kiện thuận lợi cho nghiên cứu sinh tiếp cận kiến thức khoa học hiện đại và công bố kết quả nghiên cứu trên các tạp chí quốc tế.

Tuy nhiên, yêu cầu này cũng đặt ra một rào cản nhất định đối với những người đi làm, đặc biệt với những người có ít cơ hội tiếp xúc với môi trường tiếng Anh. Bù lại, quy định về đào tạo hiện hành được đánh giá là phù hợp với thực tiễn tại Việt Nam và xu hướng phát triển của giáo dục đại học trên thế giới”, thầy Hiếu lý giải.

Bàn về chất lượng đào tạo tiến sĩ không đồng đều, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Hiếu cũng nhấn mạnh: “Quả thật, đây là một bài toán rất khó, chúng ta phải “liệu cơm gắp mắm”. Trong bối cảnh khoa học công nghệ của thế giới phát triển nhanh, mà nguồn lực của chúng ta còn chưa thực sự mạnh, nếu đầu tư dàn trải, sẽ rất dễ bị lạc hậu so với trình độ phát triển của thế giới. Do đó, cần lựa chọn những lĩnh vực nghiên cứu ít đòi hỏi thí nghiệm, những nghiên cứu cơ bản phù hợp với thực tiễn Việt Nam”.

Còn theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Thơ: “Hiện nay, Việt Nam có nhiều cơ sở đào tạo tiến sĩ, nhưng chất lượng đào tạo tiến sĩ không đồng đều ở các trường/viện, mặc dù điều kiện đầu vào là như nhau. Các yếu tố như quá trình tổ chức đào tạo, nguồn lực đội ngũ, cơ sở vật chất, học liệu… sẽ quyết định trực tiếp đến chất lượng đào tạo. Thực tế cho thấy, đơn vị nào quan tâm, đầu tư nguồn lực thì chất lượng đào tạo nghiên cứu sinh của đơn vị đó chắc chắn sẽ tốt hơn”.

Bàn về vấn đề nghiên cứu sinh là những người thực sự làm nghiên cứu trong các trường đại học; song, tiến sĩ hiện nay ít có công trình khoa học đột phá, áp dụng trong đời sống xã hội, Giáo sư Vũ Hoàng Linh nhấn mạnh, nghiên cứu sinh chưa phải là “máy cái” sinh ra các công trình khoa học, mà mới chỉ là đội ngũ học việc, trợ lý cho người hướng dẫn và các nhà khoa học có kinh nghiệm.

Tất nhiên, sự góp mặt của các nghiên cứu là rất cần thiết trong một nhóm nghiên cứu và ở các đại học nghiên cứu, góp phần tạo ra các kết quả nghiên cứu. Kết quả nghiên cứu của một luận án tiến sĩ thường mang tính học thuật, phải có ý nghĩa khoa học và có tính mới, đóng góp cho sự phát triển của ngành, chuyên ngành.

Tuy nhiên không thể kỳ vọng tất cả phải là công trình khoa học đột phá hay phải được áp dụng trong đời sống xã hội. Thực tế, chỉ một phần nhỏ được như vậy và còn tùy thuộc lĩnh vực cụ thể.

Cần có chính sách hỗ trợ và đầu tư nguồn lực cho hoạt động đào tạo tiến sĩ

Mặc dù đánh giá những quy định trong Thông tư số 18/2021/TT-BGDĐT hiện nay khá phù hợp và đảm bảo cho việc tuyển sinh, đào tạo tiến sĩ, tuy nhiên, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) vẫn cho rằng: “Cần có thêm chính sách hỗ trợ và đầu tư nguồn lực cho hoạt động đào tạo tiến sĩ. Đồng thời, đẩy mạnh giao lưu hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu lớn trên thế giới để từ đó tranh thủ nguồn lực, tạo môi trường nghiên cứu và cơ hội tiếp cận với xu hướng nghiên cứu mới cho nghiên cứu sinh.

Trong bối cảnh hiện nay, để thuận lợi cho tuyển sinh, theo tôi, đối với yêu cầu năng lực ngoại ngữ đầu vào, nên chia thành nhiều đối tượng. Trong đó, đối tượng đã có kinh nghiệm đi làm từ 2 năm trở lên, có thể yêu cầu năng lực ngoại ngữ đầu vào thấp hơn hiện nay và yêu cầu ngoại ngữ đầu ra đạt ngưỡng quy định.

