Vừa qua, câu chuyện về 5 em học sinh đã có hành động dũng cảm cứu sống hai trẻ em bị đuối nước tại suối dốc Nịu thuộc Bản Cà Roòng II (xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình), đã trở thành một tấm gương sáng, lan tỏa trong chính ngôi trường các em đang học tập.
Đó là câu chuyện của các em học sinh gồm: Đinh Phương (lớp 8A), Đinh Kheo (lớp 6A), Đinh Đức (lớp 6A), Đinh Ca Ngư (lớp 6A) và Đinh Beo (lớp 6B), đều là học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Bố Trạch (tỉnh Quảng Bình).
Sau nhiều ngày trôi qua, tấm gương dũng cảm của 5 em học sinh vẫn được thầy cô nhà trường nhắc đến đầy tự hào, trở thành ví dụ tiêu biểu cho những buổi học về kỹ năng sống.
Những học sinh thật thà và đặc biệt dũng cảm
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Thanh Hiệu, Liên Đội trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Bố Trạch thuật lại: “Trong lúc đi chơi trên đường từ trường về nhà, các em học sinh này đi ngang qua gần dốc Nịu thuộc Bản Cà Roòng II (xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch), ngay lúc đó, em Đinh Phương (lớp 8A) đã nghe tiếng khóc và kêu cứu từ dưới suối vang lên nhiều lần.
Khi nhìn xuống suối, Đinh Phương thấy có hai bạn nhỏ đang trôi giữa dòng nước chảy xiết. Sau đó, Đinh Phương nhảy xuống, cố gắng bơi theo dưới suối, bốn bạn còn lại chạy thật nhanh phía trên, để đón khúc trước và bơi ra cứu người. Kết quả, năm bạn đã cứu được hai em Đinh Nghị (lớp 3) và Đinh Minh (lớp 1), hiện là học sinh tại Trường Tiểu học số 1 Thượng Trạch, rồi đưa lên bờ an toàn”.
Thầy Hiệu cho biết thêm, ngay sau khi nắm bắt thông tin, Liên Đội Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Bố Trạch đã đến thăm hỏi gia đình của hai học sinh tiểu học và khen thưởng kịp thời các em học sinh của nhà trường, khi đã dũng cảm cứu người bị đuối nước.
Ngoài ra, thầy Hiệu cũng cho biết, nhà trường đã lập hồ sơ của các em học sinh này, gửi lên Ban chấp hành Đoàn cơ sở xã Thượng Trạch để đề nghị trao tặng huy hiệu “Tuổi trẻ dũng cảm”.
Chia sẻ về các học trò của mình, thầy Hoàng Đức Hoà - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Bố Trạch tự hào nói: “Năm em học sinh đều là con em đồng bào dân tộc thiểu số Bru - Vân Kiều. Dù điều kiện kinh tế vẫn còn khó khăn, nhưng các em được hỗ trợ học tập đầy đủ. Tại trường, năm em rất chăm ngoan, lễ phép, đặc biệt thật thà và dũng cảm.
Có lẽ, các em được sinh ra và lớn lên tại vùng miền núi, lại là người dân tộc thiểu số, vốn quen với địa hình, nên kỹ năng như bơi lội, leo trèo đều rất tốt. Cũng chính vì vậy, khi gặp tình huống nguy cấp, các em ấy sẵn sàng lao ra dòng nước, dũng cảm cứu bạn. Tôi rất tự hào về học sinh của mình”.
Được biết, hiện tại, năm em học sinh đều đang học tập và sinh hoạt nội trú tại trường. Hằng ngày, các em ăn uống cùng thầy cô, vui chơi cùng bạn bè. Ngôi trường như trở thành mái nhà thứ hai của các “Chiến sĩ nhỏ dũng cảm” này.
Cô Hoàng Thị Thuý Nga, giáo viên chủ nhiệm lớp 6A, Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Bố Trạch là người luôn đồng hành cùng các bạn nhỏ trong cuộc sống thường ngày. 5 năm gắn bó với trường, với học sinh dân tộc thiểu số, nhưng cô Thuý Nga mới chỉ tiếp nhận các em được gần một năm. Trong thời gian này, cô đã tiếp xúc đủ để hiểu được những đức tính tốt của học trò mình.
Cô Nga bộc bạch: “Khi biết tin các học trò dũng cảm lao xuống dòng nước cứu sống hai em học sinh tiểu học, tôi rất bất ngờ. Các em rất nhanh trí và đã xử lý đúng trong trường hợp đó.
