SV vừa làm vừa học, từ xa được xem xét học bổng như chính quy: Nên hay không?

10/11/2024 06:26
Châu Anh

GDVN - Phương án giảm quỹ học bổng từ 8% xuống còn 5% và không phân biệt hệ đào tạo đang nhận được nhiều sự quan tâm từ trường đại học.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến cho Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 84/2020/NĐ-CP ngày 17 tháng 7 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục.

Trong đó, sửa đổi, bổ sung Điểm b, Khoản 4, Điều 8, Nghị định 84/2020/NĐ-CP, liên quan đến quỹ học bổng khuyến khích học tập, dự thảo đưa ra 2 phương án.

Phương án 1: Đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, học bổng khuyến khích học tập được bố trí tối thiểu bằng 5% nguồn thu học phí (với trường công lập) và tối thiểu 2% nguồn thu học phí đối với trường tư thục.

Phương án 2: Đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học: Học bổng khuyến khích học tập được bố trí tối thiểu bằng 8% nguồn thu học phí hệ chính quy (với trường công lập) và tối thiểu 2% nguồn thu học phí đối với trường tư thục.

Nghiên cứu dự thảo, chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, lãnh đạo nhiều trường đại học đồng tình với phương án 1 và cho rằng đây là bước đi phù hợp trong bối cảnh nguồn lực tài chính ngày càng thách thức. Tuy nhiên, cũng có ý kiến lo ngại rằng, việc giảm tỷ lệ trích lập quỹ học bổng sẽ làm giảm cơ hội hỗ trợ tài chính cho sinh viên

Giảm quỹ học bổng xuống 5% học phí giúp các trường cân bằng ngân sách và phát triển

Bàn về điểm mới trong việc trích lập quỹ học bổng khuyến khích học tập giảm từ 8% xuống còn 5%, Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiểu - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm (Đại học Thái Nguyên) nhận định, đây là một bước đi cần thiết và hợp lý đối với các trường công lập.

Bởi hiện nay, không chỉ các trường tự chủ tài chính mức độ 1 gặp khó khăn, mà ngay cả các trường tự chủ một phần chi thường xuyên như Trường Đại học Nông Lâm (Đại học Thái Nguyên) cũng đối diện với nhiều thách thức. Điều này càng rõ ràng hơn khi hàng năm, nguồn hỗ trợ kinh phí chi thường xuyên từ nhà nước đang dần bị cắt giảm, khiến các trường phải "gồng gánh" thêm nhiều áp lực tài chính. Đặc biệt, với các ngành có sức hút thấp trên thị trường như nông, lâm, thủy sản, áp lực này lại càng nặng nề hơn.

Thêm vào đó, phần lớn sinh viên của Trường Đại học Nông Lâm (Đại học Thái Nguyên) đến từ các khu vực miền núi, hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nên không sẵn sàng cho mức học phí cao hơn. Chính vì vậy, việc giảm tỷ lệ trích lập quỹ học bổng sẽ giúp nhà trường giảm bớt áp lực tài chính, từ đó có thêm nguồn lực để nhà trường cân đối và phát triển một cách bền vững hơn trong giai đoạn đầy thách thức hiện nay.

Ngoài ra, khi giảm bớt gánh nặng tài chính, nhà trường có thể tập trung thêm nguồn lực vào các hoạt động thiết yếu khác như nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo, phục vụ nhu cầu học tập và phát triển của sinh viên và giảng viên trẻ.

Đồng tình với quan điểm này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hoài Đức - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông vận tải cũng cho rằng phương án giảm tỷ lệ trích lập quỹ học bổng khuyến khích học tập từ 8% xuống còn 5% là phù hợp trong bối cảnh hiện nay.

Thầy Đức nhấn mạnh, để đào tạo sinh viên một cách toàn diện, chỉ dựa vào kết quả học tập thôi là chưa đủ. Sinh viên cần được tham gia vào các hoạt động trải nghiệm thực tế, nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo. Việc giảm 3% mức trích lập quỹ học bổng sẽ tạo thêm nguồn lực cho các trường đầu tư nhiều hơn vào các hoạt động này, từ đó mang lại cho sinh viên cơ hội phát triển toàn diện thông qua nghiên cứu và trải nghiệm thực tế.

IMG_4393.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hoài Đức- Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông vận tải. Ảnh: Website nhà trường

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hoài Đức, trong thực tế, khi triển khai Nghị định 84/2020/NĐ-CP, nhà trường nhận thấy một số bất cập cần sửa đổi, cụ thể là quy định về đối tượng nhận học bổng. Thầy Đức đề xuất, thay vì áp dụng cho tất cả sinh viên có kết quả loại khá trở lên, chính sách học bổng nên dành cho các sinh viên có thành tích học tập loại giỏi, nhằm khuyến khích sự phấn đấu xuất sắc.

