ICECH 2024: Sức mạnh dữ liệu quyết định chiến lược kinh doanh

03/11/2024 09:58
Ngọc Mai

GDVN - ICECH 2024 thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu, chuyên gia trong nước và quốc tế.

Ngày 1 – 2/11/2024, Trường Quốc tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) đăng cai tổ chức Hội thảo quốc tế lần thứ 12 về các thách thức mới nổi: Chiến lược bền vững trong nền kinh tế dựa trên dữ liệu (ICECH 2024).

Các đơn vị phối hợp tổ chức gồm: Trường Kinh tế - Đại học Bách Khoa Hà Nội; Học viện Viettel – Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel); Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội; Khoa Quản trị Kinh doanh - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân; Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng; Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh; Trường Đại học Ngoại thương; Trường Đại học Kinh tế – Đại học Huế; Đại học Hertfordshire (Anh), AVSE Global (Pháp); Trường Quản lý PPM (Indonesia) và Trường Kinh doanh EM Normandie (Pháp).

Hội thảo được tổ chức kết hợp hình thức trực tiếp và trực tuyến với sự tham dự của hơn 100 đại biểu đến từ các quốc gia như Đức, Hà Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Newzeland, Việt Nam...

Các khách mời tham dự Hội thảo quốc tế ICECH 2024.
Các khách mời tham dự Hội thảo quốc tế ICECH 2024.

Hội thảo lựa chọn gần 200 báo cáo chất lượng nhất, phù hợp với chủ đề để trình bày trong các phiên thảo luận chính thức của hội thảo. Các bài nghiên cứu tập trung sâu vào chủ đề về Kinh tế dựa trên dữ liệu; Quản trị chiến lược và Luật kinh doanh; Chuỗi cung ứng, Thương mại điện tử và Tiếp thị; Tài chính và Ngân hàng bền vững; Đổi mới và Công nghệ; Kế toán và Kiểm toán.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Định – Phó Hiệu trưởng Trường Quốc tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) phát biểu khai mạc hội thảo.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Định – Phó Hiệu trưởng Trường Quốc tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) phát biểu khai mạc hội thảo.

Hội thảo được nghe các bài nghiên cứu của 3 diễn giả uy tín trong lịch vực Tài chính, Quản trị doanh nghiệp. Trong đó, bài thuyết trình của Giáo sư Hisham Farag – Trường Kinh doanh Birmingham, Vương quốc Anh với chủ đề: "Reform or Friction? ESG disclosure regulation around the world and M&A outcomes", cung cấp những góc nhìn mới mẻ và sâu sắc về tác động của ESG (bộ 3 tiêu chuẩn Môi trường – Xã hội – Quản trị doanh nghiệp để đo lường những yếu tố liên quan đến định hướng, hoạt động phát triển bền vững của doanh nghiệp) đến hoạt động mua bán và sáp nhập trên toàn cầu.

Giáo sư Hisham Farag cung cấp những góc nhìn mới mẻ và sâu sắc về tác động của ESG đến hoạt động mua bán và sáp nhập trên toàn cầu.
Giáo sư Hisham Farag cung cấp những góc nhìn mới mẻ và sâu sắc về tác động của ESG đến hoạt động mua bán và sáp nhập trên toàn cầu.

Giáo sư Hisham Farag nhấn mạnh những tác động chưa từng có và không thể đảo ngược của thiên tai trên toàn thế giới, trầm trọng hơn do mức CO2 gia tăng, trong đó Việt Nam được xác định là một quốc gia bị ảnh hưởng đáng kể. Bài nghiên cứu cho thấy thị trường trái phiếu đã mở rộng nhanh chóng trên toàn thế giới như thế nào, ngay cả khi lượng khí thải CO2 làm tăng chi phí giao dịch. Bài nghiên cứu khuyến nghị các quốc gia có thể cải thiện chất lượng thể chế, để cơ chế thị trường quốc tế hoạt động hiệu quả hơn là điều tiết quá mức. Các nhà hoạch định chính sách có thể xem xét việc tập trung trực tiếp vào việc đánh thuế các tác động bên ngoài môi trường, thay vì can thiệp kéo dài, hoặc thay vào đó, đầu tư vào các sản phẩm tài chính xanh.

Bài thuyết trình của Phó Giáo sư Nazim Hussain - Đại học Groningen, Hà Lan với chủ đề: "Does Greenwashing Pay Off? Evidence from the Corporate Bond Market" mang đến những khám phá giá trị về tác động của Greenwashing (Tẩy xanh, làm giả quảng cáo xanh) đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Phó Giáo sư Nazim Hussain mang đến những khám phá giá trị về tác động của Greenwashing đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Phó Giáo sư Nazim Hussain mang đến những khám phá giá trị về tác động của Greenwashing đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Greenwashing có thể mang lại lợi ích ngắn hạn cho các công ty bằng cách thu hút các nhà đầu tư có ý thức về môi trường, nhưng dẫn đến tăng chi phí tài chính và, trong dài hạn, những hậu quả danh tiếng và kinh tế đáng kể.

