Đề xuất Nhà nước có chính sách ưu tiên về thủ tục visa cho sinh viên quốc tế

10/11/2024 06:40
Quỳnh Nguyễn

GDVN - "Tôi đề xuất Nhà nước có chính sách ưu tiên về thủ tục visa cho sinh viên quốc tế", PGS, TS Nguyễn Hữu Hiếu nói.

Đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển đất nước trong giai đoạn mới là một nhiệm vụ quan trọng trong Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị về thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Quốc tế hóa giáo dục là cơ hội để cải tiến cách vận hành chương trình giáo dục

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Mai Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh đánh giá: “Quốc tế hóa trong giáo dục đại học là nhiệm vụ cấp thiết, quan trọng, mang tính chiến lược đối với sự phát triển của nền giáo dục đại học Việt Nam nói riêng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của đất nước nói chung. Đây vừa là cơ hội đổi mới, vừa là thử thách đối với các cơ sở giáo dục đại học hiện nay.

Trong bối cảnh hội nhập, chúng ta có nhiều cơ hội quý báu để tận dụng xu thế toàn cầu hóa, hấp thu và tiếp nhận những thành tựu tri thức mới, thành quả của những tiến bộ khoa học công nghệ vượt bậc.

DSC02601.JPG
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Mai Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh (Ảnh: NVCC)

Hơn nữa, Việt Nam nằm trong khu vực kinh tế năng động và nhiều phát triển, nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao ngày một tăng lên. Cùng với đó, các trường đại học cũng được hưởng lợi từ những chủ trương, chính sách kịp thời về đào tạo của Đảng và Nhà nước”.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Mai Thanh Phong chia sẻ, ngay từ những năm đầu của thập niên 90, lãnh đạo nhà trường qua các thời kỳ đã nhận thức rõ cơ hội và thách thức, sớm xây dựng các chương trình hợp tác, liên kết đào tạo với các đối tác quốc tế uy tin trên thế giới, nổi bật là các đối tác như Đại học Tasmania (Úc), phát triển quan hệ đối tác với Mỹ, Nhật Bản, Thụy Sỹ…

“Đến nay, chúng tôi đang vận hành 15 ngành thuộc chương trình Chuyển tiếp Quốc tế, 23 ngành thuộc diện Hợp tác công nhận tín chỉ với các trường đại học danh tiếng, thuộc top 1% thế giới. Sinh viên theo học các chương trình này sẽ học 2-2,5 năm đầu tại Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh, 2-2,5 năm kế sẽ chuyển tiếp đến trường đối tác để hoàn thành chương trình học và nhận bằng đại học do đối tác cấp.

Bởi vậy, sinh viên sẽ được trải nghiệm học tập ở 2 ngôi trường hàng đầu ở Việt Nam và ở nước ngoài, các em có nhiều cơ hội để khám phá và phát triển bản thân, qua đó, nâng cao năng lực, trở thành những công dân toàn cầu ưu tú.

Hơn nữa, qua việc hợp tác cùng các đối tác uy tín, nhà trường cũng học hỏi được nhiều kinh nghiệm vận hành chương trình giáo dục từ trường bạn, nước bạn, qua đó, cải tiến quy trình, cách thức quản trị của nhà trường, hướng đến cung cấp các dịch vụ với chất lượng tốt nhất cho người học. Bên cạnh đó, việc hợp tác liên kết đào tạo còn mở ra cho chúng tôi nhiều cơ hội trong trao đổi sinh viên, trao đổi giảng viên, hợp tác nghiên cứu, tài trợ hoạt động sinh viên…” - Vị Phó Giáo sư, Tiến sĩ này cho biết.

Xây dựng chương trình học bằng tiếng nước ngoài để giải bài toán thu hút sinh viên quốc tế

Song, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Mai Thanh Phong cũng đánh giá thêm rằng: “Để đạt được những kết quả, cơ hội trên, nhà trường gặp không ít khó khăn.

Thứ nhất, cơ sở giáo dục các bên mất nhiều thời gian để thỏa thuận, ký kết hợp tác do sự khác biệt về luật, quy định, thủ tục pháp lý giữa các nước.

Thứ hai, do quy định bảo mật của nước sở tại đối với các đại học đối tác, nhà trường khó có thể theo dõi được kết quả học tập giai đoạn 2 của sinh viên - giai đoạn sau khi chuyển tiếp sang trường đối tác. Do đó nhà trường khó đánh giá được hiệu quả và tác động của các chương trình liên kết đào tạo.

Thứ ba, về tuyển sinh, chúng tôi phải chú trọng nhiều hơn vào khâu tư vấn trước khi thí sinh nộp hồ sơ dự tuyển, bởi vì ở giai đoạn 2, sinh viên sẽ đón nhận nhiều sự khác biệt, môi trường học tập, văn hóa, ngôn ngữ, phong cách sinh hoạt, cơ hội nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp….Đây là một trong những khó khăn mà nhà trường đang cố gắng cùng chia sẻ với các em".

