Chuyên gia kiến nghị cách thống kê để số liệu tỷ lệ SV có việc làm thực chất hơn

15/11/2024 06:17
Thu Thuỷ

GDVN - Theo các chuyên gia, trường đại học cần cải thiện quy trình thống kê, nhằm tăng cường tính minh bạch và khách quan trong báo cáo tỷ lệ có việc làm của SV.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Thông tư quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh giáo dục đại học và chỉ tiêu tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục mầm non.

Tại khoản 3, Điều 4 của dự thảo nêu rõ, một ngành, nhóm ngành trình độ đại học sẽ không được tăng chỉ tiêu tuyển sinh so với năm trước liền kề nếu tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm thấp hơn 70%.

Hiện nay, nhiều trường công bố tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 1 năm tốt nghiệp dao động từ 85-95%, thậm chí có trường lên tới 100%. Tuy nhiên, tỷ lệ này thường chỉ dựa trên số sinh viên phản hồi phiếu khảo sát chứ không phải tổng số sinh viên tốt nghiệp. Do đó, số liệu này chưa phản ánh đầy đủ tình hình việc làm của tất cả sinh viên trong một khoá.

Nhiều trường đại học thống kê chưa sát với thực tế

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh nhận định, tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 1 năm ra trường thường dựa trên số lượng sinh viên trả lời phiếu khảo sát. Điều này dẫn đến nguy cơ thiếu sót về mặt đại diện số liệu cho toàn bộ khoá sinh viên tốt nghiệp. Trong nhiều trường hợp, sinh viên chưa có việc làm hoặc làm việc trái ngành thường ngại phản hồi do tâm lý tránh áp lực, khiến số liệu có thể thiếu tính toàn diện.

gdvn-thay-dung-213.jpg
Phó giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Ngân Chi)

Điểm b, khoản 1, Điều 7, Thông tư 36/2017/TT-BGDĐT ban hành quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân yêu cầu các cơ sở giáo dục công khai tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 1 năm ra trường (bao gồm số sinh viên tốt nghiệp có việc làm và số sinh viên tốt nghiệp đang học nâng cao theo biểu mẫu 18).

Tuy nhiên, theo thầy Dũng, khi thực hiện Thông tư 36, nhiều trường chỉ công bố tỷ lệ sinh viên có việc làm nhưng chưa cụ thể hoá được loại hình công việc, dẫn đến tình trạng số liệu chưa phản ánh toàn diện như thực tế. Bởi khái niệm “có việc làm” có thể đang được hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm cả những công việc tạm thời hoặc không liên quan đến ngành học.

“Đối với sinh viên và phụ huynh, số liệu này thường là một trong những căn cứ quan trọng khi chọn trường và ngành học, do đó, sự thiếu chính xác có thể tạo ra sự hiểu lầm không đáng có. Bởi theo cách hiểu đơn giản, tỷ lệ càng cao tức là sinh viên ra trường có việc làm càng nhiều. Tuy nhiên, nếu phần lớn những người có việc làm đều không liên quan đến chuyên ngành đã học thì số liệu này chưa phản ánh đúng về chất lượng đào tạo và cơ hội nghề nghiệp.

Bên cạnh đó, số liệu về tỷ lệ sinh viên có việc làm cũng là một tiêu chí mà Bộ Giáo dục và Đào tạo sử dụng để phê duyệt chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường đại học. Nếu việc phê duyệt chỉ tiêu không dựa trên số liệu chính xác sẽ khiến việc tuyển sinh mất cân đối, có thể dẫn đến tình trạng thừa nhân lực ở một số ngành và thiếu hụt nhân lực ở những ngành khác. Trong dài hạn, điều này còn ảnh hưởng đến thị trường lao động khi không cung cấp đủ nhân lực đáp ứng đúng nhu cầu, dẫn đến mất cân bằng và lãng phí tài nguyên đào tạo”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng nêu quan điểm.

Cùng bàn về vấn đề này, Tiến sĩ Sái Công Hồng - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) nhận định, việc thống kê tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 1 năm ra trường là một chỉ tiêu để đánh giá chất lượng và hiệu quả đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học. Tuy nhiên, cách tiếp cận để thống kê tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp vẫn tồn tại nhiều bất cập, dẫn đến ảnh hưởng về đến độ tin cậy của các số liệu thống kê.