Phó Giáo sư Hussain nhấn mạnh các công ty phải theo đuổi sự minh bạch thực sự để tránh những rủi ro liên quan đến các tuyên bố môi trường giả mạo, điều này có thể gây thiệt hại đặc biệt lớn khi thị trường ngày càng ưu tiên tính bền vững chân thực.

Tại hội thảo, Giáo sư Teo Chung Piaw - Đại học Quốc gia Singapore, chia sẻ về cách dữ liệu lớn có thể được tận dụng để tạo ra hệ thống chuỗi cung ứng thân thiện với môi trường và giảm thiểu lãng phí qua chủ đề “Innovations in Logistic and Supply Chains using Operations Research and Analytics. Cách tiếp cận dựa trên dữ liệu này đối với sự phát triển bền vững rất quan trọng, đặc biệt khi các ngành công nghiệp đối mặt với áp lực giảm thiểu tác động môi trường. Bài thuyết trình cũng nhấn mạnh vai trò cần thiết của toán học, phân tích dữ liệu và trí tuệ nhân tạo trong việc tối ưu hóa quyết định và thúc đẩy cải thiện bền vững trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau. Những công cụ này cho phép các doanh nghiệp phản ứng nhanh chóng với các thay đổi, phù hợp với cả mục tiêu kinh tế và môi trường.

Giáo sư Teo Chung Piaw chia sẻ về cách dữ liệu lớn có thể được tận dụng để tạo ra hệ thống chuỗi cung ứng thân thiện với môi trường và giảm thiểu lãng phí.
Giáo sư Teo Chung Piaw chia sẻ về cách dữ liệu lớn có thể được tận dụng để tạo ra hệ thống chuỗi cung ứng thân thiện với môi trường và giảm thiểu lãng phí.

Tại phiên thảo luận bàn tròn, Giáo sư Teo Chung Piaw - Đại học Quốc gia Singapore; Tiến sĩ Lê Linh Lương - Phó Viện Trưởng Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ nhân tạo (ABAII) đã thảo luận về chủ đề tích hợp trí tuệ nhân tạo vào tương tác với khách hàng, chiến lược quốc gia của Việt Nam và Singapore về biến đổi số, và những thách thức mà doanh nghiệp phải đối mặt khi áp dụng phân tích dữ liệu.

Các diễn giả chia sẻ nhiều thông tin hữu ích trong phiên thảo luận bàn tròn.
Các diễn giả chia sẻ nhiều thông tin hữu ích trong phiên thảo luận bàn tròn.

Việt Nam đã xây dựng chiến lược quốc gia về dữ liệu và blockchain đến năm 2030, mục tiêu là nhằm nâng cao khả năng tái sử dụng dữ liệu và tích hợp trên các lĩnh vực hoạt động. Các diễn giả cho rằng vấn đề tuân thủ ở Việt Nam, đặc biệt là việc điều chỉnh công nghệ với các luật và quy định bảo vệ dữ liệu đang phát triển, tạo ra thách thức cho các doanh nghiệp địa phương. Mặc dù có những trở ngại này, vẫn có cơ hội trong việc áp dụng trí tuệ nhân tạo vào dịch vụ công cộng, chăm sóc sức khỏe và hệ thống thanh toán.

Trong hai ngày hội thảo, nhiều giảng viên, sinh viên nhà trường đã tham gia báo cáo, trình bày nghiên cứu. Chủ đề của các nghiên cứu thể hiện sự đầu tư, tâm huyết của các giảng viên, sinh viên.

Bài nghiên cứu tập trung sâu vào chủ đề của hội thảo, gồm: Kinh tế dựa trên dữ liệu; Quản trị chiến lược và Luật kinh doanh; Chuỗi cung ứng, Thương mại điện tử và Tiếp thị; Tài chính và Ngân hàng bền vững; Đổi mới và Công nghệ; Kế toán và Kiểm toán.

Giảng viên Trường Quốc tế - Đại học Quốc gia Hà Nội trình bày nghiên cứu.
Giảng viên Trường Quốc tế - Đại học Quốc gia Hà Nội trình bày nghiên cứu.
Sinh viên Trường Quốc tế - Đại học Quốc gia Hà Nội trình bày nghiên cứu tại hội thảo.
Sinh viên Trường Quốc tế - Đại học Quốc gia Hà Nội trình bày nghiên cứu tại hội thảo.

Với chủ đề trọng tâm “Nền kinh tế dựa trên dữ liệu”, ICECH lần thứ 12 góp phần tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa các nhà nghiên cứu Việt Nam và quốc tế trong lĩnh vực kinh tế và quản lý, cùng chia sẻ được nhiều ý tưởng, cũng như các giải pháp, đặc biệt là vấn đề sử dụng dữ liệu để phát triển nền kinh tế bền vững.

Đại biểu, khách mời chụp ảnh cùng cán bộ giảng viên, sinh viên các đơn vị phối hợp tổ chức hội thảo.
Đại biểu, khách mời chụp ảnh cùng cán bộ giảng viên, sinh viên các đơn vị phối hợp tổ chức hội thảo.
Ngọc Mai