Phó Hiệu trưởng ĐH Ngoại ngữ Huế đạt PGS, có 3/4 bài báo quốc tế công bố 2024

11/11/2024 06:50
Hà Giang

GDVN - Trong 4 bài báo khoa học đăng trên tạp chí quốc tế uy tín mà TS Nguyễn Hồ Hoàng Thủy là tác giả chính thì có tới 2 bài được công bố vào tháng 6/2024. 

Ngày 4/11, Hội đồng Giáo sư Nhà nước đã công bố danh sách 615 ứng viên được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2024. Theo danh sách này có 45 ứng viên giáo sư, 570 ứng viên phó giáo sư đạt chuẩn.

Năm nay, ngành Ngôn ngữ học có 9 ứng viên được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư. Trong đó, Tiến sĩ Nguyễn Hồ Hoàng Thuỷ, sinh năm 1979, là ứng viên phó giáo sư duy nhất đến từ Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế. Cô Thuỷ quê ở xã Hải Ba, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.

Theo bản đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư năm 2024, cô Hoàng Thuỷ tốt nghiệp đại học năm 2000, ngành Sư phạm tiếng Anh, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế. Sau khi tốt nghiệp, cô ở lại giảng dạy tại Khoa Anh văn của trường từ tháng 3/2001 đến tháng 9/2004.

Sau đó, cô chuyển công tác sang Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế và giảng dạy tại Khoa Tiếng Anh từ tháng 9/2004 đến tháng 12/2014.

Cũng trong khoảng thời gian này, cô Hoàng Thuỷ theo học chuyên ngành Ngôn ngữ ứng dụng, Đại học Queensland, Úc và được cấp bằng thạc sĩ năm 2005. Năm 2014, cũng tại ngôi trường này, cô Hoàng Thuỷ tiếp tục nhận bằng tiến sĩ ngành Ngôn ngữ ứng dụng.

Sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, cô Thuỷ tiếp tục công việc giảng dạy tại trường, đồng thời là Trưởng phòng Khảo thí và Bảo đảm chất lượng giáo dục, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế.

Tháng 7/2020, Tiến sĩ Nguyễn Hồ Hoàng Thủy giữ chức vụ Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế.

nguyễn hồ hoàng thuỷ.jpg
Tiến sĩ Nguyễn Hồ Hoàng Thủy - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế. (Ảnh: website nhà trường)

Trong 23 năm thực hiện nhiệm vụ đào tạo, Tiến sĩ Nguyễn Hồ Hoàng Thủy đã hướng dẫn 6 học viên cao học bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ, hoàn thành 2 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Đại học Huế.

Đề tài “Nghiên cứu nguyên nhân và tác động của áp lực tâm lý (anxiety) lên sinh viên chuyên ngữ tiếng Anh đối với bài thi đánh giá năng lực tiếng Anh VSTEP” của cô Thủy được xếp loại xuất sắc.

Đồng thời, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế đã công bố 30 bài báo khoa học, trong đó có 4 bài báo khoa học được đăng trên tạp chí quốc tế uy tín mà cô Thủy là tác giả chính sau tiến sĩ.

Đáng chú ý, trong 4 bài báo khoa học đăng trên tạp chí quốc tế có uy tín mà cô Thủy là tác giả chính thì có 1 bài đã công bố từ năm 2021, 3 bài còn lại đều công bố trong năm 2024. Trong đó có 1 bài báo khoa học được cô Thủy công bố tháng 2/2024; 2 bài còn lại được cô công bố vào tháng 6/2024.

dbb8c270d5dc6d8234cd.jpg
Trong 4 bài báo khoa học được đăng trên tạp chí quốc tế có uy tín mà cô Thủy là tác giả chính thì có 2 bài được công bố tháng 6/2024. (Ảnh chụp màn hình)

Ngoài ra, cô đã xuất bản 5 sách phục vụ đào tạo đại học, trong đó 4 sách được xuất bản tại Nhà xuất bản Đại học Huế và 1 sách được xuất bản tại Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội. Đặc biệt, cô Thuỷ đã xuất bản 1 chương sách phục vụ đào tạo đại học. Sách được xuất bản tại Nhà xuất bản quốc tế IGI Global và được chỉ mục trong Scopus.

