Hai cô giáo trẻ xung phong đến Làng Mảnh, phải “hứng” sóng trên đồi để làm việc

21/11/2024 06:48
Khánh Hòa

GDVN- Không ngại vất vả, 2 cô giáo trẻ xung phong “gieo chữ” ở điểm trường xa nhất và đặc biệt khó khăn của huyện Văn Chấn. 

Ươm mầm ước mơ từ những hình ảnh đã in hằn vào ký ức

Làng Mảnh là thôn xa và khó khăn nhất của xã Sùng Đô (huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) nằm cách trung tâm xã gần 20km. Nếu Giàng Pằng là nơi cao nhất với độ cao gần 2.000m thì Làng Mảnh là bản sâu nhất, xa nhất nơi đây. Nhiều năm về trước, Làng Mảnh như một thế giới riêng tách biệt với bên ngoài, thậm chí có những người suốt thời gian dài chưa đến trung tâm xã.

Nhiều thầy cô không ngại gian nan đã đến “gieo chữ”, thắp sáng ước mơ cho các em học sinh. Trong đó, có hai cô giáo trẻ Triệu Mai Anh (sinh năm 1998) và Sộng Me Chung (sinh năm 1996).

Giữa những khó khăn, thiếu thốn về điều kiện vật chất, chưa có mạng lưới điện quốc gia, chưa có nước sạch, địa hình hiểm trở, nhiều đường đất dốc, quanh co, nhưng bằng trách nhiệm với nghề, sự tận tâm và tình yêu thương con trẻ, hai cô giáo trẻ đã vượt qua nhiều khó khăn để mang “ánh sáng tri thức”, ươm mầm con chữ đến với dân bản.

a.png
Điểm trường Làng Mảnh thuộc Trường mầm non Sùng Đô (xã Sùng Đô, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái). Ảnh: NVCC.

Đến hiện tại, người dân Làng Mảnh có thể băng qua con đường hiểm trở, cheo leo để xuống núi, trao đổi, buôn bán hàng hóa kiếm thêm thu nhập.

Cô Triệu Mai Anh chia sẻ: “Ngay từ khi còn nhỏ, tôi thường xuyên cùng mẹ lên “xóa bản trắng” (xóa mù chữ) tại một điểm trường mầm non nằm ở xã Nậm Mười (huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái).

Mẹ tôi cũng là cô giáo duy nhất xung phong đến các điểm trường còn khó khăn. Ban ngày, mẹ dạy học; tối đến, lại mở lớp dạy xóa mù chữ cho bà con dân bản dưới ánh đèn dầu mờ ảo. Những hình ảnh đó đã in hằn vào ký ức của tôi.

Tôi ước mơ trở thành giáo viên và quyết tâm theo nghề của mẹ để giúp đỡ người dân ở vùng sâu, vùng xa, còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Chính vì vậy, ngay sau khi ra trường, tôi đã đến với xã Sùng Đô, nơi các em nhỏ đâu đó vẫn còn cảnh cơm ăn chưa đủ no, quần áo mặc chưa đủ ấm…”.

zc.png
Các em học sinh tại điểm trường Làng Mảnh, Trường Mầm non xã Sùng Đô Ảnh: NVCC.

Cũng như cô Mai Anh, cô Sộng Me Chung từ nhỏ đã rất thích múa hát và yêu mến trẻ con. Ngay sau tốt nghiệp Trường Đại học Tây Bắc (tỉnh Sơn La), cô về Trường Mầm non Hoa Ban (xã Nghĩa Lộ, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) dạy học. Đến năm 2021, cô thi đỗ viên chức tại huyện Văn Chấn và được phân công công tác tại xã Sùng Đô. Từ đây, cô Chung bắt đầu bén duyên với các em nhỏ vùng cao.

Học sinh Làng Mảnh đều là người dân tộc thiểu số, hầu như chỉ biết nói tiếng Mông, chưa nói sõi tiếng phổ thông, khiến việc giảng dạy của giáo viên gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, do còn nhỏ tuổi, không giao tiếp nhiều, nên hầu hết các em còn nhút nhát, e dè, có khi chỉ đứng ngoài sân mà ngại không dám vào lớp.

