Học sinh chuyên Toán nhưng yêu thích môn Lịch sử
Trong chương trình Dấu ấn 15 năm giải thưởng Vừ A Dính “Tôn vinh những tấm gương đẹp của bản làng” năm 2024, có 21 cá nhân tiêu biểu ở nhiều lĩnh vực đã vinh dự nhận giải thưởng này.
Nữ sinh Hoàng Bảo Ngọc (sinh năm 2006), dân tộc Nùng, cựu học sinh lớp 12 chuyên Toán, Trường Trung học phổ thông Chuyên tỉnh Cao Bằng là một trong số những cá nhân tiêu biểu nhận giải thưởng Vừ A Dính năm nay. Bảo Ngọc hiện đang là sinh viên năm thứ nhất Học viện Kỹ thuật Quân sự.
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Bảo Ngọc cho biết: "Người truyền cảm hứng lớn nhất khiến tôi đặt mục tiêu học tại Học viện Kỹ thuật Quân sự chính là bố. Vì bố là bộ đội, nên ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã thấy bố thường xuyên công tác xa nhà. Tuy nhiên, mỗi lần về phép, bố thường mang theo những câu chuyện kể về cuộc sống của người dân nơi đơn vị bố đóng quân, những buổi tuần tra bảo vệ đường biên, mốc giới.
Bố luôn là tấm gương về sự chỉn chu, chuyên nghiệp và cẩn thận trong từng công việc và lời nói. Mỗi lần bố trong bộ quân phục về thăm nhà, tôi khi ấy cũng ước ao sau này được khoác lên mình bộ quân phục màu xanh đấy, được trở thành một quân nhân góp phần vào bảo vệ và phát triển của đất nước".
Ngoài ra, Bảo Ngọc cho biết, tuy xuất phát là học sinh chuyên Toán, nhưng bản thân lại có niềm yêu thích với môn Lịch sử. Đây cũng là một yếu tố đã thôi thúc nữ sinh đăng ký vào Học viện Kỹ thuật Quân sự.
Nữ sinh chia sẻ: “Tôi học và đọc lịch sử mỗi ngày, vì vẫn luôn ghi nhớ lời dạy của Bác Hồ: “Dân ta phải biết sử ta - Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Cá nhân tôi nhận thấy, lịch sử là tấm gương phản chiếu con người và xã hội từ quá khứ tới hiện tại và trong cả tương lai. Có những bài học xảy ra trong quá khứ và vẫn còn nguyên giá trị cho tới ngày hôm nay và nếu như chúng ta không biết, không học và không lưu tâm đến, thì có thể có rất nhiều hệ quả ở tương lai.
Đối với tôi, học lịch sử không nên chỉ dừng ở việc học thuộc những mốc thời gian hay sự kiện, mà cần phải học và hiểu những tình tiết trong đó.
Ở trên lớp, tôi thường tập trung lắng nghe kiến thức cơ bản như: mốc thời gian, người lãnh đạo, diễn biến… và khi có thời gian rảnh, tôi sẽ đào sâu, tìm hiểu nguyên nhân, lí do xảy ra các sự kiện lịch sử đó. Điều quan trọng nhất trong quá trình tiếp thu kiến thức lịch sử là phải đặt sự kiện trong một bức tranh toàn cảnh, để hiểu hết nội dung, ý nghĩa và phân tích trong mối tương quan với các sự kiện khác”.
“Mong rằng, các bạn trẻ đều có thể tìm thấy niềm yêu thích với môn Lịch sử nói riêng và lịch sử của dân tộc nói chung, để có thể nhận thức đúng đắn hơn những hy sinh của cha ông, các thế hệ đi trước, đồng thời, nuôi dưỡng cho mình một tình yêu quê hương đất nước thiêng liêng, cao đẹp” - Bảo Ngọc nhắn nhủ.
Bảo Ngọc cho biết, việc bản thân đam mê lịch sử đã truyền cảm hứng cho em trai và các em khóa dưới: “Tôi thường chia sẻ với em trai những câu chuyện về những vị anh hùng dân tộc, những sự kiện lịch sử thú vị mà bản thân đã được học. Em trai tôi trước đây không mấy hứng thú với môn học này, cho rằng đó là một môn khô khan... nhưng sau đó, em đã bắt đầu say mê hơn với lịch sử dân tộc.
Ngoài ra, ở trường, tôi cũng thường xuyên chia sẻ những hiểu biết và cảm xúc của mình về những bài học lịch sử đến các em học sinh khóa dưới, để các em nhận thấy rằng học lịch sử không chỉ là học thuộc lòng, mà còn là một cách để hiểu và trân trọng quá khứ. Ngày càng có nhiều học sinh bắt đầu quan tâm hơn, tìm đọc thêm sách và tham gia vào các cuộc thảo luận về những chủ đề lịch sử”.
