Chiều ngày 13/11, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam đã tổ chức gặp gỡ báo chí công bố kết quả Hành trình Thầy thuốc trẻ làm theo lời bác, tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng và chương trình CAREME 2024.
Tham dự chương trình có Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Bách - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam; Thạc sĩ, Dược sĩ Nguyễn Hữu Tú - Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam. Cùng lãnh đạo, quản lý một số bệnh viện, đơn vị, các em sinh viên ngành Y và đội ngũ thầy thuốc trẻ tham gia với hình thức trực tuyến.
Mở đầu chương trình, Thạc sĩ, Dược sĩ Nguyễn Hữu Tú báo cáo kết quả tổ chức Hành trình Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác, tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng năm 2024 và chương trình CAREME.
Mục đích chung của chương trình này là tăng cường công tác sàng lọc các bệnh mạn tính và ứng dụng chuyển đổi số trong hỗ trợ tăng cường chăm sóc sức khỏe thường xuyên cho người dân. Đồng thời, lập thành tích thiết thực chào mừng kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2024), với nhiều hoạt động tri ân gia đình cách mạng, Mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình liệt sỹ, thương bệnh binh, người dân có hoàn cảnh khó khăn; tăng cường đoàn kết, tập hợp lực lượng Thầy thuốc trẻ trong các hoạt động tại cộng đồng. Từ đó tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí và uy tín của tổ chức Hội đối với thanh niên và xã hội, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Thạc sĩ, Dược sĩ Nguyễn Hữu Tú cho biết, số lượng thầy thuốc trẻ tham gia hành trình là 21.217 người, cả trực tiếp và trực tuyến. Số lượng người dân được tư vấn, khám bệnh trực tiếp là 1.136.135 lượt người (gấp 11 lần chỉ tiêu).
Bên cạnh đó, số lượng người dân được sàng lọc bệnh qua nền tảng trí tuệ nhân tạo (AI) là hơn 1 triệu người. Có hơn 2,6 triệu lượt thanh niên được tư vấn về bệnh không lây nhiễm và các yếu tố nguy cơ (gấp 2,6 chỉ tiêu). Có 2.997 người dân, bệnh nhân và thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ tài chính hoặc hỗ trợ y tế miễn phí (gấp 3 chỉ tiêu). Hơn thế nữa, Hội/Câu lạc bộ doanh nhân trẻ, thầy thuốc trẻ tại địa phương có ít nhất 01 chương trình hỗ trợ thường xuyên cho người có hoàn cảnh khó khăn.
Nhân đây, Thạc sĩ, Dược sĩ Nguyễn Hữu Tú cũng điểm lại một số hoạt động nổi bật cấp trung ương. Đó là: Chương trình CAREME – Khám sàng lọc bệnh tim mạch – thận – chuyển hóa; Chương trình Chuyển đổi số vì sức khỏe Phổi; Chương trình vì một Việt Nam khỏe mạnh hơn; Chương trình Sống khỏe mỗi ngày; Hoạt động hỗ trợ khắc phục hậu quả bão Yagi.
Bên cạnh đó là các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng như: Tổ chức hoạt động tặng quà, tặng thuốc bổ, bữa cơm miễn phí cho người dân có hoàn cảnh khó khăn;Tổ chức hiến máu tình nguyện theo hướng dẫn hiến máu an toàn của Ban chỉ đạo hiến máu quốc gia; Tư vấn dinh dưỡng, khám sức khỏe, hướng dẫn thực hành vệ sinh và sức khỏe răng miệng cho thiếu nhi; Tổ chức hướng dẫn người dân sử dụng các phần mềm sàng lọc bệnh bằng AI do Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam cung cấp; Tổ chức hỗ trợ chi phí y tế cho bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, bệnh nhi bị các bệnh bẩm sinh...
Trong khuôn khổ chương trình đã diễn ra tọa đàm “Gánh nặng bệnh mạn tính và tiềm năng ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý bệnh”.
Tại phần báo cáo đề dẫn tọa đàm, Thạc sĩ, Dược sĩ Nguyễn Hữu Tú cũng nêu lên một số tiềm năng của việc ứng dụng chuyển đổi số trong Y tế.
