Khi ngành Giáo dục chủ động tuyển dụng GV, hi vọng đề thi tuyển dụng sẽ đổi mới

06/11/2024 06:22
Ngọc Mai

GDVN - Kỳ vọng ngành Giáo dục khi được chủ động tuyển dụng nhà giáo sẽ đổi mới câu hỏi đề thi tuyển dụng giáo viên thay vì rập khuôn, máy móc như hiện nay.

Tại Điểm a, Khoản 2, Điều 16 Dự thảo Luật Nhà giáo theo tờ trình số 656/TTr-CP của Chính phủ gửi Quốc hội xem xét cho ý kiến quy định thẩm quyền tuyển dụng nhà giáo như sau:

“Nhà giáo trong cơ sở giáo dục công lập do cơ quan quản lý giáo dục chủ trì tuyển dụng hoặc phân cấp, ủy quyền. Đối với cơ sở giáo dục được giao quyền tự chủ, người đứng đầu cơ sở giáo dục thực hiện việc tuyển dụng”.

Điểm mới nêu trên của Dự thảo hiện đang nhận được nhiều sự quan tâm của lãnh đạo các phòng, sở giáo dục và đào tạo địa phương.

Nhiều tác động tích cực

Hòa Bình là một trong những tỉnh đang gặp khó khăn trong quá trình tuyển dụng giáo viên môn Tin học và Tiếng Anh. Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Quang Minh - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hoà Bình cho rằng, đề xuất ngành Giáo dục được chủ động trong tuyển dụng nhà giáo sẽ mang lại nhiều thuận lợi nếu được thông qua.

“Ưu điểm lớn nhất đối với cơ sở giáo dục công lập, cơ quan quản lý giáo dục chủ trì tuyển dụng nhà giáo là ngành Giáo dục sẽ được chủ động bố trí, sắp xếp giáo viên”, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hoà Bình chia sẻ.

Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Quang Minh, một trong những tác động tích cực nếu đề xuất giao quyền chủ động tuyển dụng nhà giáo cho ngành Giáo dục được thực thi là sẽ tuyển dụng giáo viên được đúng, trúng hơn vì chỉ có ngành Giáo dục mới hiểu rõ tình trạng, khó khăn của ngành cần được giải quyết như thế nào.

Giáo viên và học sinh trường Tiểu học Yên Lạc, tỉnh Hoà Bình. (Ảnh: Báo Hoà Bình).
Giáo viên và học sinh trường Tiểu học Yên Lạc, tỉnh Hoà Bình. (Ảnh: Báo Hoà Bình).

Ông Minh cũng cho rằng, lâu nay, sự phối hợp giữa ngành Giáo dục và ngành Nội vụ khá thuận lợi trong tuyển dụng nhưng cũng có những ràng buộc nhất định, ví dụ như cách tính định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học của Bộ Nội vụ rất khó thực hiện cho vùng sâu, vùng xa khi có điểm trường lẻ.

Chưa kể, có những điểm trường còn gặp khó khăn trong bố trí cho giáo viên dạy đủ số tiết. Cách giải quyết của các cơ sở giáo dục này là cho giáo viên kiêm nhiệm thêm các công việc hành chính của trường nhưng thầy cô lại không được đào tạo về công tác hành chính nên hiệu quả cũng có phần hạn chế,... Thực tế này dẫn đến việc nếu không bố trí giáo viên thì trường thiếu nhân sự, còn bố trí giáo viên thì lại dôi dư ra. Do đó, khi được chủ động tuyển dụng giáo viên, ngành Giáo dục có thể sẽ tính toán và giải quyết được vấn đề thừa, thiếu giáo viên cục bộ.

Cùng bàn về vấn đề này, thầy Nguyễn Thanh Dương - Trưởng phòng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ea Kar (tỉnh Đắk Lắk) chia sẻ, nếu đề xuất nhà giáo trong cơ sở giáo dục công lập do cơ quan quản lý giáo dục chủ trì tuyển dụng hoặc phân cấp, ủy quyền được thông qua sẽ khắc phục được những khó khăn trong việc bố trí dạy học đối với giáo viên, cũng như ngành Giáo dục sẽ chủ động hơn trong việc tuyển dụng giáo viên hàng năm (nếu thiếu).

“Thừa, thiếu giáo viên hiện nay gây nhiều khó khăn cho ngành giáo dục địa phương, nhất là đối với các huyện miền núi. Thực tế có những môn thiếu giáo viên nên các trường khó có thể dạy đủ số tiết/tuần theo quy định.

Xét theo môn học, nếu môn nào thiếu giáo viên thì không thể đảm bảo cho học sinh được học đầy đủ số tiết/môn học/tuần. Hơn nữa, việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới ở một số cơ sở giáo dục còn gặp khó khăn do không có giáo viên dạy các môn tích hợp”, thầy Dương cho biết.