0p6a2379.jpg
Tiến sĩ Sái Công Hồng - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo).
(Ảnh: Website Trường Đại học Thủ đô Hà Nội)

Theo Tiến sĩ Sái Công Hồng, một trong những khó khăn của việc thống kê tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp là định nghĩa “có việc làm” chưa được tường minh để có độ tin cậy và tính giá trị của số liệu thống kê. Khái niệm này có thể bao hàm nhiều trường hợp: có việc làm đúng chuyên ngành, việc làm tạm thời, làm công việc không liên quan đến ngành học.. Nhiều sinh viên tốt nghiệp, mặc dù có việc làm, nhưng không làm đúng các chuyên môn được đào tạo tại cơ sở giáo dục đại học, dẫn đến tỷ lệ này chưa thực sự phản ánh đúng về chất lượng giáo dục của ngành được đào tạo.

Hiện nay, các trường thường sử dụng nhiều phương pháp khảo sát tự nguyện khác nhau, dẫn đến dữ liệu thống kê thu được có thể thiếu tính đồng nhất. Một số sinh viên đã tốt nghiệp có thể trả lời, trong khi một số sinh viên khác không phản hồi khiến dữ liệu chưa đủ bao quát toàn khóa. Hơn nữa, nhiều sinh viên khi ra trường thường thay đổi địa chỉ liên hệ hoặc không muốn chia sẻ thông tin cá nhân, gây khó khăn trong việc theo dõi. Điều này dẫn đến tỷ lệ phản hồi thấp, dữ liệu thống kê thu được chưa phản ánh sát với số liệu thực tế sinh viên tốt nghiệp.

Ngoài ra, kết quả của việc thống kê tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 1 năm tốt nghiệp còn là căn cứ để đánh giá và xếp hạng các trường, điều này tạo ra áp lực lớn lên các cơ sở giáo dục đại học. Mặt khác, nếu những số liệu công khai chưa thực sự chính xác, bao quát có thể dẫn đến kỳ vọng không thực tế từ sinh viên và phụ huynh.

Tăng cường hợp tác với doanh nghiệp để thu thập dữ liệu đa chiều

Điểm c, khoản 2, Điều 13, Thông tư 09/2024/TT-BGDĐT Quy định về công khai trong hoạt động của các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân có hiệu lực thi hành kể từ ngày 19 tháng 7 năm 2024, thay thế Thông tư số 36/2017/TT-BGDĐT yêu cầu các cơ sở giáo dục công khai: “Tỷ lệ người học tốt nghiệp đại học có việc làm phù hợp với trình độ đào tạo trong thời gian 12 tháng sau khi tốt nghiệp”.

So với Thông tư 36, Thông tư 09 đã có yêu cầu cụ thể hơn về tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm phải phù hợp với trình độ đào tạo. Tuy nhiên, các cơ sở giáo dục đại học vẫn gặp khó khăn trong việc thống kê như thế nào mới chính xác.

Để giải quyết bất cập trong việc thống kê tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 1 năm tốt nghiệp của các trường đại học, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng đề xuất 3 giải pháp.

Thứ nhất, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên yêu cầu các trường đại học thống kê chi tiết và công bố tỷ lệ sinh viên có việc làm đúng chuyên ngành, phân biệt với các công việc trái ngành hoặc các công việc tạm thời. Điều này sẽ giúp cung cấp thông tin rõ ràng, khách quan để sinh viên và phụ huynh nắm được.

Thứ hai, các cơ sở giáo dục đại học có thể cân nhắc mở rộng phương thức khảo sát để tăng tính đại diện của số liệu. Chẳng hạn, nên sử dụng các kênh liên lạc đa dạng như email, điện thoại, mạng xã hội hoặc có thể đưa ra những hình thức khuyến khích sinh viên phản hồi để đảm bảo thu thập được số liệu từ toàn bộ khoá sinh viên tốt nghiệp, tăng độ chính xác và tính toàn diện của thống kê.

Thứ ba, các trường đại học nên đẩy mạnh hợp tác chặt chẽ hơn với doanh nghiệp để thu thập thông tin về tình trạng việc làm của sinh viên. Khi có mối quan hệ bền chặt với doanh nghiệp, các cơ sở giáo dục đại học không chỉ nắm được số lượng sinh viên được tuyển dụng mà còn có thể đánh giá được mức độ phù hợp của công việc đối với ngành học. Dữ liệu từ doanh nghiệp sẽ bổ sung và đối chiếu với thông tin từ sinh viên, tạo nên cái nhìn toàn diện hơn về thị trường lao động và xu hướng nghề nghiệp của sinh viên.

“Việc cải thiện chất lượng và độ tin cậy của số liệu về tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 1 năm tốt nghiệp là điều cần thiết để xây dựng một môi trường giáo dục tốt. Những giải pháp trên không chỉ giúp phụ huynh, sinh viên có cái nhìn đúng đắn hơn về cơ hội nghề nghiệp mà còn giúp Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc xây dựng các chính sách tuyển sinh phù hợp.

