GVMN 55 tuổi nghỉ hưu giúp ngành GD có dịp tuyển thầy cô trẻ trung, năng động

26/11/2024 06:26
Trần Trang

GDVN - Đề xuất giáo viên mầm non được nghỉ hưu khi đủ 55 tuổi giúp bảo vệ sức khỏe của giáo viên và duy trì chất lượng giáo dục.

Tại Điều 46 dự thảo Luật Nhà giáo quy định về chế độ nghỉ hưu đối với nhà giáo như sau: "Giáo viên mầm non được nghỉ hưu khi đủ 55 tuổi và được hưởng các chế độ nghỉ hưu theo quy định; tuổi nghỉ hưu của nhà giáo khác thực hiện theo quy định của Bộ luật Lao động”.

Điều này có nghĩa là nhà giáo trong các cơ sở giáo dục mầm non nếu có nguyện vọng thì có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 05 tuổi so với quy định và không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi. Đây cũng là mong mỏi của nhiều giáo viên mầm non.

Giáo viên mầm non “làm việc không nghỉ từ sáng đến tối”

Chia sẻ cùng phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô V.T.N, 47 tuổi, giáo viên mầm non tại huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang tâm sự: “Giáo viên mầm non hiện nay đảm nhiệm rất nhiều công việc, bao gồm chăm sóc trẻ, dạy học, tổ chức các hoạt động vui chơi, giảng dạy kỹ năng cơ bản và hỗ trợ sự phát triển toàn diện cho trẻ.

Ngoài ra, chúng tôi còn phải duy trì vệ sinh cá nhân cho trẻ, quản lý giờ ăn, giấc ngủ và giải quyết các tình huống đột xuất liên quan đến sức khỏe và tâm lý của các bé. Công việc nặng nhọc và áp lực nhất là phải đảm bảo an toàn cho trẻ và luôn giữ sự vui vẻ, tích cực trong suốt ngày dài làm việc”.

Nghề giáo viên mầm non đòi hỏi sức khỏe và sự linh hoạt cao vì họ phải chăm sóc và quản lý số lượng lớn trẻ em nhỏ tuổi. Độ tuổi tác động rất lớn đến sức khỏe của các cô, đặc biệt khi phải làm việc trong thời gian dài.

Theo cô V.T.N, ở độ tuổi gần 50, các vấn đề về sức khỏe như đau lưng, căng thẳng và mệt mỏi dễ xuất hiện. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến thể chất mà còn gây ra áp lực tâm lý, dẫn đến chất lượng dạy học suy giảm.

Vì vậy, cô V.T.N cho rằng quy định giáo viên mầm non được nghỉ hưu khi đủ 55 tuổi giúp bảo vệ sức khỏe của giáo viên và duy trì chất lượng giáo dục.

Nghỉ hưu sớm giúp giảm tải áp lực, cho phép giáo viên có thêm thời gian chăm sóc bản thân, gia đình và mang đến cơ hội tham gia các hoạt động khác ngoài công việc. Điều này giúp giáo viên tái tạo năng lượng và cải thiện chất lượng cuộc sống sau nhiều năm làm việc vất vả.

Ủng hộ quan điểm này, ông Phạm Thiết Chùy – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên chia sẻ: “Giáo viên mầm non phải năng động, nhanh nhẹn và có sức khỏe để đảm bảo tốt việc chăm sóc, dạy trẻ múa, hát. Đồng thời, các cô phải tự làm các mô hình, công cụ, đồ dùng, đồ chơi để phục vụ việc dạy học cho các cháu.