Trong lớp, các em đều học tập chăm chỉ và ngoan ngoãn. Học tại trường nội trú, không có bố mẹ ở bên, nhưng các em luôn vui vẻ, hoà đồng. Thú thật, năm em học sinh đều là dân tộc thiểu số, gia đình thuộc diện hộ nghèo. Bố mẹ sáng tối làm trên nương rẫy, các con chỉ thỉnh thoảng mới về nhà. Thời gian dài ăn ở cùng thầy cô, các em đã coi thầy cô như những người cha, người mẹ thứ hai của mình”.
Nữ giáo viên chủ nhiệm cũng cho biết thêm, tại địa phương, rất ít học sinh từ trường phổ thông nội trú huyện tiếp tục đi học ở trường nội trú tỉnh. Vì vậy, cô luôn tự nhủ, coi học sinh như con, động viên các em tiếp tục đi học sau này.
“Các em được rèn luyện đạo đức, tinh thần tương thân tương ái, cứu người gặp nạn là rất tốt. Nhưng tôi mong bên cạnh đó, năm học sinh này có thể học tập thật tốt, trở thành con ngoan, trò giỏi, phát triển hơn nữa để giúp ích cho quê hương.
Hiện nay, quê hương các em còn nghèo, nhưng các em còn quá nhỏ, quá thơ ngây để hiểu được vấn đề này. Tôi mong sự tuyên dương từ hành động dũng cảm sẽ là động lực để các em học tập, cố gắng, trở thành tấm gương tốt”, cô Thuý Nga chia sẻ.
Đẩy mạnh hoạt động giáo dục kỹ năng sống trong trường
Thầy Nguyễn Thanh Hiệu chia sẻ, từ trước khi sự việc diễn ra, nhà trường đã thường xuyên tập huấn, tuyên truyền, giáo dục cho học sinh toàn trường cách xử lý tình huống khi gặp người đuối nước hoặc chính mình bị đuối nước.
“Mỗi năm, hoạt động tuyên truyền về kỹ năng sống, đặc biệt là kỹ năng bơi lội và phòng chống đuối nước sẽ được thực hiện vào khoảng tháng 5 và tháng 10. Đây là hai tháng có mưa, bão nhiều, khả năng xảy ra trường hợp tương tự hai em học sinh bị nước cuốn như vừa rồi là rất cao”, thầy Hiệu lý giải.
Ngay sau khi sự việc diễn ra, nhà trường đã tuyên dương năm em học sinh có hành động cứu người dũng cảm, đồng thời, nhắc nhở học sinh trong toàn trường phải chú ý cẩn thận trong mùa mưa, không nên mạo hiểm.
Với riêng kỹ năng bơi, thầy Hiệu đánh giá, đây là kỹ năng cần thiết đối với học sinh tại địa phương. Theo chia sẻ, dù điều kiện kinh tế và cơ sở vật chất còn hạn chế, Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Bố Trạch vẫn cố gắng tổ chức các lớp hướng dẫn bơi và trang bị kỹ năng phòng chống đuối nước cho học sinh, do chính thầy cô giảng dạy bộ môn thể dục phụ trách.
Ngoài ra, trong mùa mưa bão, để đảm bảo an toàn cho học sinh, nhà trường cũng phối hợp cùng công an địa phương để nhắc nhở, thông báo đến phụ huynh cũng như bà con toàn huyện thực hiện.
Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Bố Trạch cũng nhận định, tại xã Thượng Trạch (huyện Bố Trạch), vào mùa lũ, dù không xuất hiện tình trạng ngập lụt ,nhưng địa hình lại nhiều sông, suối, vô cùng nguy hiểm.
“Các em học sinh có tinh thần dũng cảm là tốt, nhưng không được chủ quan và phải luôn đặt an toàn lên hàng đầu. Nhất là vào mùa mưa lũ, nên cẩn thận khi đi qua sông, suối”, thầy Hoà nhắn nhủ.
Bên cạnh đó, vị Hiệu trưởng cũng bày tỏ, câu chuyện của năm em học sinh sẽ là tấm gương sáng trong nhà trường, trở thành đại diện cho triết lý giáo dục của Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Bố Trạch.
“Hầu hết các em học sinh tại trường là con em đồng bào dân tộc thiểu số, rất ít em sẽ lựa chọn tiếp tục học lên cao sau khi tốt nghiệp. Chính vì vậy, nhà trường cũng chưa bao giờ “đặt nặng” vấn đề thành tích các môn văn hóa đối với các em.
Thay vì quá chú trọng và yêu cầu các em học sinh phải học thật giỏi, triết lý giáo dục của nhà trường là giáo dục các em tự tin trong cuộc sống, trong giao tiếp, rèn luyện đạo đức và có tinh thần tương thân, tương ái”, thầy Hoàng Đức Hòa nhấn mạnh.