Nữ sinh cũng chia sẻ thêm về phương pháp giúp bản thân có thể đạt được những “quả ngọt” trong học tập: “Theo tôi, mỗi cá nhân cần phải có một kế hoạch học tập thật rõ ràng và duy trì tính kỉ luật. Điều quan trọng hơn hết, chính là phải biết cách phân chia thời gian để cân bằng giữa việc học kiến thức trên lớp với việc tự học tại nhà.
Suốt quãng thời gian ôn thi đại học, tôi thường dành thời gian trên lớp để tập trung nghe giảng, nắm vững kiến thức nền và làm bài tập cơ bản trước; sau đó, dành khá nhiều thời gian rảnh tại nhà để tự suy ngẫm lại kiến thức, mở rộng thêm thông tin, làm bài tập nâng cao.
Hơn nữa, yếu tố kỉ luật đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình học tập, ôn thi của mỗi người. Tôi thường đặt mục tiêu hôm nay cần học và hoàn thành bài tập của những môn gì cho bản thân, chủ động lên kế hoạch ôn tập vào mỗi sáng bằng cách viết to-do list (những việc cần làm). Khi viết ra những mục tiêu đó, bản thân sẽ cảm thấy có động lực hơn và không bị mất phương hướng hay choáng ngợp trước những khối lượng kiến thức khổng lồ.
Điều quan trọng tiếp theo là cần biết bản thân đang còn yếu ở những phần nào, để tìm cách bổ sung kiến thức, đồng thời, không bị rơi vào cảm giác “peer pressure” (áp lực đồng trang lứa)”.
Ngọc tâm sự: “Đã có những khoảng thời gian, bản thân tôi cảm thấy kiệt sức và mất định hướng, bởi, tôi thường tự đặt áp lực lên chính bản thân mình, đặc biệt, trong khoảng thời gian tôi chọn môn Lịch sử để dự thi học sinh giỏi quốc gia thay vì môn chuyên của mình là môn Toán.
Kiến thức lịch sử còn nhiều khuyết thiếu, đòi hỏi tôi phải thực sự nỗ lực rất nhiều. Nhiều khi, ngồi vào bàn học, tôi đã tự hoài nghi năng lực cũng như sự lựa chọn của mình, thậm chí, có lúc muốn bỏ cuộc”.
Ngoài việc học trên trường, Bảo Ngọc còn tham gia các hoạt động tại các địa phương, điển hình là hỗ trợ mô hình “Con nuôi biên phòng”, một mô hình giúp đỡ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở khu vực biên giới được tới trường. Nữ sinh đã vận động các nhà hảo tâm đóng góp kinh phí để mua quần áo, đồ dùng học tập cho các em.
Bên cạnh đó, Bảo Ngọc cũng tích cực tuyên truyền, vận động học sinh tiểu học tại xã Xuân Trường, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng nâng cao khả năng đọc sách, góp phần bồi dưỡng năng lực tự học, hướng đến việc học tập suốt đời. Hoạt động này đã được nhận giải “Kế hoạch phát triển Văn hóa đọc ấn tượng nhất” trong cuộc thi “Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Cao Bằng năm 2022” do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng tổ chức.
Mong kết quả nghiên cứu có thể ứng dụng vào thực tế, mang lại giá trị cho xã hội
Năm 2021, nữ sinh Cao Bằng đã cùng nhóm bạn nghiên cứu và tạo ra app “Green Border - Ứng dụng hỗ trợ chia sẻ thông tin bảo vệ, quản lý chủ quyền biên giới quốc gia và cư dân vùng biên giới”.
Nữ sinh Bảo Ngọc lý giải: “Theo tôi, nghiên cứu khoa học phải là hoạt động xuất phát từ nhu cầu thực tế. Bố tôi là một người bộ đội biên phòng, trong quá trình làm việc, bố gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình liên hệ và rà soát thông tin của người dân. Do vậy, tôi rất muốn có một sáng kiến nào đó giúp bố cũng như các cán bộ biên phòng nói chung thuận tiện hơn trong công tác truyền tải thông tin ở những vùng biên giới của tổ quốc. Đó là động lực thôi thúc tôi cùng các bạn tìm hiểu, nghiên cứu để xây dựng app trên”.
Nhớ lại khoảng thời gian đó, Ngọc chia sẻ: “Khi ấy, tôi mới học lớp 10, kiến thức trong hành trình nghiên cứu khoa học vẫn còn nhiều bỡ ngỡ. Trước hết, tôi cùng các bạn lên câu hỏi nghiên cứu. Đây là một bước rất quan trọng nhưng cũng rất khó khăn, bởi, để đặt được câu hỏi nghiên cứu đúng trọng tâm và sát thực tiễn, đòi hỏi phải có kiến thức thực tế.