462561892_478371555227683_3827075548762092429_n.jpg
Các cuốn sách đã xuất bản của cô Hoàng Thủy sau khi được công nhận là tiến sĩ. (Ảnh chụp màn hình)

Các kết quả đào tạo và nghiên cứu khoa học của Tiến sĩ Hoàng Thuỷ đều theo 4 hướng nghiên cứu chủ yếu là: Kiểm tra đánh giá ngôn ngữ; Ngữ dụng học (Nghiên cứu hành vi ngôn ngữ); Diễn ngôn thể chế (trong giao tiếp y khoa); Phương pháp giảng dạy ngoại ngữ và phát triển năng lực giảng dạy.

Theo phần tự đánh giá về tiêu chuẩn và nhiệm vụ của nhà giáo, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế nêu, cô không chỉ thực hiện giảng dạy và nghiên cứu mà còn có nhiều đóng góp cho hoạt động đào tạo, khảo thí, bảo đảm chất lượng giáo dục của Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế.

Cụ thể một số hoạt động của cô Thủy như: triển khai các đợt rà soát, đánh giá, cập nhật chuẩn đầu ra các chương trình đào tạo trình độ đại học của trường; triển khai hoạt động tự đánh giá và kiểm định các chương trình đào tạo trình độ đại học của trường; xây dựng các đề án bồi dưỡng năng lực khảo thí, đề án thi đánh giá năng lực ngoại ngữ, đề án thi đánh giá năng lực tiếng Việt cho người nước ngoài... Những đề án này đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt và sau đó được triển khai hiệu quả tại trường. Ngoài ra, cô tham gia công tác xây dựng chuẩn chương trình đào tạo khối ngành Ngôn ngữ, Văn học và văn hoá nước ngoài các trình độ giáo dục đại học do Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ.

Với vai trò là người quản lý, Tiến sĩ Nguyễn Hồ Hoàng Thủy có nhiều đóng góp cho hoạt động của Đề án Ngoại ngữ Quốc gia, góp phần phát triển chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên, giảng viên tiếng Anh: tham gia và chủ trì triển khai các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh phổ thông cho các Sở Giáo dục và Đào tạo miền Trung Tây Nguyên và giảng viên tiếng Anh cốt cán các trường đại học theo nhiệm vụ hằng năm của Đề án Ngoại ngữ Quốc gia giao cho Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế; tham gia và chủ trì xây dựng các chương trình và tài liệu bồi dưỡng cho giáo viên tiếng Anh phổ thông, giảng viên tiếng Anh cốt cán, đặc biệt trong lĩnh vực kiểm tra đánh giá ngôn ngữ; tham gia hội đồng đánh giá 10 bộ sách giáo khoa tiếng Anh thí điểm. Kết quả đánh giá này đã được sử dụng làm cơ sở cho nhóm tác giả chỉnh sửa, biên tập các bộ sách để sau đó được đưa vào sử dụng chính thức trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 môn tiếng Anh.

Với nhiều đóng góp cho ngành Ngôn ngữ học, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế đã nhận bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2020, đạt Chiến sĩ thi đua cấp Bộ năm 2023.

Các bài báo khoa học của Tiến sĩ Nguyễn Hồ Hoàng Thủy sau khi được công nhận tiến sĩ trên các tạp chí quốc tế có uy tín:

1, EFL teachers’ perceptions of classroom writing assessment at high schools in Central Vietnam (công bố tháng 10/2021).

2, Computer-delivered vs. face-to-face score comparability and test takers’ perceptions: The case of the two English speaking proficiency tests for Vietnamese EFL learners (công bố tháng 2/2024).

3, Pain as a force – A study of the conceptual metaphors of pain in Vietnamese (công bố tháng 6/2024).

4, Exploring Vietnamese pain terms and pain descriptors: To what extent are the McGill Pain Questionnaire (MPQ) words employed in the Vietnamese context? (công bố tháng 6/2024).

Hà Giang