Cô Sộng Me Chung chia sẻ: “Để các em dễ nhớ, dễ thuộc bài, tôi chủ động tăng cường tiếng Việt mỗi tuần 3 tiết, cũng như tranh thủ mọi hoạt động để tăng cường. Khi hiểu được nội dung của các bài thơ, câu chuyện bằng tiếng Việt, các em đều rất thích thú.

Khi tôi mới đặt chân đến điểm trường, những câu hỏi đơn giản như: “Con tên gì? Con mấy tuổi?”, các em không hiểu và nhắc lại y như lời cô. May mắn, tôi cũng là người Mông nên tôi có thể dùng tiếng mẹ đẻ để giải thích cho các em nghĩa và cách trả lời. Cứ như vậy, cô trò cùng trao đổi song ngữ với nhau, vừa tìm hiểu nhau, vừa bồi đắp tiếng phổ thông. Đối với những đồng nghiệp không biết tiếng Mông, việc giao tiếp, rèn luyện cùng học sinh còn gặp khá nhiều khó khăn, vất vả, do cô trò chưa hiểu hết ý của nhau…”.

Học sinh ở Làng Mảnh chỉ nói tiếng phổ thông khi ở trường với các cô; còn khi về nhà, các em lại giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ của mình. Vì vậy, công tác giảng dạy của các cô gặp muôn vàn khó khăn.

“Nhưng khó khăn nào rồi cũng vượt qua, vì tình thương và mong muốn đến 5 tuổi, các em có thể giao tiếp được những từ cơ bản bằng tiếng Việt, thuộc hết bảng chữ cái, bảng chữ số và biết cách cầm bút viết sao cho đúng để các em có hành trang tốt nhất bước vào bậc tiểu học” - nữ giáo viên mỉm cười.

a.png
Cô Sộng Me Chung bên các em học sinh tại Làng Mảnh. Ảnh: NVCC.

“Hứng” sóng điện thoại mỗi đêm để làm việc

Con đường từ trung tâm xã Sùng Đô đến Làng Mảnh khoảng gần 20km với địa hình đặc biệt khó khăn. Những con dốc nối nhau ngoằn ngoèo qua núi đá. Vào mùa mưa, đất đá sạt lở khiến con đường lầy lội vô cùng nguy hiểm. Đến với điểm trường không mạng Internet, không có sóng điện thoại, hai cô giáo đều có những kỷ niệm không thể nào quên.

Cô Mai Anh tâm sự: “Vừa đặt chân đến Làng Mảnh, người dân thấy chúng tôi thì mừng lắm, hỏi thăm rất nhiều và bảo ‘Ở đây chúng tôi không có thịt, không có tiền cho các cô… chứ rau và gạo thì đầy. Các cô không sợ đói đâu nhé!

Cứ ngỡ đó chỉ là một câu nói vui thôi, nhưng ngày hôm sau, khi phụ huynh đưa con đi học, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi thấy người thì mang bó rau cải, mấy quả su su, người thì ôm theo bó củi, người lại xách theo túi gạo… mang đến cho chúng tôi. Thấy bà con nơi đây vừa gặp mà đã coi chúng tôi như người nhà, tôi rất xúc động và càng quyết tâm phải mang con chữ “soi sáng” cho Làng Mảnh”.

Cô Mai Anh kể, khi mới đến điểm trường này, cô không dám tự đi xe vì tay lái yếu, mà phải nhờ cô Chung chở đi.

Ngồi bên cạnh, cô Me Chung tiếp lời: “Kỷ niệm mà tôi nhớ nhất đó là ngày đầu tiên đến với Làng Mảnh, vì đường quá xấu nên chúng tôi đã bị ngã, lật xe đúng đoạn dốc. Nếu dựng xe lên không cẩn thận, rất có thể xe sẽ lao xuống vực sâu. Xung quanh chỉ toàn đồi núi hoang vu, không có ai qua lại, nên hai chúng tôi đành phải… ngồi chờ. Phải mất cả tiếng sau, mới có người đi qua, giúp dựng xe và tiếp tục đoạn đường đến với các em học sinh”.

cd38371c-0007-4be9-ad91-0dd3f56b663e.jpg
Con đường hơn 20km từ trung tâm xã đến với Làng Mảnh và những hình ảnh khó quên với các cô. Ảnh: NVCC.

