Nhóm SV ĐH Phenikaa đề xuất dự án IVF cải tiến nhằm hỗ trợ các cặp đôi hiếm muộn

12/11/2024 10:52
Thu Trang

GDVN -Dự án không chỉ là một ý tưởng, mà là một nỗ lực nhằm mang lại hy vọng, thông tin, kiến thức và sự hỗ trợ cho những người đang khao khát được làm cha mẹ.

Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) không chỉ là một phương pháp y học mà còn là cầu nối cho những giấc mơ làm cha làm mẹ của nhiều cặp đôi.

Với sự phát triển của khoa học, cần một giải pháp tốt hơn, hiệu quả hơn, để không chỉ nâng cao tỷ lệ thành công mà còn giảm bớt những áp lực, lo lắng mà các cặp đôi phải đối mặt trong hành trình này.

Xuất phát từ thực tế đó, nhóm sinh viên Trường Đại học Phenikaa đã đề xuất ý tưởng dự án “Phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) có cải tiến - Đề xuất cho khoa Sản, Bệnh viện Đại học Phenikaa” với mong muốn nhằm nâng cao hiệu quả và chất lượng của quá trình thụ tinh trong ống nghiệm có cải tiến.

Để mỗi đứa trẻ chào đời đều là một niềm hạnh phúc trọn vẹn

Dự án “Phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) có cải tiến - Đề xuất cho khoa Sản, Bệnh viện Đại học Phenikaa” là dự án khởi nghiệp của 5 sinh viên gồm: Nguyễn Thanh Hiền; Nguyễn Huỳnh Như Ý; Lê Nguyễn Minh Phương; Đặng Phương Linh; Nguyễn Đức Tùng thuộc Khoa Khoa học y sinh và Khoa Y, Trường Đại học Phenikaa.

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về ý tưởng thực hiện dự án, sinh viên Nguyễn Thanh Hiền, đại diện nhóm cho biết, ngày nay, tình trạng vô sinh, hiếm muộn là vấn đề sức khỏe đặc biệt được nhiều cặp đôi gặp phải.

Mặc dù, trên thế giới đã có rất nhiều kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Đặc biệt, là phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) nhưng tỷ lệ thành công của các ca IVF cổ điển chỉ đạt khoảng 30-50% đối với phụ nữ dưới 35 tuổi. Đến nay, cả nước ta có hơn 50 trung tâm hỗ trợ sinh sản và Bệnh viện Đại học Phenikaa cũng đang trong quá trình thành lập trung tâm này.

Đồng cảm với các cặp đôi, nhóm nghiên cứu và thầy cô cố vấn của đề tài luôn mong rằng sẽ có cơ hội mang thật nhiều thiên thần nhỏ, khỏe mạnh đến với các cặp đôi hiếm muộn.

Nhóm sinh viên của dự án “Phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) có cải tiến - Đề xuất cho khoa Sản, Bệnh viện Đại học Phenikaa”. Ảnh: NVCC
Nhóm sinh viên của dự án “Phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) có cải tiến - Đề xuất cho khoa Sản, Bệnh viện Đại học Phenikaa”. Ảnh: NVCC

Đồng thời, nhóm luôn trăn trở trong mình câu hỏi: “Làm thế nào để nâng cao tỷ lệ thành công của IVF mà chi phí lại hợp lý.”

“Xuất phát từ những mong muốn đó, cùng với sự hỗ trợ nhiệt tình đến từ thầy cô cố vấn, chúng em đề xuất ý tưởng dự án nhằm mang mục tiêu chung là áp dụng IVF có cải tiến nhằm nâng cao tỷ lệ thành công và sinh ra những em bé khỏe mạnh thông qua việc áp dụng các kỹ thuật tiên tiến”, đại diện nhóm chia sẻ.

Dự án khởi nghiệp truyền thông IVF cải tiến của nhóm không chỉ nhằm mang đến những thông tin chính xác, rõ ràng về quy trình IVF mà còn hướng tới việc giúp các cặp đôi hiểu rõ hơn về lựa chọn của mình. Đó là lý do nhóm muốn truyền tải đến với mọi người những thông tin, kiến thức hữu ích và đáng tin cậy đến với mọi người.