Bên cạnh đó, dù hiện chưa có cơ chế trả lương cho nghiên cứu sinh, nhưng theo tôi, để tạo thêm thuận lợi, chúng ta có thể tính đến hỗ trợ học phí cho nghiên cứu sinh. Nguồn kinh phí có thể từ đề tài, dự án, các chương trình khoa học công nghệ, hoặc từ ngân sách nhà nước. Đặc biệt, nếu có khoản kinh phí hỗ trợ nhất định, đảm bảo chi phí đào tạo và nghiên cứu, người học sẽ không còn e ngại, công tác tuyển sinh đào tạo tiến sĩ chắc chắn sẽ dễ dàng và thuận lợi hơn”.

Phó-Giáo-sư-Tiến-sĩ-Nguyễn-Hữu-Hiếu-Hiệu-trưởng-Trường-Đại-học-Bách-khoa_-Đại-học-Đà-Nẵng.-Ảnh_-udn.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Hiếu - Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng). Ảnh: Website trường.

Đồng tình với quan điểm trên, Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hoàng Linh kiến nghị: “Trước hết, cần nâng cao chất lượng của đội ngũ giáo sư, phó giáo sư, người hướng dẫn. Trong thời gian gần đây, nhiều trường đại học đã xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh, với sự tham gia của nhiều nhà khoa học trẻ được đào tạo bài bản, có năng lực nghiên cứu và được tiếp xúc, cọ xát trong môi trường quốc tế.

Gần đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đã ban hành một số chính sách như học bổng dành cho nghiên cứu sinh, các quỹ khoa học của Nhà nước (Nafosted) và tư nhân (VinIF) đều có chương trình hỗ trợ nghiên cứu sinh. Nhà trường cũng có những chính sách riêng, nhất là đối với cán bộ trẻ đang công tác.

Đặc biệt, cần có nhiều kinh phí hơn nữa cho các đề tài, dự án nghiên cứu ở các trường đại học và học bổng cho nghiên cứu sinh, nhất là đối với những ngành khoa học cơ bản và khoa học mũi nhọn cần thiết cho sự phát triển của khoa học - công nghệ và phát triển bền vững của đất nước. Nguồn kinh phí có thể đến từ Nhà nước, các quỹ tư nhân, quỹ của các cơ sở giáo dục đại học trong bối cảnh tự chủ đại học hiện nay. Kinh phí phải được sử dụng hiệu quả, tập trung để phát triển đội ngũ và phục vụ công tác chuyên môn.

Bên cạnh đó, vẫn cần nâng cao yêu cầu chất lượng luận án tiến sĩ, tiệm cận với trình độ quốc tế. Trong nhiều ngành khoa học tự nhiên, yêu cầu tối thiểu về việc có công bố tại các tạp chí quốc tế có uy tín là cần thiết để nâng cao chất lượng. Chỉ những trường đại học theo định hướng nghiên cứu và đủ điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, mới nên đào tạo tiến sĩ.

Cuối cùng, nên giảm bớt các thủ tục hành chính rườm rà khi học tập và bảo vệ luận án, tạo điều kiện để người hướng dẫn và nghiên cứu sinh tập trung thời gian vào chuyên môn, nghiên cứu sinh có cơ hội cọ xát, trình bày ở các seminar, hội thảo trong nước và quốc tế”.

Đề nghị có chính sách hỗ trợ cho các nghiên cứu sinh khối nông lâm nghiệp

Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Nông Lâm (Đại học Thái Nguyên) cũng bày tỏ: “Cần có chính sách hỗ trợ kinh phí đào tạo cho các nghiên cứu sinh khối nghiên cứu cơ bản, nông lâm nghiệp… Cùng với đó, tạo điều kiện cho nghiên cứu sinh tập trung 100% thời gian cho công tác nghiên cứu tại cơ sở đào tạo. Bên cạnh đó, việc đơn giản hóa các quy trình và thủ tục hành chính cũng là một yếu tố quan trọng để nâng cao hiệu quả đào tạo”.

Thái Vân