“Đường đã khó đi, sau cơn bão số 3 (cơn bão Yagi) vừa qua, lại bị sạt lở nhiều, khiến giao thông gần như “tê liệt”, bà con dân bản phải mang cuốc, xẻng mở đường và đưa hai cô đến điểm trường an toàn.

Có lẽ, điều đáng quý nhất trong hành trang những năm tháng đi dạy của cả tôi và cô Mai Anh chính là những hành động giản dị và tình cảm mà học trò cũng như toàn bộ người dân trong bản đã trao cho chúng tôi.

Nhớ nhất là mỗi đêm, tôi và cô Mai Anh phải leo lên đỉnh đồi cách điểm trường hơn 1km “hứng” sóng điện thoại để dùng 4G, sau đó tranh thủ soạn giáo án và gửi tài liệu về nhà trường. Điểm đồi tuy cao, nhưng cũng có lúc hứng được sóng, có lúc không, nên có khi tôi phải đợi đến 20-30 phút mới có thể hoàn thành.

Chúng tôi cũng tranh thủ vài phút ngắn ngủi gọi điện thoại về nhà, hỏi thăm tình hình của các con, cho vơi bớt nỗi nhớ gia đình…” - cô Chung tâm sự.

972ebb3f-a33c-43d2-af44-8853ef03d1a4.jpg
Hình ảnh cô giáo “hứng” sóng trên đỉnh đồi cao để làm việc. Ảnh NVCC.

Dù khó khăn, nhưng hai cô giáo vẫn cảm nhận, điều đó chưa là gì so với những đứa trẻ mới 3-4 tuổi, mà mỗi sáng phải đi bộ đến trường, với những bữa trưa đơn giản, đã nguội lạnh mà các em mang theo trong cặp lồng. Hai cô không chỉ dạy học, mà còn đảm nhiệm cả việc nấu nướng cho học sinh.

Cô Chung chia sẻ: “Do đường sá đi lại khó khăn, cách trung tâm xã Sùng Đô khoảng 20km, lại không có điện, không có nước sạch, không có sóng điện thoại, nên không thể tổ chức nấu ăn trưa tại điểm trường. Trước đây, phụ huynh sẽ chuẩn bị cặp lồng cơm cho các em mang đi học, nhưng vì đường xa nên cơm canh cũng dễ bị đổ, nhất là đợi đến trưa thì đồ ăn cũng đã nguội…

Chúng tôi đã vận động phụ huynh ủng hộ củi và rau, củ, quả để nấu ăn trưa cho các em. Được ăn cơm canh nóng, sẽ giúp các em đảm bảo sức khỏe và cảm thấy ngon miệng hơn”.

b1013c85-f7a4-4117-a75d-b0edd251ff18.jpg
Các cô giáo nấu thêm canh nóng cho học trò từ những rau, củ, quả phụ huynh mang đến. Ảnh: NVCC.

“Từ khi đến với Làng Mảnh, chúng tôi cũng đã tuyên truyền, giải thích để phụ huynh nhận thức được tầm quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe cho con trẻ bằng bữa ăn có đủ chất, có rau, có thịt; nếu không có thịt thì có trứng. Nhờ vậy, cha mẹ học sinh dần nhận thức được việc nên dùng số tiền mà Nhà nước hỗ trợ để mua thức ăn cho các con được ăn uống đủ chất dinh dưỡng...

Mùa Đông đã bắt đầu trên bản vùng cao, nhìn thấy các em được ăn ngon, ngủ ngon, chúng tôi cũng thấy ấm lòng. Mặc dù thức ăn chưa được đa dạng, đầy đủ, nhưng các em ăn rất ngoan, rất giỏi và hết suất của mình. Nhìn những hình ảnh ấy, trong lòng chúng tôi lại cảm thấy một niềm vui len lỏi” cô Chung chia sẻ.

f6e13945-9afe-44b0-81ab-3675c1648757.jpg
Nhìn học sinh được ăn bữa cơm ấm nóng, các cô giáo tại điểm trường như có thêm niềm vui. Ảnh: NVCC.

