Chính phủ đã có tờ trình số 656/TTr-CP gửi Quốc hội về dự thảo Luật Nhà giáo. Theo đó, dự thảo Luật Nhà giáo sẽ trình Quốc hội xem xét cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV.
Khoản 4, điều 31, chương V tại Dự thảo Luật Nhà giáo quy định: "Thời gian làm việc khi nghỉ hưu ở tuổi cao hơn không quá 5 năm đối với nhà giáo có trình độ tiến sĩ, không quá 7 năm đối với nhà giáo có chức danh phó giáo sư, không quá 10 năm đối với nhà giáo có chức danh giáo sư".
So với quy định hiện hành theo Nghị định 50/2022/NĐ-CP được ban hành ngày 2/8/2022 Quy định về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập, các giáo sư, phó giáo sư chỉ được kéo dài thời gian công tác tối đa không quá 5 năm (60 tháng).
Vừa tận dụng đội ngũ giảng viên có trình độ cao vừa tạo cơ hội cho thế hệ trẻ
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, việc kéo dài thời gian làm việc sau nghỉ hưu không quá 7 năm đối với nhà giáo có chức danh phó giáo sư, không quá 10 năm đối với nhà giáo có chức danh giáo sư, góp phần thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Một trong 9 nhiệm vụ của ngành Giáo dục được đặt ra trong Nghị quyết là “Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo”, trong đó đề cập đến việc cần chế độ ưu đãi và tuổi nghỉ hưu hợp lý đối với nhà giáo có trình độ cao.
Thầy Nam chia sẻ: "Tại Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), số lượng giáo sư, phó giáo sư được kéo dài thời gian làm việc sau khi nghỉ hưu hiện đang được quản lý chặt chẽ theo nhu cầu thực tế của nhà trường và quy định hiện hành.
Quy định kéo dài thời gian làm việc sau khi nghỉ hưu như trong Dự thảo Luật Nhà giáo không chỉ tạo điều kiện để những giảng viên này tiếp tục cống hiến mà còn đáp ứng các điều kiện về mở ngành đào tạo được quy định trong Thông tư 02/2022/TT-BGDĐT cũng như tiêu chí đánh giá chuẩn cơ sở giáo dục đại học theo Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT.
Các giảng viên có học vị và chức danh cao đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo chất lượng đào tạo, đảm bảo yêu cầu về số lượng và chất lượng giảng viên khi mở ngành mới hoặc duy trì các chương trình đào tạo chất lượng cao, đặc biệt ở bậc sau đại học.
Chính vì vậy, việc kéo dài thời gian làm việc sau nghỉ hưu ngắn đối với những nhà giáo có chức danh giáo sư, phó giáo sư đối với nhiều ngành đặc thù sẽ là lãng phí đội ngũ trí thức chất lượng cao".
Ngoài việc đảm bảo, duy trì các chương trình đào tạo, khi các giáo sư, phó giáo sư được kéo dài thời gian làm việc sau nghỉ hưu còn đóng vai trò quan trọng trong việc bồi dưỡng thế hệ giảng viên kế cận.
Cùng đề cập đến vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Tấn Quân - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế (Đại học Huế) cho biết, gần 100% tiến sĩ (giảng viên cao cấp), phó giáo sư, giáo sư của Nhà trường đều kéo dài thời gian làm việc sau khi đến tuổi nghỉ hưu theo quy định hiện hành.
Thầy Quân đánh giá đây là nguồn lực quý báu, có thể hỗ trợ, đóng góp cho Nhà trường trong quá trình đào tạo nhất là việc giảng dạy sau đại học, đặc biệt là bồi dưỡng đội ngũ giảng viên trẻ.
"Các nhà giáo có chức danh giáo sư, phó giáo sư là những người có kinh nghiệm nghiên cứu, giảng dạy với nhiều mối quan hệ trong cộng đồng khoa học.
Họ có thể hướng dẫn, cùng đứng tên các đề tài nghiên cứu hoặc kết nối giảng viên trẻ với các trường đại học, nơi họ từng làm việc, tạo điều kiện thuận lợi để thế hệ giảng viên sau phát triển, bứt phá" - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Tấn Quân khẳng định.
Cũng nhấn mạnh đến vai trò bồi dưỡng đội ngũ kế cận của các giảng viên có trình độ cao, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Quốc Bình - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) nêu ý kiến: "Ở khía cạnh tích cực, việc kéo dài thời gian làm việc sau nghỉ hưu của nhà giáo có chức danh giáo sư, phó giáo sư giúp Nhà nước tận dụng được nguồn nhân tài, các trường đại học đảm bảo chất lượng đào tạo, nghiên cứu.