Đánh giá về việc có nên xây dựng các chương trình đào tạo bằng tiếng nước ngoài để thu hút sinh viên quốc tế, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Cao Đình Kiên, Trưởng phòng Hợp tác Quốc tế, Trường Đại học Ngoại thương cho biết: “Việc các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam xây dựng chương trình đào tạo bằng tiếng nước ngoài để thu hút các sinh viên quốc tế là hoàn toàn khả thi và cần thiết. Đặc biệt là trong bối cảnh việc phổ cập tiếng Anh ngày càng quan trọng như hiện nay. Tuy nhiên, để có thể triển khai các chương trình đào tạo bằng tiếng nước ngoài, các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam cần phải chú trọng tới các điều kiện đảm bảo chất lượng, đặc biệt là chất lượng của đội ngũ giảng viên giảng dạy bằng tiếng nước ngoài.

Ảnh phát biểu.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Cao Đình Kiên, Trưởng phòng Hợp tác Quốc tế, Trường Đại học Ngoại thương (Ảnh: NVCC)

Tại Trường Đại học Ngoại thương, khoảng 60% số chương trình đào tạo đang được triển khai là các chương trình được giảng dạy bằng tiếng nước ngoài. Trên 50% số lượng sinh viên của toàn trường đang học tập trong các chương trình này.

Trường Đại học Ngoại thương đã được giao nhiệm vụ thực hiện 2 chương trình tiên tiến (bao gồm Kinh tế đối ngoại và Quản trị kinh doanh quốc tế) trong 35 chương trình tiên tiến của cả nước từ năm 2008 và 2010, theo đó, chương trình cơ bản được xây dựng theo chương trình của đối tác Hoa Kỳ và sinh viên có cơ hội nhận 02 bằng đại học từ Trường Đại học Ngoại thương và đối tác.

Cho đến nay, nhà trường đã phát triển thêm 01 chương trình tiên tiến về tài chính ngân hàng hợp tác với đối tác Thuỵ Sĩ và gần nhất là chương trình tiên tiến i-Hons hợp tác với Đại học Queensland, trường thuộc TOP 40 thế giới (theo QS rankings)”.

Chia sẻ thêm về việc liên kết quốc tế tại cơ sở, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Mai Thanh Phong cho biết thêm: "Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều chương trình học bổng cho sinh viên nói chung và sinh viên tham gia các chương trình đào tạo bằng tiếng Anh nói riêng. Các suất học bổng này đều từ nguồn học bổng của nhà trường hoặc nguồn của các tổ chức, các doanh nghiệp. Ngoài ra, nhà trường đã triển khai các chương trình hỗ trợ sinh viên quốc tế như hỗ trợ, tư vấn về xin visa, xin cư trú, tư vấn về văn hóa, ngôn ngữ và các nhu cầu đa dạng khác của sinh viên.

Hiện nay trường cũng đã mở nhiều chương trình đào tạo bằng tiếng Anh và tiếng nước ngoài. Trước đây trường chỉ có một số chương trình quốc tế nhưng dạy bằng tiếng Việt. Hiện nay, toàn bộ các khoa của trường đều có chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh".

Trao quyền tự chủ cho trường đại học để có thể chủ động hơn trong hoạt động của mình

Trao đổi với phóng viên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Hiếu, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng đề xuất: “Hiện nay việc tiếp nhận lưu học sinh nước ngoài vào học tập tại Việt Nam gặp một số khó khăn về thủ tục visa, tốn nhiều thời gian làm thủ tục khá dài.

Nguyễn Hữu Hiếu.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Hiếu, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng (Ảnh: NVCC)

Do đó, tôi đề xuất Nhà nước có chính sách ưu tiên về thủ tục visa cho sinh viên quốc tế, không chỉ sinh viên các nước trong khu vực Đông Nam Á.

Tại Hội thảo ngày 26/9/2024 ở Hải Phòng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức hội nghị hợp tác đầu tư với nước ngoài trong giáo dục năm 2024. Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh ba ưu tiên chiến lược trong thu hút hợp tác và đầu tư nước ngoài vào giáo dục Việt Nam, trong đó có nội dung "thu hút các trường đại học nước ngoài uy tín thành lập phân hiệu tại Việt Nam.

Chính vì vậy, cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng chính sách pháp lý một cách hiệu quả để thu hút các trường đại học thành lập phân hiệu tại Việt Nam. Vị trí đặt phân hiệu tại Việt Nam, không chỉ là các thành phố lớn mà có thể là các thành phố có vị trí thuận lợi trong giao thông, các thành phố có tiềm năng như Đà Nẵng".

