Không được tăng chỉ tiêu nếu trên 30% SV thất nghiệp, trường ĐH thấy hợp lý

12/11/2024 06:14
Lưu Diễm

GDVN - Theo dự thảo của Bộ GDĐT, trường ĐH không được tăng chỉ tiêu nếu tỷ lệ thôi học năm đầu cao hơn 15%; tỷ lệ người tốt nghiệp có việc làm thấp hơn 70%.

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố dự thảo thông tư quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh giáo dục đại học và chỉ tiêu tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục mầm non để lấy ý kiến đóng góp.

Điểm mới đáng chú ý tại dự thảo Thông tư là đưa ra 2 tiêu chí các cơ sở giáo dục đại học không được tăng so với chỉ tiêu và số thực tuyển của năm trước liền kề bao gồm: Tỷ lệ thôi học năm đầu cao hơn 15%; tỷ lệ người tốt nghiệp có việc làm thấp hơn 70%.

Trong khi quy định hiện hành tại Thông tư số 03/2022/TT-BGDĐT quy định chỉ tiêu tuyển sinh của lĩnh vực không được tăng so với năm tuyển sinh trước liền kề với năm xác định chỉ tiêu và tổ chức tuyển sinh lĩnh vực đó nếu tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp trình độ đại học có việc làm trong khoảng 12 tháng kể từ khi tốt nghiệp của lĩnh vực đó đạt dưới 80%, hoặc tỉ lệ thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh của lĩnh vực đó ở năm liền kề trước năm tuyển sinh đạt dưới 80% (trừ trường hợp ngành đào tạo ở trình độ đại học có chương trình đào tạo được công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng).

Tạo điều kiện thuận lợi cho cơ sở giáo dục đại học thống nhất dữ liệu hơn

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Trần Đức Mạnh - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng đánh giá: Các nội dung của dự thảo Thông tư là cần thiết và mang tính chất cập nhật, phù hợp với các quy định hiện hành.

Có thể thấy, những nội dung trong dự thảo Thông tư quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh giáo dục đại học và chỉ tiêu tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục mầm non sẽ góp phần làm đơn giản hóa hơn trong công tác triển khai thực hiện phát triển giáo dục đại học.

Ảnh minh họa: UED.
Ảnh minh họa: UED.

Đặc biệt, đối với điểm mới về việc không tăng chỉ tiêu nếu tỉ lệ người tốt nghiệp có việc làm thấp hơn 70%, theo Tiến sĩ Trần Đức Mạnh, điều này là thiết thực và phù hợp với quy định tại Tiêu chí 5.5 của Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT ban hành về Chuẩn cơ sở giáo dục đại học. Việc đồng nhất giữa quy chế xác định chỉ tiêu tuyển sinh với Chuẩn cơ sở giáo dục đại học sẽ giúp cho các cơ sở giáo dục đại học thuận lợi và thống nhất dữ liệu hơn trong quá trình triển khai thực hiện.

Khi chỉ tiêu tuyển sinh được xây dựng dựa trên Chuẩn cơ sở giáo dục, các yếu tố như quy mô giảng dạy, cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, chương trình đào tạo và các điều kiện đảm bảo chất lượng sẽ được xem xét một cách toàn diện và khách quan. Điều này giúp các cơ sở giáo dục đại học có thể đưa ra kế hoạch tuyển sinh phù hợp với năng lực thực tế của mình, tránh tình trạng tuyển sinh vượt quá khả năng đáp ứng, từ đó nâng cao chất lượng đào tạo và giảm thiểu những rủi ro về chất lượng giảng dạy.

Bên cạnh đó, việc đồng bộ quy chế và chuẩn mực này còn tạo nền tảng vững chắc cho việc đánh giá và kiểm tra chất lượng giáo dục định kỳ. Các cơ sở giáo dục sẽ dễ dàng theo dõi và cập nhật một cách hiệu quả, từ đó giúp quy trình tuyển sinh diễn ra minh bạch, chính xác và hiệu quả hơn. Thực hiện đồng nhất những yếu tố này cũng góp phần xây dựng một hệ thống giáo dục đại học có tính liên kết, đồng bộ cao, đảm bảo chất lượng giáo dục được duy trì và phát triển bền vững trong dài hạn.

Đồng tình với ý kiến trên, Thạc sĩ Cù Xuân Tiến - Trưởng phòng Tuyển sinh và Công tác sinh viên, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, những điểm mới trong dự thảo thông tư lần này đều hợp lý và cần thiết. Đáng chú ý, điểm mới về tỷ lệ tốt nghiệp của sinh viên và tỷ lệ thôi học năm đầu tại dự thảo là rất hợp lý. Điều này thống nhất với Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT ban hành về Chuẩn cơ sở giáo dục đại học.