Cho đi yêu thương nhận lại hạnh phúc

Cô Mai Anh tâm sự: “Từ ngày xung phong lên điểm trường Làng Mảnh mặc dù vất vả gian nan, nhưng chỉ cần nhìn thấy ánh mắt sáng ngời của các em khi tiếp thu kiến thức mới, biết chập chững chia sẻ về ước mơ sau này, tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Nụ cười của các em nhỏ chính là một phần thưởng vô giá đối với tôi. Dù có gian nan, có vất vả đến đâu, thì con đường đến với các em nhỏ vùng cao sẽ luôn luôn sẽ là lựa chọn của tôi”.

Chia sẻ về món quà đặc biệt nhất tại điểm trường vùng cao, cô giáo Sộng Me Chung xúc động nhớ lại: “Khi mới lên với Làng Mảnh, chúng tôi phải nằm ngủ dưới đất vì chiếc giường trước đó đã bị hỏng. Phụ huynh học sinh thấy vậy, đã tự tay lắp cho chúng tôi một chiếc giường. Đây là món quà mộc mạc nhưng đáng nhớ và ý nghĩa nhất trong suốt quãng thời gian làm nghề của chúng tôi”.

ag.jpg
Món quà đặc biệt hai cô giáo vùng cao được phụ huynh học sinh tặng. Ảnh NVCC.

Cả cô Mai Anh và cô Me Chung đều muốn nhắn nhủ đến những bạn trẻ đang theo đuổi sự nghiệp “trồng người”: “Nghề giáo luôn đòi hỏi sự tâm huyết, trách nhiệm và tình yêu với nghề. Tuy không dễ dàng, nhưng đó là một nghề vô cùng cao quý, mang lại niềm vui và ý nghĩa sâu sắc, nhất là khi thấy học trò trưởng thành và thành công.

Đối với các bạn trẻ mong muốn theo đuổi nghề giáo, có lẽ cần chuẩn bị cho mình một lòng kiên nhẫn và trái tim rộng mở, cố gắng cống hiến hết mình với học sinh. Có thể một chút cố gắng nhỏ sẽ thay đổi cuộc đời của một đứa trẻ và đặc biệt là những đứa trẻ vùng cao.

Công việc này đầy thử thách, nhưng cũng chính trong những khó khăn ấy, chúng ta sẽ tìm thấy niềm vui khi thấy học trò lớn lên, thay đổi và phát triển mỗi ngày. Khi yêu nghề và hết lòng với công việc, mỗi giáo viên sẽ cảm nhận được niềm hạnh phúc vô cùng lớn lao từ những thành quả mà mình mang lại cho xã hội”.

Chia sẻ thêm với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Thị Huyền Trang - Hiệu trưởng Trường mầm non Sùng Đô (huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) cho biết: “Cô Triệu Mai Anh và cô Sộng Me Chung đều là những giáo viên trẻ, có con còn rất nhỏ, nhưng vẫn tình nguyện đến điểm trường khó khăn nhất để công tác. Năng lực chuyên môn của cả hai cô đều rất tốt và công tác dân vận trên thôn bản cũng rất giỏi.

Điểm trường Làng Mảnh là điểm trường xa nhất và đặc biệt khó khăn của huyện Văn Chấn. Đường đi trơn trượt, men theo nhiều núi dốc cao. Hai cô thường sẽ vào điểm trường từ đầu tuần và ở lại trong bản, đến cuối tuần với về thăm nhà. Nếu cuối tuần nào trời trở mưa, hai cô sẽ ở lại điểm trường luôn, vì đường sẽ rất khó đi.

Tại điểm trường hiện vẫn chưa có nước sạch, nguồn nước dùng để sinh hoạt, nấu ăn, phải “bắt” từ khe suối trên đỉnh đồi về. Hai cô giáo ở tại điểm trường Làng Mảnh quả thực trăm bề vất vả. Nhiều khi, ở nhà trường có việc, cần gọi điện thoại để trao đổi với các cô, nhưng cũng không thể kết nối”.

Cùng với tình yêu sâu sắc dành cho nghề giáo và sự tận tâm không ngừng nghỉ, cô Mai Anh và cô Me Chung đã lựa chọn hy sinh một phần thanh xuân để cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục, góp phần nâng cao chất lượng học tập, giúp thế hệ trẻ vùng cao nhen lên ước mơ xuống núi, đi tìm đam mê của mình.

Khánh Hòa