Về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Cao Đình Kiên chia sẻ thêm: “Để có thể thu hút được sinh viên quốc tế đến học tập và nghiên cứu, Trường Đại học Ngoại thương chú trọng triển khai đồng bộ các giải pháp như: liên tục cải tiến chương trình học phù hợp với xu hướng đào tạo trên thế giới nhằm gia tăng tính công nhận quốc tế đối với các chương trình đào tạo trong nước, cập nhật các phương pháp giảng dạy và đánh giá hiện đại phù hợp với chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo, tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng trong đó đặc biệt chú trọng tới chất lượng giảng viên. Ngoài ra, nhà trường còn đa dạng hoá các hoạt động ngoại khoá dành cho sinh viên quốc tế; hoàn thiện cơ chế phối hợp hỗ trợ sinh viên quốc tế…

Việc thu hút sinh viên quốc tế đến học tập là một trong những nhiệm vụ hàng đầu để quốc tế hoá môi trường giáo dục tại Việt Nam. Trong thời gian tới, tôi xin nhấn mạnh 3 nội dung đặc biệt cần chú ý để thu hút sinh viên quốc tế bao gồm: môi trường học tập quốc tế mở và linh hoạt, cơ hội việc làm cho sinh viên quốc tế và chương trình đào tạo có tính tích hợp cao.

Các cơ sở giáo dục đại học cần xây dựng môi trường học tập đa văn hoá và cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc tế tại Việt Nam. Khuôn viên, ký túc xá, thư viện, phòng học, phòng thí nghiệm… phải đáp ứng được các tiêu chuẩn chung trong học tập và nghiên cứu. Đây là điều kiện tiên quyết để sinh viên quốc tế cảm thấy thoải mái trong học tập và sinh hoạt tại Việt Nam.

Hơn thế nữa, các hoạt động văn hóa, xã hội, thể thao cũng cần được thiết kế hợp lý, hướng tới việc tăng cường sự tương tác và kết nối giữa sinh viên quốc tế và sinh viên Việt Nam".

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Mai Thanh Phong cho biết thêm nhà trường cũng tăng cường việc nhận diện hình ảnh của nhà trường với các đối tác trong và ngoài nước, cộng đồng doanh nghiệp và xã hội. Nhà trường liên tục cập nhật thông tin đào tạo, khoa học công nghệ và các thông tin đa dạng khác trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng, các nền tảng mạng xã hội phổ biến bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh, tạo điều kiện cho người học và các bên quan tâm có thêm nhiều thông tin đầy đủ và phong phú về nhà trường.

"Chúng tôi hiểu rằng quá trình quốc tế hóa đào tạo, liên kết đào tạo luôn có những khó khăn, thách thức, từ kinh phí đầu tư cho đến hạ tầng, đội ngũ và cả chính sách.

Từ những khó khăn, thách thức như đã đề cập ở trên, tôi xin có một số đề xuất như sau:

Thứ nhất, nên trao thêm quyền tự chủ, tính tự chủ gắn liền với trách nhiệm giải trình cao cho các cơ sở giáo dục đào tạo trong quốc tế hóa giáo dục để các cơ sở được thêm quyền tự quyết, chủ động hơn trong các hoạt động của mình.

Thứ hai, trên cơ sở nguồn lực đầu tư chung còn hạn chế, Nhà nước cần tập trung đầu tư trọng điểm cho quốc tế hóa giáo dục theo lĩnh vực ưu tiên, theo thế mạnh hiện nay.

Thứ ba, cần quan tâm tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc trong quy định về giấy phép lao động với người nước ngoài cho các chuyên gia quốc tế trong các lĩnh vực chuyên môn đặc thù, chuyên gia giáo dục.

Thứ tư, xây dựng cơ chế, cơ sở pháp lý để địa phương có thể hỗ trợ các trường đại học. Có thể thấy Thành phố Hồ Chí Minh là địa bàn có nhiều đại học công lập uy tín thuộc trung ương, nhưng cơ chế hỗ trợ của thành phố cho các đơn vị này còn khó khăn do không phải là trường đại học thuộc thành phố.

Hiện nay, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đang triển khai Đề án xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh thành trung tâm quốc tế về giáo dục và đào tạo thu hút sinh viên của khu vực và thế giới. Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh cũng là thành viên trong tổ đề án này và hiện nay chúng tôi đang cùng nhau phân tích, đánh giá các phương án và đề xuất các kế hoạch hành động để thu hút sinh viên nước ngoài đến Thành phố Hồ Chí Minh học tập, trải nghiệm" - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Mai Thanh Phong chia sẻ.

Quỳnh Nguyễn