Làm việc liên tục, nhưng đến giờ nghỉ trưa, các cô hầu như không được ngủ vì còn phải trông, bế và dỗ dành trẻ, các cô thường thấy quá tải, thường xuyên đau đầu, mệt mỏi. Nhiều cô bị viêm dây thanh quản, đau xương khớp… Hướng dẫn các em nhảy, múa hát một chút là phải ngồi xuống thở vì sức khỏe không còn cho phép”.

gdvn-thietchuy-8515.jpg
Ông Phạm Thiết Chùy - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Ảnh: LC

Cũng theo ông Chùy, sau tuổi 55, việc theo dõi các bé sát sao tại lớp là rất khó. Bởi mắt đã mờ, chân tay đã chậm rất bất lợi cho việc quan sát cũng như chạy theo các bé. Nếu không thể quan tâm thường xuyên, trẻ có thể xảy ra các sự cố ngoài ý muốn vì độ tuổi này khá hiếu động.

Với những bé ở độ tuổi nhỏ (6-12 tháng), giáo viên phải bế bồng liên tục. Môi trường làm việc nhiều căng thẳng, khi thường xuyên tiếp xúc với tiếng ồn. Giáo viên phải kiên nhẫn khi ở trong lớp với hàng chục học sinh, có bé ngoan, khỏe mạnh nhưng cũng có trẻ nghịch hay sức khỏe yếu. Ngay cả khi hết giờ làm, áp lực vẫn chưa chấm dứt khi phụ huynh điện thoại hỏi tình hình của con.

Có chuyên môn nhiều năm về lĩnh vực giáo dục mầm non, ông Nguyễn Văn Thêm, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang bày tỏ, công việc của giáo viên mầm non có nhiều đặc điểm đặc thù so với các giáo viên ở các cấp học khác, điều này thể hiện rõ trong những yêu cầu khắt khe về thể chất, tinh thần và chuyên môn mà công việc này đòi hỏi.

Ông Thêm chỉ ra: “Đầu tiên, giáo viên mầm non phải làm việc không ngừng nghỉ từ sáng sớm cho đến chiều tối. Họ phải có mặt tại lớp học từ rất sớm, trước khi các trẻ em đến, để chuẩn bị cơ sở vật chất và các hoạt động học tập cho ngày mới. Sau khi giờ học kết thúc, họ lại tiếp tục làm việc cho đến khi tất cả các trẻ được phụ huynh đón về.

Vì vậy, thời gian làm việc của giáo viên mầm non thường kéo dài và có thể vượt ra ngoài khung giờ làm việc thông thường. Điều này tạo nên một áp lực công việc rất lớn, khi họ không chỉ phải thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, mà còn đảm bảo chăm sóc, nuôi dưỡng và đảm bảo an toàn về cả thể chất lẫn tinh thần cho một số lượng lớn trẻ em.

Bên cạnh đó, giáo viên mầm non còn phải giải quyết nhiều tình huống khẩn cấp, từ việc xử lý các vấn đề sức khỏe của trẻ đến việc giải quyết mâu thuẫn, rủi ro về tai nạn có thể xảy ra trong suốt quá trình học tập và vui chơi”.

ong-nguyen-van-them-pho-giam-doc-so-gddt-bac-giang-trao-doi-tai-hoi-nghi-538.jpg
Ông Nguyễn Văn Thêm - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Tường San.

Ông Thêm cũng cho biết, đặc thù của công việc giáo viên mầm non không chỉ nằm ở thời gian làm việc kéo dài mà còn ở những yêu cầu về năng lực và khả năng đáp ứng sự phát triển toàn diện của trẻ em.

Để có thể đáp ứng các nhu cầu đa dạng của trẻ, giáo viên mầm non cần phải rất tỉ mỉ, tinh tế và nhạy bén trong từng hành động chăm sóc, nuôi dưỡng. Giáo viên phải theo dõi và hỗ trợ sự phát triển của từng trẻ trong mọi khía cạnh, từ thể chất đến tâm lý, trí tuệ.

Những trò chơi, hoạt động, hát múa không chỉ đòi hỏi sự năng động về thể chất mà còn cần khả năng truyền đạt, tạo hứng thú cho trẻ. Vì vậy, một giáo viên mầm non phải luôn giữ được tinh thần tươi mới và sức khỏe dồi dào để có thể đáp ứng những yêu cầu này.

