Thầy giáo 5 giờ sáng đến trường, kiên trì vận động học sinh đến lớp

20/11/2024 08:18
Ngọc Huyền

GDVN - Đều đặn mỗi ngày trong 6 năm qua, thầy Dinh dậy từ 5 giờ sáng, vượt chặng đường dài hơn 40km đến trường. Con đường phủ sương mờ chưa từng làm thầy nản chí.

Thầy giáo dạy nhạc và nỗi xót xa với cây đàn hỏng

Thầy Hà Cảnh Dinh (quê tại huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An) là một trong những thầy cô được vinh danh trong chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2024. Công tác nhiều năm tại vùng miền núi, thầy đã lan toả tinh thần "yêu trò, yêu nghề" đến đội ngũ thầy cô giáo trẻ.

Gắn bó với Trường Trung học cơ sở Hoàn Lãm (xã Châu Hoàn, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An) từ năm 2018, thầy Hà Cảnh Dinh (sinh năm 1991), giáo viên môn Âm nhạc cho biết, đây là mái trường đầu tiên mà thầy công tác, cũng là nơi đem đến cho thầy những cảm xúc tự hào, thiêng liêng về nghề giáo.

Sinh ra và lớn lên tại xã Châu Phong (huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An), thầy Dinh đã quá quen với hình ảnh đồi núi trập trùng, con đường quanh co cùng những nếp nhà sàn ẩn mình trong sương. Dù vậy, khi chính thức nhận công tác tại quê hương, thầy không giấu nổi sự bồi hồi, xúc động.

“Tôi tốt nghiệp Khoa Sư phạm Âm nhạc, Trường Cao đẳng Văn hoá Nghệ thuật Nghệ An vào năm 2016. Khi đó, huyện Quỳ Châu vẫn chưa có chỉ tiêu tuyển viên chức, công chức, nên tôi đã có một thời gian xách balo ra Bắc Ninh tìm kiếm một công việc tạm thời.

Năm 2018, nghe tin huyện Quỳ Châu đang tuyển giáo viên, tôi lập tức trở về quê hương, làm hồ sơ thi tuyển. May mắn cũng đã mỉm cười, tôi chính thức thi đậu viên chức và trở thành nhà giáo, gắn bó với nghề mà tôi mơ ước từ lâu”, thầy Dinh nhớ lại.

z6019485351451_bc85cd8ba2385c24e25091ebd36d09d2.jpg
Thầy giáo Hà Cảnh Dinh, giáo viên môn Âm nhạc kiêm Tổng phụ trách Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh (Trường Trung học cơ sở Hoàn Lãm). Ảnh: NVCC.

Cách trung tâm huyện gần 40km, Châu Hoàn nhiều năm trước là một xã khó khăn, thiếu thốn trên địa bàn huyện Quỳ Châu. Độ 10 năm trước, nơi này vẫn thiếu điện, thiếu nước,...

Trong ký ức của thầy Dinh, trước đây, để đi từ xã Châu Hoàn đến trung tâm huyện, phải mất gần một ngày đường, đường đất quanh co bám theo chân đồi. Về sau, cơ sở hạ tầng phát triển hơn, giúp nhẹ bước chân người thầy giáo trẻ đến với các bản làng.

“Mỗi ngày, tôi dậy từ 5 giờ sáng để chuẩn bị đến trường. Khi trời còn tờ mờ, chưa tỏ mặt người, tôi đã bắt đầu cùng "bạn đồng hành" là chiếc xe máy leo dốc. Dù đường đã được trải nhựa, nhưng do nhà cách trường hơn 40km, lại có nhiều đoạn cua tay áo, nên tổng thời gian di chuyển vẫn hết hơn 1 tiếng", thầy Dinh bồi hồi.

460639582_122104802468527148_7445540346632986394_n.jpg
Con đường đến trường dù đã được trải nhựa nhưng vẫn ẩn chứa nhiều hiểm nguy, nhất là vào mùa mưa bão. Ảnh: NVCC.

Mặc dù có những lúc nhọc nhằn, thiếu thốn, nhưng chưa bao giờ thầy Dinh chùn bước trên con đường đến trường. Đối với người thầy giáo trẻ, ngày gian khó ấy đã đâm chồi những kỷ niệm ít ai có được.

“Trường nằm tại một xã miền núi, vùng cao, vì vậy quanh năm sương mù bao phủ. Nhất là vào mùa Đông, ngay sau khi tan trường, con đường xuôi dốc về nhà lại trở nên mù mịt. Nhiều thầy cô không dám về nhà.