Theo Trưởng phòng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ea Kar, việc giao quyền chủ động tuyển dụng và sử dụng nhà giáo cho ngành Giáo dục cũng sẽ khắc phục được những khó khăn mà ngành Giáo dục đang phải đối mặt đó là tình trạng thừa, thiếu giáo viên.

Nguồn ảnh: Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bắc Trà My (tỉnh Quảng Nam)
Nguồn ảnh: Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bắc Trà My (tỉnh Quảng Nam)

Đồng tình với những quan điểm trên, chia sẻ với phóng viên, thầy Phan Ngọc Nam – Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bắc Trà My (tỉnh Quảng Nam) bày tỏ:

“Nếu được chủ động tuyển dụng nhà giáo, ngành Giáo dục sẽ có nhiều thuận lợi, ví dụ như chủ động hơn trong việc tính toán vị trí việc làm, phân bổ sắp xếp mạng lưới trường, lớp tốt hơn".

Cần có chế tài nếu ngành Giáo dục được giao quyền chủ động tuyển dụng nhà giáo

Cũng theo thầy Nam chia sẻ, từ trước tới nay, ngành giáo dục huyện chỉ làm công tác tham mưu cho chính quyền địa phương trong tuyển dụng nhà giáo. Chính vì thế, nếu ngành giáo dục được chủ động trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo thì ngành sẽ tính toán nhiều hơn đến chuyên môn của nhà giáo để bố trí phù hợp, tránh thừa, thiếu.

“Việc tuyển dụng giáo viên ở vùng núi còn gặp nhiều khó khăn vì thiếu nguồn tuyển đối với một số môn học. Ngoài ra, công tác tuyển dụng, bổ nhiệm của huyện, xây dựng đề án vị trí việc làm, bố trí cơ cấu giáo viên vùng núi do quy mô trường lớp nhỏ, nhiều điểm trường lẻ,... cũng là một số khó khăn. Chính vì vậy, nếu ngành Giáo dục được chủ động tuyển dụng và sử dụng nhà giáo sẽ tạo thuận lợi hơn cho ngành”, thầy Nam tâm sự.

Chia sẻ về công tác tuyển dụng giáo viên trên địa bàn huyện Ea Kar, thầy Dương cho biết, huyện gặp một số khó khăn trong quá trình tuyển dụng nhà giáo liên quan đến việc ra đề thi tuyển, cũng như tổ chức phỏng vấn ứng viên.

“Trong công tác tuyển dụng nhà giáo, hình thức thi viết và phỏng vấn đều khiến cho ngành giáo dục huyện có những lúng túng. Do đó, nếu ngành Giáo dục được chủ động tuyển dụng nhà giáo, thì đối với hình thức thi viết, việc xây dựng nội dung đề thi tuyển cần có thêm những hướng dẫn chi tiết. Còn với hình thức phỏng vấn, nên có những hướng dẫn kỹ hơn nữa để công tác tuyển dụng thuận lợi, tốn ít thời gian hơn”, thầy Dương chia sẻ.

Mặt khác, thầy Dương cho rằng, nếu Điểm a, Khoản 2, Điều 16 Dự thảo Luật Nhà giáo được thông qua, trong các văn bản hướng dẫn cần quy định rõ cách thức thực hiện để đơn vị cơ sở không bị lúng túng trong quá trình triển khai.

Còn theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình, bên cạnh việc được trao quyền chủ động tuyển dụng cho ngành Giáo dục thì cũng cần có chế tài để bảo đảm kiểm soát công tác tuyển dụng nhà giáo hiệu quả, tránh dẫn đến chuyên quyền, độc đoán.

Bàn về công tác tuyển dụng giáo viên của tỉnh, ông Minh cho biết: “Hiện nay, để tuyển dụng giáo viên trên địa bàn tỉnh, ngành giáo dục tỉnh đề xuất, sau đó Sở Nội vụ báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, ngành giáo dục tỉnh có tổ chức tuyển dụng giáo viên nhưng môn Tin học, Tiếng Anh không tuyển được do thiếu nguồn tuyển. Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Hòa Bình đang đề xuất với Sở Nội vụ tỉnh tiếp tục xin Ủy ban nhân dân tỉnh chủ trương tuyển dụng giáo viên nhưng cũng không rõ có khả quan hơn không.

Giáo dục có những đặc thù riêng và quan trọng vì thực hiện nhiệm vụ đào tạo con người. Do đó, kỳ vọng rằng, khi ngành Giáo dục được giao quyền chủ động tuyển dụng nhà giáo sẽ có những thay đổi trong đề thi tuyển dụng giáo viên theo hướng đảm bảo tính đặc thù, thay vì rập khuôn, máy móc như hiện nay".

Ngọc Mai