Bên cạnh đó, học bổng khuyến khích học tập cần đặc biệt quan tâm đến sinh viên nghèo có ý chí vươn lên, đạt thành tích cao trong học tập. Với những trường hợp có thành tích học tập tương đồng, chính sách học bổng nên ưu tiên cho các em có hoàn cảnh khó khăn hơn.

“Đây là một cách tiếp cận nhân văn, vừa giúp giảm bớt gánh nặng tài chính, vừa tiếp thêm động lực cho các em cố gắng hơn nữa trong học tập. Nghị định sửa đổi nên quy định dành tối thiểu 50% quỹ học bổng cho những sinh viên nghèo vượt khó, tạo nên sự hỗ trợ thiết thực và công bằng cho các em”, thầy Đức nêu quan điểm.

Trong khi đó, Thạc sĩ Trần Việt Toàn, Trưởng phòng Công tác sinh viên Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh lại nhận định, việc giảm tỷ lệ trích lập quỹ học bổng từ 8% xuống còn 5% là một thay đổi đáng kể trong chính sách học bổng khuyến khích học tập cho sinh viên.

Thầy Toàn cho rằng, với mức trích lập 8%, chỉ có khoảng 6% sinh viên được nhận học bổng, và nếu giảm xuống 5%, tỷ lệ này sẽ chỉ còn khoảng 4%. Đây là một con số khá khiêm tốn, đặc biệt trong bối cảnh tự chủ đại học hiện nay.

344858006_1385414768977135_7389916322977889130_n.jpg
Thạc sĩ Trần Việt Toàn, Trưởng phòng Công tác sinh viên Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC

Học bổng dành cho sinh viên mọi hệ đào tạo: Trường đại học nói gì?

Theo phương án 1, sinh viên các hệ vừa học vừa làm, đào tạo từ xa sẽ được xem xét nhận học bổng khuyến khích học tập như sinh viên hệ chính quy.

Theo Thạc sĩ Trần Việt Toàn, việc cấp học bổng khuyến khích học tập cho sinh viên các hệ vừa làm vừa học hoặc đào tạo từ xa giúp đảm bảo công bằng giữa các hệ đào tạo và thúc đẩy động lực học tập của sinh viên ở những hệ này. Nhiều sinh viên lựa chọn các chương trình học linh hoạt này vì hoàn cảnh cá nhân, khi vừa phải tự trang trải cuộc sống, vừa phải lo chi phí học tập. Do đó, những sinh viên này rất cần sự hỗ trợ và động viên từ nhà trường.

Thầy Toàn thông tin, hiện tại Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) xét cấp học bổng khuyến khích theo từng khoa, khóa và ngành. Nếu việc cấp học bổng cho các hệ đào tạo ngoài chính quy được thông qua, quy trình này sẽ tiếp tục được áp dụng với từng hệ đào tạo riêng biệt. Điều này sẽ đảm bảo rằng sinh viên ở mọi hệ đào tạo đều có cơ hội nhận học bổng, góp phần tạo nên một môi trường học tập công bằng, khích lệ sự nỗ lực ở tất cả các hình thức học tập.

Đồng quan điểm, Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiểu cho rằng việc không phân biệt giữa sinh viên hệ chính quy và các chương trình vừa làm vừa học hoặc đào tạo từ xa trong phân bổ học bổng khuyến khích học tập là một bước tiến cần thiết. Điều này sẽ đảm bảo công bằng hơn về quyền lợi giữa các hệ đào tạo, tạo động lực phấn đấu cho sinh viên ở các hình thức không tập trung, qua đó góp phần nâng cao chất lượng đào tạo chung. Những thay đổi này sẽ có tác động tích cực đến việc thu hút sinh viên theo học các hình thức đào tạo không tập trung, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của nhiều đối tượng sinh viên.

Ngoài ra, việc thay đổi này cũng đặt nền tảng để các trường cân đối học phí một cách phù hợp và trích lập quỹ học bổng dành cho sinh viên theo từng hệ đào tạo, giúp mở rộng cơ hội nhận học bổng khuyến khích cho sinh viên các chương trình ngoài chính quy.

Nếu điểm mới này trong dự thảo được thông qua, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm (Đại học Thái Nguyên) cho biết, nhà trường sẽ dựa trên hướng dẫn chính thức của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như Đại học Thái Nguyên để triển khai xây dựng chính sách và kế hoạch thực hiện theo đúng quy định.