Nhờ nhà trường tạo điều kiện, giáo viên được sắp xếp một khu để ở lại. Tôi cùng các thầy cô nấu cơm tối và hàn huyên về chuyện trên lớp, chuyện gia đình. Mặc dù có vất vả nhưng đây là giây phút đáng nhớ. Với giáo viên miền núi như chúng tôi, chỉ cần hằng ngày, nhìn các bạn nhỏ cười đùa, thầy cô lại quên đi bao vất vả vốn có”, thầy Dinh tâm sự.

Bước sang năm thứ 6 giảng dạy môn Âm nhạc tại trường, mỗi ngày, thầy vẫn miệt mài với công tác dạy học kèm hoạt động Đội tại trường. Khi mới về trường, thầy Dinh là một trong những giáo viên Âm nhạc hiếm hoi. Thầy chia sẻ, đa số thiết bị dạy học không được đầy đủ bằng các trường ở miền xuôi. Đối với các môn năng khiếu, sự thiếu thốn càng nhiều hơn.

Nhớ lại những ngày đầu được phân công về Trường Trung học cơ sở Hoàn Lãm, thầy Dinh cho biết: “Khi ấy, trường còn khó khăn về nhiều mặt.

Với các trường ở miền núi, bộ môn
Âm nhạc có thể ít được coi trọng. Tôi còn nhớ, vào một buổi dạy, tôi vô cùng hào hứng đi tìm đàn để dạy học. Vào phòng chứa giáo cụ dạy học, cầm chiếc đàn trên tay, tôi hụt hẫng khi biết đàn đã hỏng. Đó cũng là lúc tôi nhận ra, trường còn thiếu thốn nhiều về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học.

Mặt khác, phụ huynh tại địa phương cũng chưa quan tâm nhiều đến việc học của con em. Đối với một môn năng khiếu như môn Âm nhạc, các học sinh lại càng rụt rè, e ngại. Đây cũng là thử thách đối với tôi”, thầy Dinh bộc bạch.

Nhưng cũng chính những hình ảnh ấy lại trở thành nguồn độc lực giúp thầy Hà Cảnh Dinh quyết tâm hơn trong sự nghiệp giáo dục, để các em học sinh có thêm tự tin khi giao tiếp, và một ngày có thể đứng thể hiện được trên sân khấu.

Nhiều ngày liên tiếp đến nhà vận động học sinh đến lớp

“Các em học sinh tại Trường Trung học cơ sở Hoàn Lãm đều là con em đồng bào dân tộc thiểu số, kỹ năng giao tiếp chưa thực sự tốt. Vì vậy, việc trao đổi giữa học sinh và giáo viên cần nhiều nỗ lực.

Hơn nữa, các em đa số là con em gia đình có hoàn cảnh khó khăn, phụ huynh chưa thực sự quan tâm đến việc học của con cái. Thậm chí, nhiều cha mẹ có ý nghĩ sẽ cho con nghỉ học, ở nhà làm nương, làm rẫy. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến việc học của các em”, tâm trạng thầy Dinh bỗng chùng xuống.

m.jpg
Thầy Hà Cảnh Dinh trong một lần ghé thăm gia đình học sinh. Ảnh: NVCC.

Thầy Dinh nhấn mạnh, việc truyền đạt kiến thức đến học sinh vùng cao đã khó một, thì những ngày tháng đi vận động học sinh đến lớp còn khó khăn gấp mười lần…

Thầy Dinh tâm sự: “Có một trường hợp mà đến nay, tôi vẫn còn nhớ mãi. Ngày đó, tôi cùng giáo viên chủ nhiệm đi vận động một trường hợp học sinh nghỉ học, ngay trước thềm cuộc thi học sinh giỏi cấp huyện.

Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố mẹ đã để em đi theo bạn bè làm ăn xa. Khi nắm bắt được thông tin, tôi và giáo viên chủ nhiệm lập tức đến nhà, hết lời khuyên nhủ. Tôi gần như phải “bất lực” khi nghe bố mẹ em ấy nói: ‘Nhà giờ khó khăn quá, không lo được cho con đi học đâu, cho đi làm thôi’.

Không bỏ cuộc, những ngày tiếp theo, tôi cùng giáo viên chủ nhiệm vẫn kiên trì vận động, thậm chí có lúc phải nhờ cả Ban giám hiệu nhà trường đến thuyết phục. Để bố mẹ học sinh hiểu được mong muốn của thầy cô, tôi phải vừa nói tiếng phổ thông, vừa chêm tiếng Thái. Cuối cùng, gia đình cũng đồng ý liên lạc và đón em học sinh này về đi học trở lại”.