Đối tượng mà nhóm sinh viên hướng tới là những cặp đôi đang tìm kiếm cơ hội để được làm cha mẹ. Tuy nhiên họ có thể đang đối diện với nhiều khó khăn, có thể đã thử IVF mà chưa thành công hoặc chưa biết nhiều về phương pháp này. Ngoài ra nhóm còn mong muốn giúp họ nhận thức rõ hơn về từng bước, các kỹ thuật tiên tiến, và cả những lợi ích thậm chí rủi ro mà họ có thể gặp phải.

“Chúng em hy vọng rằng, thông qua việc chia sẻ thông tin và kinh nghiệm, các cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn có thể hiểu thêm được nhiều hơn về IVF để có thể chuẩn bị một tinh thần, sức khỏe tốt để chạm tới mong mỏi của mình.

Dự án này không chỉ là một ý tưởng, mà là một nỗ lực nhằm mang lại hy vọng, thông tin, kiến thức và sự hỗ trợ cho những người đang khao khát được làm cha mẹ. Chúng em tin rằng, khi mọi người hiểu rõ hơn về quy trình và những tiến bộ trong IVF sẽ giúp nhiều gia đình biến ước mơ thành hiện thực”, Hiền chia sẻ.

Kế thừa và cải tiến từ IVF truyền thống

Đại diện nhóm cũng cho biết, mong rằng dự án cải tiến IVF này sẽ là một bước tiến mới cho những gia đình đang mong chờ tiếng cười trẻ thơ, mong mỏi một niềm vui trọn vẹn. Với sự chuẩn hóa dựa trên quy định tại Điều 11 của Thông tư 57/2015/TT-BYT, từ 16 bước tiêu chuẩn, dự án đã tối ưu hóa chỉ còn 11 bước tinh gọn, giúp quy trình hỗ trợ sinh sản trở nên hiệu quả hơn.

Dự án đã nhận được đánh giá cao tại cuộc thi Sáng tạo - Khởi nghiệp sinh viên Phenikaa năm 2024 (PSI 2024). Ảnh: NVCC
Dự án đã nhận được đánh giá cao tại cuộc thi Sáng tạo - Khởi nghiệp sinh viên Phenikaa năm 2024 (PSI 2024). Ảnh: NVCC

Bên cạnh đó, dự án còn có nhiều điểm sáng tạo mới như: Sàng lọc di truyền tiền làm tổ; Liệu pháp PRP (huyết tương giàu tiểu cầu); Hỗ trợ phôi thoát màng; Thủy tinh hóa trong trữ đông.

Những kỹ thuật cải tiến này không chỉ nâng cao tỷ lệ thành công mà còn giúp giảm thiểu rủi ro và đáp ứng ngay cả những trường hợp phức tạp nhất.

Đằng sau mỗi phôi thai là ước mơ, là hi vọng, là tình yêu của những người khao khát làm cha mẹ. Dự án này sẽ góp phần nâng cao hiệu quả của các trung tâm hỗ trợ sinh sản tại Việt Nam, để những công nghệ tiên tiến, ưu việt nhất đến gần hơn với những gia đình này.

Hiền cho biết, khi thực hiện dự án này, nhóm chúng em mong muốn tạo ra sự khác biệt cho những gia đình đang tìm hiểu và sử dụng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm.

Đây không chỉ là một công nghệ y học mà còn là hành trình giúp đỡ những bố mẹ khao khát có con và họ cần một giải pháp đáng tin cậy, hiệu quả, và phù hợp nhất với từng hoàn cảnh riêng.

Khi thực hiện dự án này, em và các bạn trong nhóm mong muốn tạo ra sự khác biệt cho những gia đình đang tìm hiểu và sử dụng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Đây không chỉ là một công nghệ y học mà còn là hành trình giúp đỡ những bố mẹ khao khát có con và họ cần một giải pháp đáng tin cậy, hiệu quả, và phù hợp nhất với từng hoàn cảnh riêng.

Chúng em tập trung cải tiến các kỹ thuật IVF để nâng cao tỷ lệ thành công, bởi vì mỗi lần thử IVF không chỉ tốn kém về tài chính mà còn đầy thử thách về sức khỏe của mẹ và tinh thần của các cặp vợ chồng.

Đồng thời, dự án muốn giải quyết những khó khăn trong IVF truyền thống, ví dụ như tỷ lệ thành công còn thấp, nội mạc tử cung của người mẹ chưa đủ dày, và những giới hạn trong việc sàng lọc di truyền tiền làm tổ, vì các bố mẹ không chỉ mong chờ có con mà còn mong con sinh ra thật khỏe mạnh.