Chính vì vậy, tôi quyết định đi khảo sát tại các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa, nơi mà công tác truyền tin vẫn còn nhiều hạn chế. Do di chuyển mất 1 ngày, tôi phải đi vào những ngày nghỉ để không bị lỡ các tiết học trên trường. Những con đường đèo nơi đây vừa quanh co, vừa hiểm trở, vắt từ ngọn núi này sang ngọn núi khác; có đoạn không thể đi xe vào vì đường rất hẹp. Khi tận mình đến những nơi ấy, tôi mới càng thấm thía hơn những nỗi vất vả, khó khăn của những người dân sinh sống tại nơi đây, nhưng đó cũng chính là một nguồn động lực to lớn thôi thúc tôi nhanh chóng biến đề tài mình ấp ủ bấy lâu nay thành sự thật.
Quá trình thử nghiệm đã trải qua rất nhiều lần thất bại. Mỗi lần lập trình sai hay có những mã code bị lỗi, tôi đều xem đó là một lần để học hỏi thêm, để nhìn nhận lại quá trình nghiên cứu xem có gì bất hợp lý và tham khảo ý kiến từ những anh chị, thầy cô có kinh nghiệm.
Để có thể thực hiện đề tài nghiên cứu thành công, ngoài việc học những kiến thức trên lớp, tôi cũng học thêm những kiến thức mới về lập trình, công nghệ thông tin. Đây là khoảng thời gian khá căng thẳng, bởi, tôi phải vừa sắp xếp lịch học trên lớp, hoàn thành các bài tập của những môn học khác, vừa phải đi thực nghiệm ở những địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa”.
Bảo Ngọc cho biết, ứng dụng “Green Border” mà cả nhóm cùng nhau nghiên cứu đã giúp cho cán bộ biên phòng nhận được những thông tin quan trọng của người dân trong hoạt động mua bán động vật trái phép vùng biên giới…, góp phần vào ổn định cuộc sống người dân nơi đây. Hiện, app đã được thiết lập trên CH Play và tiếp cận tới hàng nghìn người dùng, cũng như số lượng người tải vẫn đang tăng lên.
Trước hành trình nghiên cứu khoa học đầy vất vả đó, Bảo Ngọc chia sẻ, nếu đã xác định sẽ tham gia nghiên cứu khoa học, bản thân phải có một tâm thế vững vàng, kiên trì, không ngại gian khó. Đặc biệt ở lứa tuổi học sinh, Bảo Ngọc luôn tâm niệm, phải làm sao để học hỏi được nhiều nhất có thể từ các tiền bối, từ các thầy cô giàu kinh nghiệm.
Trong thời gian tới, nữ sinh này cho biết, sẽ tập trung vào các nghiên cứu liên quan đến công nghệ mới, tối ưu hóa quy trình sản xuất, hoặc phát triển các sản phẩm sáng tạo phục vụ cho cộng đồng.
Việc tham gia vào các nghiên cứu khoa học cũng sẽ giúp hiểu rõ hơn về xu hướng phát triển của ngành, mở rộng mối quan hệ chuyên môn và học hỏi từ các chuyên gia. Qua đó, Bảo Ngọc mong muốn, có thể ứng dụng những kết quả nghiên cứu vào công việc thực tế, mang lại giá trị cho xã hội và phát triển sự nghiệp của mình.
Một số thành tích nổi bật của nữ sinh Hoàng Bảo Ngọc:
1. Giấy khen: Đạt giải Khuyến khích cuộc thi tìm hiểu: “Bác Hồ với quê hương cách mạng Cao Bằng”.
2. Giấy khen của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cao Bằng vì thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào thi đua, đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập.
3. Giấy khen: Đạt giải Nhất cuộc thi “Cao Bằng quê hương tôi - Cao Bang, my hometown” năm 2020.
4. Giành giải Nhất Giải vô địch STEM Robotics Việt Nam (VSRC) 2023.
5. Giành giải Nhất cuộc thi STEM Robotics cấp tỉnh dành cho học sinh trung học phổ thông năm học 2023-2024.
6. Là học sinh lớp 11 giành giải Khuyến khích môn Lịch sử kỳ thi chọn học sinh giỏi lớp 12 Quốc gia năm học 2022-2023.
7. Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng với thành tích giành giải Nhất Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Cao Bằng lần thứ 12 (năm 2023) với mô hình sản phẩm “SAGEO - Ứng dụng đa nền tảng, hỗ trợ, cải thiện hành vi người dùng góp phần quảng bá, phát triển bền vững hình ảnh công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng”.
8. Bằng khen của Tỉnh Đoàn Cao Bằng vì tích cực tham gia Cuộc thi và đạt giải tại Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Cao Bằng lần thứ 12 (năm 2023).
9. Danh hiệu “Học sinh 3 tốt” cấp tỉnh năm học 2022-2023.