Thầy cô tự làm sách chữ nổi, "thắp sáng" tương lai học sinh khiếm thị

11/11/2024 06:42
Thùy Trang

GDVN - Ngoài giờ hành chính và những ngày nghỉ cuối tuần, đội ngũ giáo viên tại cơ sở giáo dục đặc biệt vẫn miệt mài làm sách chữ nổi cho học sinh khiếm thị.

Sách chữ nổi là người bạn đồng hành không thể thiếu của học sinh khiếm thị trong hành trình chinh phục tri thức. Các em có thể độc lập tiếp cận thông tin, rèn luyện kỹ năng đọc viết và tư duy một cách chủ động. Đây chính là trợ lực vững chắc để các em thành công ở những bậc học tiếp theo.

Năm 2021, Trung tâm hỗ trợ phát triển Giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh Thái Nguyên được Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam lựa chọn là một trong những đơn vị tiên phong chuyển đổi và in sách giáo khoa chữ nổi lớp 1, 2 và 6 cho học sinh khiếm thị.

Nhận thức được tầm quan trọng của sách chữ nổi, đội ngũ giáo viên tại Trung tâm đã không ngừng nỗ lực, vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Năm 2023, Trung tâm tiếp tục chuyển đổi thành công sách giáo khoa lớp 7 và 10 môn Lịch sử và Địa lý, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và mở rộng cơ hội học tập cho học sinh khiếm thị.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Thị Kim Nhung, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển Giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh Thái Nguyên cho biết, nguồn cung cấp sách chữ nổi cho học sinh khiếm thị tại trung tâm chủ yếu vẫn dựa vào sự hỗ trợ của Viện Khoa học và Giáo dục Việt Nam, thông qua các nguồn tài trợ.

Các em học sinh khiếm thị đang khao khát được có những cuốn sách chữ nổi để có thể theo kịp chương trình học. Hiện tại, nguồn cung sách còn rất hạn chế, chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu, chủ yếu là sách Toán, Tiếng Việt cho học sinh lớp 1 và lớp 2.

z6008353688922_70ff7fd5f2e50b18d85328cbfc09529e.jpg
Các thầy cô tại Trung tâm hỗ trợ phát triển Giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh Thái Nguyên tranh thủ sau giờ học để làm sách chữ nổi cho học sinh. Ảnh: NTCC.

“Nhà trường thực hiện phần phôi sách, chưa hoàn thiện thành sản phẩm sách hoàn chỉnh. Sau khi hoàn thành phôi, nhà trường sẽ chuyển giao cho Viện Khoa học Giáo dục để thẩm định và phê duyệt. Khi đã đạt tiêu chuẩn, Viện sẽ tiến hành in ấn và phân phối sách đến các trường học”, cô Nhung chia sẻ.

Ngày đêm không nghỉ vừa dạy học, vừa làm sách

Việc hoàn thành một bộ phôi sách thường kéo dài hàng năm trời. Để đảm bảo tiến độ công việc, giáo viên phải làm việc ngoài giờ, vào các ngày cuối tuần và cả trong những kỳ nghỉ hè. Thậm chí, nhiều giáo viên còn tranh thủ những khoảng thời gian rảnh rỗi giữa các tiết học để tham gia vào quá trình làm phôi sách.

Sách chữ nổi bao gồm hai phần: phần chữ và phần hình. Trong khi phần chữ đã được chuẩn hóa thành hệ thống chữ nổi Braille thì phần hình được xem là thách thức lớn nhất.

 z6008353841014_8cf4675068e720e8a2d630a0b1bd1616.jpg
Công việc thủ công đòi hỏi tính tỉ mỉ và khéo kéo bởi có những chi tiết rất nhỏ trong sách cũng cần được thể hiện. Ảnh: Trung tâm cung cấp.

Với những môn học như Lịch sử và Địa lí, các bản đồ, hình ảnh phức tạp cần được chuyển đổi thủ công, mất rất nhiều thời gian và công sức. Các giáo viên phải sử dụng nhiều kỹ thuật khác nhau để tạo nên những điểm nổi có độ dày, độ sâu khác nhau, tương ứng với đường nét đứt, nét liền, màu sắc trên bản đồ thông thường.

“Một bản đồ của sách giáo khoa nổi thường phải được cắt thành nhiều mảnh nhỏ để phù hợp với kích thước của sách. Đặc biệt, đối với những trang có bản đồ nhiều chi tiết phức tạp, chúng tôi có thể mất vài ngày để hoàn thành một trang”, cô Nhung cho biết.

z6008354037338_622265569b58a98fe43134adfde617eb.jpg
Các chi tiết trên hình ảnh được giáo viên cắt tỉa cẩn thận để tạo ra các phần nổi riêng biệt. Ảnh: Trung tâm cung cấp.

Không phải hình ảnh nào cũng phù hợp để chuyển đổi thành chữ nổi, đặc biệt là những hình ảnh quá phức tạp hoặc có quá nhiều chi tiết nhỏ. Để đảm bảo hiệu quả học tập, giáo viên cần lựa chọn những hình ảnh đơn giản, rõ nét và có tính minh họa cao, đồng thời ưu tiên hình ảnh mang tính quyết định đối với việc hiểu bài hoặc những hình ảnh mà học sinh có thể dễ dàng cảm nhận bằng xúc giác.