Hiền chia sẻ thêm: “Ngoài ra, em thấy rất nhiều người mong muốn làm IVF nhưng lại gặp trở ngại bởi chi phí cao. Chính vì vậy, dự án này hướng đến việc tối ưu hóa quy trình để giảm thiểu những bước không cần thiết, giúp giảm chi phí mà vẫn đảm bảo chất lượng điều trị.

Với mong muốn lớn nhất, dự án không chỉ dừng lại ở việc nâng cao tỷ lệ thành công mà còn truyền cảm hứng và mang lại niềm tin cho những gia đình đang khao khát có một thiên thần nhỏ.

Qua dự án khởi nghiệp truyền thông, em muốn mỗi người đều hiểu rằng có hy vọng, có lựa chọn, và các kỹ thuật tiên tiến có thể đem lại những kết quả ngoài mong đợi.”

Trong quá trình thực hiện đề tài này, đại diện nhóm sinh viên cho biết nhóm đã gặp phải không ít khó khăn, khó khăn đầu tiên chính là việc tìm kiếm và tổng hợp thông tin chính xác. IVF là lĩnh vực đòi hỏi sự cập nhật liên tục về kiến thức và kỹ thuật.

Tuy nhiên, trong hành trình thực hiện dự án, điều làm chúng em ấn tượng nhất, có lẽ là khi tiếp xúc với những cặp đôi đã từng trải qua quá trình IVF. Họ chia sẻ về hành trình đầy cảm xúc, từ hy vọng đến thất vọng, rồi lại hy vọng.

Những câu chuyện của họ đã tiếp thêm động lực cho chúng em rất nhiều, để thấy rằng công việc mình đang làm không chỉ là một đề tài nghiên cứu mà là cơ hội để góp phần làm thay đổi cuộc sống của ai đó.

Những khó khăn và cảm xúc ấy đã giúp nhóm em vững tin hơn rằng, dự án này thật sự có ý nghĩa, không chỉ là để phát triển công nghệ y học, mà còn là để mang đến hy vọng và hạnh phúc cho những người đang tìm kiếm cơ hội làm cha mẹ

Chia sẻ về kinh nghiệm khi thực hiện dự án, Hiền cho biết, thực hiện một dự án về IVF cải tiến đã là hành trình đặc biệt, không chỉ vì kỹ thuật chuyên môn, mà còn bởi vì mỗi bước thực hiện đều hướng đến niềm hy vọng của các gia đình.

Điều đầu tiên chúng em muốn chia sẻ với các bạn sinh viên là sự đam mê và kiên nhẫn. Dự án này đòi hỏi rất nhiều thời gian để nghiên cứu, tham khảo từ nhiều nguồn, và liên tục cập nhật các kỹ thuật IVF tiên tiến.

Bên cạnh đó, sức mạnh của cộng tác và tư duy cởi mở đã giúp dự án chúng em đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ bạn bè, từ gia đình luôn động viên ủng hộ, từ thầy cô giảng viên cố vấn chuyên môn giàu kinh nghiệm luôn nhiệt tình giúp đỡ chúng em, từ khoa Y, từ bệnh viện của nhà trường, từ ban tổ chức và từ nhà trường. Không chỉ thế chúng em còn nhận được sự giúp đỡ từ các cố vấn trong các lĩnh vực khác như: truyền thông và công nghệ.

Và quan trọng nhất, nhóm đã học được rằng ý nghĩa của dự án không nằm ở tỷ lệ thành công cao mà ở việc mang đến niềm hy vọng và sự lựa chọn tốt nhất cho các gia đình. Chính ý nghĩa đó đã giúp chúng em không ngừng phấn đấu, dù có khó khăn đến đâu.

“Qua dự án khởi nghiệp, em muốn mỗi người đều hiểu rằng có hy vọng, có lựa chọn, và các kỹ thuật tiên tiến có thể đem lại những kết quả ngoài mong đợi.

Hy vọng rằng, thông qua dự án này, chúng em muốn cống hiến hết sức để lan tỏa những tiến bộ trong IVF, khuyến khích các bạn sinh viên trẻ bước chân vào lĩnh vực y học và không ngừng giúp sức cho những giải pháp ý nghĩa và thiết thực cho xã hội”, đại diện nhóm chia sẻ.

Thu Trang