Với sự thay đổi đó, đặc biệt là công cụ thống kê HEMIS của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sẽ giúp đảm bảo chất lượng về mặt tuyển sinh và công tác đào tạo của các trường. Công cụ thống kê HEMIS giúp hỗ trợ phát triển cơ sở dữ liệu về giáo dục đại học nhằm cung cấp kịp thời, đầy đủ các thông tin về giáo dục đại học như mạng lưới của các cơ sở đào tạo; hồ sơ sinh viên; hồ sơ đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên các trường đại học; thông tin về cơ sở vật chất, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế;… Từ đó tạo cơ sở hình thành các thông tin liên quan đến thống kê số liệu hỗ trợ xây dựng chính sách quản lý giáo dục đại học, cải thiện chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội, làm cơ sở đề xuất chính sách nâng cao chất lượng và hiệu quả trong hoạt động của các trường đại học.

Ảnh minh họa: UEL.
Ảnh minh họa: UEL.

Ngoài ra, Thạc sĩ Cù Xuân Tiến cũng nhận định: "Dự thảo cho phép các cơ sở đào tạo thực hiện tuyển sinh không được vượt quá 20% chỉ tiêu đã công bố. Điều này của dự thảo làm rõ hơn so với quy định trước đây và sẽ giúp các trường đỡ phải giải trình với Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo khi tuyển vượt chỉ tiêu nhưng vẫn dưới năng lực đào tạo. Còn trường hợp tuyển vượt năng lực đào tạo theo quy định thì bị xử phạt là bình thường".

Góp phần giúp cơ sở giáo dục đại học đáp ứng nhu cầu thực tế của xã hội

Mặt khác, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng cho biết, việc điều chỉnh quy định về 2 tiêu chí cho các cơ sở giáo dục đại học không được tăng so với chỉ tiêu và số thực tuyển của năm trước liền kề không chỉ giúp cho các cơ sở giáo dục đại học thuận lợi hơn trong quá trình triển khai thực hiện, mà còn giúp thống nhất dữ liệu trong thống kê, báo cáo và đánh giá.

Ngoài ra, đối với một số ngành, lĩnh vực có nhu cầu việc làm bị ảnh hưởng lớn bởi sự thay đổi của những chính sách trong phát triển kinh tế - xã hội trên thế giới và trong nước hiện nay, hoặc một số ngành, lĩnh vực khoa học cơ bản; sự thay đổi về tiêu chí tỷ lệ người tốt nghiệp có việc làm sẽ giúp duy trì và phát triển công tác tuyển sinh, đáp ứng được nhu cầu nguồn nhân lực của xã hội trong giai đoạn khoảng từ 4 đến 7 năm sau.

Thêm vào đó, đề xuất kiến nghị về một số giải pháp góp ý cho dự thảo Thông tư này nhằm định hướng phát triển chất lượng giáo dục đại học hơn nữa, Tiến sĩ Trần Đức Mạnh cho hay, đối với việc xác định chỉ tiêu theo diện đặt hàng hoặc đào tạo nâng trình độ chuẩn theo Nghị định 71/NĐ-CP của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có những quy định hoặc hướng dẫn cụ thể hơn để các cơ sở giáo dục được nhận đặt hàng thực hiện.

HIEU2787 (1).JPG
Ảnh minh họa: Diệu Dương.

Còn theo lãnh đạo của một trường đại học ở phía Nam, việc cho phép các cơ sở đào tạo thực hiện tuyển sinh phù hợp với chỉ tiêu đã công bố, bảo đảm số lượng thực tuyển của từng ngành, nhóm, trình độ và hình thức đào tạo không được vượt quá 20% là rất phù hợp. Các cơ sở đào tạo cũng phải chú trọng hơn trong việc đảm bảo chất lượng giảng dạy, hướng nghiệp và chăm sóc sinh viên thể hiện qua việc hạn chế tăng chỉ tiêu khi tỉ lệ sinh viên thôi học năm đầu cao hơn 15%.

Đây là một tín hiệu cho thấy cần có những biện pháp can thiệp đào tạo, kịp thời nhằm giảm thiểu tình trạng này, đồng thời nâng cao chất lượng đào tạo và sự hài lòng của sinh viên ngay từ những năm đầu nhập học. Song, chúng ta cũng cần minh bạch trong chất lượng học tập và giảng dạy, thực hiện chương trình đào tạo chuyên sâu, cải tiến phương pháp đào tạo, nâng cao năng lực của đội ngũ giảng viên, minh bạch về kết quả học tập và thành tích đầu ra của người học, từ đó tạo ra một môi trường giáo dục hiệu quả tốt nhất.

Hơn nữa, dự thảo Thông tư đồng thời cũng giúp các trường tháo gỡ những khó khăn trong việc xác định được chính xác tỉ lệ gọi nhập học hằng năm. Xác định chỉ tiêu theo năng lực đào tạo của từng nhóm ngành buộc các trường phải đảm bảo tốt nhất việc bố trí đội ngũ giảng viên có chuyên môn phù hợp, gắn sát hơn với ngành đào tạo.

Lưu Diễm