Thầy Dinh tự hào khi nhắc đến người học trò ấy: “Dù chỉ còn cách 3 ngày là đến kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện, hơn nữa, em đã bỏ ôn thi được một thời gian, nhưng em vẫn đi thi và đạt giải Khuyến khích môn Giáo dục công dân”.

Cũng dưới mái trường ấy, thầy giáo Hà Cảnh Dinh không chỉ là một người thầy, mà từng bước tiến vào cuộc sống của học trò với vai trò một người bạn đồng hành.

“Là một người con dân tộc Thái, sinh ra ở vùng núi, dù sao, tôi cũng có nhiều thuận lợi hơn so với các đồng nghiệp từ dưới xuôi lên. Ngoài những giờ giảng dạy trên lớp bằng tiếng phổ thông, tôi có thể trao đổi, giao tiếp với học sinh bằng tiếng Thái, để hiểu các em hơn. Nhờ lợi thế này, tôi có thể hiểu được tâm tư, tình cảm và từ đó, giúp đỡ, tháo gỡ những khúc mắc cho các em.

Tại địa phương, với những học sinh xa nhà sẽ sinh hoạt theo mô hình ‘bán trú dân nuôi’. Nghĩa là các em sẽ ở trọ nhà dân, tự nấu cơm, giặt giũ. Vì vậy, sau mỗi giờ học, tôi thường ghé thăm chỗ ăn, chỗ ở của các em, hướng dẫn tận tình từ việc nấu nướng, sinh hoạt.

Có lần, tôi để ý có một học trò thường xuyên đi bộ quãng đường cách trường 5km đi học. Sau khi tìm hiểu, được biết gia đình em có hoàn cảnh khó khăn, em chỉ ở với ông bà, nên tôi cùng các thầy cô đã xin cho em một chiếc xe đạp cũ nhưng vẫn dùng tốt để làm phương tiện đi lại”, thầy Dinh tâm sự.

Nhắc đến học trò, nét rạng rỡ lại hiện rõ trên khuôn mặt người thầy giáo vùng cao. Thầy Dinh cho biết, những khoảnh khắc thầy và trò chia sẻ với nhau như những người bạn khiến thầy vô cùng hạnh phúc.

“Tôi thấy học sinh của mình đang thiệt thòi quá nhiều so với các bạn cùng trang lứa ở miền xuôi. Thấy học sinh hứng thú trong mỗi tiết học, tôi càng có thêm động lực giúp bản thân vững tin hơn trên chặng đường này”, thầy Dinh nói.

z6019487006225_a2fe1755dab7e4c9e520bfe52eb601a2.jpg
Thầy Dinh luôn đồng hành cùng học sinh từ trường học đến đời sống. Ảnh: NVCC.

Trong suốt 6 năm công tác tại Trường Trung học cơ sở Hoàn Lãm, thầy Hà Cảnh Dinh nhận về nhiều bằng khen và đạt thành tích xuất sắc trong công tác giảng dạy cũng như hoạt động Đội tại trường.

Nhắc về hành trình vừa qua, nam giáo viên rạng rỡ chia sẻ: “Với các thầy cô vùng cao như chúng tôi, những tấm bằng khen là sự ghi nhận cho bao năm cống hiến. Nhưng trên hết, việc nhìn thấy các em học sinh trưởng thành, thay đổi mỗi ngày chính là nguồn động viên lớn nhất.

Tôi luôn mong muốn, có thể biến ngôi trường thành mái nhà thứ hai của các em, nơi học sinh cảm thấy được yêu thương và quan tâm, để các em tự tin bước vào đời. Tôi có niềm tin vào tương lai tươi sáng, vào thế hệ học sinh vùng cao với nền giáo dục đang tốt lên mỗi ngày”.

“Nghề giáo là một nghề cao quý, từ trước đến nay không chỉ đơn thuần là truyền đạt kiến thức, mà còn là nghề nuôi dưỡng tâm hồn, định hình nhân cách cho học sinh. Với tôi, trong vai trò một giáo viên kiêm Tổng phụ trách Đội, tôi sẽ luôn cố gắng hết sức, cống hiến tuổi trẻ cho sự phát triển của giáo dục vùng cao” - thầy Dinh bày tỏ.

Ngọc Huyền