Một trong những yếu tố mà các trường đại học cần cải thiện là một hệ thống thu thập và công bố số liệu chuẩn xác, rõ ràng, đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp để tạo ra những thế hệ sinh viên chất lượng, đáp ứng đúng nhu cầu của thị trường lao động trong tương lai”, thầy Dũng bày tỏ.

Đồng quan điểm trên, Tiến sĩ Sái Công Hồng cho rằng, để có thể phản ánh chính xác hơn về chất lượng và hiệu quả từ số liệu thống kê tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp, cần có một khung định nghĩa rõ ràng và đa chiều về khái niệm “có việc làm”. Nên phân loại các hình thức việc làm khác nhau như việc làm đúng ngành đào tạo, đúng vị trí việc làm mô tả liên quan đến ngành được đào tạo, việc làm có sử dụng một phần kiến thức, kĩ năng của ngành được đào tạo, việc làm tạm thời... Điều này giúp đảm bảo rằng dữ liệu thu thập được sẽ phản ánh đúng thực trạng về khả năng thích ứng và lựa chọn nghề nghiệp của sinh viên một cách toàn diện hơn.

ĐH ĐÀ NẴNG (2).jpg
Sinh viên Trường Đại học Đà Nẵng thực hành. (Ảnh minh họa: tư liệu nhà trường từng cung cấp)

“Ngoài ra, để hỗ trợ sinh viên tốt nghiệp tìm được việc làm phù hợp, các trường cần tăng cường hợp tác với doanh nghiệp. Việc xây dựng các chương trình thực tập, hợp tác đào tạo và hỗ trợ định hướng nghề nghiệp sẽ giúp sinh viên có thêm cơ hội tích lũy kinh nghiệm thực tế và tăng cường kỹ năng nghề nghiệp. Đồng thời, các trường có thể thiết lập mạng lưới cựu sinh viên để hỗ trợ sinh viên mới ra trường, tạo ra một cầu nối bền vững giữa nhà trường và thị trường lao động”, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) bày tỏ.

Trong khi đó, theo Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Nam - nguyên Giám đốc Đại học Đà Nẵng, để giúp số liệu thống kê tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 1 năm ra trường khái quát và toàn diện, các cơ quan quản lý giáo dục có thể áp dụng một số biện pháp cải thiện quy trình thống kê, nhằm tăng cường tính minh bạch và khách quan trong báo cáo tỷ lệ việc làm của sinh viên.

Cụ thể, các trường đại học cần thiết lập các quy định cụ thể và thống nhất về tiêu chuẩn tính tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 1 năm tốt nghiệp, trong đó bao gồm cả các yêu cầu về tỷ lệ phản hồi tối thiểu. Các cơ quan quản lý giáo dục có thể đưa ra hướng dẫn chi tiết về cách tính tỷ lệ, bao gồm việc yêu cầu các trường báo cáo rõ ràng số lượng sinh viên tốt nghiệp, số lượng sinh viên phản hồi và tỷ lệ phản hồi. Đây là một biện pháp có thể tránh được tình trạng các trường công bố tỷ lệ cao nhưng không dựa trên mẫu đại diện đủ lớn và không phản ánh thực tế.

Ngoài ra, có thể khuyến khích các trường sử dụng các công cụ công nghệ để theo dõi tình trạng việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp. Với sự phát triển của công nghệ hiện nay, các trường có thể thiết lập hệ thống theo dõi qua các nền tảng mạng xã hội hoặc các ứng dụng kết nối giữa trường và cựu sinh viên. Điều này không chỉ giúp cập nhật thông tin việc làm của sinh viên một cách liên tục mà còn tăng tính kết nối giữa nhà trường và sinh viên.

Bên cạnh đó, để đảm bảo sự minh bạch và đáng tin cậy của dữ liệu, các cơ quan quản lý nên thực hiện kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất về cách thức và quy trình thu thập dữ liệu của các trường. Việc công khai kết quả kiểm tra này cũng góp phần tăng cường trách nhiệm giải trình của các trường đại học và tạo niềm tin cho xã hội.

“Tính tỷ lệ sinh viên có việc làm sau một năm tốt nghiệp là một phương pháp để đánh giá khả năng của sinh viên trong việc hòa nhập với thị trường lao động. Tuy nhiên, để đảm bảo kết quả chính xác và có giá trị, quy trình này cần được thực hiện một cách khoa học, minh bạch và thống nhất để phản ánh đúng thực trạng, giúp sinh viên và phụ huynh có cái nhìn đúng đắn hơn về chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục.

Ngoài ra, việc tăng cường hướng nghiệp, hợp tác với doanh nghiệp và hỗ trợ khởi nghiệp sẽ giúp nâng cao chất lượng giáo dục và mở ra cơ hội tốt hơn cho sinh viên trong việc phát triển nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp”, nguyên Giám đốc Đại học Đà Nẵng bày tỏ.

Thu Thuỷ