“Khi giáo viên mầm non có độ tuổi càng cao, việc duy trì năng lượng và sức khỏe để đáp ứng yêu cầu công việc ngày càng trở nên khó khăn hơn. Những khó khăn này có thể ảnh hưởng đến khả năng giáo dục và chăm sóc trẻ em một cách toàn diện, vì vậy, công việc của giáo viên mầm non có thể được xem là "lao động nặng nhọc" - ông Thêm bày tỏ.

Tạo cơ hội tuyển bổ sung đội ngũ giáo viên trẻ

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang cho hay, việc đề xuất giáo viên mầm non được nghỉ hưu khi đủ 55 tuổi có ý nghĩa với cả giáo viên nói riêng và ngành giáo dục mầm non nói chung.

Với chính bản thân giáo viên, các cô được nghỉ ngơi, bồi bổ sức khỏe, tâm lý, tinh thần sau rất nhiều năm công tác với đặc trưng là lao động nặng nhọc. Điều này không chỉ nhằm giảm bớt gánh nặng công việc cho các giáo viên có tuổi, mà còn đảm bảo chất lượng giáo dục, chăm sóc tốt nhất cho các em nhỏ.

Cùng với đó, việc giáo viên mầm non được nghỉ hưu khi đủ 55 tuổi còn tạo điều kiện để ngành giáo dục bổ sung lực lượng giáo viên mới, trẻ trung và năng động.

Giáo viên trẻ không chỉ có sức khỏe tốt mà còn có khả năng thích ứng nhanh với những phương pháp giảng dạy, những thay đổi trong chương trình giáo dục mầm non hiện đại. Điều này là rất quan trọng trong bối cảnh giáo dục mầm non đang ngày càng phát triển và yêu cầu các phương pháp giảng dạy sáng tạo, linh hoạt để đáp ứng nhu cầu của thế hệ trẻ.

Sự thay đổi đội ngũ giáo viên sẽ giúp nâng cao chất lượng dạy và học, đặc biệt trong việc áp dụng các phương pháp giảng dạy mới, phát triển các kỹ năng vận động, sáng tạo và tư duy cho trẻ.

Giáo viên trẻ cũng sẽ có thể mang lại một luồng gió mới, không chỉ về năng lượng mà còn về cách thức tổ chức lớp học, tổ chức các hoạt động giáo dục cho trẻ em, giúp nâng cao chất lượng giáo dục mầm non một cách toàn diện.

Bên cạnh chính sách cho phép giáo viên mầm non được nghỉ hưu khi đủ 55 tuổi, các thầy cô cần được hưởng thêm nhiều quyền lợi khác để có thể yên tâm và tiếp tục cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục.

Một trong những quyền lợi quan trọng là việc áp dụng chế độ phụ cấp đặc biệt dành riêng cho giáo viên mầm non. Cụ thể, cần phải nâng mức hệ số phụ cấp nghề nghiệp của giáo viên mầm non lên cao hơn so với các giáo viên ở các cấp học khác, để đảm bảo họ có đủ động lực và điều kiện làm việc tốt nhất trong một ngành nghề đòi hỏi sự kiên nhẫn, tình yêu thương và trách nhiệm rất lớn đối với trẻ nhỏ.

Mong muốn giáo viên mầm non được hỗ trợ nhiều hơn, ông Phạm Thiết Chùy đề xuất bên cạnh việc nghỉ hưu sớm thì các giáo viên mầm non nên được hưởng các quyền lợi khác như: Thăng hạng, lương hệ số; xem xét bổ sung giáo viên mầm non vào danh mục nghề độc hại, nặng nhọc, đồng thời có chính sách phù hợp hỗ trợ người làm việc trong ngành nghề này yên tâm công tác, gắn bó lâu dài.

Trần Trang