Thứ nhất, tăng cường khả năng chẩn đoán và điều trị chính xác. Theo đó, AI được áp dụng rộng rãi để phân tích hình ảnh y khoa (CT, MRI, X-quang), giúp phát hiện sớm các bệnh lý như ung thư, bệnh tim mạch, và các vấn đề về phổi. Các hệ thống AI có thể phân tích hàng triệu hình ảnh với độ chính xác cao, giúp bác sĩ phát hiện tổn thương ở giai đoạn sớm và đưa ra phương án điều trị kịp thời.
Dữ liệu y tế số hóa và hệ thống phân tích AI cho phép xây dựng các phác đồ điều trị phù hợp với từng bệnh nhân, nâng cao hiệu quả điều trị và giảm thiểu rủi ro.
Thứ hai, tối ưu hóa quy trình chăm sóc và quản lý y tế. Việc lưu trữ hồ sơ sức khỏe điện tử giúp các bác sĩ dễ dàng truy cập thông tin, theo dõi lịch sử bệnh án và đưa ra các quyết định điều trị dựa trên dữ liệu đầy đủ. Điều này giúp giảm thiểu sai sót và tăng tính liên tục trong chăm sóc sức khỏe.
Các hệ thống quản lý kỹ thuật số có thể giảm thiểu thời gian chờ đợi cho bệnh nhân, quản lý lịch hẹn, và tự động hoá các tác vụ như đăng ký, thanh toán, giúp nâng cao trải nghiệm của bệnh nhân và giảm tải công việc cho nhân viên y tế.
Thứ ba, hỗ trợ khám chữa bệnh từ xa. Công nghệ giúp các bệnh viện triển khai dịch vụ khám chữa bệnh từ xa, đặc biệt hữu ích trong bối cảnh COVID-19. Bệnh nhân có thể nhận được tư vấn từ các chuyên gia y tế mà không cần phải đến bệnh viện, tiết kiệm thời gian và giảm nguy cơ lây nhiễm. Bên cạnh đó, các thiết bị đeo thông minh (wearable) có thể theo dõi liên tục các chỉ số sức khỏe như nhịp tim, huyết áp, và lượng đường trong máu. Những dữ liệu này được gửi trực tiếp đến bác sĩ, giúp họ theo dõi tình trạng sức khỏe bệnh nhân một cách chi tiết và can thiệp khi cần.
Thứ tư, hỗ trợ nghiên cứu và phát triển y học. Dữ liệu y tế lớn từ hàng triệu bệnh nhân có thể được phân tích để tìm ra các xu hướng, mẫu bệnh lý và phản ứng của bệnh nhân với các phương pháp điều trị. Việc phân tích này giúp phát triển các loại thuốc mới, cải tiến phác đồ điều trị và nâng cao chất lượng y tế toàn cầu. AI và mô hình hóa dữ liệu giúp dự đoán các đợt bùng phát dịch bệnh, đưa ra các biện pháp phòng ngừa và phản ứng nhanh chóng, hiệu quả.
Thứ năm, cải thiện hiệu quả chi phí và giảm tải cho hệ thống y tế. Công nghệ giúp giảm chi phí trong quy trình y tế thông qua tối ưu hóa quy trình, giảm số lần bệnh nhân phải tái khám, và cải thiện hiệu quả điều trị. Tự động hóa và hỗ trợ của AI giúp giảm gánh nặng công việc cho nhân viên y tế, cho phép họ tập trung hơn vào việc chăm sóc bệnh nhân và ra quyết định điều trị.
Chuyển đổi số và ứng dụng AI trong y tế không chỉ giúp tăng hiệu quả chẩn đoán, điều trị, và quản lý y tế, mà còn mang lại trải nghiệm tốt hơn cho bệnh nhân. Với sự phát triển không ngừng của công nghệ, tương lai của y tế số hứa hẹn sẽ góp phần quan trọng trong việc xây dựng hệ thống y tế thông minh và bền vững.
Tọa đàm nhận được sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành với những nội dung thảo luận tập trung vào chủ đề gánh nặng bệnh mạn tính và tiềm năng ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý bệnh.