Tuy nhiên để đội ngũ kế cận có nhiều cơ hội phát triển, theo tôi, các giáo sư, phó giáo sư nên là người tư vấn về hướng nghiên cứu, cách thức triển khai đề tài, đặc biệt là phản biện các vấn đề khoa học. Thầy cô không chỉ nêu ra những điểm mạnh mà quan trọng hơn là nhìn thấy điểm yếu, từ đó thúc đẩy giảng viên trẻ hoàn thiện kỹ năng nghiên cứu.
Mặc dù các giáo sư, phó giáo sư là người uyên bác, có kiến thức sâu rộng, dày dặn kinh nghiệm nghiên cứu và giảng dạy nhưng tôi cho rằng, khi kéo dài thời gian làm việc họ nên là người đứng sau, chỉ can thiệp vào những nội dung bài giảng có tính thách thức, còn các bài giảng thông thường cần giao cho cán bộ trẻ đảm nhận, để thế hệ này được rèn giũa".
Xây dựng cơ chế đặc thù dựa trên việc sử dụng chất xám của giáo sư, phó giáo sư
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Tấn Quân khẳng định, khi các nhà giáo có chức danh giáo sư, phó giáo sư còn đủ sức khỏe, có sự đam mê và mong muốn cống hiến nhưng phải nghỉ hưu theo quy định sẽ dẫn đến lãng phí nguồn tài nguyên tri thức. Việc kéo dài thời gian làm việc sau nghỉ hưu của đội ngũ này là một trong những yếu tố tác động tích cực đến việc tăng cường chất lượng giáo dục nước nhà trong giai đoạn tới.
Thầy Quân nói: "Điều quan trọng nhất là chúng ta có cơ chế để tiếp tục sử dụng có hiệu quả các nhà giáo có chức danh giáo sư, phó giáo sư, không thực hiện cứng nhắc, dập khuôn.
Cần xây dựng cơ chế đặc thù dựa trên cơ sở sử dụng chất xám của họ, tránh việc đặt sức ép về mặt thời gian, quản lý hành chính; các cơ sở giáo dục đại học cần được giao quyền chủ động, sử dụng đội ngũ một cách linh hoạt, phù hợp với đặc thù của từng đơn vị".
Bàn về những lưu ý khi sử dụng đội ngũ giảng viên có trình độ cao sau nghỉ hưu, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Quốc Bình chia sẻ: "Theo tôi, vấn đề trọng tâm là chúng ta biết cách sử dụng tốt nguồn nhân lực này để tránh lãng phí nguồn tài nguyên tri thức đáng quý
Các nhà nghiên cứu thường có độ tuổi làm việc dài hơn những người thực hiện công việc lao động thiên về chân, tay. Họ hoàn toàn có thể tư duy sáng tạo đến năm 70, 80 tuổi. Tuy nhiên, phải nhìn nhận thực tế rằng, về mặt sức khỏe thể chất, các giáo sư, phó giáo sư khó có thể duy trì cường độ công việc cao như trước.
Bởi vậy, chúng ta cần để các thầy cô tự điều chỉnh, lựa chọn phương án làm việc phù hợp thể trạng. Với những công việc nghiên cứu ngoài thực địa, rất cần sự đồng thuận cao của bản thân giáo sư, phó giáo sư thậm chí là từ phía gia đình của họ.
Bên cạnh đó, chúng ta tránh việc gây nên quá nhiều căng thẳng, áp đặt các quy định hành chính ví dụ như về mặt thời gian làm việc đối với các giáo sư, giáo sư.
Ngoài ra, cần đảm bảo tính chính danh khi họ tiếp tục kéo dài thời gian làm việc sau nghỉ hưu. Đội ngũ giảng viên có trình độ cao vẫn được phép sử dụng tài nguyên cơ sở vật chất, các thiết bị, phòng thí nghiệm, được đăng ký đề tài, dự án khoa học như cán bộ cơ hữu của đơn vị."
Nhà giáo không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý khi kéo dài thời gian làm việc
Bàn luận thêm về một số quy định khác được chỉ ra trong điều 31, chương V tại Dự thảo Luật Nhà giáo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam bày tỏ: "Đề xuất kéo dài thời gian làm việc đối với các nhà giáo có chức danh giáo sư, phó giáo sư kể từ khi đủ tuổi nghỉ hưu để giảng dạy, nghiên cứu khoa học nếu cơ sở giáo dục có nhu cầu và chấp thuận, có minh chứng đủ sức khỏe và tự nguyện là phù hợp với bối cảnh hiện nay.
Tôi cũng nhất trí, trong quá trình kéo dài làm việc, nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập chỉ làm nhiệm vụ chuyên môn, không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và không được bảo lưu phụ cấp chức vụ lãnh đạo. Điều này để đảm bảo các điều kiện sức khỏe và tận dụng tối đa được nguồn chất xám của các chuyên gia".