Sau khi lựa chọn hình ảnh phù hợp, các giáo viên sẽ tiến hành tạo mẫu. Hình ảnh gốc được in hoặc vẽ lên một tấm giấy cứng để làm mẫu chính. Từ mẫu chính này, nhiều bản sao được tạo ra bằng cách in ấn để phục vụ cho các công đoạn tiếp theo.

Một bản sao sẽ được dán lên một tấm ma-két để làm khuôn mẫu cho việc tạo hình nổi. Bản sao còn lại sẽ được dán lên một bề mặt phẳng, chờ mực khô hoàn toàn. Các chi tiết trên hình ảnh được giáo viên cắt tỉa cẩn thận để tạo ra các phần nổi riêng biệt. Cuối cùng, phần nổi này sẽ được dán chính xác lên khuôn mẫu trên ma-két, tạo thành một hình ảnh nổi hoàn chỉnh.

z6008360243383_e00f3125dc7b1362920d5f71a49083b1.jpg
Bản sao sau khi đã được in trên ma-két. Ảnh: Trung tâm cung cấp.

Việc chuyển đổi hình ảnh sang dạng nổi là một quá trình đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ và sáng tạo. Giáo viên sẽ sử dụng các vật liệu quen thuộc như dây chỉ, giấy, hoặc những hình khối nhỏ để tạo nên những chi tiết nổi bật trên hình. Chẳng hạn, dây chỉ có thể được dùng để tạo nên các đường kinh tuyến, vĩ tuyến, trong khi các hình khối nhỏ có thể được sử dụng để biểu diễn các địa hình như núi, đồi, sông, hồ. Thậm chí, những vật liệu như dây giấy, hình tam giác, hình vuông có thể được sử dụng để thể hiện các yếu tố như đường giao thông (đường bộ, đường sắt), các nguồn tài nguyên (mỏ than, mỏ quặng).

Mỗi hình ảnh trong sách đều được đánh dấu và chú thích bằng chữ nổi Braille tương ứng để người đọc khiếm thị có thể nắm bắt nội dung một cách chính xác và đầy đủ. Để thuận tiện cho việc tìm kiếm thông tin, các trang sách sẽ được đánh số kép: số trang bằng chữ thường được in ở góc dưới bên phải, còn số trang bằng chữ nổi Braille sẽ được đặt ở góc trên bên phải.

Quá trình tạo ra sách chữ nổi là một công việc đòi hỏi sự kiên trì, tập trung cao độ và một trái tim yêu nghề sâu sắc. Ngoài trọng trách truyền đạt kiến thức trên giảng đường, giáo viên còn gánh vác thêm nhiệm vụ tạo ra công cụ đặc biệt hỗ trợ học sinh khiếm thị - sách chữ nổi. Mỗi sai sót nhỏ đều có thể ảnh hưởng đến việc tiếp thu kiến thức của học sinh. Áp lực công việc kép này không chỉ khiến họ phải đối mặt với nguy cơ mỏi mắt, đau nhức cơ thể mà còn tác động không nhỏ đến sức khỏe tinh thần.

z6010479764547_c06aa86e813a1b7cb70b69fbcb3bf66d.jpg
Những cuốn sách chữ nổi sau khi đã hoàn thiện. Ảnh: Trung tâm cung cấp.

Để hoàn thiện một quyển sách nổi, các thầy cô phải dành cả năm, tranh thủ từng giây từng phút sau giờ làm việc, cuối tuần, thậm chí xuyên suốt kỳ nghỉ hè. Nhưng dù vất vả là thế, các thầy cô vẫn tập trung làm sách nổi suốt nhiều năm qua. Bởi lẽ là do thiếu vắng đơn vị sản xuất chuyên nghiệp, cung cấp sách chữ nổi chuẩn hóa cho các trường học.

Cô Kim Nhung cho biết, việc thiếu thốn thiết bị hiện đại như máy in nhiệt (phục vụ in hình nổi), máy in kim (phục vụ in hình chữ) là một trong những trở ngại lớn trong quá trình sản xuất sách. Viện Khoa học Giáo dục đã hỗ trợ Trung tâm mượn một máy in nhiệt để làm sách mẫu. Tuy nhiên, do máy móc cũ kỹ, công suất hoạt động hạn chế nên việc in ấn gặp nhiều khó khăn. Chưa kể, việc phải gửi phần chữ về Hà Nội để in đã làm chậm tiến độ và ngốn thêm không ít chi phí.

Nếu có một đơn vị chuyên sản xuất sách giáo khoa chữ nổi công nghiệp, giáo viên sẽ được san sẻ gánh nặng công việc. Bên cạnh đó, việc sản xuất hàng loạt sẽ giúp giảm giá thành sản phẩm, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh khiếm thị tiếp cận sách. Để đảm bảo chất lượng sách chữ nổi, đơn vị sản xuất cũng cần có đội ngũ chuyên gia thẩm định chuyên môn cao. Nhờ đó, sách chữ nổi sẽ đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về nội dung, hình thức và tính thực tiễn, phục vụ tốt nhất cho việc học tập và nghiên cứu của người khiếm thị.

Thùy Trang