Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nói về 4 đúng, 3 không trong kỳ thi tốt nghiệp THPT

31/10/2024 16:36
Việt Dũng

GDVN - Tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT giai đoạn năm 2020 – 2024, dù gặp phải những khó khăn nhất định, nhưng ngành giáo dục đã đạt được những kết quả tích cực.

Sáng ngày 31/10, tại Thành phố Hồ Chí Minh, phát biểu kết luận tại Hội nghị tổng kết công tác thi và thanh tra, kiểm tra thi tốt nghiệp trung học phổ thông giai đoạn 2020 – 2024, và chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025, ông Phạm Ngọc Thưởng – Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định, dù tổ chức kỳ thi trong giai đoạn từ năm 2020 – 2024 gặp phải những khó khăn nhất định, nhưng ngành giáo dục đã đạt được những kết quả tích cực.

“Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, điều kiện nào, với sự vào cuộc của hệ thống chính trị, với công tác tham mưu, chủ động của ngành giáo dục và đào tạo, chúng ta hoàn toàn tự tin, và làm tốt công tác chuyên môn của mình” – Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh.

Theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, ngành đã tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông ngày càng nghiêm túc, trung thực, khách quan, an toàn, cơ bản đáp ứng được mục tiêu đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông, sử dụng kết quả tuyển sinh vào đại học; hoàn thành 5 nhóm nhiệm vụ đã được Chính phủ giao; công tác lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, toàn diện từ trung ương đến địa phương, các bộ, ban ngành, toàn ngành đã cùng với các lực lượng làm tốt công tác phối hợp (y tế, công an, giao thông) thông suốt, nhịp nhàng, hiệu quả, chuẩn bị chu đáo và kỹ lưỡng, từ văn bản chuyên môn đến cơ sở vật chất, nhân lực; quá trình thực hiện đảm bảo đúng quy trình, quy chế, truyền thông chủ đạo, kịp thời; tạo mọi điều kiện thuận lợi cho thí sinh tham gia kỳ thi được thuận lợi, không để thí sinh vì điều kiện khó khăn, giao thông cách trở không đến được với điểm thi.

gdvn_ThutruongPhamNgocThuong.jpg
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại hội nghị (ảnh: V.D)

Trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, ngành đã thực hiện 4 đúng (đúng quy chế, đúng quy trình, đúng chức trách được giao, đúng thời điểm xử lý tình huống bất ngờ), 3 không (không lơ là, không chủ quan, tự ý xử lý tình huống bất thường; không căng thẳng và áp lực quá mức).

Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, có nơi và có thời điểm thì công tác thanh tra vẫn còn chồng chéo, cần làm giảm áp lực và tốn kém. Công tác ra đề thi cần huy động được đội ngũ chuyên gia, giáo sư cẩn trọng từ khâu ra đề thi, in đề thi, tổ chức thi, công tác phối hợp có nơi, có lúc còn chưa nhịp nhàng.

Nói về kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho hay, đây sẽ là một kỳ thi có thách thức lớn, được cả xã hội quan tâm rất nhiều, do là lần đầu tiên, kỳ thi được tổ chức theo chương trình mới.

Công tác ra đề thi thì ngoài kiến thức chung của các bộ sách, mà còn phải theo hướng mở, không tập trung vào một bộ sách giáo khoa nào, tổ chức phòng thi cũng khác với trước đây.

Nhiệm vụ quan trọng của ngành trong năm 2025 và cũng để tạo đà thực hiện cho những năm tiếp theo là cần sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng cho kỳ thi này.

gdvn_hoinghiBoHutechf.jpg
Quang cảnh hội nghị. (ảnh: V.D)

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng đề nghị các Sở Giáo dục và Đào tạo cần quán triệt, tổ chức triển khai chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, thực hiện nghiêm túc và tăng cường công tác phối hợp tổ chức kỳ thi này theo hướng giảm áp lực, giảm chi phí, tốn kém cho thí sinh và cả xã hội, đảm bảo độ tin cậy; tiếp tục nâng cao nhận thức từ công tác chuẩn bị trước, trong và sau kỳ thi đảm bảo đúng quy chế và đảm bảo quyền lợi hợp pháp của thí sinh, đảm bảo tính công khai, minh bạch, khách quan, đánh giá tác động của từng phương án khi có vấn đề phát sinh xảy ra.

Ông Phạm Ngọc Thưởng đề nghị cơ quan Bộ và các cơ quan chuyên môn cần khẩn trương hoàn thiện quy chế thi, để sớm công bố cho các địa phương, xây dựng chương trình tập huấn cho đội ngũ giáo viên tham gia xây dựng ngân hàng đề thi, có kế hoạch tham mưu cho lãnh đạo Bộ hỗ trợ các Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức thi thử tốt nghiệp trung học phổ thông theo phương thức mới.

Đối với Thanh tra Bộ: Không được có “khoảng tối, khoảng trống”, không bỏ sót với phương châm lấy ngăn chặn, phòng ngừa là chính, không để xảy ra sai phạm, không phải mục tiêu xử lý là chính.

Đối với Giáo dục trung học: Chỉ đạo công tác dạy học, trang bị kiến thức, năng lực, phẩm chất để học sinh có đủ điều kiện tham gia vào kỳ thi tốt nghiệp tốt nhất.

Theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, nếu học tốt thì đề thi gì cũng thi được, cần chỉ đạo công tác kiểm tra, đánh giá thường xuyên để phù hợp kiểm tra, đánh giá cuối kỳ, cuối khóa.

Đối với Giáo dục đại học: Phân tích, đánh giá việc thi tốt nghiệp có đủ độ tin cậy, để các cơ sở giáo dục đại học tăng cường tỷ lệ lấy kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông xét tuyển đại học, tiết kiệm nguồn lực và chi phí cho xã hội; tiếp tục phối hợp với các Sở Giáo dục và Đào tạo, có trách nhiệm chung trong nhiệm vụ thanh tra tại kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Đối với các Sở Giáo dục và Đào tạo: Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng chỉ đạo các tổ chuyên môn bám sát việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên với đánh giá cuối kỳ, lựa chọn những giáo viên có phẩm chất, năng lực, trình độ chuyên môn tham gia vào các cuộc tập huấn của Bộ, tạo thành lực lượng nòng cốt để dần tạo bước chuyển mình đối với công tác kiểm tra, đánh giá tại trường học, tại các kỳ thi chọn học sinh giỏi.

Việt Dũng