Mặt khác, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hoài Đức lại có góc nhìn khác về việc không phân biệt hệ trong công tác cấp học bổng khuyến khích học tập.

Cụ thể, thầy Đức cho rằng, sinh viên các hệ vừa làm vừa học hoặc đào tạo từ xa đã được các cơ sở đào tạo sắp xếp thời gian linh hoạt, giúp họ vừa có thể đi làm để bổ sung nguồn thu nhập chính đáng, vừa hoàn thành chương trình học. Với những sinh viên học từ xa, họ có thể sống cùng gia đình tại địa phương mà không cần di chuyển lên trường, nhờ đó giảm bớt áp lực tài chính và đảm bảo được sự ổn định về vật chất. Điều này giúp họ có điều kiện kinh tế thuận lợi hơn so với sinh viên hệ chính quy.

Thêm vào đó, mặc dù chuẩn đầu ra của các hệ đào tạo là giống nhau, nhưng chuẩn đầu vào của các hệ vừa làm vừa học hoặc đào tạo từ xa thấp hơn nhiều so với hệ chính quy. Điều này dẫn đến số lượng sinh viên có thành tích xuất sắc ở các hệ không tập trung thấp hơn hẳn, và thậm chí ở một số ngành, rất ít sinh viên đạt kết quả loại giỏi.

Không chỉ vậy, việc đánh giá rèn luyện cho sinh viên hệ vừa làm vừa học hoặc từ xa cũng gặp không ít khó khăn do họ không tham gia vào các hoạt động đoàn thể và phong trào sinh viên tại trường. Vì thế, hầu như không có đủ cơ sở để đánh giá đầy đủ về kết quả rèn luyện của họ.

Do vậy, thầy Đức quan điểm sinh viên các hệ này không cần được bố trí học bổng, hoặc nếu có, tiêu chuẩn cấp học bổng cần được xem xét kỹ, ưu tiên các hoàn cảnh thực sự khó khăn.

Theo thầy Đức, việc không bố trí học bổng cho sinh viên ở các hệ đào tạo không tập trung sẽ không ảnh hưởng đến sự thu hút của các chương trình này, bởi đây là một phân khúc riêng, phù hợp với những sinh viên có nhu cầu vừa học vừa làm hoặc học từ xa.

“Hiện nay nhà trường đang phân bổ học bổng theo ngành, khoá học để đảm bảo tính công bằng cũng như thời điểm cấp học bổng, việc phân chia này là công bằng và không cần thay đổi.

Chúng tôi mong muốn nghị định cho phép các cơ sở đào tạo được tự chủ trong việc cấp học bổng khuyến khích học tập để các trường có thể quy định hoặc xem xét cấp học bổng cho các sinh viên loại giỏi trở lên, đồng thời xem xét ưu tiên các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn học giỏi”, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông vận tải cho hay.

Theo dự thảo, Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu lý do sửa Nghị định theo Phương án 1 như sau: Qua báo cáo sơ kết tình hình thực hiện Nghị định 84/2020/NĐ-CP và kết quả khảo sát cho thấy, đa số ý kiến của các cơ sở giáo dục đại học công lập cho rằng mức trích lập 8% nguồn thu học phí là cao, làm khó cho cơ sở giáo dục đại học công lập, nhất là các trường tự chủ mức độ 1.

Hiện nay, theo quy định tại Nghị định 109/2022/NĐ-CP về hoạt động khoa học và công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học, hằng năm, cơ sở giáo dục đại học trích tối thiểu 5% từ nguồn thu học phí, cơ sở giáo dục đại học định hướng nghiên cứu trích tối thiểu 8% từ nguồn thu học phí cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Như vậy, tổng 13%-16% nguồn thu học phí chi cho học bổng khuyến khích học tập và hoạt động khoa học công nghệ của trường là tỉ lệ lớn, trong khi cơ sở giáo dục đại học chủ yếu chỉ có nguồn thu từ học phí.

Tiếp thu ý kiến của đối tượng chịu sự điều chỉnh của văn bản (các cơ sở giáo dục đại học), dự thảo điều chỉnh quy định: đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, học bổng khuyến khích học tập được bố trí tối thiểu bằng 5% nguồn thu học phí đối với trường công lập (giảm 3% so với quy định hiện hành tại Nghị định 84/2020/NĐ-CP).

Theo phương án này, dự thảo Nghị định không có sự phân biệt học sinh, sinh viên học chương trình chính quy với người học chương trình vừa làm vừa học, đào tạo từ xa.

Châu Anh